Trang

'Em bé ống nghiệm' đầu tiên đã 13 tuổi

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :8:19 AM, 25/04/2011

Ba đứa trẻ sinh từ ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam ra đời đúng ngày 30/4/1998. Đến nay, đã hơn 4.000 trẻ được sinh ra nhờ phương pháp này.

Sáng 24/4, hội trường Bệnh viện Từ Dũ đông nghịt trẻ sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Bệnh viện bắt đầu áp dụng phương pháp này từ năm 1997.

Niềm vui được làm cha, mẹ

Mong mỏi con cái đã lâu nhưng tuổi đã gần tứ tuần mà vợ chồng chị Lê Thị Thanh Thùy (39 tuổi, TP HCM) vẫn chưa có tin vui. Chồng chị , anh Thân Vĩnh Thịnh, đã ngót nghét cái tuổi 50, lại là con trai cả nên ba mẹ của anh Thịnh (đã ngoài 80 tuổi) rất mong có cháu để ẵm bồng. Vợ chồng chị Thùy đã quyết định sinh con bằng phương pháp TTTON.

Chị Thùy chia sẻ, lần đặt ống thứ nhất bị thất bại nhưng không từ bỏ hy vọng, bởi chị từng chứng kiến nhiều chị em phải đặt ống những 4, 5 lần mới thành công. Không từ bỏ ước mơ làm ba mẹ, cả hai vợ chồng vẫn theo đuổi việc điều trị tốn kém. Kết quả đến ngày 21/4/2010, bé Thân Vĩnh Phú chào đời trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Chị Thùy nói: “Ở độ tuổi trung niên này, bé Phú chính là đứa con do ông trời ban tặng cho gia đình chúng tôi. Ông nội rất thương bé và đích thân ông nội đã đặt cái tên Phú cho bé”.

Các bé được chào đời nhờ phương pháp TTTON. Ảnh: Ngô Đồng.

Trường hợp vợ chồng chị Trần Thị Uyên Thy (37 tuổi, TP HCM) lại khác. Khi biết mình mang thai sinh ba, chị vừa hạnh phúc, vừa lo lắng. Bởi đối với trường hợp tương tự, các bác sĩ thường tư vấn bệnh nhân có quyền lựa chọn bỏ bớt thai nhi đi để giữ an toàn cho thai nhi còn lại. Nhưng không phải ông bố bà mẹ nào, nhất là những trường hợp hiếm muộn, cũng đủ can đảm để quyết định như thế, bởi họ khao khát có càng nhiều con càng tốt. Hạnh phúc trọn vẹn khi chị Uyên Thy đã sinh na bé (một trai, hai gái) rất khỏe mạnh, xinh xắn. Hiện các bé đã được 16 tháng tuổi.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Trưởng Khoa Hiếm muộn, cho hay từ tháng 8/1997, đơn vị Thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam ra đời tại đây và ngày 30/4/1998, ba trẻ đầu tiên ra đời từ phương pháp này trong niềm vui mừng của các bậc phụ huynh và của đội ngũ y bác sĩ. 14 năm trôi qua, tính đến ngày 15/4/2011, Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ đã đón nhận tiếng khóc chào đời của 4.067 trẻ trong tổng số hơn 9.000 trẻ được sinh ra từ chương trình TTTON tại 13 hệ thống trung tâm hỗ trợ sinh sản của cả nước.

Triển vọng cho những người vô sinh

Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, hằng năm có khoảng 1 triệu trẻ sinh ra, mang lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7% - 10% dân số cả nước ở độ tuổi sinh sản bị hiếm muộn - vô sinh; trong đó khoảng 50% nguyên nhân thuộc về nữ giới. Đây là nỗi đau và là một trong những nguyên nhân gây nên tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Hằng ngày, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khám trung bình 200 lượt. Ngày đông có khi lên tới 300 lượt. Bên cạnh các nguyên nhân vô sinh do bệnh lý u xơ tử cung, dị dạng tử cung - âm đạo, buồng trứng đa nang... thì vấn đề nạo phá thai không an toàn, viêm nhiễm sinh dục, viêm vùng chậu cũng góp phần làm tăng tỷ lệ hiếm muộn ở nữ giới. Đối với nam giới, tình trạng vô sinh có thể do bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng, rối loạn dương cương, nhiễm khuẩn sinh dục. Ngoài ra, lao động căng thẳng cũng gây nên tình trạng vô sinh.

Với kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, mỗi tháng khoa Hiếm muộn của bệnh viện thực hiện 150 – 250 ca, với tỷ lệ có thai 18% - 20%. Số chu kỳ TTTON đạt tới 100 - 150 chu kỹ mỗi tháng, tỷ lệ thai lâm sàng từ phương pháp này đạt 35% – 40%. “Hy vọng, trong tương lai, Bệnh viện sẽ thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại để góp phần mang lại hạnh phúc cho những người hiếm muộn”, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.
Ngô Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét