Thứ Sáu, 18/02/2011, 04:07 (GMT+7)
TT - Kết trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư bảo trẻ con đôi khi cũng “phải biết tha thứ lỗi lầm cho người lớn”. Nhưng ở câu chuyện pháp đình thương tâm hôm nay, đứa trẻ đã không còn cơ hội để tha thứ cho lỗi lầm của cha mẹ nữa.
Đứng trước vành móng ngựa của phòng xử án TAND tỉnh Bến Tre sáng 29-12-2010 là bà mẹ trẻ N.T.C.T., 19 tuổi. Đôi vai luôn run rẩy và khuôn mặt lúc nào cũng nhòe nhoẹt nước mắt. Tội danh của bị cáo khi được đại diện Viện Kiểm sát công bố khiến người ta thấy phẫn nộ nhưng cũng xen lẫn nỗi thương cảm. Đó là tội giết người mà nạn nhân chính là đứa con bé bỏng của bị cáo, lúc đó mới chỉ 39 ngày tuổi.
Khác lạ của phiên tòa hôm ấy là việc chủ tọa phiên tòa, thẩm phán, các hội thẩm nhân dân thay vì xoáy mục tiêu vào bị cáo thì lại liên tục gọi đại diện thân nhân bị hại - cha ruột nạn nhân và chồng của bị cáo là anh N.T.T. - đứng lên xét hỏi. “Chiều và đêm hôm xảy ra vụ án, anh đã làm gì, ở đâu?” - một vị nữ hội thẩm nhân dân hỏi anh N.T.T.. “Dạ, tôi phụ hồ nhà chú Út. Làm xong thì có nhậu” - T. trả lời.
“Vậy còn đêm trước hôm xảy ra vụ án, anh đã làm gì, ở đâu?” - vị hội thẩm tiếp tục chất vấn. “Dạ, tôi cũng làm rồi nhậu tại nhà chú Út” - T. trả lời.
Người cha vô tâm
Sau một loạt hỏi đáp, vị nữ hội thẩm tiếp tục với câu hỏi: “Với tư cách là chồng, là cha, anh lại lớn hơn vợ đến 11 tuổi, anh đã đủ chín chắn mà tại sao lại thiếu quan tâm chăm sóc vợ mình mới sinh như thế? Từ chỗ làm của anh về tới nhà vợ đâu có xa xôi gì cho cam, chỉ hơn 1km. Anh làm chồng thì phải thể hiện sự quan tâm dành cho người vợ trẻ dại của mình bằng cách sau giờ làm việc về chăm sóc vợ con anh chứ. Anh có thấy anh thiếu trách nhiệm không khi để cha vợ phải giặt đồ cho vợ con anh, mẹ vợ anh phải lo cơm nước cho vợ con anh?”.
T. chỉ đứng lặng cúi đầu trước lời lẽ của vị hội thẩm.
Sau nhiều lần thẩm vấn tiếp theo, hội đồng xét xử đã tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động giết con của người mẹ trẻ này là vì giận chồng, sợ chồng ruồng bỏ khi đang phải một tay chăm sóc hai con nhỏ liền tuổi nhau (đứa lớn sinh ngày 11-2-2009, đứa bé sinh ngày 21-7-2010).
Chi tiết này sau cùng đã được hội đồng xét xử đồng ý với ý kiến của luật sư bào chữa cân nhắc xem xét là một lý do chính yếu giúp cho bị cáo được tuyên mức án nhẹ nhất trong khung hình phạt: 12 năm tù giam.
T. vô tâm với vợ tới mức khi chủ tọa phiên tòa hỏi anh có muốn xin tòa xem xét áp dụng mức án nhẹ cho vợ hay không thì anh cũng luôn im lặng. Im lặng rất lâu rồi anh mới nói đại ý rằng xin cứ để tòa xử theo pháp luật. Vì theo T. nghĩ, dù mình có lời xin cho vợ cũng chẳng thay đổi được điều gì.
Đến khi chủ tọa giải thích rằng chính việc T. xin giảm án mới là căn cứ để tòa xem xét áp dụng mức án nhẹ với bị cáo thì anh chỉ nói: “Vậy thì có”.
Người mẹ nông nổi
Theo bản cáo trạng, N.T.C.T. lấy N.T.T. vào năm 2008 khi C.T. mới 17 tuổi. Gia đình hai bên đều không khá giả, hai vợ chồng ra ở riêng với chỉ hai công đất trồng chanh ở xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Cuộc sống hai vợ chồng quá khó khăn nên lúc sinh đứa con thứ hai được ba ngày, T. đưa vợ và hai con nhỏ về nhà cha mẹ vợ nhờ chăm sóc.
Hơn một tháng sau, lúc 9g ngày 27-9, ông L. - cha ruột của C.T. - gọi điện kêu T. về phụ giữ đứa con lớn mới 18 tháng tuổi để ông và vợ lo chuyện đám giỗ. T. nói hôm nay cũng đang bận xây nhà cho chú Út không về được.
Cha của C.T. thấy hôm qua T. cũng không về thăm vợ con nên bực mình nói: “Bộ mày tính giao vợ con cho tao luôn hay sao?”. Nghe cha vợ nói vậy, T. cúp máy cái rụp. C.T. nghe cha nói chồng cúp máy ngang xương thì gọi điện hỏi chồng cho rõ. T. nói với vợ: “Bên đó có đám thì bên đây cũng có đám. Chừng nào về thì về, tao không rước, hay ở luôn đó cũng được”.
Từ những lời lẽ đó của chồng, và cùng “từ lúc sinh đứa thứ hai, ảnh chỉ trả đúng 500.000 đồng cho bà đỡ rồi từ đó về sau rất ít gửi tiền cho mấy mẹ con” - theo lời C.T. kể - đã khiến C.T. nghĩ chồng ruồng bỏ mình. Lại nghĩ một mình nghèo khó thì không thể nuôi nổi hai đứa con thơ dại một lúc.
Tự nhiên thấy mọi thứ quá bế tắc với mình nên tối đó, lúc 23g mà chồng vẫn không về thăm mình, bà mẹ trẻ lặng lẽ nghĩ đến một kế hoạch kinh người: giết chết đứa con.
Không có ai bên cạnh, không có chuyện gì xảy ra tiếp theo để can ngăn luồng suy nghĩ tiêu cực ấy nên lúc 3g ngày 28-9, C.T. rón rén mở cửa sau, ôm con đi thẳng đến bờ rạch và đặt đứa nhỏ cạnh mé nước 50cm (con rạch rộng gần 5m, sâu 1,5m) cách nhà chừng 80m.
Có lẽ còn chút bản năng của người làm mẹ nên C.T. đã không thẳng tay ném con xuống rạch. Cô bỏ con đó và nghĩ thế nào nước lớn cũng sẽ cuốn đứa trẻ đi, hoặc đứa trẻ có cử động thì sẽ lăn theo triền dốc xuống lòng con rạch mà chết.
Thực hiện xong hành vi của mình, C.T. khai rằng cô về nhà nhưng không thể chợp mắt. Cô luống cuống mang một túi xách, bên trong có một tờ giấy siêu âm cùng tờ 500 đồng đem vứt ở quãng giữa từ nhà ra chỗ con gái mình đang nằm.
C.T. bảo với chủ tọa: “Bị cáo làm như thế để gây sự chú ý”. Nhưng khi tòa hỏi mục đích chính của việc gây sự chú ý là gì thì C.T. không nói được. Chỉ khi nói chuyện với chúng tôi vào giờ tạm nghỉ chờ tòa tuyên án, cô mới nức nở: “Em muốn ai đó chú ý thì sẽ thấy con em mà mang vô nhà”.
“Bị cáo thương con không ngủ được thì sao không hối hận ngay lúc đó mà ra bồng con vào nhà?” - tòa hỏi. Người mẹ trẻ chỉ khóc nấc lên.
“Bị cáo biết lỗi của mình là không thể tha thứ. Nhưng bị cáo cầu xin tòa khoan hồng xét xử mức án nhẹ nhất để bị cáo còn sớm được về chăm sóc con nhỏ ở nhà nữa” - lời cuối cùng của người mẹ trẻ cứ nghẹn ứ dưới cuống họng.
“Tình mẫu tử bị cáo để đâu mà lại làm việc lầm lỗi đến như thế?” - câu hỏi gay gắt của chủ tọa tra hỏi bị cáo lúc này có lẽ đã không cần câu trả lời.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thắm (chuyên khoa sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM): Bị cáo N.T.C.T. rất có thể đã mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh Những dữ kiện về hoàn cảnh kinh tế gia đình, mối quan hệ chồng vợ và tuổi tác cụ thể của bị cáo N.T.C.T. cho thấy rất có thể bị cáo này đã mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh. Với chứng bệnh này, những biểu hiện của bệnh nhân có thể là mất hứng thú với công việc, với sở thích trước đó của bản thân, không loại trừ khả năng chán ghét chính việc làm mẹ của mình. Ngoài ra còn có rất nhiều những triệu chứng về tâm lý và sức khỏe khác dẫn đến sự tự ti, hay lo âu và căng thẳng quá mức trước những trở ngại của cuộc sống. Chính vì những lý do đó, việc sản phụ có hành vi phạm pháp như trường hợp của bị cáo T. cũng là một hậu quả tất yếu khi không nhận được sự can thiệp kịp thời của bác sĩ tâm lý, sự chăm sóc đặc biệt của gia đình. Trong trường hợp này, nếu được minh chứng về việc bản thân bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh mới dẫn đến hành vi phạm tội giết con, rất có thể bản án của bị cáo sẽ được xem xét lại. M.T. ghi |
MỄ THUẬN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét