Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của người dân. Ảnh: P.H. |
> Cấp cứu 115 tại TP HCM bị 'ế' / 'Nhiều người chết oan vì bỏ quên văn hóa an toàn'
"Tại Bệnh viện Việt Đức, chỉ có 5-10% nạn nhân tai nạn giao thông được sơ cứu tại chỗ. Một nửa số người được sơ cứu nhưng lại sai kỹ thuật và vận chuyển không an toàn", Giáo sư Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc VN cho biết trong hội thảo quốc tế - chuyên đề cấp cứu trước bệnh viện - diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Theo giáo sư Đính, với ngành y tế, cấp cứu trước bệnh viện là một khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất, thiết bị đơn giản nhất. Ngược lại, nếu làm không tốt thì chi phí sẽ đội lên hàng chục, hàng trăm lần, thậm chí dẫn đến tử vong.
"Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác cấp cứu trước bệnh viện tại Việt Nam còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Nhiều trường hợp gãy cột sống cổ, gãy khung chậu đã tử vong trong lúc khiêng nạn nhân lên cáng, lên ô tô. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tuần nào cũng có bệnh nhân tử vong trước bệnh viện", giáo sư Đính cho biết.
Một nghiên cứu của Nguyễn Thị Liên Hương và cộng sự trong năm 2008 cũng cho thấy chỉ 4% các ca tai nạn thương tích được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, 52% bệnh nhân không được cấp cứu ban đầu tại hiện trường.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trong năm 2009 và 9 tháng đầu năm nay, khoa cấp cứu tiếp nhận gần 96.000 trường hợp thì có đến 95% là do người dân tự chuyển đến bằng các phương tiện khác nhau như taxi, xe máy...
Trong khi đó, việc cấp cứu trước bệnh viện chủ yếu do trung tâm 115 đảm nhiệm nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó nhu cầu của người dân. Chẳng han, trung tâm cấp cứu 115 tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Một số công ty tư nhân có tham gia vận chuyển cấp cứu nhưng với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu vận chuyển bệnh nhân nặng về nhà, trình độ cũng còn nhiều bất cập, giáo sư Đính cho biết.
Bên cạnh đó, ngành cấp cứu trước bệnh viện cũng đang thiếu cán bộ y tế một cách trầm trọng vì không ai muốn tham gia. Trình độ chuyên môn cũng chưa cao vì không được đào tạo chuyên nghiệp. Theo bác cáo bước đầu của nghiên cứu về an toàn giao thông đường bộ thì, các xử trí thông thường chỉ đạt yêu cầu chuyên môn dưới 50%.
Cũng theo giáo sư, để cải thiện tình trạng này mỗi thành phố cần có một trung tâm đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu chuyên phục vụ cấp cứu trước bệnh viện. Ngoài ra, "tất cả những người làm công tác phục vụ sức khỏe, an ninh trật tự như: cảnh sát, cứu hỏa, bộ đội cảnh vệ, bảo vệ sân bay... đều phải có kỹ thuật cấp cứu cơ bản. Từ đó mới có thể đảm bảo cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời và đúng phương pháp", giáo sư Đính nói.
"Việc cấp cứu trong 15 phút đầu được gọi là thời gian kim cương, cấp cứu trong 30 phút được gọi là thời gian vàng. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt việc cấp cứu trong thời gian vàng này. Đây cũng là vấn đề nóng bỏng, bức xúc của xã hội", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh.
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm nước ta có 11.000-12.000 trường hợp tử vong do tai nạn. Nhưng nếu đào tạo được kiến thức cấp cứu cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường thì mỗi năm Việt Nam có thể giảm được 10% số người bị chết cho tai nạn giao thông, tương ứng với khoảng 1.000 nạn nhân.
Nam Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét