Thứ năm, 24/02/2011 21 giờ 46 GMT+0 - http://www.baocantho.com.vn/ |
* Khi ngủ, tôi bị chuột cắn trúng chân, chảy nhiều máu. Tôi có cầm máu, rửa vết thương nhưng không đi chích ngừa. Xin hỏi, tôi không đi chích ngừa có bị sao không? Tôi có thể đến đâu để tiêm ngừa? HUỲNH VĂN HÒA (Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) * Trả lời: - Về nguyên lý thì bệnh dại có thể lây nhiễm qua vết cắn của động vật có vú, mà chuột là một động vật có vú. Tại Việt Nam, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu (97%), kế đó là mèo (2,7%). Số liệu bệnh dại do chuột cắn tại nước ta không thấy nói tới, ít ra là nhiều năm gần đây. Để yên tâm, bạn có thể tiêm ngừa dại cho người bị chuột cắn, nhưng cần lưu ý: + Vết cắn nhẹ: Bạn có thể chỉ cần sát trùng ngay bằng xà phòng đậm đặc, hoặc cồn y tế 70 độ nhiều lần, không cần đi tiêm ngừa dại nếu không có báo cáo về ca nhiễm bệnh dại do chuột cắn tại địa phương trong thời gian gần đây. + Nếu vết cắn nặng, nhiều vết cắn: Bạn phải tiêm phòng vắc-xin dại, tiêm phòng uốn ván kèm theo. Bạn có thể tiêm vắc-xin dại tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các điểm tiêm dịch vụ tại trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, điểm tiêm ngừa của trung tâm y tế dự phòng quân khu và một số trạm y tế xã có triển khai. Trong bất cứ trường hợp bị súc vật cắn, bạn cần phải rửa vết thương bằng xà phòng, trước khi đến phòng tiêm ngừa dại, nhằm giúp loại bỏ ngay nhiều vi-rút dại bám vào vết thương. Trường hợp vết cắn nặng phải xử trí cắt lọc, cầm máu tại cơ sở y tế trước khi đến điểm tiêm vắc-xin. Bác sĩ DƯƠNG PHƯỚC LONG |
TPHCM: Phát hiện ca bệnh suy thận vì bị... chuột cắn
Bệnh nhân N.V.T. (nam, 55 tuổi ở TPHCM) nhập viện vì sốt đã 3 ngày, bị chuột cắn cách đó 15 ngày và đã bị suy thận. Theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân N.V.T. dương tính với loại virus có tên Hantavirus có ở trong chuột.
Bệnh lây từ chuột
Chiều ngày 6/11, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, do khai thác kỹ lâm sàng bệnh nhân nhân N.V.T. nên bệnh viện đã điều trị thành công cho ca bệnh này và bệnh viện cũng đã gửi mẫu cho Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Tuy nhiên, con của bệnh nhân này cũng đang bị phát bệnh do hai cha con cùng bị một con chuột cắn. Nhưng do kháng thể mỗi người khác nhau và thời gian ủ bệnh khác nhau nên người cha phát bệnh đã khỏi thì người con mới phát bệnh.
Được biết, Viện Pasteur TPHCM sẽ đi xuống địa phương nơi gia đình này cư ngụ để có kế hoạch hỗ trợ người dân diệt chuột và phòng ngừa bệnh.
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, chuyên gia về ký sinh trùng cho biết, Hantavirus là loại virus ARN, thuộc họ Bunyaviridae. Ca đầu tiên bệnh do Hantavirus được ghi nhận tại Hoa Kỳ vào năm 1970. Chuột và loài gặm nhấm được xem là ổ chứa Hantavirus.
Ở loài gặm nhấm nói chung và loài chuột nói riêng, sự lây nhiễm có thể xảy ra theo lối từ con này lây sang con khác. Chúng ta cũng có thể bị nhiễm vi rút qua vết cắt trên da, vết chuột cắn, qua niêm mạc mắt và miệng, do nước hoặc thức ăn bẩn đã bị nhiễm Hantavirus trước đó. Không có bằng chứng về sự lây từ người này sang người khác.
Nguy cơ tử vong 50%
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ một đến sáu tuần lễ. Ở người, Hantavirus có thể gây ra 2 nhóm hội chứng: Hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết và hội chứng về phổi, Hantavirus pulmonary syndrome (HPS). Hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết Bắt đầu bằng các dấu hiệu tương tợ như cảm cúmtrong vòng từ 3 - 6 ngày, mệt mỏi cực độ, sốt, đau nhức các bắp thịt. Đôi khi có thể nhức đầu, chóng mặt, đau bụng và nôn mửa. Sau đó thận bị tổn thương, suy thận, tăng số tế bào bạch cầu (thrombocytes) trong máu, nổi các nốt đỏ ở da, chảy máu cam và tiểu có máu; Hội chứng về phổi, Hantavirus pulmonary syndrome (HPS): Bắt đầu như cảm cúm kéo theo một thời gian thở khó cấp tính, thở ngắn và ho. Nguy cơ tử vong có thể lên đến 50%.
Theo TS.BS Mạnh Siêu, bệnh do Hantavirus có tử suất cao. Không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị phụ trợ (supportive treament) như cho thở oxy... Một số văcxin đang được Hoa Kỳ và Trung Quốc nghiên cứu. Đặc biệt, loại vắc xin làm từ chủng Hantaan hiện nay đã được thấy sử dụng tại Hàn Quốc.
Để phòng ngừa Hantavirus, phải giữ nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp để đừng thu hút chuột bọ và các loài gặm nhấm. Bịt hết các hang hóc, lỗ hổng trong vách nơi chuột có thể vào được, bắt giết chuột. Mang bao tay khi phải sờ mó chuột, chùi rửa, tẩy uế nhà cửa bằng nước javel (pha 3 thìa canh javel cho một lít nước), giặt rửa chăn mền quần áo với nước nóng.
Theo Bùi Hương
Chuột cắn, không thể chủ quan
(Dân Việt) - Gần đây, xuất hiện nhiều bệnh nhân phải nhập viện do bị chuột cắn. Theo các chuyên gia, chuột là tai họa mang lại nhiều bệnh tật, tuy nhiên người dân vẫn chủ quan, chưa biết cách phòng ngừa.
Nhiều con chuột có virus Hanta
Gần đây, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một bệnh nhân (55 tuổi) bị giảm tiểu cầu, ho, sốt cao kéo dài, viêm phổi, có nổi mẩn đỏ qua da. Sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận, sức khỏe yếu. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta từ chuột. Bệnh nhân cho biết trước đó bị chuột cắn vào chân, đã đi tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên sau vài ngày thì ho, sốt cao, nổi mẩn đỏ ở da. Một ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận và sức khỏe yếu dần.
Chuột là thủ phạm của gần 40 bệnh ký sinh trùng. |
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, virus Hanta ủ bệnh kéo dài khoảng vài tuần và có thể gây bệnh ở thận, phổi và nguy cơ gây tử vong ở người. Tuy nhiên chưa có vaccin phòng ngừa và thuốc đặc trị. Virus Hanta có trong chất bài tiết của chuột bị nhiễm bệnh như nước tiểu, nước dãi, phân. Thông qua các vết xước, niêm mạc mắt, mũi, miệng, virus Hanta sẽ ngấm vào cơ thể người. "Nếu điều trị không đúng, bệnh nhân có thể suy thận, gây tử vong. Tuy nhiên, không phải chuột nào cũng mang virus Hanta và ai bị chuột cắn cũng nhiễm bệnh" – tiến sĩ Siêu cho biết.
Bác sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh (phụ trách khoa Động vật, côn trùng y học Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi phát hiện bệnh nhân dương tính với virus Hanta do chuột cắn, Viện đã bắt 25 con chuột ngẫu nhiên quanh khu vực nhà bệnh nhân đó sinh sống để xét nghiệm. Kết quả 3/25 con chuột mang virus Hanta.
Nguồn lây nhiều bệnh
Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, gần đây thường xuyên có các bệnh nhân nhập viện vì sốt cao do bị chuột cắn. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, bệnh nhiễm độc do chuột cắn còn gọi là bệnh Sokodu.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà
Thời kỳ ủ bệnh thường là 4-5 ngày đến tận 4 tuần sau khi bị chuột cắn. Theo bác sĩ Hà, điều đáng lo ngại là bệnh Sokodu do chuột cắn thường không có biểu hiện cấp tính mà kéo dài, thi thoảng mới sốt nên nhiều bệnh nhân không đi khám chữa. "Nếu không được điều trị, bệnh có thể kéo dài từ 1-2 tháng, tỷ lệ tử vong khoảng 6-10%" – bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại (nguyên chuyên viên Bộ Y tế) cho biết, chuột là thủ phạm của gần 40 bệnh ký sinh trùng và vi sinh vật khác nhau, có hại cho sức khỏe con người. Đồng thời, chuột sẽ truyền bệnh này cho các con vật nuôi khác trong nhà khiến nguy cơ lây nhiễm sang người càng tăng cao. Có thể kể đến các bệnh như dịch hạch, ghẻ, giun sán gây viêm màng não, bệnh chân voi, bệnh phong thấp…
Tuấn Kiệt
Bệnh nhân bị chuột cắn: Tiêm ngừa uốn ván rồi vẫn bị sốt?
Hai đêm liên tiếp bị chuột cắn vào ngón chân cái, bệnh nhân đã đến tiêm ngừa VAT (uốn ván) 2 mũi liên tiếp trong 2 tháng 9 và 10 ở Viện Pasteur TPHCM nhưng đến đầu tháng 11, bệnh nhân bị sốt cao phải nhập viện điều trị.
>> Phát hiện ca bệnh suy thận vì bị... chuột cắn
Bệnh nhân N.V.P đang điều trị tại Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Phú Nhuận TPHCM.
Bệnh nhân N.V.P (16 tuổi, đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3, TPHCM), con bệnh nhân N.V.T. bị chuột cắn nhiễm Hantavirus (đã nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM điều trị hôm 17/10 và xuất viện hôm cuối tháng 10) hiện đang điều trị tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Phú Nhuận cho biết, đêm hai cha con em nằm ngủ trên lầu thì bị chuột bò vào cắn chân. Đêm đầu tiên thì chuột cắn vào ngón chân cái của cả hai cha con, đêm hôm sau nó tiếp tục bò vào cắn tiếp ngón chân cái của em.
Vết chuột cắn trên ngón chân cái trái của bệnh nhân.
Chị Phạm Thị L. (mẹ P.) cho biết, hôm bị chuột cắn đã đưa P. đến Viện Pasteur TPHCM để chích ngừa VAT (uốn ván), còn bố P. thì thấy khỏe và lớn tuổi nên không đi tiêm ngừa.
Ngày 7/11, BS Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Bệnh viện Phú Nhuận TPHCM cho biết: "Hôm qua Viện Pastuer TPHCM và Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM xuống bệnh viện gặp bệnh nhân để lấy máu về xét nghiệm vì ba của bệnh nhân N.V.P. bị nhiễm Hantavirus. Hiện bệnh nhân chưa có biểu hiện bất thường gì ngoài chuyện sốt cao liên tục của bệnh sốt siêu vi. Các BS đang theo dõi sát bệnh nhân và truyền dịch cho bệnh nhân".
ThS.BS Võ Minh Quang, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM khuyến cáo, khi bệnh nhân bị chuột cắn nên đi tiêm ngừa. Nhưng tốt nhất, người dân phải giữ vệ sinh nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, ngủ màn,… để chuột không thể tiếp cận cắn người. Riêng Hantavirus thì chưa có vắc-xin để phòng ngừa và không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị phụ trợ (supportive treament).
Theo Bùi Hương
Kiến thức
Hà Nội: Nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì chuột cắn
(Dân trí) - "Sau khi bị chuột cắn 8 ngày, vết cắn của tôi cũng bị sưng vù lên và đã phải nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị", anh Đinh Phúc Quế, 45 tuổi, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự.
Chuột cắn khi đang ngủ
Anh Quế cho biết, tối đó, khi đang ngủ thì anh thấy chuột chui vào màn nên đã dậy để đuổi chuột. Cứ nghĩ con chuột đã chui ra rồi, anh lại yên tâm ngủ tiếp.
Nhưng sau khi tiêu diệt con chuột, anh nghĩ vết cắn cũng không nghiêm trọng nên chỉ rửa lại bằng nước thường rồi đi ngủ tiếp. Hôm sau đi làm thì lấy urgo băng vào sau ba hôm thì thấy vết cắn đã se miệng dù vẫn còn hơi sưng.
"Dù miệng vết cắn đã se se nhưng sung quanh vết thương lại sưng đỏ, rồi người mình bị sốt khi nóng bừng bừng, khi lạnh run. Nhưng lúc ấy cũng không nghĩ gì đến việc đi khám, không nghĩ vết chuột cắn lại gây ra tình trạng này bởi việc bị chuột gặm chân, cắn khi đang ngủ khá nhiều nên tôi chỉ ra hiệu thuốc mua thuốc cảm sốt uống. Nhà thuốc bán cho ba ngày thuốc, uống hết ngày đầu không khỏi, vết thương sưng to lan cả sang ngón bên cạnh, đau người, rồi choáng váng mới vội đến viện khám", anh Quế nói.
Sau khi khám tại BV E Hà Nội và kể về hiện tượng sốt nóng, sốt lạnh sau khi bị chuột cắn và hiện tượng sưng vù nơi bị cắn, bác sĩ đã khuyên tôi đi tiêm phòng. Tuy nhiên, tại nơi tiêm phòng, họ nói tôi nên vào viện theo dõi vì lúc này có tiêm vắc xin ngừa uốn ván cũng không có tác dụng.
Hôm 17/12, sau khi vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám, bác sĩ đã cho anh Quế nhập viện để theo dõi và đến nay, sau 4 ngày nằm viện thì anh mới hết sốt.
Một bệnh nhân khác cũng đang phải nằm viện điều trị vì bị chuột cắn là bệnh nhân Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội).
"Nhà có nhiều chuột, cả đêm chạy ầm ầm không sao ngủ được nên tôi mới mua bẫy về bẫy chuột. Khi phát hiện chuột vướng bẫy, tôi gỡ chuột ra thì bị chuột cắn, nghiến vào cả ngón tay cái ở bàn tay phải. Tôi hoảng quá, nhấc vội tay lên lăng mạnh mà con chuột cứng đầu vẫn không chịu bỏ ra, lôi cả nó và cái bẫy chuột lủng lẳng", anh Kiên nói.
Vì vết cắn sâu, chảy quá nhiều máu, sợ uấn ván nên anh Kiên đã cẩn thận đi tiêm phòng uốn ván, nhưng sau 3 hôm thì vết cắn sưng lên, sốt khi nóng, khi lạnh run người nên phải nhập viện điều trị.
Nhiễm độc vì chuột cắn
BS.Ths Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì chuột cắn không phải là cá biệt. Thỉnh thoảng viện vẫn tiếp nhận các bệnh nhân này và đều được điều trị khỏi và không xác nhận trường hợp nào bị suy thận. Ở thời điểm này, tại viện cũng có 3 bệnh nhân bị chuột cắn đang phải nằm điều trị.
Các bệnh nhân này chủ yếu bị nhiễm độc do chuột cắn và bệnh này đều có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh.
"Bệnh nhiễm độc do chuột cắn còn gọi là bệnh Sodoku. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Sodoku thường từ 5 ngày đến 4 tuần. Khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao (39 - 40 độ), ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ. Sự tái phát cơn sốt có thể xuất hiện vài lần trong vòng từ 1 đến 3 tháng. Các dấu hiệu ngoài da là các ban sẩn xuất huyết, có xu hướng dính liền với nhau, thường tập trung ở da đầu, mặt và nửa thân trên. Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tại chỗ và có phản ứng của hạch khu vực. Trong quá trình bị bệnh, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đâu cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp", BS Hà nói.
Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê. Nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh kéo dài thường 1 đến 2 tháng và gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 6 đến 10%.
Ngoài ra, người bị chuột cắn còn có thể mắc căn bệnh sốt do chuột cắn, là một bệnh lý khá hiếm gặp, gây nhiễm trùng toàn thân. Các triệu chứng của bệnh sốt do chuột cắn có biểu hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, đau đầu sau đó thường có nổi ban ở các chi, vùng trên thân người. Viêm đa khớp có thể xuất hiện ở một nửa số bệnh nhân. Các biến chứng có thể là viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi và suy đa tạng.
Hồng Hải
Chuột là động vật gây hại và trung gian lây truyền một số bệnh truyền nhiễm cho người, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị. Một số bệnh lây truyền từ chuột phổ biến như bệnh dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết, sốt xuất huyết kèm theo suy thận do Hantavirus...
Diệt chuột để phòng trừ các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Lê Phương. |
Chuột lây bệnh sang người qòn qua thực phẩm bị chúng làm ô nhiễm, từ côn trùng trung gian như bọ chét, ve hoặc qua phân, nước tiểu, nước bọt hoặc vết cào, cắn của chuột.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văcxin sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, các bệnh do chuột lây truyền này hầu hết đều chưa có văcxin phòng ngừa, do đó để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh trên cho người, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế sự tiếp xúc với chuột cũng như chăm sóc y tế đúng cách sau khi bị vết thương do chuột gây ra
Một số cách phòng ngừa các bệnh do liên quan đến chuột:
- Chăm sóc y tế khi có vết thương do chuột cào cắn:
+ Các vết cào cắn do chuột có thể là đường vào của các bệnh như Dại, Sốt chuột cắn...
+ Các vết thương cần được chăm sóc y tế đúng mức như rửa sạch bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc povidin, có bán ở hầu hết các hiệu thuốc tây.
Cần rửa vết thương chuột cắn với xà phòng, không được nặn, bóp máu ở vết thương. Ảnh: Lê Phương. |
+ Người bị thương cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh. Chuột rất hiếm khi nhiễm virus dại nhưng nếu bị chuột cắn thì vẫn cần tiêm phòng dại.
- Kiểm soát sự phát triển của chuột:
+ Biện pháp dân gian nuôi mèo bắt chuột vẫn được coi là biện pháp hiệu quả và an toàn. Các biện pháp như đặt bẫy lồng, keo dính cũng được khuyến khích sử dụng trong hộ gia đình.
+ Sử dụng hóa chất để diệt chuột. Có nhiều loại hóa chất diệt chuột đã từng được sử dụng và tất cả đều là những hóa chất độc hại cho người và vật nuôi. Trước đây người ta thường sử dụng kẽm phosphide (còn được gọi là phốt pho kẽm), là hóa chất gây độc thần kinh, chuột chết ngay tại chỗ sau khi được ăn bả. Ngoài ra các hóa chất kháng đông máu cũng thường được sử dụng dưới dạng viên. Loại bả diệt chuột này hiện nay rất phổ biến trên thị trường vì tính tiện dụng và hiệu quả. Với loại hóa chất này, chuột có thể chết ngay sau khi ăn bả vài ngày.
+ Tại đô thị, nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, phải mang găng tay cao su cho xác chuột vào bao nilon nhiều lớp, gói kín lại và bỏ vào thùng rác.
+ Tại khu vực nông thôn hoặc vùng ven có nhiều đất trống, việc chôn lấp xác chuột được khuyến khích thực hiện.
+ Trong tháng 12 và tháng 1/2013, ngành y tế thành phố tổ chức diệt chuột tại một số khu vực trọng điểm, có thể lượng xác chuột sẽ xuất hiện nhiều và đồng loạt. Vì vậy ngành y tế sẽ tổ chức thu gom xác chuột và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Giữ vệ sinh nhà cửa, hạn chế nơi ẩn náu của chuột và xử lý vệ sinh tại những nơi có chuột:
+ Bản chất của chuột nhà thường làm hang trong những góc tối, che phủ kín. Chính vì vậy việc giữ gìn nhà cửa gọn gàng sạch thoáng, không chất đống các đồ đạc không dùng đến sẽ giúp hạn chế sự tồn tại của chuột trong nhà. Các cánh cửa nhà, cửa tủ đóng kín cũng sẽ ngăn cản chuột xâm nhập từ bên ngoài.
+ Chuột thường sống ở những nơi dễ kiếm thức ăn. Vì vậy việc bảo quản thức ăn che đậy kín và hạn chế thức ăn rơi vãi sẽ hạn chế sự hấp dẫn đối với chuột, từ đó cũng có hạn chế sự xâm nhập của chuột.
+ Nên sử dụng găng tay cao su lúc dọn dẹp nhà cửa khi nghi ngờ có chuột để tránh sự tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu và phân chuột.
+ Nếu phát hiện có phân hoặc nước tiểu của chuột, phải dùng nước Javel pha theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn chai để lau sạch bề mặt ô nhiễm, sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô.
+ Không nên quét khô ở những bề mặt nhiễm phân và nước tiểu của chuột vì có thể hít phải bụi hoặc những giọt nước nhỏ mang mầm bệnh.
Lê Phương
Hai nữ nhân viên FPT bị chuột cắn
Thứ sáu, 10/8/2012, 10:56 GMT+7
Vào giữa tháng 7, liên tiếp hai nữ nhân viên FPT bị chuột cắn gây thương tích ở tay và tìm đến Phòng khám FPT để xin tư vấn.
Nhiều người thường chủ quan khi bị chuột cắn nhưng kỳ thực nó lại vô cùng nguy hiểm. Ảnh: S.T. |
Trường hợp đầu tiên là chị Đào Thị Mai, FPT Software, bị chuột cắn cánh tay. Chị kể, khi đang ngủ thì thấy cánh tay bỗng đau nhói. Chị choàng tỉnh giấc thì phát hiện ra chuột đã chui vào màn để cắn. Kiểm tra lại, chị thấy vết răng chuột hằn rõ trên cánh tay.
Ngay lập tức, chị rửa xà phòng để sát trùng sơ qua. Sau đó, buổi sáng đi làm, chị lên ngay Phòng khám FPT (tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội) để nhờ bác sĩ Cao Thúy Tạo tư vấn giúp.
Tương tự chị Mai, chị Bùi Thu Hằng, Ban Nhân sự FPT, cũng bị chuột cắn vào mu bàn tay phải khi đang bắt một con chuột vướng phải lưới ở cửa sổ. Vì vết răng khá rõ và đau nhức nên chị cũng phải sơ cứu ngay sau đó.
Bác sĩ Tạo cho biết, chuột là thủ phạm gây ra gần 40 bệnh ký sinh trùng và vi sinh vật khác nhau, đem đến những dịch bệnh chết người. Một trong số bệnh nguy hiểm, đáng chú ý là bệnh dại và bệnh sodoku.
Bệnh dại là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, hiện vẫn chưa có cách gì chữa được khi đã lên cơn. Thường nói đến bệnh dại, chúng ta chỉ nghĩ đến loài chó vì chó là thủ phạm chính gây trên 90% các trường hợp dại ở người. Tuy nhiên, nhiều loài súc vật máu nóng khác cũng có thể mắc bệnh này như mèo, chuột, lợn, ngựa, chó sói, cáo, chồn, dơi hút máu..
Khi chuột dại cắn người, chúng cũng truyền virus dại cho người qua vết cắn. Theo bác sĩ Tạo, cách xử trí khi bị súc vật mắc bệnh dại cắn cũng giống như đối với chó dại, phải tiêm ngay văcxin phòng dại đủ liều.
Sodoku cũng là một bệnh nguy hiểm do chuột gây nên. Bệnh này được phát hiện đầu tiên ở Nhật Bản và được đặt tên là Sodoku (tiếng Nhật: so là chuột, doku là chất độc). Bệnh gây ra do một vi khuẩn hình sợi xoắn giống như cái lò xo, dài khoảng 1,5 đến 3 micromet. Trong thiên nhiên, loài chuột, nhất là chuột cống và chuột đồng, là nguồn lưu trữ mầm bệnh nhiều nhất. Người ta đã tìm thấy trong máu của hai loài chuột này có tới 10 đến 20% mang xoắn khuẩn.
Vết chuột cắn thường in rõ hai chiếc răng trên và những vòng tròn nhỏ phía dưới. Ảnh: S.T. |
Khi bị chuột mắc bệnh cắn phải, xoắn khuẩn sẽ theo nước bọt chuột xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Chỗ cắn bị viêm rồi dần dần bị loét, kèm theo nổi hạch ở vùng lân cận. Xoắn khuẩn vào máu, lan tràn khắp cơ thể rồi cư trú trong các cơ quan như gan, thận, thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng... Từ các nơi cư trú này, xoắn khuẩn sẽ vào máu từng đợt gây ra các đợt sốt.
Người bệnh bị sốt kéo dài 4-5 ngày rồi hạ sốt đột ngột, ra nhiều mồ hôi, tình trạng đỡ hẳn trong một vài ngày, sau đó lại xuất hiện đợt sốt thứ hai kéo dài 2-4 ngày rồi lại đỡ 5-7 ngày trước khi bị đợt sốt thứ ba.
Số lượng đợt sốt có thể từ 7 đến 20 đợt hoặc hơn nữa. Càng về sau, khoảng cách giữa các đợt sốt càng dài ra, có khi tới hằng tuần, hằng tháng. Trong những trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ sốt vài ba đợt. Ngoài ra, thường thấy xuất hiện những nốt ban đỏ, nhỏ bằng đầu đinh ghim hoặc có những nốt phồng, nốt mẩn. Các nốt này bắt đầu xuất hiện từ vết cắn, sau lan nhanh ra ngoài, đôi khi lan ra toàn bộ một bên tay, bên chân. Cũng có một số bệnh nhân không có phát ban.
Bệnh nhiều khi diễn biến nặng, nếu không điều trị chu đáo, có thể bị suy kiệt rồi chết.
Ngoài hai bệnh trên, chuột còn gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm khác như dịch hạch, bệnh viêm màng não, bệnh chân voi, bệnh gạo sán gan, bệnh tiên mao trùng...
Theo cô Tạo, khi bị chuột cắn, cần nhanh chóng xối rửa vết thương thật nhiều nước và xà phòng để hạn chế tối đa xoắn khuẩn Spirillum minus vào cơ thể, sau đó dùng các thuốc sát trùng để rửa như oxy già, dung dịch Povidine, cồn iode... Dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, chích ngừa, nếu thấy bị sốt phải nhập viện ngay. Quan trọng nhất là phải đến các trung tâm y tế để thăm khám và tiêm phòng nếu có thể.
"Cẩn thận hơn, người bị chuột cắn cần phải theo dõi kỹ các triệu chứng bệnh trong vòng 7 ngày, nếu không có sốt hay các biểu hiện sưng của hạch thì hoàn toàn có thể yên tâm", cô Tạo nói.
Cô cũng khuyến cáo, mọi người khi đi ngủ nên mắc màn, không lấy tay bắt chuột khi chúng đang còn sống, đặc biệt phải giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ, khô thoáng và tiêu diệt chuột thường xuyên.
Đồng Bằng
Chuột khắp nơi
"Em lại chuẩn bị chuyển phòng trọ bởi chuột ở đây nhiều quá. Mới đây lại nghe chuột cắn truyền bệnh suy thận cấp nên tụi em rất lo"- Huy Minh, sinh viên ở trọ tại hẻm 45 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TPHCM nói. Bà Phạm Thị Oanh, chủ khu nhà trọ cho biết, hơn tháng nay người trọ hết chuyển đến lại chuyển đi vì nhà quá nhiều chuột.
"Ai cũng than tối ngủ là chuột rúc vào người. Có sinh viên còn bị chuột cắn"- bà Oanh không giấu giếm. Vài ba tháng bà Oanh thuê người tới diệt chuột một đợt, nhưng sau đó chuột quay trở lại.
"Cứ 1-2 giờ khuya, người ở trọ lại hét lên, dậy bật đèn thì chuột chạy tán loạn. Người tới thuê phòng chỉ ở được vài bữa lại trả phòng. Tới giờ, 3 phòng trọ trong nhà đành bỏ trống vì không ai dám thuê"- ông Hoàng Văn An chủ khu trọ trên hẻm 193 đường Trần Văn Đang, quận 3 kể.
Long Quân thuê trọ ở đây cũng thú thật: "Chuột nhiều, thường xuất hiện vào đêm. Có đêm, chuột vào cắn xé cả quần áo".
Phạm Văn Cường, sinh viên ĐH Nông Lâm, trọ tại làng ĐH Thủ Đức cho biết, người ngủ thì chuột hoạt động bên cạnh: "Nấu cơm xong mới dọn ra chưa kịp ăn, chạy đi xin quả ớt phòng bên về đã thấy chuột bủa vây đồ ăn. Mua bẫy về bắt chuột có giảm nhưng rồi chúng tái xuất".
Nhiều hộ gia đình ở khu Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7 cũng ngao ngán với chuột. Chuột cống ở đây tụ tập thành "ổ".
Ông Thành sống ở 352/19 đường Bùi Văn Ba nói: "Có con to như ổ bánh mì, sống chung với người riết thành quen đến khi đuổi cũng không thèm chạy. Mới đây nghe nói chuột gây ra dịch bệnh, xóm giăng bẫy nhưng không ăn thua.
Người dân quanh khu vực tăng cường tổng vệ sinh, không vứt đồ ăn thừa. Thế nhưng lúc chuột đói lại tìm vào nhà dân nhiều hơn, lục xoong nồi và cắn phá đồ đạc.
Mới mua được căn nhà tại chung cư Bình An, phường Bình An, quận 2 được một tháng, anh Trần Phú Quang đã ngao ngán thông báo với quản lý chung cư vì bị các "ông Tí" vào nhà.
"Chung cư mới xây mà chuột khắp nơi, rác mỗi tối đều để trước cửa, sáng có nhân viên tới thu nhưng chưa kịp dọn thì trong đêm chuột đã cắn phá bầy khắp ban công"- anh Quang nói.
Nhiều khu dân cư ở khu vực chợ Tân Sơn Nhất đường Nguyễn Thái Sơn phường 2, quận Tân Bình cũng than trời. Khi tan chợ, chuột lại quần tụ nhau ăn đồ thừa, khi trời mưa cống ngập chuột lại chạy vào… trú nhà dân".
3 bệnh nhân đầu tiên ở Hà Nội
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị 3 bệnh nhân bị chuột cắn. Cả ba người đều bị sốt cao, đau nhức, mất ăn mất ngủ. Rất may họ chưa bị suy thận như nhiều trường hợp ở TPHCM.
Bệnh nhân N.V.K (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị chuột cắn cách đây 2 tuần trong lúc đang gỡ chuột ra khỏi bẫy. Anh K. cẩn thận đi tiêm phòng. Thế nhưng sau một tuần, vết cắn sưng tấy dần, bệnh nhân sốt cao, ớn lạnh từng cơn, phải nhập viện điều trị.
Nửa đêm, đang ngủ thì chuột bò lên giường, chui vào chăn, anh T.Q.Q. thò tay tóm thì bị chuột cắn chảy nhiều máu. Anh Q. chỉ rửa tay bằng nước lã.
Ba ngày sau, vết thương lành, chỉ hơi sưng, và bắt đầu gây sốt. Anh Q. mua thuốc uống nhưng không đỡ, những ngón tay không bị cắn cũng bắt đầu đau, người đôi lúc choáng váng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, đây là bệnh Sodoku do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus gây ra.
Chuột cống, chuột đồng là nguồn lưu trữ mầm bệnh nhiều nhất. Trong máu của chúng có tới 10 đến 20% mang xoắn khuẩn. Khi bị chuột mắc bệnh cắn phải, xoắn khuẩn sẽ theo nước bọt chuột xâm nhập cơ thể qua vết cắn.
Chỗ cắn bị viêm rồi dần dần bị loét, kèm theo nổi hạch ở vùng lân cận. Xoắn khuẩn, lan tràn khắp cơ thể rồi cư trú trong các cơ quan như gan, thận, thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng... Từ đây, xoắn khuẩn sẽ vào máu từng đợt gây ra các đợt sốt.
Nếu bệnh diễn biến nặng, không điều trị kịp thời, có thể bị biến chứng như viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng.
v
Chuột là 1 loại động vật thường gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cao, Khi trong nhà có sự xuất hiện của chuột thì vấn đề cất giữ thức ăn rất được cẩn thận, vì chuột phá hại rất giữ, ở đâu có thức ăn chúng gậm nhắm, đó là con đường lây truyền mầm bệnh, Hãy để công ty diệt côn trùng chúng tôi giúp bạn thoát khỏi vấn đề khó chịu này dịch vụ diệt chuột
Trả lờiXóa