Trang

nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn

Người đàn ông 56 tuổi bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn vì món ăn ưa thích của rất nhiều người Việt

GĐXH - Người đàn ông quê Hải Dương phải vào viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, huyết áp tụt, tổn thương thận cấp sau khi ăn món bánh cuốn.

Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn vì món bánh cuốn

Mới đây, Khoa Hồi sức truyền nhiễm (Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Hà Nội) cấp cứu thành công cho người đàn ông nhập viện vì nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn.

Bệnh nhân là ông L.V (56 tuổi, quê Hải Dương). Khi đến viện, bệnh nhân khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, phụ thuộc thuốc vận mạch, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng…

Trước đó, bệnh nhân ăn bánh cuốn sau đó đột ngột xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra thức ăn, đau quặn bụng từng cơn, liên tục, đại tiện phân lỏng nhiều lần, sốt nhẹ, toàn thân gai rét.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông V bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (còn gọi là sốc nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hóa), tổn thương thận cấp.

Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Hồi sức truyền nhiễm hồi sức chống sốc, kháng sinh, cân bằng điện giải kiềm toan, dinh dưỡng tích cự. Bệnh nhân được ra viện sau 5 ngày điều trị.

Theo TS Nguyễn Trọng Thế (Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: "Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn nếu chủ quan có thể có các biểu hiện rất nặng, thậm chí có nhiều trường hợp đến cấp cứu vào giai đoạn muộn trong tình trạng suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xuất phát từ những thực phẩm vệ sinh kém, là môi trường thuận lợi khiến người bệnh dễ dàng mắc bệnh".

Người đàn ông 56 tuổi bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn vì món ăn ưa thích của rất nhiều người Việt- Ảnh 1.

Khoa Hồi sức truyền nhiễm chăm sóc người bệnh tại khoa. Ảnh: Bệnh viện TƯQĐ 108

Thế nào là nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn?

Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu là các loại vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn, lây nhiễm vào thức ăn trong quá trình con người cầm nắm, lưu trữ, chế biến hay bảo quản.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm thường khởi phát đột ngột sau khi người bệnh ăn phải thức ăn đã bị nhiễm trùng nhiễm độc. Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn là một bất thường sức khỏe nguy hiểm và nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân thường gặp gây nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn

Các nguyên nhân gây nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn bao gồm:

- Vi khuẩn Salmonella với các triệu chứng như đau đầu, choáng váng, sốt, buồn nôn và tiêu chảy;

- Độc tố của tụ cầu Staphylococcus phổ biến trong sữa hay thịt gia cầm chưa nấu chín với biểu hiện ngộ độc như chóng mặt, đau đầu, mạch đập nhanh, buồn nôn, tiêu chảy;

- Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum có trong cá ươn, thức ăn ôi thiu có thể phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, từ đó gây tử vong;

- Độc tố vi nấm Aflatoxin trên các loại hạt như lạc, đậu nành, hướng dương, điều, ngô hay bột từ những hạt bị nhiễm nấm mốc;

- Các loại virus viêm gan A trong các loại thực phẩm như rau sống, các loại sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn;

- Sán lá gan nhỏ xuất hiện trong các món ăn chế biến từ gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín;

- Các kim loại nặng lẫn trong thực phẩm như asen, chì, thủy ngân, selenium;

- Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật;

- Một số chất phụ gia hay chất bảo quản không được phép sử dụng, hết hạn dùng hoặc dùng quá liều lượng...

Một số yếu tố dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn

- Thời tiết chuyển mùa;

- Thiếu nước sạch;

- Điều kiện vệ sinh không đảm bảo;

- Ô nhiễm môi trường;

- Phong tục tập quán;

- Tâm lý chủ quan của người bệnh.

Triệu chứng người bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn

TS Nguyễn Trọng Thế cho hay, người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá thường xuất hiện các triệu chứng sau khi ăn khoảng 6 giờ - 24 giờ, bao gồm:

- Đi ngoài phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón.

- Buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc chướng bụng.

- Cảm giác buồn ăn nhưng không ngon miệng.

- Sốt, mệt mỏi, suy nhược.

- Đau đầu, chóng mặt.

- Mất nước và điện giải, vã mồ hôi.

Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn

Một số biến chứng nguy hiểm của tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn bao gồm:

Rối loạn thần kinh như đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê liệt cơ, co giật;

Rối loạn tim mạch như hạ huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, đau ngực;

Rối loạn chức năng tiêu hóa như đi tiêu có máu hoặc chất nhầy, đau bụng dữ dội kèm theo đau cổ, đau họng, đau ngực;

Suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng, đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, người già, bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh lý như bệnh dạ dày tá tràng, suy gan, rối loạn sắc tố...

Cách sơ cứu, xử trí nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn

Theo bác sĩ khoa Bệnh lây đường tiêu hóa – Bệnh viện TWQĐ 108 Cần phải xử trí ngay tại nhà như sau:

- Gây nôn: Cần lập tức dùng mọi biện pháp kích thích để nôn tất cả thức ăn còn trong dạ dày ra ngoài để hạn chế độc tố hấp thu vào máu.

- Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ em. Vì trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải và đi vào trụy mạch.

Bù nước bằng dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol để pha làm nhiều lần. Nếu không có Oresol, có thể pha nước gạo rang với muối ăn. Thường bù từ 1 - 2 lít/ngày. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.

Lưu ý không được tự ý dùng thuốc làm giảm nhu động ruột (như: loperamid, diphenoxynat). Vì thuốc có tác dụng làm giảm sự co bóp của ruột nên nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột gây tình trạng tăng độ đặc của phân.

Trong trường hợp nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, sử dụng nhóm thuốc này sẽ làm chậm quá trình đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, do đó càng làm cho tình trạng nhiễm độc nặng nề hơn.

Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị. Tránh tự dùng thuốc ở nhà làm bệnh biến chuyển nặng và đe dọa sốc nhiễm khuẩn, tử vong.

Để phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá cần làm gì?

- Ăn chín, uống sôi, tránh sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn.

- Tránh sử dụng các loại thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc.

- Rửa tay với xà phòng thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khoẻ.

Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-56-tuoi-bi-nhiem-trung-nhiem-doc-thuc-an-vi-mon-an-ua-thich-cua-rat-nhieu-nguoi-viet-17224060900101017.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét