Trang

Bảo tồn và mở rộng diện tích cây giảo cổ lam

Khoa học - NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ:
Cập nhật lúc 01:49, Thứ ba, 07/12/2010 (GMT+7)


Mọc tự nhiên ở độ cao từ 200 đến 2.000 m, cây giảo cổ lam (GCL) ở Cao Bằng được biết đến và gọi bằng nhiều tên khác nhau như: dây lõa hùng, trường sinh thảo, ngũ diệp sâm, thất diệp đởm... Tiếng địa phương gọi GCL là cây dền toòng. Với người dân nơi đây, GCL được coi như cây thuốc trường sinh vì có nhiều công dụng giúp tăng cường sức khỏe.

GCL là tên một loại trà được bào chế từ dược liệu thất diệp đởm (TDÐ). TDÐ là dược liệu quý, được ghi trong sách cổ 'Nông chính toàn thư hạch chú' quyển hạ năm 1639. Từ xa xưa, cây này được sử dụng cho vua chúa nhằm tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và làm đẹp. Năm 1976, Nhật Bản tình cờ phát hiện TDÐ khi nghiên cứu một bộ lạc sống trên núi cao có tuổi thọ bình quân 98 tuổi, bởi người dân thường xuyên uống loại cây này.

Còn tại Việt Nam, năm 1997, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu đã phát hiện thấy cây TDÐ trên núi Phan-xi-păng (Lào Cai) và một số địa phương khác. Sau đó GS, TS Phạm Thanh Kỳ đã đăng ký đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về loài cây này, mã số KC.10.07.03.03 rồi ủy quyền cho Công ty TNHH Tuệ Linh (Hà Nội) sản xuất và phân phối rộng rãi ra thị trường. Từ đó TDÐ được người dân gọi phổ biến là GCL. Ở Cao Bằng, GCL cũng được phát hiện thông qua GS, TS Phạm Thanh Kỳ. Qua khảo sát, GCL phân bố chủ yếu tại các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Thông Nông, Bảo Lạc... Ðây là nguồn nguyên liệu quý hiếm mà thiên nhiên ưu đãi cho Cao Bằng. Xác định được tiềm năng đó, những năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Cao Bằng đã giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN thực hiện chuyên đề 'Nghiên cứu thử nghiệm công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ lá chè xanh và cây dền toòng'. Các nhà khoa học đã hoàn thiện việc đăng ký chất lượng hàng hóa, mã số, mã vạch, mẫu bao bì, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm 'Trà GCL Cao Bằng'. Năm 2008, trung tâm phối hợp với Công ty Trường Thọ (Hà Nội) hoàn thiện thủ tục hồ sơ đăng ký với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để cấp giấy chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm 'GCL Cao Bằng' là thực phẩm chức năng để phân phối ra thị trường. Hiện, sản phẩm GCL bước đầu được người tiêu dùng biết đến và đánh giá tốt.

Ðến nay, trung tâm đã thu mua được 12 tấn nguyên liệu tươi với giá sáu nghìn đồng/kg từ các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên và sản xuất được150 nghìn hộp trà GCL phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời sản xuất được 250 nghìn túi sản phẩm GCL cấp 1, ký hợp đồng cung cấp độc quyền GCL cho Công ty Trường Thọ (Hà Nội) và đại lý độc quyền GCL tại TP Hồ Chí Minh. Ðây là hướng đi ổn định cho hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ của đơn vị, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân vùng nguyên liệu.

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN Luân Thị Diệp cho biết: Nguyên liệu để làm trà GCL được thu hái tự nhiên trên núi, không có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho nên hàm lượng hoạt chất cao. Toàn bộ nguyên liệu thu mua tươi đều được kiểm định trước khi đưa vào sản xuất. Thành phần hoạt chất trong cây GCL rất đặc biệt, có nhiều Saponin giống nhân sâm và chất Flavonoid giúp chống lại sự lão hóa và ngăn ngừa bệnh tật. Ở Việt Nam cây GCL phân bố chủ yếu các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hòa Bình... Theo nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học dược Việt Nam, trà GCL có thể hạ mỡ máu mạnh, có khả năng bình ổn huyết áp; giảm các cơn đau thắt ngực, làm tăng khả năng và sức chịu đựng của cơ tim. Không những thế, cây này còn có tác dụng làm hạ đường huyết và giúp bệnh nhân tiểu đường khỏe mạnh và giảm các biến chứng do tiểu đường gây ra; vô hiệu hóa khoảng 80% chất gây ung thư, phòng ngừa sự u hóa, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể... Với những khả năng tuyệt vời như vậy, GCL đã được một số cơ sở trong nước sản xuất với các dạng sản phẩm khác nhau như: trà GCL, viên thực phẩm chức năng, nước uống GCL...

Bên cạnh những mặt thuận lợi mà cây GCL mang lại, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN Cao Bằng Luân Thị Diệp tâm sự: GCL là dược liệu tốt, được thiên nhiên ban tặng, nhưng do thời gian và việc khai thác quá mức cho nên loài cây này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nếu như không có chính sách bảo tồn và phát triển kịp thời. Hiện trung tâm tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nhân giống, kỹ thuật trồng và chọn vùng sinh thái phù hợp trồng GCL, để trong thời gian tới, GCL ở Cao Bằng trở thành cây có thể xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét