Trang

Viện dưỡng lão : Cánh cửa bị khóa ở nhà dưỡng lão và áp lực từ bảng báo giá những dịch vụ cuối đời


Cánh cửa bị khóa ở nhà dưỡng lão và áp lực từ bảng báo giá những dịch vụ cuối đời

Giám đốc một viện dưỡng lão nói, nhu cầu đưa bố mẹ đến các trung tâm chăm sóc hoặc nhà dưỡng lão hiện quá đông, bên anh luôn trong tình trạng quá tải.

Chỉ trong 10 năm đổ lại, Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm chăm sóc người già, các viện/nhà dưỡng lão, với mô hình hoạt động và mức giá khác nhau.

Phóng viên đến nhiều viện dưỡng lão từ trung tâm tới ngoại thành Hà Nội, khi vào vai người đi tìm hiểu "cơ sở vật chất" để chuẩn bị phương án gửi mẹ già ngoài 80 tuổi đi lại khó khăn, chúng tôi được chào đón nhiệt tình, được đưa ra các bảng giá chi tiết, được dẫn qua khắp các phòng, ở mỗi nơi đều được giới thiệu mức giá riêng.

Nhưng, khi xưng là phóng viên, muốn đến hỏi các cụ về cuộc sống ở nhà dưỡng lão, có đợi con cháu vào thăm (trước thềm ngày Gia đình Việt Nam), nhiều trung tâm đã lạnh lùng từ chối với các lý do khác nhau, "gia đình các cụ không thích", "chúng tôi không có nhu cầu"...

Bảng giá cho các dịch vụ chặng cuối cuộc đời

Mỗi trung tâm chăm sóc người già (hay nhà dưỡng lão) sẽ có mức giá và cách thu tiền khác nhau. Tòa nhà càng khang trang, có nhiều không gian cho các cụ sinh hoạt, nhiều dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, giá sẽ càng cao.

Một nhà dưỡng lão có đến 5 cơ sở rải rác khắp Hà Nội, tính giá theo phòng, phòng 6 giường có giá 8,5 triệu đồng/người/tháng, phòng đôi 12 triệu đồng/người/tháng, phòng đơn giá 15 triệu đồng/người/tháng... Ngoài tiền phòng, mỗi dịch vụ lại có mức giá riêng, được ghi rất chi tiết, cụ thể.

Nếu cụ cần hỗ trợ tắm hàng ngày, chi phí là 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu cụ "chịu khó" tắm cách ngày (vài ngày tắm 1 lần), giá chỉ còn 1 triệu đồng/tháng, nhưng tắm theo "lịch trung tâm", chi phí sẽ là 500 nghìn đồng/tháng.

Dịch vụ hỗ trợ vệ sinh cũng rất chi tiết, nếu hỗ trợ bằng bô giá 1 triệu đồng/tháng, nếu hỗ trợ vệ sinh đã bao gồm bỉm 2 triệu đồng/tháng...

Nhìn vào bảng giá dịch vụ sẽ hiểu, các cụ bệnh càng nặng, khó đi lại, không tự chủ vệ sinh... mức chi cho các phụ phí càng lớn. Mức giá cho "chăm sóc ổ loét" là 1-2 triệu đồng/tháng, "chăm sóc người bị lẫn" phụ phí thêm 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/tháng (tùy thuộc vào độ lẫn), đến hỗ trợ xúc ăn cũng được quy ra giá tiền cụ thể là 500 nghìn đồng/tháng... Tổng số tiền phải nộp được thông báo vào cuối tháng.

Nhân viên ở viện dưỡng lão này khi rời khỏi nhà sinh hoạt chung sẽ khóa cửa lại. Ảnh: Huyền Chi
Nhân viên ở viện dưỡng lão này khi rời khỏi nhà sinh hoạt chung sẽ khóa cửa lại. Ảnh: Huyền Chi

Nhiều nhà dưỡng lão cởi mở giới thiệu thêm, họ đang xây dựng cơ sở mới rất hiện đại, hoành tráng như chung cư cao cấp, nơi các cụ có thể tham gia thể thao, tổ chức cả giải Olympic cho các cụ trong sân vườn... Nhưng đính kèm "cơ sở vật chất hiện đại" tiếp tục là các mức giá chi tiết.

Ở các trung tâm có cơ sở vật chất bình dân hơn, báo giá từ 7,5 triệu đồng đến 11 triệu đồng/tháng (trọn gói), trong tổng tiền này đã có chi phí cho các dịch vụ xoa bóp bấm huyệt, các dịch vụ hỗ trợ vệ sinh, đóng bỉm...

Tính giá cho chữ Hiếu

Gặp ở cổng một nhà dưỡng lão, chị Mỹ Ngọc nói với chúng tôi, mẹ chị năm nay đã hơn 70 tuổi, đi lại rất khó khăn, các con đều bận rộn, không có nhiều kỹ năng chăm sóc người già bệnh, nên chị muốn tìm một nơi có cơ sở vật chất tốt, chăm sóc chu đáo để gửi mẹ vào.

"Tôi vừa đến một nơi giá rất cao. Riêng tiền phòng đơn đã 9,9 triệu đồng/tháng. Tôi muốn mẹ ở phòng đơn vì bà rất khó ngủ, chỉ một tiếng động nhẹ là tỉnh dậy và khó ngủ lại. Nếu cộng tổng các chi phí, dịch vụ có lẽ sẽ rơi vào khoảng 20-30 triệu đồng/tháng.

Ở đây giá hợp lý hơn, nhưng tôi lại không thích một điều, đó là họ khóa cửa từng tầng, giống như nhốt kín. Họ nói, vì các cụ đi lại nhiều, dễ lạc, dễ đi lung tung, họ không kiểm soát hết được... Nhưng tôi không muốn mẹ ở nơi như vậy" - chị Mỹ Ngọc nói về trải nghiệm sau khi đi qua 2-3 nhà dưỡng lão, và chưa quyết định được nên gửi mẹ vào đâu.

Cụ già ở một trung tâm chăm sóc sức khỏe người già. Ảnh: Mi Lan
Cụ già ở một trung tâm chăm sóc sức khỏe người già. Ảnh: Mi Lan

Các mức giá khác nhau với mức chênh lệch lớn đôi khi đẩy các gia đình vào thế khó, khi họ phải đứng giữa lằn ranh lựa chọn, tiền và các loại dịch vụ cho bố mẹ già.

"Ở hầu hết các trung tâm có cơ sở vật chất khang trang, giá đều tương đối cao. Nhà các con mà không có điều kiện, đúng là sẽ phải "đau đầu". Rất muốn chọn những dịch vụ tốt nhất cho bố mẹ, nhưng đôi khi không đủ tiền chi trả" - chị Ngọc nói.

Đến các trung tâm dưỡng lão, mới thấy, chữ "Hiếu" ngày nay cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Chị Ngọc chia sẻ, chị và gia đình đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều khi quyết định đưa mẹ đến nhà dưỡng lão. Cụ khó khăn đi lại, nếu đến nhà dưỡng lão không được tập và phục hồi chức năng thường xuyên, có thể sẽ vĩnh viễn không đi lại được nữa...

Bận rộn. Mưu sinh. Không có kỹ năng chăm sóc. Không thuê được người chăm... có rất nhiều lý do để con cái quyết định đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão.

Khi quyết định, họ cũng phải đối diện với những áp lực.

Áp lực của chữ "Hiếu" đến từ những lời xì xào bình luận từ họ hàng làng xóm. Áp lực còn đến từ việc lựa chọn gói dịch vụ nào, chọn trung tâm nào cho vừa túi tiền...

Những mô hình gia đình truyền thống, tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, nhiều thế hệ sống cùng nhau dưới một mái nhà đang bị thời thế làm cho thay đổi.

Thời đại với những sự vận hành, thay đổi ấy, đã đẩy cả chữ "Hiếu" vào thế khó.


Nguồn 
https://laodong.vn/gia-dinh-hon-nhan/canh-cua-bi-khoa-o-nha-duong-lao-va-ap-luc-tu-bang-bao-gia-nhung-dich-vu-cuoi-doi-1530149.ldo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét