Trong số các bệnh do nấm gây ra, bệnh nấm sinh dục do Candida thường hay gặp, biểu hiện mạn tính, tái diễn nhiều lần, điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu tuân thủ điều trị kết hợp với việc loại trừ các yếu tố nguy cơ, bệnh vẫn hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Dấu hiệu nhận biết
Nhiễm nấm sinh dục thường gặp nhất là nấm âm đạo. Bình thường, nấm Candida ký sinh trên cơ thể người và không có biểu hiện gì. Khi môi trường pH âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho nấm phát triển, gây ra những biểu hiện bệnh.
Bệnh nấm Candida có thể lây truyền theo nhiều đường khác nhau như quan hệ tình dục không an toàn với người mang bệnh qua âm đạo, hậu môn hay miệng. Bệnh có thể lây lan qua các công cụ dùng chung như khăn, quần lót, công cụ trợ dâm (sextoy) với người mang bệnh. Khi mắc bệnh, người phụ nữ thường có hai triệu chứng nổi bật là rất ngứa và ra khí hư. Các biểu hiện khác là đau, cảm giác bỏng rát trong âm đạo, âm hộ, đi tiểu khó và đau khi giao hợp. Trường hợp nặng có thể gây đỏ, phù nề âm hộ và môi nhỏ, môi lớn, đôi khi lan ra cả đùi, bẹn. Bệnh thường nặng lên trước kỳ kinh nguyệt.
Đàn ông khi quan hệ tình dục với phụ nữ bị bệnh cũng có thể bị viêm quy đầu với biểu hiện đỏ, ngứa, cảm giác bỏng, rát và có chất nhày trắng. Bệnh thường xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau khi giao hợp và thường khỏi sau khi rửa sạch.
Thuốc điều trị và dự phòng
Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bạn hãy đến các trung tâm y tế xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất. Hiện nay, thường sử dụng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống toàn thân kết hợp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời vệ sinh cá nhân đúng cách.
Thông thường, khi xác định bệnh nhân bị nhiễm Candida âm đạo, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc fluconazole uống kết hợp với thuốc đặt âm đạo như miconazole. Đặt thuốc trước khi đi ngủ.
Đối với nam, thường không cần điều trị vì bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu bị viêm quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm như ketoconazole, clotrimazole. Đối với những trường hợp hay tái phát, cần dùng thuốc dự phòng từng đợt để phòng sự nhiễm bệnh những đợt tiếp theo.
Các thuốc chống nấm sử dụng toàn thân và tại chỗ hiện nay chủ yếu là nhóm nystatin, ketoconazole, fluconazole hay itraconazol. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này, đặc biệt ở các trường hợp tái diễn, dùng thuốc nhiều lần, cần chú ý theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc như: buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chảy máu tiêu hóa; thiểu năng tuyến thượng thận, gây chứng vú to ở nam giới và giảm tình dục; có thể gặp nhức đầu, chóng mặt, kích động hoặc ngủ gà, viêm da, phát ban, mày đay, tăng enzym gan.
Ketoconazol ức chế enzym gan, làm tăng nồng độ trong huyết tương của các thuốc chống đông máu, thuốc chống ung thư, kháng histamin H1 thế hệ 2, thuốc an thần và corticoid. Các thuốc kháng acid, kháng histamin H2 và isoniazid làm giảm hiệu quả trị nấm của ketoconazol.
Intraconazol làm giảm nồng độ trong huyết tương của rifampicin, phenytoin, carbamazepin. Tăng nồng độ trong huyết tương của digoxin, cyclosporin các kháng histamin như terfenadin, astemizol (gây độc với tim, xoắn đỉnh) và ảnh hưởng tới chuyển hóa của các thuốc chống tiểu đường.
Để dự phòng, chị em cần lưu ý: không nên mặc đồ lót quá chật, nên dùng loại vải bông; không nên mặc quần tây, quần jean quá chật; Không nên tự tiện sử dụng xà bông, nước hoa, chất khử mùi mà nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại này.
Đối với trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, cần kiểm tra lại vì rất có thể do bị bệnh đái tháo đường hoặc dùng kháng sinh kéo dài, thuốc tránh thai có estrogen hoặc quan hệ tình dục khi bệnh chưa dứt hẳn... Đây là các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng, tạo thuận lợi cho nấm phát triển, cần tìm nguyên nhân để điều trị.
ThS. Nguyễn Bạch
Thứ ba, 29/10/2013 | 07:00 GMT+7
Nấm candida là bệnh mà phần lớn phụ nữ cũng như nam giới đều dễ mắc phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát chúng bằng thực phẩm.
Nấm Candida là một loại nấm men, ký sinh trong cơ thể ở những chỗ ấm, ẩm ướt như miệng, ruột, âm đạo, trên bao quy đầu chưa cắt của nam giới. Một lượng nhỏ nấm candida được tìm thấy trong miệng và ruột giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa. Sự cân bằng loại nấm này sẽ giúp các cơ quan hoạt động bình thường. Nhưng, nếu số lượng nấm candida thay đổi do các yếu tố thuận lợi như thức ăn, thuốc hoặc điều kiện thời tiết, chúng sẽ xâm nhập vào máu và giải phóng độc tố dẫn đến rò ruột và sinh ra các triệu chứng bất lợi cho cơ thể.
Khi bị nấm candida, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như thèm đường, ngứa ngáy, mệt mỏi, khí hư ra nhiều, thay đổi tâm trạng và những biểu hiện tương tự như sưng, viêm, đau rát khi quan hệ tình dục, tiểu buốt… Hãy kiểm soát số lượng nấm candida bằng những thực phẩm dưới đây, theo MagforWomen.
|
Ảnh minh họa: MagforWomen |
1. Hành tây
Hành tây không chỉ là nguyên liệu tốt cho món salad và các món ăn khác, nó còn được dùng như một loại thuốc. Các đặc tính chống vi khuẩn, chống ký sinh trùng và chống nấm mạnh của hành tây làm cho nó trở thành loại thực phẩm tuyệt vời chống lại bệnh nấm candida. Một người bị nấm candida sẽ tích nước trong cơ thể và hành tây có tác dụng loại bỏ chất lỏng dư thừa đó.
2. Tỏi
Tỏi được xem là loại thuốc tốt nhất khi nói đến việc "chiến đấu" chống lại nấm candida. Lượng lưu huỳnh và các hoạt chất allicin trong tỏi là những chất chống nấm tự nhiên. Nó đồng thời giữ lại các vi khuẩn có lợi trong ruột. Tỏi tẩy ruột kết, giúp giải độc trong cơ thể.
3. Dầu dừa
Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách chiến đấu chống lại nấm candida là những gì dầu dừa có thể làm cho bạn. Axit lauric và axit caprylic trong dầu dừa chấm dứt sự phát triển quá mức của nấm Candida bằng cách giết chết chúng.
4. Các loại rau họ cải
Các loại rau cải như bắp cải, rau arugula, củ cải, bông cải xanh và cải bruxen có chứa lưu huỳnh, nitơ và những hợp chất isothiocyanates giúp chống lại các tế bào ung thư phát triển.
5. Giấm táo
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng giấm táo có enzyme giúp phân hủy các loại nấm men, trong đó có nấm candida.
6. Rong biển
Rong biển là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, hoạt động mạnh trong việc chiến đấu chống lại nấm candida. Hầu hết bệnh nhân bị nấm candida bị cường giáp, vì vậy rong biển giàu iốt giúp cân bằng tuyến giáp. Nó cũng giúp loại bỏ các chất ô nhiễm độc hại ra khỏi cơ thể và làm sạch ruột.
Ngoài việc sử dụng những thực phẩm trên, bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm lên men, bánh mì và những loại men khác có trong trà, cà phê, nước trái cây và các loại nấm khác để cơ thể sớm phục hồi.
Lan Lan
Nấm miệng Candida là nguyên nhân thường gặp của trẻ đến khám tại các phòng khám Nhi, cũng như là lý do các bà mẹ đưa bé đến mua thuốc tại các hiệu thuốc tây. Bệnh có thể được phát hiện tình cờ qua thăm khám, hay do những triệu chứng khó chịu của bé mà bà mẹ mang bé đến khám.
Mặc dù chẩn đoán và điều trị không khó, tuy nhiên vẫn còn những trường hợp bị bỏ sót có thể gây diễn tiến bệnh nặng hơn, hay không phải là nấm miệng nhưng một số bà mẹ vẫn tự ý dùng thuốc rơ miệng kháng nấm không cần thiết trong thời gian dài. Bài này chia sẻ kiến thức về nấm miệng candida ở trẻ em với các bà mẹ, bạn đọc để giúp tránh bỏ sót bệnh nấm miệng candida, cũng như tránh lạm dụng thuốc rơ miệng trong các tình trạng không cần thiết.
Nấm candida có những đặc điểm gì?
- Bình thường nấm candida thường trú trên cơ thể và không xâm lấn gây bệnh.
- Có 40 - 60% dân số là người lành mang Candida trên cơ thể.
- Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ... và có nhiều chủng khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là chủng candida albicans 70%.
- Trẻ thường nhiễm candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm candida âm đạo lúc mang thai.
- Miệng trẻ sơ sinh có pH thấp thuận lợi cho nấm phát triển.
- Nấm candida có 0,5 - 20% số nhũ nhi khỏe mạnh và 50% trẻ nhiễm HIV-AIDS.
Yếu tố thuận lợi nào cho nấm candida ở miệng phát triển gây bệnh?
- Hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành.
- Vệ sinh răng miệng kém, đặc biệt ở các bé đang điều trị chỉnh hình nha có mang các dụng cụ chỉnh nha gây khó khăn cho vệ sinh răng miệng.
- Các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch: HIV - AIDS, ung thư.
- Dùng thuốc corticoid - kháng sinh kéo dài - thuốc ức chế miễn dịch - hóa trị liệu ung thư.
- Suy dinh dưỡng.
- Chấn thương tại chỗ.
- Đái tháo đường.
- Giảm chức năng tuyến nước bọt.
Nấm candida ở miệng gây ra những triệu chứng gì ở trẻ em?
- Không triệu chứng, có thể do phát hiện tình cờ trong khi thăm khám một bệnh khác hay do tình cờ thấy những mảng trắng trên niêm mạc má hay lưỡi.
- Trẻ biếng ăn, hay có thể thay đổi vị giác ăn không cảm thấy ngon miệng.
- Đau rát họng, kích thích.
- Nôn ói.
- Nếu nặng: gây khó nuốt (nếu nấm lan xuống thực quản) hay khàn giọng (nếu nấm lan xuống thanh quản).
Khám miệng bé bị nấm miệng candida sẽ thấy những hình ảnh gì?
- Các mảng trắng như sữa, hay kem, phủ trên nền hồng ban - dính chặt vào niêm mạc lưỡi, má... khó bóc tách và khi cố bóc tách có thể gây chảy máu.
Đa số biểu hiện dưới dạng giả mạc trắng, một số biểu hiện với dạng bạch sản, tăng sản lưỡi, hay dạng viêm lưỡi có dạng hình thoi ở giữa lưỡi. Với trẻ hay dùng thuốc corticoid hít, hay xông trong điều trị dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt, cũng có thể bị nấm miệng candida dưới dạng hồng ban thường thấy ở vùng vòm họng.
Chẩn đoán dựa vào gì? Có cần thiết phải làm xét nghiệm không?
- Chẩn đoán chủ yếu dựa khám lâm sàng.
- Xét nghiệm hiếm cần thiết và chỉ thực hiện trong trường hợp khó chẩn đoán, kém đáp ứng điều trị... sẽ thấy các tế bào hạt men nẩy mầm, sợi tơ nấm giả khi nhuộm Gram, soi tưoi, hay sinh thiết và có thể định danh chủng nấm candida khi quệt cấy bệnh phẩm.
Các tình trạng hay bệnh lý nào có thể bị chẩn đoán nhầm là bị nấm miệng?
Lưỡi bản đồ: đây là tình trạng mà bà mẹ hay thường bị nhầm lẫn với nấm miệng candida nhất, và hay tự ý mua thuốc kháng nấm rơ miệng cho trẻ. Tình trạng rơ miệng không đúng này không những không cần thiết, mà đôi khi làm tăng thêm tình trạng khó chịu, tổn thương lưỡi và thậm chí biếng ăn của bé vì làm tổn thương các nụ vị giác trên lưỡi do rơ lưỡi không cần thiết và không đúng. Điều cần lưu ý là lưỡi bản đồ không phải là tình trạng nhiễm nấm candida miệng, với mảng có bờ giới hạn rõ trên lưỡi, và đôi khi gây loét lưỡi.
Dính sữa hay thức ăn: các mảng trắng dễ dàng làm sạch khi rơ miệng bằng gạc sạch. Dính sữa và thức ăn thường gặp tuổi ăn dặm và đặc biệt ở trẻ bú sữa công thức.
Loét miệng dạng aptơ: có thể kèm theo sốt, đau họng và khó nuốt. Điều trị tình trạng này chủ yếu là nâng đỡ, giảm sốt, giảm đau và bổ sung vitamin.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng: trẻ có lở, loét miệng và thường kèm hồng ban mụn nước ở lòng bàn chân, bàn tay, gối, mông và có thể kèm sốt và/ hoặc các biến chứng nặng khác về thần kinh, tim, phổi... Trong điều trị giảm đau họng của bệnh tay chân miệng có thể dùng thuốc ngậm hỗn dịch kháng acid và đôi khi sự dính các thuốc này trên miệng, lưỡi bé có thể bị chẩn đoán nhầm là bị nhiễm candida ở miệng.
ThS.BS. NGUYỄN ĐÌNH HUẤN
Rối loạn tiêu hóa có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm; do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nhiễm nấm Candida là một trong các nguyên nhân đó. Trước khi dùng thuốc kháng nấm, cần xác định có phải do nhiễm Candida đường tiêu hóa hay không?
Nấm Candida có ở khắp nơi, bất cứ lúc nào cũng có thể theo thức ăn nhiễm vào đường ruột, song chỉ khi có điều kiện thuận lợi, sinh sôi nảy nở nhiều mới gây bệnh. Tùy theo tình trạng, cơ địa người bệnh chọn dùng một trong các kháng nấm sau:
Nystatin: Khi bệnh nhẹ, không có sự bội nhiễm nên chọn dùng nystatin. Đây là thuốc kháng nấm chiết từ môi trường nuôi cấy Streptomyces nourseri có phổ kháng nấm hẹp, chủ yếu trên nấm Candida và Crytococcus. Nystatin liên kết với ergosterol của màng tế bào sợi nấm, làm rối loạn chuyển hóa kali của nấm rồi diệt nấm mà không gây hại cho người. Mặt khác, do nystatin không thấm qua màng ruột, chỉ có tác dụng chữa bệnh ở trong ruột mà không thấm vào để gây độc nên dùng đường ruột có tính an toàn cao.
Ketoconazol:
Khi bệnh ở mức vừa, có dấu hiệu bội nhiễm chọn dùng ketoconazol. Ketoconazol là thuốc kháng nấm phổ rộng, kháng Candida nội tạng cũng như kháng các nấm nội tạng khác như Paracoccidioses, Coccidioses, Histoplasma, Blastomyces. Ngoài ra, ketoconazol còn kháng vi khuẩn gram dương (+). Ketocionazol ức chế enzym alphademethylase (enzym tham gia vào tổng hợp ergosterol), ngăn cản sự tổng hợp ergosterol, làm thay đổi lipid của màng tế bào sợi nấm, ức chế chức năng, ức chế sự phát triển của nấm. Dùng liều thấp có tác dụng kìm nấm; dùng liều cao, có tác dụng diệt nấm.
Một vài lưu ý khi dùng: Không được dùng cùng lúc ketoconazol với thuốc trực tiếp trung hòa acid (nabicarbonat hay alluminium hydroxyt trong viên maalox), các thuốc ức chế bơm proton kháng tiết acid (cimetidin, omeprazol) vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Nếu cần phải dùng phối hợp thì phải dùng ketoconazol trước hoặc sau đó 2-3 giờ mới dùng các thuốc trên. Ketoconazol có thể gây ra buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...
Fluconazol: Khi bệnh nặng hơn, có tình trạng bội nhiễm nấm nhiều, chọn dùng kháng nấm phổ rộng mạnh fluconazol. Fluconazol bài tiết qua thận (80%), khi chức năng thận suy giảm, phải giảm liều. Khi dùng thuốc nếu có biểu hiện tróc vảy, hoại tử nhiễm độc da cần báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí kịp thời.
Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào sự cải thiện bệnh. Cần chú ý, khi khỏi bệnh (lâm sàng) nhưng Candida ở đường ruột vẫn còn (nhưng số lượng ít hơn) chứ không phải đã sạch hẳn.
DS. Bùi Văn Uy
Nấm âm đạo thường gặp ở phụ nữ là do một loại nấm có tên Candida Albicans gây ra. Ở điều kiện bình thường, nấm thường trực trong môi trường ở dạng bào tử nhưng không gây bệnh. Chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng, ẩm hoặc có nguyên nhân nào đó gây mất cân bằng môi trường sinh lý âm đạo, nấm mới phát triển và gây bệnh.
Điều kiện để nấm Candida phát triển và gây bệnh
Candida là một loại nấm men có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước nhỏ khoảng 2-5 µm, thường sống hoại sinh trong đường tiêu hóa của người, động vật và trong âm đạo... Ở người khoẻ mạnh bình thường, nấm candida tìm thấy được 30% ở miệng, 38% ở ruột, 39% ở âm đạo, 17% ở phế quản...
Nấm Candida có thể phát triển và gây bệnh ở bất cứ đâu trên cơ thể con người nhưng chủ yếu ở da, niêm mạc. Niêm mạc ở âm hộ, âm đạo của phụ nữ là nơi có thể dễ dàng bị nấm Candida ký sinh tại chỗ phát triển và gây bệnh khi có điều kiện thuận lợi.
Bệnh viêm âm đạo do nấm Candida là bệnh thường gặp trong các bệnh phụ khoa. Bệnh có liên quan đến việc sử dụng kháng sinh có phổ diệt khuẩn rộng và kéo dài, ở phụ nữ có thai vào 3 tháng cuối của thai kỳ, có độ pH ở âm đạo thấp và người bị bệnh tiểu đường... làm cho nấm ký sinh có cơ hội phát triển gây bệnh. Ở những đối tượng nữ có hoạt động tình dục mạnh hoặc dùng thuốc phòng tránh thai cũng là người có thể có yếu tố nguy cơ bị mắc bệnh viêm âm hộ, âm đạo do nấm Candida. Bệnh nhân thường có biểu hiện triệu chứng ngứa ngáy âm hộ, có cảm giác nóng bỏng, giao hợp bị đau đớn và khó khăn... Khám phụ khoa thấy niêm mạc âm hộ, âm đạo bị viêm đỏ, có mảng màu trắng, dịch tiết ra như sữa đông. Tổn thương có thể lan ra quanh âm hộ và háng bẹn của bệnh nhân.
Bệnh hay tái phát
Bệnh do nấm Candida ở âm đạo phụ nữ nhưng khi điều trị muốn khỏi bệnh phải điều trị cả cho vợ và chồng. Ở nhiều phụ nữ sau điều trị nấm âm đạo rất hay tái phát, ngoài nguyên nhân do chồng không cùng điều trị thì còn do người phụ nữ chủ quan, không làm đúng theo lời dặn của bác sĩ trong vệ sinh cá nhân như giặt riêng đồ lót bằng xà phòng, phơi khô ngoài nắng to trước khi mặc để tránh nhiễm nấm từ những đồ lót mặc lần trước. Không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ là khi dùng hết thuốc phải khám và xét nghiệm lại theo đúng lịch hẹn, dẫn đến tình trạng thuốc uống thuốc chưa đủ liều, đặt chưa trị dứt điểm sạch nấm. Đặc biệt, một số trường hợp còn tự ý mua thuốc đặt khi thấy có biểu hiện ngứa, ra khí hư, do đó làm tăng nguy cơ kháng thuốc, tái phát rất cao.
Cách phòng như thế nào?
Viêm âm đạo do nấm candida gây ngứa rát, khó chịu khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày và rất dễ tái phát môi trường pH dễ thay đổi. Vì vậy, để tránh nhiễm nấm, chị em nên thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục, giữ quần áo khô ráo, sạch sẽ, phơi ở nơi có ánh sáng mặt trời. Khi vệ sinh chỉ nên rửa ở bên ngoài, không nên thụt rửa sâu để tránh làm mất cân bằng môi trường pH. Khi nhiễm nấm, cần đi khám, xét nghiệm và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nếu phụ nữ có gia đình bị nhiễm nấm thì nên điều trị cả hai vợ chồng. Vì khi giao hợp, các vi khuẩn nấm sẽ đọng lại ở bao quy đầu của người chồng và đây là nguyên do khiến người vợ rất dễ nhiễm nấm trở lại.
Bác sĩ Thu Lan