8 dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có vấn đề
Category: Sống khỏe | Hits: 235 Print Email

inShare
Ăn ngon, ngủ tốt, sinh hoạt bình thường... không có nghĩa bạn không mắc bệnh. Đôi khi do chủ quan bạn đã bỏ qua các dấu hiệu mà cơ thể đã cảnh báo rằng sức khoẻ của bạn có vấn đề không ổn.
Mắt có quầng thâm
Quầng thâm dưới mắt xuất hiện và tồn tại trong thời gian dài (kể cả khi bạn ngủ ngon giấc và không phải làm việc vất vả) có thể là do 3 nguyên nhân. Một là thiếu ngủ. Hai là da ngày càng mỏng và trong hơn do tuổi tác nên các mạch máu đang ngày càng nổi rõ, dễ nhận thấy hơn. Ba là các mạch máu nằm quá sát với bề mặt da. Nếu quầng dưới mắt xuất hiện đột ngột và sưng mọng thì đó là biểu hiện của dị ứng hoặc do tuyến mồ hôi hay hệ bài tiết có vấn đề. Khi đó bạn cần ăn nhạt, hạn chế các thực phẩm nhiều mỡ ở mức tối đa và không hút thuốc lá.

Mắt có quầng thâm có thể do thiếu ngủ hoặc do da mỏng đi bởi tuổi tác.
Nướu đỏ, sưng và chảy máu kéo dài
Đừng nghĩ đơn giản đó chỉ là bệnh viêm lợi, viêm chân răng... mà có thể đó là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch chẳng hạn. Bởi các vi khuẩn gây viêm lợi sẽ xâm nhập vào máu và đưa tới khắp các cơ quan trong cơ thể. Nếu bạn đã chăm sóc rất kỹ các tổn thương nhỏ trong vùng miệng, đặc biệt là lợi mà máu vẫn tiếp tục chảy và vết thương không lành thì bạn cần phải tới bác sĩ ngay.
Móng tay nhợt nhạt và quặp vào trong
Trong trường hợp này, nhẹ nhất là cơ thể đang bị thiếu chất sắt. Nặng hơn, nhất là khi vùng da xung quanh móng đỏ, mềm và có vẻ sưng lên thì cơ thể đang bị nhiễm khuẩn.
Các ngón tay xanh xao
Hãy nhúng các ngón tay vào một cốc nước lạnh khoảng 30 giây, nếu các ngón tay chuyển sang màu trắng hay xanh thì lưu thông máu của bạn không được ổn lắm. Việc hạ thấp nhiệt độ đột ngột (hay stress) thường gây ra sự co thắt các mạch máu khiến cho việc cung cấp máu cho các ngón tay, ngón chân, mũi và tai bị ảnh hưởng. Kết quả là những phần này của cơ thể không được nhận đủ lượng máu cần thiết và dẫn tới sự tê cóng. Khi đó, bạn cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột để tránh nhiễm lạnh, dẫn đến các bệnh về đường hô hấp. Nên mặc ấm, đặc biệt là giữ ấm tay chân và vùng cổ khi trời lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi. Những người máu lưu thông kém không nên hút thuốc lá và uống rượu vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự lưu thông máu trong cơ thể.

Móng tay nhợt nhạt và quặp vào trong báo hiệu tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Làn da
Theo thời gian da sẽ mất đi độ đàn hồi, sự mịn màng và căng bóng. Tuy nhiên, nếu bạn còn trẻ hoặc tự nhiên da trở nên tái, thô ráp và bong ra nhiều hơn so với bình thường, thêm vào đó trí nhớ cũng kém hẳn đi, tăng cân nhanh, trở nên lãnh đạm, thờ ơ… thì hãy đi khám nội tiết, vì đó là dấu hiệu chứng tỏ tuyến giáp trạng hoạt động kém. Tuyến giáp sản xuất ra hormon thyroxin, có tác dụng hỗ trợ các hoạt động của vỏ não. Trí nhớ sẽ giảm sút đáng kể nếu thiếu thyroxin. Nếu da bạn trở nên ngứa ngáy, hãy xem chân có xuất hiện các nốt đỏ không? Nếu có thì gần như chắc chắn rằng tuyến giáp của bạn đang hoạt động vượt mức cho phép.
Nước tiểu màu vàng
Nước tiểu bình thường có màu trắng trong hoặc vàng nhạt. Khi nhiễm khuẩn, nước tiểu trở nên đục hơn. Nước tiểu màu vàng sậm có thể do bị cô đặc quá mức hoặc do sự xuất hiện của sắc tố mật trong nước tiểu. Muốn biết được nguyên nhân nước tiểu sậm màu, ít nhất bạn phải đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa niệu khám và thử nước tiểu. Cũng có thể nước tiểu màu vàng sậm do bạn uống nước quá ít, vì thế hãy uống khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày. Tuy nhiên, lượng nước mất mỗi ngày còn tùy thuộc: hoạt động thể lực, khí hậu môi trường, tình trạng sức khỏe... nên bạn cần chú ý "tiếp" nước cho cơ thể
Ngủ đủ mà vẫn mệt mỏi

Có nhiều người rất dễ ngủ, đặt lưng ngáy liền, thậm chí ngủ sâu nhưng sáng dậy vẫn mệt mỏi bần thần, cảm giác thân thể nặng nề, tinh thần mỏi mệt, tâm trạng chán chường tiếp tục kéo dài suốt ngày khiến người lúc nào cũng buồn ngủ như đêm qua chưa chợp mắt. Rất có thể bạn đang gặp stress kéo dài, cơ thể bạn có thể bị thiếu magie.
Sút cân không rõ nguyên nhân
Nếu một tháng bạn sụt 4 - 5 cân mà không rõ nguyên nhân mặc dù bạn ăn uống như bình thường thì rất có thể bạn mắc các bệnh như: cường giáp trạng, lao phổi, rối loạn tiêu hóa, hội chứng stress. Bạn nên đi khám tổng kiểm tra về lâm sàng và xét nghiệm để được điều trị đúng bệnh.
ThS. Hà Hùng (Theo SKĐS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét