Trang

Đau bụng dưới ở nữ giới báo hiệu điều gì?

Sức khỏe - Dân trí:
Thứ Hai, 01/11/2010 - 13:15

(Dân trí) - Đau bụng dưới là cảm giác đau vùng bụng, bắt đầu tính từ rốn trở xuống. Đối với chị em trong độ tuổi sinh sản, đau bụng dưới có thể là dấu hiệu của các vấn đề sau:


Đau bụng giai đoạn rụng trứng



Nếu thấy những cơn đau nhói vào giai đoạn giữa 2 kỳ kinh thì cơ thể bạn có thể đang trong giai đoạn rụng trứng. Ở thời điểm này, buồng trứng sẽ giải phóng 1 quả trứng trưởng thành cùng với một số chất dịch và máu mà có thể gây kích ứng niêm mạc của bụng.

Nó không có hại và thường biến mất trong vòng vài giờ.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)



PMS được biết đến với các biểu hiện tính khí thất thường và thèm ăn. Nó cũng có thể gây ra đau bụng, đau lưng, nhức đầu, ngực cương và nổi mụn. Thay đổi nội tiết có thể là nguyên nhân chính. Căng thẳng, ít tập thể dục và thiếu một số vitamin có thể làm cho các triệu chứng nặng hơn.

Nếu hội chứng tiền kinh nguyện ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày thì cần trò chuyện với bác sĩ. Thay đổi lối sống và dùng thuốc giảm đau sẽ giúp giảm thiểu những khó chịu này.

Biểu đồ cho thấy sự thay đổi hormone trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Co bóp tử cung



Mỗi tháng, lớp nội mạc tử cung sẽ hình thành trong tử cung để tạo nơi trú ẩn ấm áp cho phôi thai hình thành. Nếu trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc này sẽ bị chết và rời khỏi cơ thể trong giai đoạn kinh nguyệt. Hiện tượng co bóp tử cung là để giúp đẩy các chất thải này ra ngoài. Cảm giác đau từng cơn ở bụng dưới thường diễn ra theo chu kỳ và kéo dài 1-3 ngày đầu có kinh.

Chườm nóng hay thuốc giảm đau sẽ giúp giảm những cơn đau khó chịu này.

Mang thai ngoài tử cung



Đây là một trường hợp khẩn cấp, đe dọa tính mạng, đòi hỏi phải điều trị ngay lập tức. Nó xảy ra khi phôi thai “đậu” lại không đúng vị trí, thường là ở ống dẫn trứng.

Các triệu chứng bao gồm đau vùng chậu dữ dội hay cảm giác chuột rút ở 1 bên thành bụng, chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt.

U nang buồng trứng



Sẽ có 1 nang trứng trưởng thành trong chu kỳ kinh nguyệt và sẽ phóng thích quả trứng đã “chín” này vào giữa 2 kỳ kinh. Tuy nhiên, ở một số người, sẽ có những nang không bao giờ phát triển thành trứng trưởng thành, chỉ luôn chứa dịch lỏng, khi đó nó chính là u nang buồng trứng.

Khi còn nhỏ, u nang này không gây ảnh hưởng gì. Nhưng khi nó lớn lên, nó sẽ có thể gây ra đau vùng chậu, tăng cân và đi tiểu thường xuyên.

U nang buồng trứng có thể được xác định với một khám phụ khoa hay siêu âm.

U xơ tử cung



U xơ tử cung là loại u phát triển trong thành tử cung, xuất phát từ 1 tế bào cơ trơn nhưng nó không phải là ung thư.

U xơ tử cung thường phổ biến ở phụ nữ tuổi 30 - 40 và chúng thường không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở 1 số phụ nữ có thể có hiện tượng đau thắt lưng, đau bụng hoặc ảnh hưởng tới sự mang thai.

Nhân Hà

Theo WMD


Thứ Ba, 02/11/2010 - 15:03
Đau bụng dưới ở nữ giới báo hiệu điều gì? (tiếp)

(Dân trí) - Ngoài các vấn đề liên quan tới kỳ kinh, đau bụng dưới ở chị em còn có thể là biểu hiện của các bệnh ở vùng xương chậu, viêm màng trong dạ con hay tổn thương "vùng kín" mãn tính.
>> Đau bụng dưới ở nữ giới báo hiệu điều gì?

Bệnh viêm vùng chậu



Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh lây qua đường tình dục là viêm vùng chậu hoặc viêm hệ sinh sản. Những viêm nhiễm này có thể gây tổn thương vĩnh viễn tử cung, buồng trứng, và ống dẫn trứng. Trong thực tế, đó là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ.

Các triệu chứng bao gồm đau bụng, sốt, dịch tiết âm đạo bất thường và đau trong khi quan hệ tình dục hoặc đi tiểu.

Bệnh sa các cơ quan trong vùng chậu



Nhiều phụ nữ sẽ có hiện tượng sa một số cơ quan trong vùng chậu do tuổi tác. Đó là khi một cơ quan như bàng quang hay tử cung rơi xuống một vị trí thấp hơn. Nó thường không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể gây khó chịu.

Các biểu hiện phổ biến nhất là áp lực đối với các thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng và đau đớn khi quan hệ tình dục.

Có nhiều lựa chọn trong điều trị, từ các bài tập đặc biệt đến phẫu thuật.

Hội chứng tắc tĩnh mạch vùng chậu



Chứng giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân (thường gặp ở vùng đùi) và đôi khi chúng có thể phát triển ở vùng xương chậu. Máu dồn về các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho chúng “nở” ra và đau đớn. Điều này được gọi là hội chứng tắc tĩnh mạch vùng chậu. Cơn đau có xu hướng nặng hơn khi ngồi hoặc đứng.

Nằm xuống sẽ giúp giảm đau và cần có sự can thiệp nội khoa trong điều trị hội chứng tắc tĩnh mạch vùng chậu.

Đau vùng chậu mãn tính

Đau vùng chậu mãn tính là tình trạng đau bụng dưới kéo dài ít nhất 6 tháng. Bệnh có thể nghiêm trọng tới mức gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc và các mối quan hệ.

Bước đầu tiên để trở về cuộc sống bình thường là đi khám bác sĩ. Việc điều trị không phải là dễ do nguyên nhân gây đau này đến nay vẫn là 1 bí ẩn. Tuy nhiên, ít nhất bác sĩ sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Viêm màng trong dạ con



Trong một số phụ nữ, nội mạc tử cung phát triển các mô bên ngoài tử cung. Tăng trưởng có thể hình thành trên buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, ruột, và các bộ phận khác của cơ thể. Khi nó đến đủ giai đoạn, những màng trong dạ con này sẽ vỡ ra, tạo thành sẹo. Những sẹo này sẽ gây khó khăn cho quá trình thụ thai. Có những cách để điều trị bệnh này nhưng không thể chữa khỏi.

Tổn thương âm hộ mạn tính



Tổn thương âm hộ mạn tính là dạng đau không có nguyên nhân và không phải do viêm nhiễm. Đau âm hộ thường ảnh hưởng tới vùng quanh âm đạo. Nó có thể gây đau liên tục hoặc định kỳ với cảm giác như bị bỏng, châm chích hay cảm giác như bị giằng xé.

Đi xe đạp hoặc quan hệ tình dục có thể làm cho cơn đau nặng hơn. Tổn thương này được xác định sau khi bác sĩ loại trừ các nguyên nhân gây đau âm hộ.

Lựa chọn điều trị có thể là dùng thuốc hay liệu pháp vật lý trị liệu.

Nhân Hà
TheoWMD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét