Trang

Những cái chết không ngờ vì... chó

Xã hội - VietNamNet:
Bài 1:
Những cái chết không ngờ vì... chó

- Bị chết vì chó dại cắn, nhưng lại tưởng chó bị hóc xương, không đi tiêm phòng. Một trường hợp khác, vì giận chó cắn người, chủ đập chết chó để giết thịt. Sau đó ít hôm người bị chó cắn đột nhiên phát dại rồi chết. Lại có trường hợp cả đại gia đình người chết vì bị dại tìm đến trung tâm yêu cầu được tiêm phòng gấp vì đã tiếp xúc quá “thân mật” với người bệnh trước đó…

Có rất nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến bệnh dại, nhưng kiến thức về căn bệnh này thì nhiều người còn hiểu về nó rất mập mờ.

Những cái chết “bất đắc kỳ tử” vì… chó dại!

Tháng 5/2010, chị Nguyễn Thị L,, làm nghề bán thịt lợn, sống ở một vùng nông thôn huyện Quốc Oai (Hà Nội), vì ngăn không cho con chó của gia đình tha miếng thịt lợn đang bán trên phản thịt khiến con chó đã tức giận lao vào cắn rách tay.

Chứng kiến cảnh vợ đau đớn vì bị chó cắn chảy máu, chồng chị L. đã cầm gậy đập chết tươi con chó rồi làm thịt.

Mô tả ảnh.
Vì nghĩ chó nhà nuôi thì không bị dại nên hàng năm, cả nước vẫn có hàng trăm người chết vì bị chó dại của chính gia đình cắn. (Ảnh Google - imegine).

Cứ nghĩ chó nhà nuôi, không hề bị bệnh nên chị L. không hề đi tiêm phòng dại. Hai tháng sau đó, chị vẫn sinh hoạt, đi chợ và bán thịt lợn bình thường và gần như quên lãng chuyện bị chó cắn.

Thế nhưng, đến một hôm, khi đi viếng đám tang người chết trong làng, chỉ vừa đến cổng, nghe thấy tiếng trống và kèn bát âm vang réo, chị L. bất ngờ lăn đùng ngã ngửa, miệng sùi bọt, cào cắn các vật chị vớ được một cách điên dại. Sau khi lên cơn dại không lâu, chị đã qua đời trong nỗi kinh sợ của người thân và cả những người được chứng kiến.

Cách đây mấy tháng, chị Phạm Thị T. (43 tuổi, nhà ở quận Hà Đông, Hà Nội), cũng bị chó nhà cắn chảy máu. Sau khi cắn chủ, con chó cứ lao vào tường cắn gạch, cắn vôi vữa và sùi bọt. Chứng kiến cảnh ấy, gia đình chị T. lại tưởng chó vừa ăn xương gà bị hóc nên đã đập chết và làm thịt.

Nghĩ là chó nhà nuôi cắn thì không sao, hơn nữa, trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên chị T. không hề đi tiêm phòng. Khoảng gần 2 tháng sau, chị bất ngờ lên cơn dại, cào cắn và đập phá mọi thứ trong nhà.

Trước khi chết, những cơn dại của chị T. còn gây ra nỗi kinh hoàng không thể quên với những người trong gia đình và hàng xóm…

Mô tả ảnh.

Tay, đầu, cổ là những vị trí nguy hiểm. Một khi bị chó nghi dại cắn, người bị cắn phải đi tiêm phòng ngay. Nếu virut dại đã xâm nhập lên não thì không thuốc gì có thể cứu chữa được! (Ảnh Google - imegine).

Hồi đầu năm nay, con chó mới đẻ của gia đình ông Nguyễn Đình C., ở Lạng Sơn, cứ thấy khách đến nhà là lao ra cắn.

Đúng ngày mùng 4 Tết, con chó lại lao ra cắn rách tay một bà hàng xóm khi bà sang nhà ông chúc tết. Nhìn thấy máu từ tay bà hàng xóm chảy ròng ròng xuống nền gạch, 4 chú chó con bụ bẫm nằm gần đó lao ra liếm ngấu nghiến, liền bị chó mẹ đang lên cơn cắn chết cả 4.

Chứng kiến cảnh tượng rùng rợn ấy, ông C. cầm gậy đập chết con chó mẹ và làm thịt để “rửa hận” cho những người bị nó cắn.

Sau khi bị chó nhà ông C. cắn, bà hàng xóm sợ chó bị bệnh nên đã đi tiêm phòng vắc xin. Trong khi đó, ông C. vẫn ung dung, bởi ông nghĩ, chó nhà ông nuôi thì chẳng đời nào bị dại. Thế nhưng, chỉ hơn một tháng sau, ông C. đã lên cơn dại và chết trong sự đau đớn, vật vã cùng cực.

Bỏ người chết, cả nhà đi tiêm phòng bệnh dại!

Bác sỹ Hà Thị Lành, tư vấn viên Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng (thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết: Có hàng trăm câu chuyện thương tâm quanh việc chó dại cắn.

Những trường hợp bị chó dại cắn mà không đi tiêm phòng, đến khi virut bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không thuốc nào chữa được.

d
Bác sỹ Hà Thị Lành tư vấn cho một bệnh nhân tại Trung tâm y tế dự Phòng (Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương). (Ảnh Nguyễn Tuyến).

Bác sỹ Lành cho biết: Rất nhiều người bị chó dại cắn, nhưng lại quá chủ quan không chịu đi tiêm phòng vì nghĩ chó nhà nuôi thì không sao. Và, những cái chết như thế thường rất thương tâm.

Trong khi nhiều người bị chó dại cắn rất chủ quan, không chịu đi tiêm phòng thì lại có những trường hợp lo sợ thái quá, dù bác sỹ khẳng định không thể bị bệnh, nhưng vẫn nằng nặc đòi bác sỹ được… tiêm phòng dại!

Bác sỹ Lành kể: mới đây, một chủ tiệm thịt chó đã hành nghề lâu năm ở Hà Nội bỗng lăn ra ốm. Cứ nghĩ ông chỉ bị ốm bình thường nên gia đình chuyển đi nhiều bệnh viện chữa trị.

Tuy nhiên, dù chữa trị ở đâu, bệnh tình của ông cũng không thuyên giảm. Càng ngày, sức khoẻ của ông ngày càng giảm sút và người ông cứ gầy rộc đi nhanh chóng.

Trong khi ông đang nằm chờ chết, rất nhiều người thân, họ hàng đến thăm cứ cầm tay, sờ má và ôm ông mà khóc thương.

Thế nhưng, đến trước khi chết ít phút, ông bỗng lên cơn dại, miệng sùi bọt, cắn xé mọi thứ vớ được với một sức mạnh phi thường. Chỉ ít phút sau khi lên cơn dại thì ông qua đời.

Sau khi chứng kiến những phút giây ông lên cơn điên dại, mấy chục người thân đã từng cầm tay, ôm ông trước đó mới bàng hoàng kinh sợ, bỏ cả người chết nằm đó để thuê một chuyến ô tô ra Viện Vệ sinh Dịch tễ tiêm vắc xin phòng dại.

Sau hàng giờ được bác sỹ tư vấn, rằng, bệnh dại rất khó lây từ người sang người, những người này mới bớt lo lắng. Dù vậy, hơn chục người trong số đoàn người lèn kín cả một chiếc ô tô vẫn cứ nằng nặc đòi được tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại.

Và, chỉ khi đã chắc chắn rằng mình được ngăn ngừa bệnh dại, đoàn người mới chịu ra về làm ma cho người quá cố.

Nguyễn Tuyến
Bài 2. Cả gia đình suýt chết vì một chú mèo hoang

Bài 2:
Cả gia đình gặp nguy vì... chú mèo hoang
,

- “Sau khi bị con mèo hoang vào nhà cắn một miếng vào tay rồi lăn đùng ra chết, tôi rất lo. Biết lũ trẻ trong nhà rất yêu chó mèo, nhiều lần đùa với con mèo hoang nên tôi đã bắt cả nhà phải đi tiêm phòng một thể, mất ngót 10 triệu đồng” - vừa nói, anh Nguyễn Văn Quân (Sóc Sơn, Hà Nội) vừa chỉ vào 2 đứa con nhỏ đang chơi đùa ở ngay phòng chờ.

>> Những cái chết không ngờ vì... chó

Yêu chó mèo, cả nhà rủ nhau đi tiêm phòng dại

Có cùng hoàn cảnh với gia đình ông Nguyễn Văn Quân, đến Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng (thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) để tiêm phòng dại cũng có không ít gia đình cả 4,5 người cùng phải đi tiêm vì chơi với động vật lạ.

Mô tả ảnh.
Mỗi ngày có hàng chục người đến Trung tâm Y tế dự phòng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) để tiêm phòng dại! (Ảnh Nguyễn Tuyến)

Vừa chỉ về phía người phụ nữ và hai đứa trẻ đang ngồi bên cạnh, anh Nguyễn Xuân Tiến, người huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: Cả nhà anh đều phải đi tiêm để phòng nguy cơ lây bệnh dại từ thú hoang.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong 8 tháng đầu năm 2010, cả nước có hơn 40 người tử vong vì chó dại cắn.

Trong đó, Hà Nội được coi là địa phương có số tử vong do bệnh dại cao nhất nước, với 7 bệnh nhân tính từ đầu năm 2010. Tính chung trên toàn quốc, số tử vong do bệnh dại tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2009.

Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch với 27/63 tỉnh, thành phố có bệnh nhân tử vong.

Anh kể: nửa tháng trước có một con mèo hoang ngày nào cũng bò vào nhà rồi ở lỳ trong một góc. Thấy con mèo đáng yêu, hai đứa nhỏ con anh thay nhau chơi đùa, ôm ấp. Rất nhiều lần, anh đã bắt con mèo mang đi thật xa nhưng mang đi buổi sáng thì chiều đã lại thấy con mèo ở trong nhà lúc nào.

Mấy hôm trước, khi đưa tay định bắt con mèo mang đi, anh đã bị con mèo cắn một phát vào tay rất sâu, máu chảy nhiều. Sau đó, con mèo đã chết ngay trên đường khi anh mang đi vứt.

Ngay sau khi con mèo chết, anh Tiến hoang mang mất ngủ, lúc nào cũng sợ con mèo đã chết vì bị dại. Vì vậy, anh đã quyết định đưa theo cả hai đứa con vượt mấy chục cây số lên Hà Nội để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.

Bác sỹ Hà Thị Lành cũng cho biết, đến Trung tâm y tế dự phòng tiêm vắc xin phòng dại còn có rất nhiều gia đình rồng rắn cả nhà đi tiêm phòng do quá yêu chó mèo.

Bác sỹ Lành kể, mới đây, một gia đình nhà ở Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) sau khi mua được chú chó con nhỏ rất đáng yêu ngoài chợ, cả bốn mẹ con thay nhau cho ngón tay và ngón chân vào miệng cho chó “cắn yêu”.

Chỉ vài hôm sau, chú chó con bỗng nhiên lăn đùng ra chết, vì vậy, cả gia đình phải tìm đến Trung tâm Y tế dự phòng nhờ tư vấn. Dĩ nhiên, cách an toàn nhất các bác sỹ khuyên là cả 4 mẹ con họ đều phải tiêm gấp huyết thanh và vắc xin phòng dại, chi phí mất gần 10 triệu đồng. Bởi rất có thể chú chó con kia đã chết vì bệnh dại.

Mô tả ảnh.
Một con chó với những biểu hiện bệnh dại rất rõ ràng (Ảnh Google-imegine).

Hầu hết người bị chó, mèo dại cắn đều có thời gian ủ và phát bệnh rất nhanh. Nhưng theo Bác sỹ Hà Thị Lành, bệnh dại có thể có thời gian ủ bệnh kéo dài đến 20 năm. Thời gian ủ bệnh kéo dài như thế nào phụ thuộc vào đề kháng của người bị cắn, vào vết cắn gần hay xa não, hoặc phụ thuộc vào độ đậm đặc của virut trong dãi động vật…

Thế mới có chuyện, có người bị chó dại cắn rất lâu hoặc tiếp xúc và bị lây bệnh dại từ động vật mà không biết, đùng một cái lên cơn dại và chết.

Bác sỹ Lành cho biết, mới đây, một trường hợp ủ bệnh dại 2 năm mới phát bệnh mà bà biết rất rõ. Đó là trường hợp xảy ra với một quân nhân vừa giải ngũ.

Trước đó, khi còn trong quân ngũ và làm tiếp phẩm, quân nhân này đã bị con chó của một nông dân cắn vào gót chân. Nghĩ là chó nhà ông nông dân vốn khoẻ mạnh thì không sao nên anh cũng không đi tiêm hay để ý gì đến con chó nữa. Nhưng sau 2 năm hết nghĩa vụ quân sự, chỉ ra quân được vài ngày, còn bao nhiêu dự định chưa thực hiện thì đột nhiên anh bị lên cơn dại và chết.

Bị chó mèo dại cắn, chớ đến chữa thầy lang!

Sau nhiều năm làm công tác tư vấn ở Trung tâm Y tế dự phòng, bác sỹ Lành cho biết, hầu hết người bị chó nghi dại cắn, hoặc bị cắn sau đó có biểu hiện dại rõ ràng đều rất hoang mang.

Mô tả ảnh.
Tiêm phòng dại cho chó mèo là một biện pháp ngừa bệnh dại hiệu quả. (Ảnh Google-imegine).

Nhiều người, dù hoang mang và sợ hãi, nhưng do thiếu hiểu biết, họ vẫn không chịu đi tiêm phòng mà tìm đến các thầy lang và các cơ sở đông y điều trị rất nguy hiểm.

Đã có một thời kỳ, rất nhiều người bị chó dại cắn đã đi thử vết thương bằng cách tìm đến nhà thầy lang thử hạt đậu và bị thầy lang bóp nặn, rạch vết thương rất nguy hiểm. Đó là cách điều trị phản khoa hoc và rất nguy hiểm, chỉ khiến virut dại xâm nhập lên não nhanh hơn.

Bác sỹ Lành cho biết: bệnh dại trước kia thường rộ lên vào mùa hè. Nhưng hiện nay bệnh dại xuất hiện quanh năm. Nhất là sau những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì lượng người đi tiêm phòng dại tăng đột biến.

Cũng theo bác sỹ Lành, với những trường hợp bị chó mèo nghi dại cắn, trước hết cần rửa dưới vòi nước sạch từ 10 đến 15 phút. Sau đó, rửa tay bằng các chất sát trùng đậm đặc như xà phòng ômô hoặc iot 10% rồi tìm đến cơ sở y tế tiêm phòng ngay.

Nếu bị động vật là chó mèo nhỏ cắn, thì người bị cắn cần đi tiêm vắc xin ngay. Bởi chó mèo con không phải là những đối tượng theo dõi, đoán bệnh.

“Thậm chí, người bị chó mèo nghi dại cắn từ lâu cũng nên đi tiêm phòng. Bởi thời gian ủ bệnh của mỗi người là rất khác nhau. Vì thế, việc đi tiêm phòng không bao giờ là muộn cả” - bác sỹ Lành khuyến cáo.

Nguyễn Tuyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét