Thời điểm ăn sáng tốt nhất cho sức khỏe
Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ thời điểm ăn sáng lý tưởng là trước 8h30, giúp kiểm soát cân nặng, đường huyết và sức khỏe tim mạch.
Chuyên gia dinh dưỡng Samantha Cassetty chia sẻ như trên, thêm rằng bữa sáng đúng giờ cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
"Bữa sáng đóng vai trò đặc biệt do cơ thể được thiết lập để ăn và chuyển hóa thức ăn vào buổi sáng", bà nói. Điều này nhờ vào nhịp sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ, năng lượng và quá trình trao đổi chất.
Nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ phần lớn calo vào sáng sớm dễ duy trì cân nặng khỏe mạnh hơn. Bà Cassetty lưu ý, "về mặt trao đổi chất", ăn sáng trước 8h30 là lý tưởng vì cơ thể nhạy cảm với insulin nhất vào buổi sáng, giúp xử lý carbohydrate hiệu quả, ổn định đường huyết và năng lượng suốt cả ngày.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng ăn sáng muộn (sau 9h thay vì trước 8h) và ăn tối muộn (sau 21h thay vì trước 20h) làm tăng nguy cơ tim mạch, đặc biệt ở phụ nữ.
Có nên bỏ bữa sáng, chỉ ăn trưa và tối?
Nhịn ăn sáng ảnh hưởng hiệu suất làm việc, tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng hệ tiêu hóa, gây tăng cân.
Nhiều người áp dụng nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting) hoặc bỏ bữa sáng với mục đích giảm cân hoặc cải thiện sức khỏe. Theo BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khuyến cáo bỏ bữa sáng không phải là phương pháp phù hợp cho mọi người, đặc biệt là người có lối sống năng động, trẻ em, thanh thiếu niên, người cao tuổi hoặc người có vấn đề sức khỏe như tiểu đường hay bệnh dạ dày.

Bữa sáng ảnh hưởng quan trọng đến năng lượng hoạt động của cơ thể. Ảnh minh họa: Bùi Thủy
Tác hại của bỏ bữa sáng
Giảm năng lượng, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập
Bữa sáng cung cấp năng lượng sau một đêm dài nhịn ăn. Nếu không ăn sáng, não bộ thiếu glucose để hoạt động, dẫn đến mất tập trung, giảm hiệu suất làm việc, học tập và có thể gây mệt mỏi, cáu gắt.
Ở Việt Nam, đa số mọi người kể cả đi làm, học sinh - sinh viên, trẻ em đều khởi đầu ngày mới khá sớm (khoảng 6-7h) nên bỏ bữa sáng sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể làm việc.
Bỏ bữa sáng phù hợp với những người làm việc trễ bắt đầu từ khoảng 9-10h. Bỏ ăn sáng và chỉ ăn trưa tối giúp họ cắt giảm năng lượng, bữa ăn đầu tiên trong ngày và thời gian làm việc tương đối thích hợp. Họ có thể không cần ăn sáng mà vẫn minh mẫn, có thể hỗ trợ việc giảm cân nếu cần.
Tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa
Các nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ cao mắc các vấn đề như béo phì, tiểu đường type 2, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao) và tăng huyết áp. Điều này là do khi bỏ bữa sáng, cơ thể dễ có xu hướng ăn nhiều hơn vào các bữa sau, đặc biệt là tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng.
Tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa
Những người bị đau dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản dễ gặp tình trạng ợ nóng, đau dạ dày nặng hơn nếu nhịn ăn sáng thường xuyên.
Tăng nguy cơ ăn vặt và tăng cân ngoài ý muốn
Khi nhịn đói vào buổi sáng, nhiều người có xu hướng thèm ăn và tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh như bánh ngọt, trà sữa, thức ăn nhanh vào giữa buổi sáng hoặc chiều, làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc ăn sáng đầy đủ, đặc biệt bữa sáng lành mạnh giàu đạm sẽ giúp cơ thể kiểm soát tốt cơn đói và đạt hiệu quả giảm cân tốt hơn.
Ảnh hưởng đến tâm trạng
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bỏ bữa sáng có thể làm tăng mức độ căng thẳng, lo âu, thậm chí làm giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc. Do đó thay vì bỏ bữa sáng, bạn nên lựa chọn một bữa ăn sáng lành mạnh với đầy đủ các nhóm chất bột đường, đạm, béo, xơ và vitamin.
Nếu bạn muốn thử phương pháp nhịn ăn gián đoạn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo phù hợp với thể trạng cá nhân.
Mỹ Ý
Bữa sáng ăn gì tốt nhất?
Bữa sáng tôi hay ăn bún, phở, xôi, mì tôm. Chế độ ăn này có đủ dinh dưỡng không, bữa sáng nên ăn như thế nào là tốt? (Liên, 35 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
"Ăn gì buổi sáng?" có lẽ là câu hỏi phổ biến của mọi người. Mỗi người có lựa chọn cho bữa sáng khác nhau, tùy sở thích, cân nặng, tuổi tác, khả năng chi trả. Không có công thức ăn uống nào cho tất cả mọi người.
Nhiều người chọn ăn món có nước như bún, miến, phở, mì tôm, song có người lại thích ăn món khô như xôi, bánh mì, người thích tự nấu chuẩn bị bữa cơm gia đình. Thực tế, nếu bạn chuẩn bị được một bữa cơm như bình thường cho bữa sáng là tốt nhất, phù hợp với tất cả mọi người, kể cả người già, trẻ nhỏ.
Lý do là khi nấu cơm vào buổi sáng, bạn vừa đảm bảo được an toàn thực phẩm, vừa cân bằng dinh dưỡng. Bữa cơm gia đình bình thường sẽ đầy đủ 4 nhóm chất là tinh bột từ cơm, protein từ thịt cá trứng và vitamin khoáng chất từ canh rau. Ăn đủ các nhóm chất giúp hệ tiêu hóa, thần kinh và các cơ quan khác hoạt động hiệu quả, có lợi cho sức khỏe nói chung.
Bún, phở hay xôi là những món phổ biến, nhiều người yêu thích vì tính tiện lợi, song thiếu rau xanh, thiếu lượng chất xơ cần thiết, từ đó, cơ thể không nhận đủ vitamin và khoáng chất. Nếu ăn thường xuyên, bạn nên thêm rau vào để đa dạng dinh dưỡng. Thiếu chất xơ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, gây táo bón.
Nhìn chung, bản chất bữa sáng là cung cấp năng lượng cho cơ thể, món ăn nào cung cấp calo hợp lý, cân đối đều rất tốt. Món ăn cung cấp khoảng 300-500 kcal là hợp lý. Mọi người nên thay đổi thực đơn, tránh ăn một món liên tục, gây nhàm chán.

Chuẩn bị bữa sáng giống một mâm cơm bình thường là tốt nhất. Ảnh minh họa: Bùi Thủy
PGS.TS. BS Nguyễn Trọng Hưng
Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Ăn phở buổi sáng thế nào tốt sức khỏe?
Tôi thích ăn sáng bằng phở bò, song lo ngại dư thừa chất béo. Vậy ăn phở thế nào tốt sức khỏe? (Phong, 36 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Món phở được nhiều người yêu thích, hay ăn vào buổi sáng. Kết cấu của một bát phở đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất, bao gồm: tinh bột ở bánh phở, protein ở thịt bò, nước dùng cung cấp chất béo, hành - rau thơm cung cấp vitamin và khoáng chất.
Dù vậy, món ăn này được đánh giá không mất cân đối dinh dưỡng do chất béo trong nước dùng nhiều, trong khi lượng vitamin và khoáng chất ít, không cung cấp đủ nhu cầu rau xanh. Thiếu chất xơ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, gây táo bón.
Chưa kể, phở bò chứa nhiều calo, một bát phở nguyên liệu ước lượng khoảng 140 g bánh phở, 100 g thịt bò, thêm chút hành lá, hành tây, mỡ cùng 350 ml nước dùng, có thể cung cấp 300-600 kcal, tùy từng loại thịt bò - tương đương một bữa chính. Thịt bò cũng thuộc nhóm thịt đỏ, ăn nhiều không tốt cho sức khỏe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét