Trang

Bị ung thư trực tràng vẫn sống khỏe suốt 12 năm

Thứ ba, 24/9/2013 | 09:18 GMT+7
(doisong.vnexpress.net) - Bị ung thư trực tràng, sau phẫu thuật phải làm hậu môn nhân tạo, lại không xạ trị, hóa chất, ai cũng nghĩ ông Bào (Ba Đình, Hà Nội) chỉ sống thêm được vài tháng. Trái lại ông vẫn sống khỏe 12 năm qua trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người.

Rót mời khách cốc nước "linh chi pha với la hán", ông cụ có nước da hồng hào, mái tóc đốm bạc cho biết, đây là loại nước có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt. Ngày nào ông cũng đun một phích để uống.

Cách đây 12 năm, tình cờ ông Đôn Văn Bào và vợ xem tivi. Chương trình nói về những dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư trực tràng. Xem đến đâu, ông chột dạ tới đó: "Sụt cân nhanh, ăn kém, đại tiện ra máu, chướng bụng, ợ hơi... Sao các triệu chứng đó giống tôi quá. Ngay hôm sau, tôi lên Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra thì đúng là bị ung thư trực tràng thật", ông Bào kể lại.

anh1_1379912989.jpg
Ông Bào vẫn sống khỏe mạnh hơn chục năm qua, không hề lo lắng về căn bệnh nan y. Ảnh: Phan Dương.

Ông Bào đi khám vào dịp sát Tết Nguyên đán năm 2001 nên bị hoãn mổ tới sau rằm tháng giêng. May thay có người quen trong Bệnh viện Quân y 103 hứa giúp mổ sớm nên ông xin chuyển viện, vừa gần nhà, vừa mổ kịp thời khi khối u chưa di căn.

Chất giọng đều, chất phác, ông Bào tâm sự, lúc mắc bệnh nan y, cả gia đình suy sụp lắm. Cả ngày vợ ông khóc lóc, ủ rũ, cúng bái. Ai cũng cầu mong ông phẫu thuật thành công, kéo dài thêm được sự sống ngày nào hay ngày đó. Ông Bào không lo lắng mà rất lạc quan, còn động viên lại mọi người.

"Sáng 19/12 mổ thì buổi tối trước đó tôi trốn về nhà tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ và động viên mọi người trong gia đình. Đến đêm trở lại viện thì thấy bác sĩ, y tá đang đi tìm tôi tán loạn. Bác sĩ mổ hỏi han sức khỏe, tinh thần tôi cũng như tâm lý vợ con. Lúc đó tôi nói một mạch: 'Tôi là thống soái, thủ lĩnh. Trước khi vào đây đã đả thông tư tưởng hết rồi'. Bác sĩ tưởng tôi dối lòng, muốn đo huyết áp. Đo xong ông cười bảo huyết áp của tôi là 120/80, rất tốt", ông Bào chia sẻ.

Tế bào ung thư trực tràng của ông Bào ở vị trị thấp, sát hậu môn nên phải cắt bỏ toàn bộ. Để dự trù khả năng di căn bác sĩ cắt thêm 5 cm ruột già. Sau mổ ông phải nối hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. "Nhà tôi kể lại, sau khi mổ bác sĩ nói: 'Giờ gia đình có thể về mổ lợn ăn mừng được rồi'. Đúng là nên mổ lợn ăn mừng bởi nếu để qua Tết thì ung thư đã di căn vào xương có vái tứ phương cũng không sống được", ông cho biết.

Lộ trình điều trị tiếp theo của tất cả bệnh nhân ung thư là xạ trị, truyền hóa chất ức chế sự xâm lấn của tế bào ung thư. Nhưng ông thấy việc xạ trị, truyền hóa chất sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, rụng tóc, kém ăn mà sự sống chẳng kéo dài được là bao nên dù nhiều lần gia đình động viên, bác sĩ gọi ông đều không đi.

c.jpg
Do vết mổ ngày xưa, ông Bào khó ngồi. Vì thế ở bàn tiếp khách luôn đặt một chiếc ghế nằm. Ảnh: Phan Dương.

Thay vào đó ông thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện nghiêm ngặt. Ngoài việc ăn ít, ông không ăn đồ biển, các đồ nóng, ợ hơi nhiều. Mỗi ngày ông đều đi thể dục, vận động nhẹ nhàng. Vết mổ ngày xưa khó ngồi thẳng nên ông phải nằm khi tiếp khách. "Sau mổ tôi uống mật gấu, mật ong với tam thất, thuốc Mediphyramin. 14 tháng sau đi kiểm tra thì mọi chỉ số đều tốt quá mong đợi, trong người không còn tế bào ung thư nữa", khuôn mặt ông tươi tỉnh khi kể lại.

Người đàn ông 70 tuổi chia sẻ thêm, khi uống mật gấu là ông đã xác định "một là sống, hai là chết" bởi mật gấu có tác dụng hoạt huyết rất tốt. Khi trong người còn tế bào ung thư thì nó sẽ khiến tế bào ung thư phát triển mạnh, dễ di căn. Nhưng nếu cơ thể không còn ung thư thì ông vừa mổ xong, mất máu, kiệt sức nên nó sẽ giúp phục hồi nhanh. Cách ông làm là pha mật gấu với rượu, đánh tan, trộn với tam thất ăn. Đối với mật ong cũng tương tự, trộn với tam thất ăn trước lúc ngủ. Sau vài tháng ông từ 48 tăng lên 51 kg. Ông kiên trì áp dụng cách này trong khoảng 3 năm.

Sau khi thoát khỏi án "tử hình", ông Bào thấm thía câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Ông đọc nhiều sách báo, nghiên cứu các tài liệu về y học cổ truyền. Tự ông chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình. "Cứ vài tháng tôi lại đi khám sức khỏe một lần, lấy các loại thuốc về uống. Nhưng khi trái gió trở trời bị sao đó tôi toàn tự chữa là chính. Tôi trồng một số cây thuốc ở 2 bên ban công và trước nhà", ông cụ chia sẻ.

Vợ ông Bào cho biết, cách đây 3 năm ông đi siêu âm phát hiện 2 u tuyến giáp dài chừng 5 cm. Ông kiên trì tự chữa bằng cách sắc nước lá đu đủ uống, kết với tập vẩy tay trong 45 phút (tương đương khoảng 1.800 lần). Làm như vậy đều đặn trong khoảng một năm, lúc đi siêu âm lại thì không còn thấy khối u nữa. "Cơ địa ông ấy hay dị ứng. Đợt đó ông lấy lá khế chua đun nước uống như uống chè sau một tháng thì chứng ngứa ngáy không còn, riêng men gan từ 4,5 giảm xuống 2,2", người vợ cho biết.

Theo đại tá, tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật bụng (Bệnh viện Quân y 103), thực ra ung thư không đáng sợ như con người vẫn tưởng. Thực tế ông có những bệnh nhân đã và đang sống chục năm, hai mươi năm. "Một bệnh nhân nữ phẫu thuật ung thư năm hơn 30 tuổi, phải dùng hậu môn nhân tạo đã sống đến năm thứ 10 rồi. Cô ấy vẫn mặc váy, đi khiêu vũ bình thường mà không ai biết phải dùng hậu môn nhân tạo", bác sĩ Dũng cho biết.

Theo bác sĩ Dũng, tâm lý là một yếu tố khó chữa nhất với những bệnh nhân ung thư. Và những người sống lâu được sau thời gian phẫu thuật, hóa trị đều là người lạc quan, kiên quyết chiến đấu với tử thần.

Hiện nay, các bệnh nhân ung thư được sử dụng lộ trình đa mô thức, bao gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ, dùng các thuốc miễn dịch, kết hợp thêm vị thuốc đông y. "Có những bệnh nhân không xạ trị mà thời gian sống vẫn kéo dài sau mổ là do được phẫu thuật các giai đoạn T1, T2 và phẫu thuật triệt để. Bệnh nhân Bào cũng như vậy", bác sĩ Dũng cho biết.

Đại tá Đặng Việt Dũng cho biết thêm, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt lộ trình điều trị, các bệnh nhân còn được khuyên dùng thêm những vị thuốc bổ có tác dụng miễn dịch rất tốt như linh chi, tam thất. Riêng về mật gấu có tác dụng hai mặt, không cần thiết, không nên dùng.

Phan Dương

Thứ tư, 15/5/2013 | 15:22 GMT+7
(doisong.vnexpress.net) - Sụt cân không rõ lý do, đầy hơi, nuốt khó hay biến đổi tuyến vú... là những triệu chứng cần được quan tâm bởi đây có thể là biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư. 

Nhiều phụ nữ trẻ tuổi có xu hướng bỏ qua các triệu chứng vì cho rằng ung thư là bệnh của người lớn tuổi. Đây quan niệm sai lầm bởi ngày nay quá nhiều người trẻ vẫn mắc bệnh.

Sụt cân không rõ lý do

Không ít chị em vui mừng khi giảm được cân mà không biết có thể là mối nguy. Nếu không ăn kiêng mà sụt cân nhanh (5kg một tháng) thì có thể do các bệnh lý cường tuyến giáp, đái tháo đường, lao phổi và có cả ung thư. Khi thấy giảm cân bất thường, chị em nên thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra tuyến giáp và đôi khi cần phải chụp CT scan kiểm tra nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau để xác định nguyên nhân.

Đầy hơi

Đây là triệu chứng phổ biến nhiều phụ nữ thường gặp. Hiện tượng này có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng, bởi các triệu chứng khác của ung thư buồng trứng bao gồm đau bụng, đau vùng chậu, cảm giác mau no ngay cả khi không ăn nhiều. Nếu đầy hơi xảy ra gần như mỗi ngày và kéo dài hơn một vài tuần, nên tham khảo ngay ý kiến bác sĩ..

Biến đổi tuyến vú

Hầu hết phụ nữ đều có thể nhận biết được các u cục trong vú, song u cục không phải là triệu chứng duy nhất của ung thư. Nếu da trên vú đỏ và dày lên có thể là dấu hiệu của ung thư vú xâm lấn nhưng hiếm gặp còn gọi là ung thư vú thể viêm. Tương tự, nếu nhìn thấy sự thay đổi của núm vú, hoặc nếu nhận thấy đầu vú có tiết dịch (nhưng không đang cho con bú), thì hãy đi khám bệnh ngay. Nếu núm vú đang bình thường bỗng thụt vào trong, thì đó không phải là một dấu hiệu tốt và đáng quan tâm. Người bệnh khi ấy nên kiểm tra vú, chụp nhũ ảnh, siêu âm tuyến vú, chụp MRI, và có thể cần phải làm sinh thiết.

Rong kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt

Phụ nữ tiền mãn kinh có xu hướng bỏ qua các giai đoạn xuất huyết âm đạo vì thường nhầm lẫn và nghĩ là do kinh nguyệt. Giữa các chu kỳ kinh hoặc khi bị xuất huyết thường xuyên thì nên đi kiểm tra vì đó có thể là triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung, xuất huyết tiêu hóa, cũng có thể ung thư ruột.

Ung thư nội mạc tử cung phổ biến trong sản khoa. Ít nhất 70% bệnh nhân có xuất huyết âm đạo bất thường như là một dấu hiệu sớm. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận, tùy thuộc vào thời gian ra huyết âm đạo cùng những triệu chứng đi kèm khác. Có thể cần phải chỉ định siêu âm hoặc sinh thiết.

Thay đổi của da

Nếu đột nhiên xuất huyết nhiều trên da hoặc da đóng vảy quá mức thì nên đi kiểm tra. Thật khó để ấn định bao lâu thì phải đi bác sĩ kiểm tra nếu đã quan sát thấy có sự thay đổi ở da, tuy nhiên hầu hết các chuyên gia đều khuyên không nên để lâu hơn vài tuần.

Nuốt khó

Gặp khó khăn khi nuốt, tìm cách thay đổi chế độ ăn uống, chuyển sang ăn súp hoặc thức ăn lỏng như cháo nhưng vẫn còn hiện tượng khó nuốt thì nên đến bác sĩ để làm xét nghiệm, nội soi tiêu hóa, bởi đây có thể là dấu hiệu của ung thư. Vị trí ung thư thường thấy từ chứng nuốt nghẹn ở ống tiêu hóa thường là thực quản.

Chảy máu ở những vị trí bất thường

Nếu thấy có máu trong nước tiểu hoặc phân, đừng vội nghĩ mình đã bị trĩ bởi đó có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng. Chính vì thế, khi thấy máu trong bồn cầu, có thể là từ âm đạo nhưng không trong kỳ kinh thì nên kiểm tra ung thư bàng quang hoặc ung thư thận.

Ho ra máu cũng nên được đánh giá cẩn thận. Một lần chảy máu bất thường thì không thể xác định được bất cứ điều gì, nhưng nếu nó xảy ra nhiều hơn một lần thì hãy đi khám bệnh.

Đau bụng lâm râm và trầm cảm

Bất kỳ phụ nữ nào có những cơn đau ở bụng và trầm cảm đều cần được kiểm tra. Một số nhà nghiên cứu đã tìm thấy có sự liên quan giữa trầm cảm và ung thư tuyến tụy, nhưng đó là một mối liên quan chưa được hiểu biết rõ rệt.

Khó tiêu

Phụ nữ có thai có thể bị khó tiêu khi tăng cân, nhưng khó tiêu không có lý do rõ ràng thì chính là một dấu hiệu báo động. Đó có thể là chứng sớm của ung thư thực quản, dạ dày, hoặc ung thư vùng hầu họng.

Thay đổi ở miệng

Những người hút thuốc nên được cảnh báo khi thấy bất kỳ mảng trắng nào bên trong miệng hoặc đốm trắng trên lưỡi. Cả hai điều đó có thể là chỉ điểm của một tình trạng tiền ung thư được gọi là bạch sản (leukoplakia), có thể tiến triển thành ung thư miệng.

Chứng đau

Khi già đi, người ta thường có khuynh hướng phàn nàn nhiều hơn về các tình trạng đau nhức khác nhau. Đau đớn mơ hồ cũng có thể là triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư, mặc dù các than phiền đau đớn nhất thường lại không phải do những ung thư khởi phát sớm. Đau kéo dài và không giải thích được thì nên đi kiểm tra thật kỹ lưỡng.

Thay đổi ở các hạch bạch huyết

Nếu thấy sưng hoặc có khối u ở các hạch bạch huyết dưới nách hay ở cổ hoặc ở bất cứ nơi nào khác, cần phải chú ý cẩn thận. Phát hiện một hạch bạch huyết lớn dần và kéo dài hơn một tháng thì nên đi khám bệnh.

Sốt

Sốt không do cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác và sốt kéo dài thì có thể nghĩ đến ung thư. Sốt thường xảy ra sau khi ung thư đã lan từ vị trí gốc của nó. Sốt thường là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc lymphoma.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một triệu chứng mơ hồ có thể chỉ dẫn đến ung thư hoặc do một loạt vấn đề khác. Mệt mỏi thường xảy ra khi ung thư đã tiến triển, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm hơn trong một số bệnh ung thư khác như bệnh bạch cầu, ung thư đại tràng hoặc dạ dày.

Ho kéo dài

Ho có thể do cảm lạnh, cúm, dị ứng, cũng có thể tác dụng phụ của thuốc. Nếu ho kéo dài, lâu hơn 3 hoặc 4 tuần thì không nên bỏ qua. Bác sĩ cần hỏi bệnh sử cẩn thận, kiểm tra họng, kiểm tra chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi, đặc biệt khi bệnh nhân là một người hút thuốc lá.

Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh
Giám đốc Y khoa Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn

 

Thứ sáu, 17/5/2013 | 16:13 GMT+7
(doisong.vnexpress.net) - Để điều trị thành công bệnh ung thư, thuốc men chỉ hỗ trợ 30%, đến 70% còn lại là nhờ ý chí và tinh thần của chính người bệnh. Chính vì vậy sự yêu thương, chia sẻ và động viên từ gia đình chính là nguồn tiếp sức chiến thắng bệnh tật.
 
loan-7-jpg-1368745691-1368746114_500x0.j
Tinh thần lạc quan giúp bệnh nhân dễ dàng vượt qua căn bệnh hơn - Ảnh: P.L

Băng Tâm ở quận Gò Vấp, TP HCM, là một bệnh nhân ung thư vú. Tháng 12/2012, trong một lần tự kiểm tra ngực khi tắm, cô gái trẻ tình cờ phát hiện một cục u nhỏ ở ngực trái. Từ đây Tâm bắt đầu hành trình đấu tranh chống lại căn bệnh mà rất nhiều phụ nữ mắc phải. Sợ gia đình buồn, cô âm thầm một mình đến bệnh viện khám, bác sĩ siêu âm không nhìn thấy do khối u bé quá. Chọc dịch, xét nghiệm bác sĩ nghi ngờ cô bị u ác tính, chỉ định nhập viện, tiểu phẫu lấy mẫu sinh thiết bệnh lý. Đến lúc này, Băng Tâm mới báo cho bố mẹ. Khi biết kết quả u ác tính, cô vô cùng suy sụp. Nhìn bố mẹ khóc lên khóc xuống vì thương con gái, Tâm quyết định phải cứng rắn để động viên song thân.

Sau tiểu phẫu, khối u phát triển nhanh lên đến 2,5cm, cả nhà quyết định cho con gái điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Quãng đường từ nhà đến bệnh viện khoảng 20 phút đi xe máy, lần nào cô đến bệnh viện làm xét nghiệm máu hay chụp hình phổi, nhũ ảnh, siêu âm tim… mẹ cũng đi cùng như một cách bù đắp tình cảm cho con, dù mẹ vẫn ngồi sau xe máy do chính cô chở.

Từ khi Tâm nhập viện đến lúc chính thức mổ đoạn nhũ nạo hạch tái tạo (cắt phần ngực bị u, nạo hạch nách và tái tạo lại ngực từ chính vạt da mỡ, da cơ từ vùng lưng của bệnh nhân) là ròng rã một tháng trời, vắt qua Tết Nguyên Đán. Sau ca mổ kéo dài 8 tiếng và 10 ngày nằm viện, cô trở về nhà nhưng trong vòng một tháng sau đó ngày nào cũng phải tới bệnh viện thay băng. Rất may, Tâm không bị di căn. Sau khi phẫu thuật, Băng Tâm trải qua giai đoạn hóa trị, truyền 6 toa thuốc. Hiện nay cô đã truyền được 3 toa, dự kiến đến tháng 8 sẽ kết thúc liệu trình. Toa thuốc cô truyền thuộc loại rẻ nhất, giá mỗi toa là 3,5 triệu đồng, mỗi lần truyền kéo dài khoảng 2 giờ.

Băng Tâm cho biết nhờ sức khỏe và tinh thần tương đối tốt nên khoảng 10 giờ sau khi vào thuốc hóa trị mới bị "vật", mỗi lần kéo dài cả tuần lễ. Người nào sức chịu đựng kém có thể bị thuốc hành đến cả chục ngày. Những lần như thế, bệnh nhân sẽ ói liên tục, không ăn được, vật vã, chỉ nằm một chỗ, không thể làm gì. Có người không chịu nổi đau có thể la hét, phá phách đồ đạc, nhưng Tâm không đến mức thế.

Cô nói rằng một trong những điều giúp mình luôn vui vẻ và lạc quan chính là sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Mẹ luôn sẵn sàng nấu bất kỳ món gì con gái thèm để có sức khỏe vượt qua bệnh tật. Bố mẹ cầu Phật mỗi ngày phù hộ cho con gái. Anh chị em, bạn bè thân thiết thường xuyên hỏi thăm và động viên cô.

Băng Tâm kể, nhìn những người bệnh nặng hơn mình, cô cảm thấy mình vẫn còn may mắn. Cô luôn cố gắng vui vẻ để người thân khỏi sốc. Nhiều người cứ nghe thấy từ "ung thư" là có cảm giác về một dấu chấm hết, nhưng thực ra bệnh nhân như Băng Tâm hoàn toàn vẫn có thể kết hôn và 5 năm sau phẫu thuật, có thể sinh con bình thường. Chỉ có điều cô không thể cho con bú ở bên ngực bị ung thư do đã đoạn nhũ nên không còn tuyến sữa.

Hầu như những bệnh nhân ung thư vú nằm cùng phòng điều trị với Băng Tâm đều được gia đình rất yêu thương chia sẻ. Chị Mai Anh (32 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng) phát hiện u ngực khi đang cho con bú được 12 tháng. Khối u của chị phát triển rất nhanh. Lần nào xuống Bệnh viện Ung bướu TP HCM thăm khám và điều trị, chồng chị - anh Tuấn Minh cũng tháp tùng và đảm nhận vai trò người nuôi bệnh. Còn em bé ở nhà được hai bà nội, ngoại thay nhau chăm sóc.

Anh Minh luôn khuyên vợ phải vì chồng vì con mà cố gắng vượt qua bệnh tật. Thời gian đầu mắc bệnh, chị vô cùng suy sụp, anh vừa động viên vợ vừa nhờ các chị em khác trong phòng tác động giúp. Cuối cùng, chị lại trở thành là người lạc quan sống nhất phòng. Vợ chồng anh đang dự định mua ôtô, vì chị bệnh nên kế hoạch phá sản. Anh Minh nói đùa: "Mình sẵn sàng đổi cái xe để lại cái ti của vợ", khiến chị bật cười.

Ngoài các chi phí dành riêng cho điều trị bệnh tiêu tốn hơn trăm triệu đồng trong đó có 15,5 triệu cho phẫu thuật đoạn nhũ, 5 triệu đồng một toa thuốc hóa trị, chỉ riêng tiền vé máy bay đi lại rồi thuê khách sạn nghỉ cho mỗi lần chị xuống Sài Gòn truyền thuốc cũng tốn vài chục triệu. Sau khi thuốc vô khoảng 8 tiếng đồng hồ là chị đã lên cơn vật vã nên bao giờ vợ chồng chị phải tìm cách về nhà tại Đà Lạt sớm nhất để chị không bị đau trên đường đi.

Có thể nói, với những bệnh nhân ung thư, giai đoạn vật vã sau hóa trị, xạ trị là đáng sợ nhất. Việc truyền thuốc chỉ có hiệu quả nếu thuốc khiến bệnh nhân rụng tóc, da và móng tay móng chân đen sạm, người đau đớn vật vã (ở một số loại thuốc thì không có các phản ứng này). Không những thế, sau phẫu thuật, chị em không được xoay gập người, không làm việc nặng hay mang xách quá 2kg. Đặc biệt việc phải cắt bỏ vòng 1, vốn là biểu tượng của sắc đẹp, nữ tính, khiến nhiều chị em có cảm giác mặc cảm, tự ti trước mặt chồng hay người yêu.

Chị Thùy Trang 43 tuổi, Bến Lức, Long An, thời gian đầu sau phẫu thuật không dám gần chồng, đến giờ đi ngủ, chị mang chiếc gối to chắn giữa hai người. Chồng chị phải giải thích rất nhiều rằng anh không coi trọng cái vòng 1 chỉ cần chị khỏe mạnh; không cần chị phải làm quá sức, chỉ cần chị hiện hữu bên bố con anh; là anh hạnh phúc lắm rồi. Dần dần chị Trang mới trở lại cuộc sống bình thường. Những lúc chị vật vã vì vào thuốc hóa trị, anh và cậu con trai đang học cấp 2 đều ở bên, sẵn sàng cho chị cào cấu, cắn xé để giảm đau.

Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng nhận được sự chăm sóc hỗ trợ từ người thân, đặc biệt từ chồng. Chị Thanh Vy ở quận 9, TP HCM, phát hiện có u ngực khi 42 tuổi. Vợ chồng chị kết hôn đã 14 năm nhưng vẫn chưa có con. Vợ bệnh, chồng chỉ làm nhiệm vụ "xe ôm" đưa đón chị đến bệnh viện còn không quan tâm đến bất kỳ việc gì, từ chi phí khám chữa bệnh cho đến thuốc thang, ăn uống.

Chị Vy nằm viện không có người chăm sóc, may mà phát hiện u sớm chưa bị di căn, thuốc thang cũng còn ở mức rẻ, lại được bảo hiểm y tế hỗ trợ. Tuy nhiên, nằm trong viện, chị khóc suốt, bác sĩ và các bạn cùng phòng liên tục nhắc nhở chị hãy lo cho bản thân mình. Tinh thần không tốt, sức khỏe kém nên chị đã bị tụt toa khi hóa trị, có nghĩa là thuốc không phát huy tác dụng.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Đại học Y dược TP HCM, phụ nữ trẻ sau tái tạo vú vẫn có thể lập gia đình và sinh con bình thường. Tuy nhiên bên vú tái tạo không có sữa nên không thể cho con bú.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM khuyên, sau phẫu thuật đoạn nhũ hay tái tạo vú, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng nhưng cần tránh động chạm vào vết mổ một thời gian. "Để vượt qua căn bệnh này, bác sĩ và thuốc men chỉ hỗ trợ 30%, còn 70% là nhờ ý chí và tinh thần của bệnh nhân", bác sĩ này cho biết.

Theo ông, chị em phải phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính ở ngực cũng không nên quá mặc cảm tự ti về hình thức, bởi thực tế vòng một của nhiều người sau tái tạo lại đẹp hơn nguyên gốc ban đầu. Kết thúc giai đoạn hóa xạ trị, chị em cũng không còn phải chịu cảnh rụng tọc nữa, da dẻ lại hồng hào, cuộc sống về cơ bản trở lại quỹ đạo bình thường.

Kim Anh - Lê Phương

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét