Một trong những vấn đề khó chịu sau khi uống rượu bia là nôn mửa. Nôn mửa gây khó chịu không chỉ với dạ dày mà còn với miệng. Dịch nôn chứa a xít dạ dày có thể gây ra các vấn đề răng, nướu.
Chất nôn chứa a xít dạ dày. Thành phần a xít dạ dày được tạo ra chủ yếu từ các hợp chất như a xít clohydric, natri clorua và kali clorua. Mức pH của a xít dạ dày là thấp hơn 2, tức có tính a xít cao, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Để so sánh, độ pH trong miệng lúc bình thường là 7 và ngưỡng gây xói mòn men răng bắt đầu từ 5,5. Do đó, độ pH mức 2 của dạ dày chắc chắn sẽ gây tổn hại men răng.
Răng càng tiếp xúc nhiều thì sẽ càng bị tổn thương. Men răng bị bào mòn thì sẽ ố vàng, nguy cơ gây ra các vấn đề về răng sẽ tăng lên.
Khi muốn bảo vệ răng miệng, hành động đầu tiên của nhiều người sau khi nôn mửa là đánh răng ngay. Tuy nhiên, điều này sẽ gây hại thêm cho răng.
Do sau khi tiếp xúc với a xít dạ dày trong chất nôn, men răng sẽ suy yếu. Đánh răng lúc đó sẽ khiến men răng bị tổn thương thêm. Do đó, điều cần làm ngay lập tức là hãy súc miệng bằng nước, nhờ đó giúp dễ dàng rửa trôi a xít dạ dày trong miệng.
Dù không thể đánh răng ngay nhưng bạn có thể bôi một lượng nhỏ kem đánh răng lên răng để tạo hàng rào bảo vệ chống lại a xít. Một cách khác là dùng nước súc miệng không chứa cồn để rửa trôi a xít.
Súc miệng bằng bột baking soda pha với nước cũng là cách hiệu quả để bảo vệ răng sau khi nôn mửa. Cách này giúp giảm đáng kể nguy cơ gây hại cho răng.
A xít dạ dày không chỉ gây bất lợi cho răng mà còn ở nhiều nơi khác trong miệng. Lượng a xít dạ dày dư thừa có thể gây sưng tuyến nước bọt, vốn có chức năng duy trì độ ẩm và bảo vệ răng.
Nôn mửa thường xuyên sẽ gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe răng miệng như sâu răng, đỏ lưỡi, khô miệng, viêm họng mạn tính, viêm nướu và lở miệng. Do đó, nếu nôn mửa quá mức hoặc thường xuyên thì cần đến bác sĩ kiểm tra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét