Quan niệm sai lầm thường gặp về huyết áp cao
Huyết áp cao không nguy hiểm, tình trạng này không thể ngăn ngừa, điều trị kém hiệu quả là những cách hiểu chưa đúng về bệnh.
Huyết áp cao không nguy hiểm
Huyết áp của người trưởng thành bình thường khoảng 120/80 mmHg. Nếu chỉ số trên 140/90 mmHg là huyết áp cao. Tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người" thầm lặng, bởi vì đa phần người bệnh thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Một số ít người có thể bị nhức đầu, khó thở hay chảy máu mũi nhưng các dấu hiệu này không đặc hiệu.
Huyết áp không kiểm soát có thể dẫn tới thay đổi của hệ thần kinh như đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não; hệ tim mạch gồm cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp, bóc tách động mạch chủ, suy thận cấp...
Không thể ngăn ngừa được huyết áp cao
Thiếu ngủ, rối loạn hormone tuyến giáp khiến huyết áp tăng cao, gây hại cho tim mạch. Một số thay đổi lối sống, thói quen ăn uống có thể giúp ngăn ngừa tình trạng.
Giữ cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tim căng thẳng, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn tới gia tăng tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp. Duy trì cân nặng phù hợp bằng cách kết hợp ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Mỗi người cần giảm lượng muối trong bữa ăn, hạn chế đồ chế biến sẵn vì chúng có hàm lượng natri cao. Liều lượng khuyến cáo ít hơn 1.500 miligam (khoảng 2/3 thìa cà phê) natri mỗi ngày. Bổ sung lượng kali phù hợp trong bữa ăn hàng ngày. Kali giúp cân bằng một số tác hại của việc ăn quá nhiều natri.
Hạn chế rượu, không hút thuốc lá: Phụ nữ không nên uống quá một ly rượu và nam giới là hai ly mỗi ngày, không nên hút thuốc lá.
Tránh căng thẳng mạn tính: Các chất hóa học mà cơ thể tạo ra để phản ứng với căng thẳng làm cho tim đập mạnh và nhanh hơn, các mạch máu thắt chặt. Tất cả điều này khiến cho huyết áp tăng cao.

Bác sĩ đo huyết áp cho người đến khám bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Điều trị huyết áp cao không hiệu quả
Người bệnh dùng thuốc theo chỉ dẫn và thay đổi lối sống có thể cân bằng huyết áp. Kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp người bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe. Điều này quan trọng với người có các yếu tố nguy cơ như chỉ số khối cơ thể (BMI) hơn 30, không hoạt động thể chất, hút thuốc lá, uống rượu nhiều. Đo huyết áp đúng cách là sau khi ngồi nghỉ 15-20 phút, ở tư thế ngồi, đo hai lần cách nhau 2-3 phút và lấy chỉ số trung bình.
Bên cạnh dinh dưỡng đúng, chỉ số huyết áp có thể giảm xuống khi người bệnh ngủ đủ giấc. Nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, chìm vào giấc ngủ trong vòng 30 phút, không thức dậy nhiều lần và nhanh chóng ngủ lại nếu tỉnh vào đêm.
Uống ít nước khiến thể tích máu giảm, nhịp tim nhanh dẫn tới tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ gây ra nhiều bệnh tim mạch. Lượng nước phù hợp cho người có tim và thận khỏe mạnh là 2-3 lít nước mỗi ngày. Người bệnh cao huyết áp cần uống nước dựa trên khuyến cáo của bác sĩ.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)
4 nhóm thực phẩm người cao huyết áp nên hạn chế
Đồ uống có cồn, thực phẩm nhiều đường góp phần cải thiện tâm trạng trong thời gian ngắn nhưng khiến huyết áp tăng tạm thời.
Đồ ăn mặn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành nên dùng tối đa 5 g muối mỗi ngày, tương đương một thìa cà phê muối. Thực tế nhiều người tiêu thụ muối nhiều hơn so với liều lượng khuyến cáo.
Khi ăn nhiều muối, một lượng lớn natri được dung nạp vào cơ thể, gây ứ nước. Nếu lượng natri trong máu cao, thận không thể làm việc tối đa. Lúc này áp lực thẩm thấu trong lòng mạch gia tăng khiến nước di chuyển theo vào lòng mạch, tăng thể tích máu.
Ăn mặn là yếu tố khiến huyết áp cao. Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên thế giới. Bệnh có khả năng dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, tổn thương mạch máu, não, mắt, thận..
Mỗi người nên hạn chế khoai tây chiên giòn, dưa chua, giăm bông, thịt xông khói và xúc xích. Kiểm tra nhãn thực phẩm để tìm các lựa chọn ít muối. Cố gắng cắt giảm ăn ngoài, tự chế biến các món ăn ít muối hơn tại nhà.
Thực phẩm nhiều đường và chất béo
Đường và chất béo có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp. Tuy nhiên, thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường có hàm lượng calo cao. Ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân, có liên quan đến tăng huyết áp. Theo khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, phụ nữ nên hạn chế lượng đường bổ sung ở mức 24 g, với nam giới là 36 g mỗi ngày.
Người cao huyết áp nên ăn nhiều rau củ quả. Các loại quả như cam, quýt, bưởi, chanh... có tác dụng hạ huyết áp nhờ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật giúp tim khỏe. Người muốn giảm huyết áp hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp nên hạn chế ăn chất béo bão hòa. Thực phẩm có chứa chất béo bão hòa gồm bánh quy, bánh ngọt, xúc xích, bánh mì kẹp thịt, thịt xông khói...
Đồ uống có cồn
Khi buồn chán, uống rượu, bia có thể giúp người uống cải thiện tâm trạng trong một thời gian ngắn nhưng khiến huyết áp tăng lên tạm thời. Người có tiền sử huyết áp cao nên tránh uống rượu.
Người bệnh tim mạch không nên uống rượu bia hoặc chỉ uống trong mức khuyến nghị dưới hai đơn vị cồn mỗi ngày cho nam giới. Nữ giới không uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày. Một đơn vị cồn tương đương với một lon bia 330 ml, 135 ml rượu vang, 30 ml rượu mạnh. Uống quá nhiều có thể hại sức khỏe như tăng nhịp tim, huyết áp, bệnh cơ tim.
Thực phẩm giàu caffeine
Người thường xuyên uống 1-3 tách mỗi ngày có thể không ảnh hưởng đến huyết áp. Trường hợp uống xong, nhịp tim nhanh hơn bình thường, nôn nao, khó chịu, nên dành thời gian nghỉ ngơi, hít thở sâu, tập thể dục nhẹ nhàng. Sau một thời gian cơ thể quen dần.
Caffeine có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Người có tiền sử huyết áp cao nên hỏi ý kiến của bác sĩ có cần giảm hoặc loại bỏ lượng caffeine. Nếu uống cà phê một thời gian dài nhưng cơ thể vẫn khó chịu, bạn nên thay bằng nước ép, sinh tố, nước detox.
Lê Nguyễn (Theo British Heart Foundation)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét