Trang

Điều trị ung thư ở VN: Chẩn bệnh vững, trị bệnh…”chới với”

Xã hội - VietNamNet:
,

Dù công nghệ chẩn bệnh ung thư ở Việt Nam tạm thời bắt kịp thế giới nhưng việc chữa bệnh lại “hụt hơi” do quá thiếu các thiết bị máy móc công nghệ hỗ trợ.

Chẩn bệnh: Ứng dụng công nghệ đột phá PET/CT

Nếu phát hiện sớm, nhiều bệnh ung thư có thể chữa trị được 30 - 40%, có bệnh chữa trị được tới 70-80% ví dụ như ung thư vú.

dua-bn-vao-may-gia-toc-B.jpg
Đưa bệnh nhân vào máy gia tốc B. Ảnh D.Minh
Theo BS Nguyễn Đăng Hà - Phó chủ nhiệm khoa chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện K Hà Nội: Để phát hiện sớm nhiều loại ung thư và xác định các giai đoạn phát triển của bệnh không thể thiếu kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Mà trong đó, PET/CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất hiện nay. PET và CT (chụp cắt lớp vi tính) thường được sử dụng đồng thời nhằm thu thập thông tin về cả vị trí giải phẫu và sự chuyển hoá trong khối u để có một nhận định toàn diện về tình trạng bên trong cơ thể.

Khác với các loại máy chụp hình ảnh truyền thống là chỉ đơn thuần phát hiện vị trí giải phẫu và kích cỡ của khối u, máy chụp cắt lớp ghi hình PET ghi lại hoạt động phân tử biểu hiện sự phát triển nhanh của khối u. Công nghệ đột phá PET/CT cho phép phát hiện các tổn thương nhỏ nhất, giúp bác sĩ đánh giá đúng tình trạng bệnh, phương pháp can thiệp cũng như tiên liệu về phản ứng điều trị của bệnh nhân giúp kết quả thu được khả quan hơn rất nhiều.

Ngoài ra, công nghệ mới này giúp các bác sĩ phát hiện những tái phát, di căn sớm để điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân ung thư. Bằng việc sử dụng PET/CT sớm trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể biết được việc điều trị có hiệu quả và tương thích với bệnh nhân hay không và đưa ra những liệu trình điều trị hiệu quả nhất với người bệnh.

Các máy móc công nghệ hiện đại: chụp X-quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, PET/CT… hỗ trợ phát hiện sớm và điều trị ung thư đều đã có mặt tại Việt Nam.

Cũng theo BS Hà, trong 5-6 năm trở lại đây, bệnh viện K được đầu tư và có tất cả các loại máy móc chẩn đoán hình ảnh tiên tiến của thế giới, về công nghệ chắc chỉ thua kém một hai đời. Các bác sĩ, kĩ thuật viên của khoa chẩn đoán hình ảnh đã áp dụng được kĩ thuật - công nghệ chẩn bệnh tương đương thế giới.

Chữa bệnh: Thiếu trầm trọng máy chiếu xạ cứu bệnh nhân

Trái ngược với khâu chẩn bệnh, việc chữa bệnh ung thư tại Việt Nam đang “hụt hơi” so với khu vực và thế giới. Đó là do máy móc thiết bị chữa ung thư của Việt Nam quá thiếu và yếu.
Theo bác sĩ Matt Oliver, Đại diện WHO tại Việt Nam, biện pháp gây xạ có thể cứu được 50% bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, Việt Nam mới có tổng cộng 15 máy gia tốc, 9 máy xạ trong, 6 máy mô phỏng. Bởi vậy 16 máy cobalt đáng lẽ đã phải thay thế từ rất lâu vẫn được tận dụng để chữa bệnh.

Năm 2001, bệnh viện K là bệnh viện đầu tiên được trang bị máy gia tốc. Đến năm 2006, bệnh viện K lại trang bị thêm một máy gia tốc nữa cho cơ sở I và năm 2009, trang bị máy này cho cơ sở II.

chan-doan-hinh-anh.jpg
Chẩn đoán hình ảnh. Ảnh D.Minh
Máy gia tốc tuyến tính xạ trị là loại máy tạo ra chùm tia X và electron năng lượng cao để điều trị ung thư. Cụ thể, các bước định vị xác định được u thô, thể tích lâm sàng - vấn đề u xâm lấn ra xung quanh, lập kế hoạch điều trị, thể tích để xạ trị. Hệ thống này cho thấy độ phân giải cao, trong khi lập kế hoạch có hệ thống rất chi tiết CT mô phỏng - cắt lớp mô phỏng, định vị không gian 3 chiều, rồi đưa toàn bộ dữ liệu sang hệ thống - lập kế hoạch điều trị. Các bác sỹ, kỹ sư máy cùng làm việc và đưa ra lựa chọn chuẩn nhất bao trùm tất cả các vùng u, vùng u di căn, rồi chọn ra liều điều trị chuẩn, để đưa ra bản in. Rồi quay lại phòng CT mô phỏng lần nữa. In lại không gian 3 chiều màu cho chuẩn rồi mới đưa sang máy xạ trị. Tóm lại, phải xác định khối u chính xác, chuẩn cả lâm sàng, chuẩn cả cách tính toán, cả định vị không gian, rồi lúc ấy mới đưa ra điều trị. Ưu điểm của máy gia tốc thế hệ mới so với máy cobalt thế hệ cũ là tính năng xác định bệnh chuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người điều trị và môi trường xung quanh.

Ngày 8/7/2007, bệnh viện K đưa vào sử dụng máy xạ trị điều biến liều, một thiết bị xạ trị ung thư. Đối với máy xạ trị điều biến liều thì mức độ bức xạ được chia thành các mức độ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm, vị trí khối u và cường độ phát tia nông sâu được tiến hành theo ý muốn của bác sĩ điều trị. Tất cả các quy trình từ xác định dạng khối u, kích thước, vị trí, liều phóng xạ cần dùng này đều được lập trình chính xác trên máy tính. Với những tính toán chuẩn mực này thì các tế bào bệnh được điều trị tối ưu nhất. Còn tế bào lành liên quan ít bị ảnh hưởng nhất, mở ra cơ hội điều trị tốt hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho nhiều bệnh nhân ung thư.

Với những máy móc thế hệ mới này, người bệnh ung thư có hy vọng kéo dài sự sống.

Đề cập tới mong muốn của y bác sĩ bệnh viện K về việc hỗ trợ máy móc khám chữa bệnh, Ths Nguyễn Xuân Cử, Trưởng khoa Vật lý xạ trị, chia sẻ: “Trong thực tế lâm sàng, để có thể thực hiện được những kỹ thuật như mong muốn, các thiết bị tại một cơ sở như máy điều trị, máy mô phỏng, máy đo liều, máy tính lập kế hoạch điều trị, hệ thống chế tạo khuôn chì v.v.. cần được trang bị đồng bộ. Ngoài các trang thiết bị, kinh nghiệm về tiên lượng bệnh, đánh giá và lựa chọn chuẩn xác kỹ thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến kết quả điều trị.”

  • Diệu Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét