Trang

Về vị thuốc con đỉa khô

suckhoe.vnexpress.net - Thứ ba, 17/11/2015 | 11:19 GMT+7

Tác dụng chữa bệnh đông máu, bế kinh... của đỉa được ghi chép trong bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y Trung Quốc  là "Thần nông bản thảo kinh" 2.000 năm trước.

bai-thuoc-nghin-nam-tu-con-dia-kho

Đỉa khô. Ảnh: ML.

Đỉa là một trong những vị thuốc cổ nhất của Đông y. Tác dụng chữa bệnh của đỉa được ghi chép lần đầu tiên trong cuốn sách "Thần nông bản thảo kinh", bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y Trung Quốc cách đây 2.000 năm.Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, đỉa dùng làm thuốc có nhiều loài nhưng thông dụng nhất là 3 loài: Đỉa xám, đỉa xanh lục và đỉa trâu.

Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam, đỉa khô còn gọi là "thủy điệt" hay "mã hoàng", có vị mặn, đắng, tính hàn, có độc. Đỉa là bài thuốc có tác dụng phá hòn cục, tiêu tích, phong nở, trị bế kinh, trị các bệnh của phụ nữ như huyết ứ, không lưu thông do sang chấn tổn thương gây đau nhức.

Cũng theo thầy thuốc Hướng, để làm thuốc, bắt các con đỉa to, khỏe, ngâm vào nước vôi loãng hoặc với rượu cho chết rồi vớt ra rửa sạch, mổ bụng, lộn toàn bộ ruột ra phía ngoài. Sau đó rửa tiếp bằng nước muối loãng nhiều lần, đun cho chín, thái từng khúc rồi phơi sấy khô. Bảo quản trong các lọ thủy tinh sạch ở nơi khô ráo thoáng mát, thời gian sử dụng khoảng 6 tháng.

Cùng quan điểm, lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đỉa khô không có giá trị dinh dưỡng nào cả, song là một vị thuốc chữa bệnh trong Đông y. Quanh miệng con đỉa có tuyến nước bọt tiết ra chất hirudin tác dụng làm cho máu không đông. Người ta dùng đỉa làm nguyên liệu chiết men hirudin dưới dạng thuốc tiêm, thuốc xoa để chữa những trường hợp máu hay đông tắc, tụ máu nội tạng, tụ máu vết thương...

Từ xưa, Đông y đã biết đỉa là một vị thuốc có tính độc nên chỉ sử dụng với liều lượng nhỏ. Mỗi ngày người bệnh chỉ nên dùng 2-4 g đỉa khô, kết hợp với một số vị thuốc khác như nga truật, tam lăng, xuyên sơn giáp, đan sâm, đương quy... Những người ứ trệ huyết không phải thực trứng thì cấm dùng. Người bệnh nên thăm khám thầy thuốc để được hướng dẫn sử dụng bài thuốc đặc trị phù hợp với bệnh và thể trạng.

Ông Hướng nhấn mạnh, đây là vị thuốc không độc nhưng nguy hiểm. Người dân kể cả những thầy thuốc không có kiến thức sâu về đông y thì tuyệt đối không nên dùng.

Nhiều người lo ngại đỉa khô có thể tái sinh. Bác sĩ Lê Hữu Tuấn ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nhìn nhận, lịch sử y học đã ghi nhận nhiều trường hợp con đỉa có thể bám và sống trong hốc mũi, hậu môn của người, nhưng đấy là con đỉa sống. Chưa có xác thực nào về việc đỉa có thể tái sinh sau khi được phơi khô, tán nhỏ và cấy vào thức ăn. Lý do là bào tử của đỉa qua quá trình chế biến không thể tồn tại.

Linh Nga

 

 

Đi tìm đường dây tiêu thụ đỉa sấy khô giá 3 triệu đồng/kg

07:30 AM - 19/11/2015 Thanh Niên Online

Đỉa sấy khô nhập từ biên giới bị phát hiện hôm 14.11 - Ảnh: Giang PhươngĐỉa sấy khô nhập từ biên giới bị phát hiện hôm 14.11 - Ảnh: Giang Phương

 

"Có tên trong sách đông y nhưng chưa rõ công dụng"

Trao đổi với phóng viên, anh Triều Thanh, chuyên hành nghề bốc thuốc nam ngụ huyện Hòa Thành cho rằng, anh được biết con đỉa có tên trong một số sách đông y về cây thuốc và vị thuốc Nam với tên gọi là thủy điệt, có tác dụng điều trị một số loại bệnh đặc trưng về máu huyết, viêm tấy. Tuy nhiên, hiện bản thân anh không biết công dụng thật sự của nguyên liệu này và cũng chưa từng sử dụng.

Để minh chứng, anh Thanh lật cuốn sách đông y có tựa "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" - cuốn sách được tái bản và bổ sung nhiều lần của tác giả Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi. Theo cuốn sách trên thì đỉa có nhiều loại (chủ yếu đỉa sám, đỉa xanh lục, đỉa trâu…) đều làm thuốc được.

Đi tìm đường dây tiêu thụ đỉa sấy khô giá 3 triệu đồng/kg - ảnh 1

4 con đỉa khô bằng ngón tay được bán ra với giá 65.000 đồng - Ảnh: Giang Phương

Nói về công dụng, cuốn sách ghi, trước đây, đỉa được dùng sống để cho hút máu trong nhiều trường hơp viêm tấy. Cách điều trị này không được dùng cho người già, trẻ em và người có máu khó đông. Tuy nhiên từ lâu đỉa không còn dùng để hút máu trực tiếp nữa vì rất nguy hiểm, có thể truyền những bệnh truyền nhiễm. Gần đây, nhiều người dùng đỉa làm nguyên liệu men hirudin dưới dạng thuốc tiêm, thuốc xoa để chữa những trường hợp máu khay đông tắc, viêm màng bao tim, trĩ, tụ máu ở nội, tạng hoặc các vết thương.

Cuốn sách không khuyến cáo gì thêm, do đó, anh Thanh dặn: "Trong đông y, con đỉa còn có tên là thủy điệt, cứ tìm đến các tiệm thuốc đông y để rõ thực hư".

4 con đỉa khô giá 65.000 đồng

Trong khi tìm hiểu về việc mua bán đỉa tại các tiệm thuốc đông y, phóng viên Thanh Niên tiếp nhận được khá nhiều thông tin.

Tại nhà thuốc đông y T. ở gần khu vực chợ Tây Ninh (thuộc TP.Tây Ninh) , khi nghe phóng viên hỏi mua đỉa khô, chủ tiệm xua tay khẳng định chắc nịch: "Ở đây chẳng có ai dùng đỉa trị bệnh đâu, con đỉa ai dám dùng uống mà làm thuốc, còn đỉa khô thì ở đây không bán".

Thế nhưng, khi đến tiệm thuốc khác tên B. (thuộc xã Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh), phóng viên hỏi mua đỉa khô với tên "thủy điệt", anh chủ tiệm hồ hởi nói: "Giá khá cao đó, 3 triệu đồng/kg"

Anh chủ tiệm nói thêm: "Một phần vì giá quá rát nhưng quan trọng nhất là không phải ai cũng dám dùng đỉa khô để điều trị đâu, phải cao tay thì mới dám, không thì hậu quả khó lượng đó".

Anh chủ tiệm thừa nhận: "Chính vì vậy, có lúc, cả năm trời tiệm mới bán được chưa đầy nửa kg đỉa khô"

Đi tìm đường dây tiêu thụ đỉa sấy khô giá 3 triệu đồng/kg - ảnh 2

Một nhân viên tiệm thuốc đông y mang đỉa khô ra bán cho khách - Ảnh: Giang Phương

Chúng tôi tiếp tục tìm đến tiệm thuốc đông y S. tại khu vực thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, khi được hỏi mua "thủy điệt" chị bán thuốc rơm rả nói trước: "Đắt lắm đó nhen, mua lẻ mà dùng đi, hết thì quay lại mua thêm cho tiện"

Phóng viên nói muốn mua 4 con đỉa sấy khô, người bán nhanh nhảu cầm một hủ nhựa trong hộc tủ đựng đầy đỉa khô bốc từng con bỏ lên cân. Nhìn kết quả cân, chị này thông báo "3 chỉ", lập tức một phụ nữ ngồi gần đó nhìn bảng giá rồi nói lớn ra ngoài: 65.000 đồng/ 4 con đỉa. Khi phóng viên hỏi thêm về cách sử dụng và liều lượng thì người này nói không rõ.

Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, ngày 16.11, Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh cùng Công an huyện Châu Thành, Công an xã, UBND xã Thành Long tiến hành tiêu hủy 72 kg đỉa sấy khô được vận chuyển từ biên giới Campuchia về Việt Nam (bị lực lượng Công an xã Thành Long bắt rạng sáng 14.11). Đây là lần đầu tiên tỉnh Tây Ninh bắt được đỉa đã sấy khô. Trước đó, Tây Ninh đã bắt 3 vụ khác với tổng trọng lượng trên 600 kg nhưng là đỉa sống.

Giang Phương

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét