Trang

Hơn 30% mẫu cà phê trên thị trường có lượng caffeine “không đáng kể” / Cách nhận biết

Đáng sợ: Hơn 30% cà phê có caffeine "không đáng kể"

13:43 PM, 16-07-2016

(ĐSPL) - Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, cà phê không chứa cafein là cà phê giả, được chế biến từ các loại thực phẩm khác nhau và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Theo tin tức trên VTC News, ngày 11/7 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam công bố bảng báo cáo khảo sát cà phê trên thị trường một số tỉnh và thành phố trong thời gian qua.

Sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7/2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.

Cụ thể, từ tháng 6-7/2016, trong 253 mẫu khảo sát thực hiện tại 4 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng, có tới 5 mẫu không có caffeine đã được tìm thấy tại các quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè, cà phê bệt và xe đây.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy tới 1/3 tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít).

Theo kết quả khảo sát căn cứ trên địa điểm chọn mẫu cho thấy có gần một nửa (47,54%) các mẫu cà phê lấy từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè, và căn tin bệnh viện, có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí các mẫu tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy thì hoàn toàn không có hàm lượng caffeine.

Đáng sợ: Hơn 30% cà phê có caffeine

Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, cà phê không chứa cafein là cà phê "giả". (Ảnh minh họa).

Trước đó, tháng 5/2016 một khảo sát nhanh khác của Vinatas trên 25 mẫu nước cà phê tại TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng phát hiện 02 mẫu hoàn toàn không có caffeine.

Ngày 25/6/2016, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố: Có 02 mẫu không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 28/100 mẫu có hàm lượng caffeine < 1,0% (không đạt yêu cầu).

Khảo sát trên cho thấy, thực trạng cà phê không chứa caffeine hay hàm lượng caffeine rất nhỏ trên tổng các quán cà phê xe đẩy, căng tin bệnh viện và vỉa hè chiếm đến 47,54% đang là con số đáng lưu ý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Vinastas, cho biết thời gian tới Vinastas sẽ mở rộng khảo sát các địa bàn khác.

Đặc biệt, ngoài việc xác định hàm lượng caffeine, hội sẽ tiến tới xác định các chỉ tiêu khác nhằm làm rõ tạp chất trong bịch cà phê, sản phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh, có chứa độc tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân hay không.

Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, cà phê không chứa cafein là cà phê "giả", được chế biến từ các loại thực phẩm khác nhau và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Thông tin trên báo Phụ nữ Online, gần đây trên mạng xuất hiện tràn lan thông tin từ một fanpage tên là Cửa hàng hóa chất Kim Biên quảng cáo rầm rộ về một loại tinh chất cafe, 1 giọt pha được 1 ly và giá thành cực rẻ. Không bàn đến thực hư và mục đích xuất hiện của trang mạng này, người dùng cũng vỡ lẽ ra được một sự thật là thật sự có một loại hóa chất như vậy tồn tại trên đời và có lẽ bấy lâu nay chúng ta vẫn uống chất độc vào người mà không biết.

Trên báo Tuổi Trẻ cũng có bài báo về nhận định của các chuyên gia, bác sĩ, khẳng định rằng, uống cafe pha từ tinh chất này có thể gây ung thư.

Cà phê đểu gây hậu quả khôn lường

Thông tin trên báo VietQ, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM phân tích, tinh cà phê chế biến sẵn là tinh tổng hợp, chủ yếu làm từ hóa chất, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại. Còn kháng sinh chloramphenicol cũng bị cấm dùng cho cả việc nuôi hải sản. Việc rang cháy đậu nành để cho giống cà phê thật sẽ làm phân hủy các thành phần dinh dưỡng và nó sẽ sản sinh ra các chất rất độc hại cho người sử dụng'.

Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam cũng nhìn nhận: 'Đáng sợ nhất của phẩm màu, phụ gia công nghiệp vì nó chứa rất nhiều tạp chất, các kim loại nặng như thủy ngân, chì, asen... Nếu dùng lâu dài, các độc chất này tích tụ sẽ giết dần mòn cơ thể và chúng có nguy cơ gây ung thư. Riêng kháng sinh chloramphenicol nếu dùng không đúng thì không đơn giản làm lờn thuốc mà nó còn độc cho gan và làm suy tủy, ảnh hưởng lên thận. Với đường hóa học Sodium Cyclamate, loại đường có độ ngọt gấp 50 lần so với đường mía thông thường, bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng; có nguy cơ gây hội chứng Down, ảnh hưởng trên thai phụ; thử nghiệm ở chuột, người ta nhận thấy đường Cyclamate còn gây cao huyết áp và làm teo tinh hoàn...

Ông T.H, một chuyên gia về hóa thực phẩm có thâm niên tại TP.HCM từng chia sẻ với báo Thanh Niên: Khi sản xuất cà phê 'đểu', nếu không cho hương vào thì đậu nành, bột bắp sẽ hút hết tinh cà phê tổng hợp. Còn chất tạo bọt thường dùng là Sodium lauryl sunlfate, loại làm nước rửa chén, dầu gội đầu... Chất tạo bọt Sodium lauryl sunlfate chỉ dùng trong công nghiệp, không được dùng cho thực phẩm bởi nó độc hại và có nguy cơ gây ung thư.

Đáng sợ: Hơn 30% cà phê có caffeine

Cà phê với 7 phần là chất độn lại được 'tắm' với thứ hóa chất màu đen. Ảnh VnExpress

Phân biệt cà phê thật với cà phê bột bắp, đậu

Theo các chuyên gia nghiên cứu và những người thưởng thức cà phê lâu năm, cà phê nguyên chất khi pha ra, có màu cánh gián chứ không phải màu đen, nước cà phê trong chứ không đục. Cà phê có màu đen sậm là loại có thể chứa phẩm nhuộm phân tán (dùng trong nhuộm vải sợi, rất độc hại cho sức khỏe).

Cà phê pha xong đánh cho lên bọt đó là cà phê có pha hương cà phê, hoặc nguy hiểm hơn là có chất tạo bọt sodium lauryl sulfat. Khi cà phê pha phin, chưa bỏ đường mà đã có vị ngọt, đó là do có caramel có trong đậu nành hoặc bắp rang.

Nhận biết cà phê nguyên chất

Thử bột:

- Nhìn bột cà phê nguyên chất có màu nâu chứ không phải màu đen.

- Nếu bạn thường xuyên bảo quản cà phê trong hũ nhựa hoặc lọ thủy tinh, bạn hãy thử xốc hũ lên xuống nhiều lần, vì không có hương liệu và rất nhẹ nên bột cà phê nguyên chất không bám vào thành hũ mà rớt hết xuống đáy.

- Thả một ít bột cà phê vào nước lạnh thấy bột hoàn toàn nổi lên trên mặt nước, 5 phút sau bột vẫn không chìm.

Quan sát khi pha:

- Bột cà phê nguyên chất khi rót nước sôi vào phin thì bột cà phê nở bung, thông thường nắp gài của phin nhôm sẽ bị trồi lên do bột cà phê nở.

- Nước cà phê nhỏ giọt rất nhanh, màu nâu cánh gián, không sánh đặc.

- Cà phê nguyên chất thường có ít bọt và bọt tan đi rất nhanh.

Cảm nhận khi uống:

- Hương thơm tự nhiên của cà phê không ngào ngạt mà phảng phất.

- Mùi cà phê "thực" thường thay đổi khá nhiều (ít thơm như lúc đầu) sau 10 phút, do cà phê bị oxy hóa và thay đổi cấu trúc phân tử nhanh trong điều kiện thường.

- Mùi vị khi uống: đắng dịu, có vị chua, sâu lắng tự nhiên. Sau khi uống bạn có thể cảm nhận vị đắng đọng lại ở cổ họng.

- Tách cà phê luôn có hậu vị lưu luyến, tuy đã uống cạn ly nhưng mùi cà phê quyến rũ vẫn vương vấn đâu đây.

Một vài lưu ý nhỏ khi uống cà phê:

- Chất cafein trong cà phê có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động trong hệ thống tim mạch. Những người bị rối loạn tim mạch hoặc không dung nạp cafein thì không nên uống nhiều cà phê.

- Cafein có tác dụng kích thích làm tăng tiết axit dịch vị, vì vậy, tránh uống cà phê vào lúc đói. Người đã yếu dạ dày nếu uống cà phê lúc đói sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày. Một số người chỉ uống cà phê vào buổi sáng mà không dùng điểm tâm sẽ dễ gây ra các chứng bệnh dạ dày, nên bỏ đi thói quen này.

- Cafein có thể gây tương tác với một số dược phẩm, chẳng hạn làm mất tác dụng an thần của thuốc an thần gây ngủ. Vì vậy, nên tránh uống cà phê với thuốc.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét