Tôi đi Singapore xem "thủ thuật" chữa bệnh
Mỗi thầy phán một kiểu?
Không thể đừng, giữa năm 2012, tôi đã phải xin nghỉ không lương một tháng trời chỉ để tìm nguyên nhân đau sau hốc mắt phải một cách kinh khủng. Nhưng càng khám tôi càng hoang mang bởi các vị giáo sư, TS đưa ra những nhận định hoàn toàn khác nhau sau khi xem đủ các loại phim chụp ở các thiết bị hiện đại nhất ở VN. Có vị nói tôi bị thiểu năng tuần hoàn não, có vị thì cho rằng tôi bị một mạch máu rất nhỏ sau đáy mắt có trục trặc mà các phim chụp không thể phát hiện ra, hoặc viêm dây thần kinh, thậm chí có vị chủ nhiệm khoa BV lớn ở trung ương còn nói tôi bị teo não...
Nhưng rồi đến những ngày đầu năm 2015 này, những cơn đau dữ dội, liên tục cả tháng trời, uống thuốc giảm đau cũng không ăn thua, tôi một lần nữa chụp các loại phim liên quan đến đầu, xoang và khám tổng thể về mắt. Lần này tôi nhờ riêng lẻ, rồi cả nhóm TS-BS nội trú trẻ hội chẩn tại… quán cafe. Đây là đề xuất của một PGS-TS. Trẻ với hy vọng kiến thức hiện đại với không gian mở, họ sẽ mạnh dạn đưa ra các giả thiết. Sau khi xem phim xong, họ đều khẳng định: Trừ xoang bướm dạng polip, anh không có dị tật nào, bước đầu chúng em nghĩ anh chỉ bị viêm các dạng dây thần kinh. Vì nghe tôi nói đã từng điều trị thế nào những năm trước đây, nên họ cũng rất thận trọng khi nói: Để bọn em điều trị với phương pháp loại trừ dần, cùng lắm là 2-3 tháng sẽ dứt điểm. Đặc biệt, khi một BS kê đơn, các BS khác góp ý rất thẳng về đơn này nọ trước mặt tôi - một bệnh nhân (BN) - tôi hiểu thêm cái khó của BS đến thế nào và tôi biết, chỉ chỗ anh em họ mới nói như vậy.
Nghe xong, một mặt, tôi rất cảm ơn các BS bởi yên tâm là mình không bị bạo bệnh, tôi vẫn uống thuốc theo đơn, mặt khác, tôi cũng phải thú thật, với những cơn đau vật vã này thì không chịu nổi nữa, đành phải đi Singapore để… hy vọng, dù mong manh.
Đến Singapore để biết... "ma thuật"
Bệnh viện M.E mà tôi đến là bệnh viện tư, nằm ở trung tâm của quốc đảo Singapore trông rất đồ sộ và tấp nập bệnh nhân. Theo tôi tìm hiểu qua một người bạn đáng tin cậy, đây kiểu như các phòng khám bệnh riêng biệt nằm chung ở cùng một địa điểm do một ông chủ quản lý. Đa số các chuyên gia thuộc diện được mời đến khám chứ không phải biên chế của bệnh viện (tôi biết điều này khi đang khám). Chị H (tự giới thiệu là nữ tiến sĩ (bằng của Singapore) người Việt, chuyên ngành quản lý về y) nói với tôi rằng sẽ có vị GS đầu ngành về thần kinh ở Singapore tên là J.T. Lúc này tôi gọi điện hỏi người bạn của mình, liệu ông J.T có đúng như vậy không? Bạn tôi cho biết, nếu đúng họ tên như vậy thì yên tâm, ông ta thuộc diện có quyền lực ở đất nước này đấy (quyền lực về chuyên khoa - PV). Tôi rất yên tâm.
Tôi càng yên tâm hơn khi thấy cách khám bệnh của ông khác hẳn các BS bên ta. Thứ nhất, sau khi xem các loại phim tôi mang sang (tôi chụp ở nhà đủ các loại trên các thiết bị hiện đại nhất với hy vọng khỏi phải chụp ở xứ người), ông J.T. chủ động hỏi bệnh, mà không muốn nghe bệnh nhân kể bệnh như bên ta (ít nhất là cảm nhận của tôi). Thứ hai, cách khám bệnh cũng chẳng giống VN một chút nào. Rất đơn giản. Đầu tiên, ông lấy lòng ngón tay trỏ vuốt nhẹ lên hai má rồi hỏi có thấy khác gì không? Sau đó, ông dùng bàn tay tỳ vào thái dương, yêu cầu bệnh nhân đẩy ngược lại hỏi có đau không. Sau đó làm tương tự với thái dương bên kia; Với câu hỏi tương tự, ông dùng bàn tay đẩy lên cằm và yêu cầu bệnh nhân tì xuống; lấy ngón tay véo nhẹ vào má trái, má phải rồi vị GS này hỏi có phản xạ giống nhau không? Hoặc búng ngón tay ở hai bên tai rồi hỏi nghe có đều nhau không? Rồi ông yêu cầu tôi tiến và lùi bằng ngón chân như kiểu vũ ba lê…
Nhưng rồi, những cái đó tôi còn hiểu được, có thể đó là cách thử phản ứng thần kinh. Tuy nhiên, đến khi ông ta sử dụng bông vê thành mũi rất nhỏ chọc chọc vào hai hốc mắt ở gần mũi để thử phản ứng thì tôi rất khó hiểu. Bởi lẽ, khi tôi chuyển cho ông ta những kết quả khám tổng thể, kể cả phim chụp đáy mắt, ông ta phẩy tay không xem, lúc đó tôi thầm khâm phục, đúng là chuyên gia đầu ngành về thần kinh nên GS đã biết rằng mắt không liên quan đến cái đau đầu của tôi. Vậy giờ đây, theo thói quen nghề nghiệp tôi không thể không đặt câu hỏi: Ông thử phản xạ mắt làm gì? Phải chăng đây chỉ là thói quen nghề nghiệp?
Sau khi khám, tư vấn khoảng 30 phút, ông đưa ra yêu cầu chụp 5 kiểu phim dù các kiểu này đã chụp ở VN. Lý do đơn giản, phim chụp ở Việt Nam chưa đủ độ phân giải. Sau đó, chị H tỏ ra bần thần và nói qua điện thoại gì đó với vị GS thì giảm xuống còn 2 kiểu. Nhưng một lúc sau, thấy hộ lý đưa ra tờ giấy gạch gạch, xóa xóa và nói gì đó, chị H nói lại với tôi, vẫn phải 4 kiểu (CT mắt, CT xoang, MRI mắt, MRI não – lúc này câu hỏi về mắt càng rõ hơn, bởi khi thử phản xạ mắt, tôi nói rõ là hai bên đều giống nhau, vậy sao phải chụp?) anh ạ, giá chụp tổng cộng 3.220 đô Singapore (SGD) và 200SGD tiền tư vấn và khám (quy ra tiền Việt tổng cộng khoảng 53 triệu đồng). Sau khi nộp tiền, tôi được chụp 2 lần. Một lần chụp ngay sau đó mà không tiêm thuốc cản quang. Chiều cùng ngày, sau khi tiêm thuốc cản quang tôi được đưa lên máy và nằm liền tù tì đúng 1 tiếng 10 phút. Tôi phải nhắc vậy vì chụp ở VN hơi bị nhiều nhưng chưa có lần nào lâu như vậy, lần lâu nhất cũng chỉ khoảng 15 phút, khi tôi chụp cộng hưởng từ cả mạch máu não lẫn đốt sống cổ cùng lúc.
Điều "kỳ diệu" nhất là, cả buổi chiều tối sau khi chụp phim xong, dù không uống thuốc giảm đau nhưng tôi không đau đầu một tí tị tì ti nào. Nhờ vậy, chiều đó rỗi, thay vì đi taxi, tôi có thể du lịch bụi bằng xe buýt đến công viên Bishan. Một buổi chiều hạnh phúc, không chỉ vì được ngắm cảnh đẹp nơi xứ người mà hơn cả là không chút đau đầu. Nhưng tôi chợt lo, bởi tôi hiểu, đó rất có thể là kết quả của những tia X. Tôi hãi hùng. Nếu mà ai còn tuổi thanh xuân chắc phải kinh hoàng vì...
Theo hẹn, 11 giờ hôm sau chúng tôi vào phòng để nghe vị GS giảng giải về phim và kết luận: Anh chỉ bị xoang bướm thôi, nó có thể là 50 % nguyên nhân gây đau đầu. Để loại trừ, có thể tôi giới thiệu một BS hàng đầu mổ xoang cho anh, giá khoảng 320 triệu đồng tiền Việt. Vì đã được các GS ở nhà cho biết về kiểu, mức độ xoang này lên đầu và khuyên không nên mổ, nên tôi đã từ chối khéo. Và không ngờ bên này họ rành mạch đến vậy, một lần nữa họ lại tính tiền tư vấn lúc đọc phim (!?).
BS Việt vẫn là năm - bơ - oăn!
Về đến Việt Nam chiều tối thứ sáu (27.3.2015), sáng thứ 7 tôi đến nhờ PGS-TS-BS Quách Thị Cần – Phó GĐ BV Tai Mũi Họng Trung ương khám. Xem xong tập phim dày cộp, BS Cần bắt tay vào khám. Tôi rất nể vì sự nhiệt tình của PGS Cần khi khám bệnh, bởi khi đút cái máy dò có đầu camera vào mũi, tôi cứ cứng đơ người dù yêu cầu người phải mềm ra. Thấy bác sĩ trẻ loay hoay vài lần không được, chị trực tiếp ngồi vào cầm đầu dò và nói vui: "Lại mắc bệnh trên bảo dưới không nghe đây". Đang căng thẳng vì cái đầu dò dài cả gang tay, sáng loáng, nhọn hoắt chọc thẳng vào mũi, tôi bỗng phì cười, buột miệng: "Sao chị biết?". Thế là mọi việc suôn sẻ.
PGS Cần khẳng định: Xoang này của anh chỉ là dạng polip, không thể gây đau đầu như vậy được, tôi sẽ điều trị bằng thuốc, không cần thiết phải can thiệp bằng dao kéo. Để tôi yên tâm, chị giải thích rõ hơn, ngoại khoa chỉ sử dụng khi không thể điều trị bằng nội khoa, bởi dù xác suất rất thấp nhưng chuyện xấu vẫn có thể xảy ra nếu dùng dao kéo, do đó bệnh viện chúng tôi không bao giờ lạm dụng chuyện mổ xẻ cả. Mấy ngày sau tôi có hỏi thêm vài vị BS chuyên khoa Xoang nữa xem thế nào, họ đều khuyên không nên mổ. Lý do cũng giống như BS Cần nói và giải thích kỹ cùng nội dung: xoang của anh thuộc dạng chất nhầy nằm trong bọc (nên BS gọi là polip cho BN dễ hình dung), nên rất khó có khả năng gây đau đầu kiểu như anh được.
Tôi thở phào. Nhưng đầu vẫn đau.
Có lẽ hơn ai hết, nữ BS rất hiểu bệnh nhân của mình cần cái gì. Một mặt bà cho đơn thuốc để chữa xoang, mặt khác, bà giới thiệu cho tôi một vị GS khác cũng từng chữa khỏi bệnh nhân không rõ nguyên nhân mà lúc đầu tuyến dưới nghĩ là do tai mũi họng. Dù rất bận, bà kể rất kỹ cho tôi về trường hợp này. Lúc này tôi chợt giật mình, có lẽ do lúc đến khám bệnh tôi dại dột nói việc không còn lòng tin vào các bác sĩ với căn bệnh của tôi. Chắc PGS Quách Thị Cần muốn lấy lại niềm tin cho tôi trước khi đến với BS khác. Tôi tin và hy vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét