Trang

Kinh hãi những ký sinh trùng bò lúc nhúc trong người

vietnamnet.vn - 19/1/2013 13:00



Tiếp xúc với đất, cát, động vật, ăn hải sản tươi sống... cũng có thể khiến một số ký sinh trùng chui vào cơ thể người gây khó chịu, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Kinh hãi giun bò nhúc nhích dưới da
Thông tin về một bệnh nhân tại Hà Nội nhập viện với tình trạng giun bò nhúc nhích dưới da khắp cơ thể khiến người đọc kinh hãi. Nguyên nhân là do tiếp xúc nhiều với đất và vật nuôi mà không đeo găng tay nên đã bị ấu trùng sống trong đất và động vật chui vào da sinh sống. Theo kết luận của Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa virus Ký sinh trùng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì chị Lan (tên bệnh nhân - PV) đã nhiễm ký sinh trùng giun lươn (tên khoa học là Strongyloides Stercoralis).
Giun bò nhúc nhích dưới da chị Lan.
Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm). Khi cơ thể chúng ta bị suy giảm miễn dịch thì chúng bùng lên phát triển rất mạnh, phát tán đến nhiều cơ quan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Nguyên nhân nhiễm giun lươn là do bệnh nhân tiếp xúc nhiều với đất, vật nuôi hoặc ăn hải sản tươi sống.
Cách đây chưa lâu, sau một chuyến nghỉ dưỡng tại resort ở Bình Thuận, cơ thể của 3 nữ du khách tại TP.HCM nổi những vệt nhỏ màu hồng và ngứa sau đó lan rộng ra một vài nơi.
Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện da liễu và được kết luận là bị côn trùng cắn và cho 10 ngày thoa thuốc kèm uống nhưng không khỏi. Cuối cùng cả 3 nữ du khách quyết định đến xét nghiệm tại bệnh viện ĐH Y Dược và được kết luận là bị nhiễm ấu trùng giun móc chó, mèo. Nguyên nhân là do 3 người khi đi du lịch đã đắp bùn và ủ người dưới cát để giải trừ… độc tố cho gan. Ấu trùng giun móc chó, mèo ở trong đất, cát xuyên qua da người, di chuyển dưới da, tạo thành những đường đi ngoằn ngoèo có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Ấu trùng giun di chuyển dưới da người gây ngứa ngáy, khó chịu.
Đây là trường hợp ấu trùng lạc chỗ, lạc chủ điển hình gây ra nên không ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều, chỉ gây ngứa do các chất tiết của ấu trùng. Để điều trị đặc hiệu thì bệnh khỏi nhanh và không để lại sẹo. Nếu không điều trị, bệnh có thể tự khỏi sau ba tuần.
Người đàn ông với gần trăm con giòi sống trong mũi
Ông Hà Cát Tự (76 tuổi) ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn bị viêm xoang được đưa vào viện trong tình trạng có giòi trắng, giòi xanh trong mũi. Trước đó, khi người nhà dùng thuốc nam nhỏ vào mũi, đã phát hiện có giòi trong lỗ mũi bên phải bò ra. Khoảng 50 con giòi màu trắng, màu xanh dài khoảng 1cm đã được gia đình gắp ra khỏi lỗ mũi ông Tự. Sau đó, tại bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên đã tiếp tục gắp được hơn 40 con giòi nữa trong mũi ông Tự.
Ông Hà Cát Tự bị viêm nhiễm vách ngăn, phù nề và có giòi bên trong mũi.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường (khoa Tai - Mũi - Họng), bệnh nhân bị viêm nhiễm vách ngăn, hoại tử, niêm mạc phù nề, mũi trái xung huyết. Theo chẩn đoán ban đầu, có thể do bệnh nhân có tiền sử viêm xoang nên trứng côn trùng theo đường ăn uống hoặc sử dụng thuốc nam để chui vào mũi làm tổ. Hiện nay, ông Tự đã tỉnh táo và không thấy giòi trong mũi bò ra nữa.

Người phụ nữ “đẻ” ra đỉa

Câu chuyện về chị Đinh Thị Liên, Thôn Phú Hậu thuộc xã Diễn Tân (Diễn Châu, Nghệ An) “đẻ” ra đỉa đã khiến không ít người phải rùng rợn và tò mò. Theo chị Liên, khi chị đang đi làm ruộng thì thấy trong người khó chịu nên về sớm. Khi về gần đến nhà thì thấy máu chảy ra từ vùng kín khiến quần bị ướt. Có cái gì đó đang ngọ nguậy, chui ra từ vùng kín. Chị Liên dùng tay sờ xuống phía dưới cầm phần lồi ra của vật đang ngọ nguậy và kéo ra được cái gì đó dài chừng 30cm to bằng cổ tay người lớn (có đường kính khoảng 5cm)”. 
Chị Đinh Thị Liên, người “đẻ” ra đỉa diễn tả lại con đỉa chui từ trong cơ thể ra to bằng bắp tay.
Được biết, đó là loại đỉa trâu (Hirudinaria manillensis) là một loài đỉa thuộc ngành Giun đốt (Annelida), lớp đỉa (Hinrudinea) hay còn gọi là lớp giun không tơ achaeta) và là sinh vật sống ngoại ký sinh, nguồn thức ăn chính là máu của các loài động vật thuộc nhóm động vật có xương sống.
Đỉa trâu có môi trường sống ở các đầm lầy, ao hồ, nơi vùng trũng có nhiều trâu bò hay động vật có máu nóng, loại đỉa này cũng thường sống ký sinh trên rau muống. Đỉa trâu sống ký sinh, sinh sản phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống khá mãnh liệt trong nhiều môi trường.

Bị lột da vì nhiễm 4 loại kí sinh trùng chó, mèo


Đó là trường hợp hi hữu mà bệnh nhân Văn Viết Điền (sinh năm 1970, ngụ ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) mắc phải. Theo kết quả xét nghiệm thì anh bị nhiễm 4 loại kí sinh trùng là: Amip E.Histolytita, giun đũa chó mèo Toxocara SP, giun lươn Stronryloides Stercoralis, sán dải heo Cystycrose.
Anh Điền bị nhiễm 4 loại ký sinh trùng.
Ban đầu, chân tay ông bị sưng và sốt cao và có những biểu hiện khác thường. Ngay sau đó, người nhà đã đưa ông chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện: Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, viện da liễu và bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của anh đã giảm sút nghiêm trọng: tóc rụng sạch, cân nặng giảm sút từ 64kg xuống còn 34kg.

Cậu bé 3 tuổi chứa nửa cân giun trong bụng

Cậu bé Trần Văn Đạt (34 tháng tuổi, quê xã miền núi Tam Trà, huyện Núi Thành) được nhập viện với các triệu chứng đau trướng bụng dữ dội, nôn mửa, thể trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Sau khi tiến hành các xét nghiệm và các kỹ thuật hình ảnh, các bác sĩ xác định trong bụng bệnh nhân có một lượng giun lớn, chính là nguyên nhân gây tắc ruột.
Toàn bộ ruột của bé Đạt căng phồng.

Sau 3 tiếng đồng hồ thực hiện ca mổ, các y bác sĩ đã gắp được tổng cộng hơn 300 con giun dài 0,3-1cm, tổng trọng lượng hơn 0,5kg. Các bác sĩ cũng nhận định đây là ca bệnh nhi hy hữu, lần đầu tiên một cháu bé gần 3 tuổi mang trong bụng một lượng giun lớn đến như vậy.
Số giun bác sĩ lấy ra từ ruột bé Đạt.
Đây là trường hợp điển hình của tình trạng người dân thiếu ý thức trong chăm sóc, vệ sinh sức khỏe cho trẻ nhỏ, đặc biệt đối với các vùng làng quê, đã khiến hầu hết trẻ em ở vùng sâu vùng xa hiện nay đều mắc giun sán, dẫn đến suy dinh dưỡng và các biến chứng khác nguy hại đến sức khỏe. Mặc dù hiện nay, hệ thống y tế dự phòng đã cung cấp thuốc xổ giun miễn phí đến trạm y tế xã, chỉ cần phụ huynh liên hệ với trạm y tế xã để nhận thuốc xổ giun định kỳ cho con em.

Hiền Anh (Tổng hợp)


  • vietnamnet.vn - 15/1/2013 08:31

Ăn hải sản sống, giun lươn bò lúc nhúc dưới da

Một nguyên nhân dẫn đến việc giun lươn bò dưới da là do ăn hải sản sống. Ngoài ra, tiếp xúc với đất hoặc vật nuôi cũng khiến giun lươn xâm nhập cơ thể.
 

Nhiễm giun lươn từ đất, hải sản sống

Mới đây, bệnh nhân Lê Lan 41 tuổi (Khương Đình, Hà Nội) bị những con giun bò lổm nhổm dưới da. Theo kết luận của Bác sĩ - Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa virus Ký sinh trùng bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đó là loại giun lươn (tên khoa học là Strongyloides Stercoralis).
Giun lươn bò lúc nhúc dưới da chị Lan.
Chị Lan mắc giun vì khi tiếp xúc nhiều với đất, vật nuôi mà không đeo găng tay đã khiến ấu trùng sống trong đất và động vật chui vào trong da.
Còn ông H.V. D. nhà ở Thái Thịnh, Hà Nội nhập viện vì cơ thể suy kiệt do căn bệnh giun lươn. Ông hay đau bụng, đi ngoài, ăn uống không ngon, buồn nôn làm ông sụt cân khoảng 13 kg.

Trên da còn có những vệt loằng ngoằng dài. Lúc đầu ông tưởng bị dị ứng nên đi khám da liễu nhưng không khỏi bệnh.

Sau đó, các sĩ đã tìm ra bệnh của ông là nhiễm ấu trùng giun lươn. Ông được điều trị với thuốc uống căn bệnh đã ổn.

Ông cho biết: Khi khám bệnh, bác sĩ có hỏi ông làm nghề gì, có tiếp xúc với đất không? Ông có ăn uống gì sống thường xuyên?

Ông D. vốn làm ở quán hải sản. Vì vậy, mỗi khi khách kêu đồ và còn thừa thì món hàu sống, tôm cuốn sống là khoái khẩu của ông, ông đều ăn sạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị nhiễm giun lươn.
Ấu trùng giun không chỉ ở trong đất mà còn trong hải sản sống. Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết: Ăn hải sản sống, kể cả nguồn nguyên liệu sạch, vẫn có nguy cơ lây nhiễm vi trùng, ký sinh trùng trong quá trình bảo quản, chế biến.

Ký sinh trùng thường có trong hải sản sống hoặc nấu chưa chín, bao gồm: giun tròn, sán dây, sán lá gan... Giun tròn, sống ký sinh trong ruột cá voi, hải cẩu. Trứng của loài ký sinh này theo phân cá voi, hải cẩu thải ra ngoài, trôi nổi dật dờ trên biển và bám vào các loại cá, mực nhỏ hơn như: Cá bơn, cá đá, cá hồi, cá ngừ, tôm...

Sau đó, chúng phát triển thành ấu trùng. Các loại tôm, cá nhỏ lại là hải sản được ưa thích, vì vậy ăn sống dễ nhiễm giun.

Giun lươn xâm nhập vào người thế nào?

Ths – BS Huỳnh Hồng Quang, Viện sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn phân tích: Giun lươn tồn tại trong cơ thể con người hoặc ngoài môi trường tự do với 3 dạng: giun trưởng thành, trứng và ấu trùng. Ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể bằng cách chui qua da, theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, lên khí quản. Sau đó, nó tới hầu rồi chuyển sang thực quản, xuống ruột để trở thành giun trưởng thành.

Khi ấu trùng xuyên qua da, bệnh nhân có thể thấy biểu hiện viêm ngứa kiểu dị ứng. Nếu cường độ nhiễm cao mới xuất hiện rõ những triệu chứng về tiêu hóa: tiêu chảy 5-7 lần/ngày, phân lỏng toàn nước. Bệnh nhân thường bị thiếu máu nhẹ, suy nhược thần kinh. Một số trường hợp giun lươn lạc chỗ có thể gây các triệu chứng viêm phổi bất thường.
Bệnh nhân Văn Viết Điền (42 tuổi, Bình Phước) nhiễm giun lươn Strongyloides Stercoralis
Bệnh giun lươn mãn tính, không biến chứng có thể gặp ở người bình thường, không có suy giảm miễn dịch, đa số không có triệu chứng. Nếu có thường biểu hiện ở da như những đường ngoằn ngoèo ở da, bầm máu, nổi mề đay.

Biểu hiện ở đường tiêu hoá như đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ,....Trường hợp nặng, có biến chứng gặp ở người suy giảm miễn dịch. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như tắc ruột, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết.

Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm). Khi cơ thể chúng ta bị suy giảm miễn dịch thì chúng bùng lên phát triển rất mạnh, phát tán đến nhiều cơ quan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

Do đó, BS Quang khuyến cáo: Dù là bệnh nhẹ, không có biểu hiện gì nhưng nếu phát hiện có nhiễm giun lươn qua xét nghiệm thì cũng phải điều trị để giảm nguồn lây cho cộng đồng và tránh bệnh diễn tiến nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu chẳng may cơ thể bị suy giảm sức đề kháng.

Khi có giun lươn trong cơ thể, nếu có biểu hiện thì chỉ có triệu chứng ở đường tiêu hóa và ngoài da, như tiêu chảy, đau bụng, nổi mề đay, xuất hiện đường ngoằn ngoèo ở ngang thắt lưng, trên mu bàn tay, bàn chân và quanh hậu môn (do ấu trùng di chuyển).

Để phòng ngừa nhiễm giun lươn và các loại giun, sán nói chung (giun móc, giun mỏ, giun đũa, giun kim, giun tóc...), các chuyên gia ký sinh trùng khuyên không nên tiếp xúc đất mà không có phòng hộ cá nhân, nhất là không cho trẻ nghịch đất, đi chân đất hoặc chơi các trò chơi tiếp xúc với đất vì lý do ấu trùng loại giun này dễ dàng chui qua da rồi đi vào các cơ quan trong cơ thể.

Ngoài ra, tránh ăn hải sản sống nếu hải sản đó không được nuôi trong vùng được kiểm soát dịch, bệnh.
(Theo VTC News)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét