Trang

Đau mắt đỏ dễ nhầm với viêm nội nhãn dẫn đến mù

Thứ năm, 19/9/2013 10:20 GMT+7
Con than đau, đỏ mắt, nhiều gia đình nghĩ đơn giản mắc bệnh đau mắt đỏ mà không biết có thể bị viêm nội nhãn. Đây là bệnh nhiễm khuẩn rất nặng, có thể dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm.
[Caption]

Cũng khởi phát với các biểu hiện đỏ, đau mắt nhưng bệnh viêm nội nhãn nguy hiểm hơn đau mắt đỏ rất nhiều. Ảnh minh hoạ: N.P.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, riêng ngày 15/9, bệnh viện tiếp nhận 5 trẻ dưới 8 tuổi bị viêm nội nhãn trong tình trạng vô cùng nặng nề, mắt đầy mủ. Các bác sĩ đã lấy mủ xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, tiêm kháng sinh trực tiếp vào mắt nhưng thị lực các bé đã rất kém, chỉ nhận biết được ánh sáng, bóng mờ bàn tay. Trong đó có cháu đến viện vào ngày thứ 2 của bệnh, lâu nhất là bệnh đến ngày thứ 4.

Viêm nội nhãn là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn, hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu. Bệnh thường được chia làm 2 loại: ngoại sinh và nội sinh. Viêm nội nhãn ngoại sinh xuất hiện do các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn… đi vào mắt trực tiếp từ môi trường bên ngoài sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Trong khi đó, viêm nội nhãn nội sinh lại xuất hiện bởi vi khuẩn lây lan từ các cơ quan khác của cơ thể theo đường máu.

Như trường hợp 5 trẻ mới nhập viện gần đây, theo bác sĩ Cương đều không do chấn thương mà là viêm nội nhãn nội sinh. Tác nhân gây bệnh lan tràn từ một ổ nhiễm khuẩn từ xa đến khu trú và gây bệnh tại mắt. Bệnh nhân thường là những trẻ ốm lâu ngày, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém.

Bệnh có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân. Sau khi được điều trị, chỉ có khoảng 55% trương hợp đạt được thị lực cuối cùng là 1/10 hoặc kém hơn. Một số trường hợp nặng hơn, mủ ăn lan hết nhãn cầu thì buộc phải bỏ mắt để loại trừ vi khuẩn không lan ra chỗ khác (lên não gây viêm tắc mạch xoang hang, vào máu gây nhiễm khuẩn huyết). Nếu việc điều trị không đáp ứng với kháng sinh, thị lực của bệnh nhân sẽ khó có thể hồi phục.

Thời gian điều trị dài hay ngắn tùy thuộc mức độ trầm trọng của bệnh, tác nhân gây bệnh, đáp ứng của cơ thể đối với bệnh và phương pháp điều trị. Trung bình một đợt điều trị cấp tính khoảng 2-3 tuần. Những di chứng có thể là vẩn đục pha lê thể, tăng nhãn áp, thậm chí bị hỏng mắt vĩnh viễn.

"Bệnh thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa thu đông, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở trẻ. Nó có thể diễn diến rất nhanh trong vòng 24 giờ. Có cháu chiều hôm trước bình thường, hôm sau đã mù, mắt ken đặc mủ, ăn hết võng mạc dù chữa được nhưng thị lực khó trở lại bình thuờng", bác sĩ Cương nói.

Bên cạnh đó, bác sĩ Cương cũng khuyến cáo cần phân biệt triệu chứng của viêm nội nhãn với bệnh đau mắt đỏ. Cả hai cùng có biểu hiện đỏ, đau nhức mắt nhưng nếu là đau mắt đỏ thì có rỉ còn viêm nội nhãn thì không. Thực tế, không ít bệnh nhân thấy mắt đỏ, đau nhức đã tự mua thuốc để điều trị nhưng không đỡ. Khi tới khám, bác sĩ mới kết luận bị viêm nội nhãn và khi đó khả năng chữa trị là rất thấp.

Vì thế, nếu thấy có biểu hiện bệnh ở mắt, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa mắt ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm. Khi đó mủ còn loãng thì có thể tiêm ngay kháng sinh vào nội nhãn, hoặc cắt ngay dịch kính lấy mủ ra rồi đưa kháng sinh vào. Nếu phát hiện muộn, mủ đã đặc lại sẽ co kéo ảnh hưởng đến giác mạc, sẽ khó điều trị.

Phương Trang

Thứ năm, 12/9/2013 12:01 GMT+7
giadinh.vnexpress.net - Con gái đi học về có triệu chứng đau mắt đỏ, sáng hôm sau chị Trà (Phú Nhuận, TP HCM) cũng bị theo. Chị ra hiệu thuốc gần nhà mua chai thuốc nhỏ mắt về hai mẹ con dùng chung.

Sau 5 ngày dùng thuốc kết hợp rửa mắt bằng nước muối, con gái bớt bệnh còn chị Trà nặng hơn nên phải đi bệnh viện. Kết quả mắt chị có giả mạc, bác sĩ phải bóc lớp giả mạc rồi mới cho dùng thuốc nhỏ kết hợp uống kháng sinh. "Bác sĩ bảo nếu không bóc lớp giả mạc thì dùng thuốc bao nhiêu cũng không hiệu quả mà để lâu có thể biến chứng. Lần sau hết dám liều mạng tự điều trị tại nhà kiểu này nữa", chị Trà phân trần.

Khám mắt tại TP HCM, bà Đặng ở Trảng Bàng (Tây Ninh) cho biết, bị đau mắt đỏ hơn một tuần nay, ghèn bịt kín cả hai mí mắt. Nghe lời khuyên của hàng xóm, bà đắp lá trầu không lên, kết hợp tự dùng thuốc nhỏ. Hậu quả bệnh càng trầm trọng, mắt cộm đau dữ dội kèm theo sốt nên bà mới đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết mắt bà bị viêm loét giác mạc do dùng sai thuốc trong thời gian dài.

Khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: Nam Phương.
Khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: Nam Phương.

Dịch đau mắt đỏ đang vào mùa cao điểm tại TP HCM. Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, đây là bệnh do virus gây nên, thường gặp là adenovirus. Bệnh lây lan tương đối nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở những nơi như trường học, công sở, nhà máy, bệnh viện... Phần lớn trường hợp đều tự khỏi sau 1-2 tuần nhưng một vài trường hợp có thể dẫn đến biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, giảm thị lực ở những thể trạng suy kiệt hoặc dùng thuốc không đúng cách.

Bệnh thường được biểu hiện bằng mắt đỏ và có ghèn. Ghèn có thể là nước trong hoặc ghèn vàng. Một vài trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc. Đôi khi có đau hạch sau tai, viêm họng, sốt nhẹ, mệt mỏi. Bệnh nhân có cảm giác nóng rát, khó chịu, cộm xốn giống như có hạt cát trong mắt, có thể kèm theo nhìn mờ, có biểu hiện sợ ánh sáng, đặc biệt là ở trẻ em. 

Các bác sĩ khẳng định việc nhìn nhau không lây mắt đỏ, mà trung gian truyền bệnh là nước mắt của bệnh nhân do nước mắt có chứa virus. Virus lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi, qua những vật dụng như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, vòi rửa tay nơi công cộng, điện thoại, khăn, qua nước bị nhiễm khuẩn như nước hồ bơi...

Hạn chế đến các hồ bơi công cộng trong thời điểm dịch đau mắt đỏ vào mùa cao điểm. Ảnh: L.P
Nên hạn chế đến các hồ bơi công cộng trong thời điểm dịch đau mắt đỏ vào mùa cao điểm. Ảnh: L.P.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu nhiều người trong gia đình bị đau mắt đỏ thì mỗi người dùng riêng một chai thuốc nhỏ. Việc dùng chung một chai thuốc sẽ khiến bệnh có thể diễn tiến nặng thêm. Dùng khăn mặt, vật dụng cá nhân riêng, rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn để hạn chế lây bệnh cho người khác. Bệnh nhân cần bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm, nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9 %) hoặc nước mắt nhân tạo.

Khi vệ sinh mắt, cần lưu ý dùng bông gòn sạch lau khô, chườm lạnh để giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp trong giai đoạn bệnh cấp để tránh lây lan. Tránh dụi tay vào mắt, không vứt bông, khăn thấm mắt bệnh ra môi trường xung quanh. Không bơi trong giai đoạn có dịch.

Người bệnh khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần đi khám chuyên khoa mắt. Việc tự dùng thuốc nhỏ có chất corticoid hoặc những thuốc dân gian, phương pháp xông, đắp lá cây... có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm, dẫn đến nhiễm trùng, gây biến chứng.

Các bác sĩ cũng cho biết, hiện chưa có thuốc nhỏ ngừa bệnh. Để phòng bệnh nên tránh tiếp xúc những vật dụng dễ nhiễm nguồn bệnh và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi có người nhà bị đau mắt đỏ, có thể phòng ngừa bằng cách nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý. Người chưa mắc bệnh không nên nhỏ kháng sinh phòng ngừa vì có thể làm cơ thể kháng thuốc.

Nhiều người cho rằng khi bị đau mắt đỏ một lần thì sẽ không bị lại lần hai nên không có ý thức phòng ngừa. Trên thực tế, trong một đợt dịch, bệnh nhân có thể bị mắc bệnh lại lần thứ hai vì đau mắt đỏ thường do nhiều nguyên nhân, có nhiều chủng virus gây bệnh.

Lê Phương

Thứ tư, 18/9/2013 10:47 GMT+7
giadinh.vnexpress.net - Hai tuần gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội) có khoảng 200 người đến khám bệnh đau mắt đỏ. Nhiều trường hợp cả gia đình đều bị lây bệnh. 

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh do virus adeno gây nên. Triệu chứng ban đầu thường là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.

"Mọi năm dịch thường xuất hiện vào tháng 6-7, tuy nhiên năm nay diễn biến có vẻ muộn hơn. Thời điểm này là đỉnh của dịch, hiện số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm gần 20% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh về mắt. Người bệnh tập trung chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận", bác sĩ Cương nói.

Thời điểm này hiện đang là đỉnh của dịch đau mắt đỏ, vì thế người dân cần chú ý vệ sinh tay sạch sẽ để phòng bệnh. Ảnh: Nam Phương. 
Hiện là đỉnh của dịch đau mắt đỏ, vì thế người dân cần chú ý vệ sinh tay sạch sẽ để phòng bệnh. Ảnh: Nam Phương.

Bệnh hay xuất hiện vào mùa nước lụt, độ ẩm cao, khí hậu thất thường, đến tháng 11 gió mùa lại hết. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn. Có người bị 10 ngày đến khám mà mắt vẫn đỏ. Điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi. Vì thế, bệnh nhân cũng như các bậc cha mẹ không nên quá sốt ruột.

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, giảm tỷ lệ biến chứng. Bệnh có thể dẫn đến chứng như viêm giác mạc, nếu không chữa kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực, bác sĩ Cương cho biết.

Theo bác sĩ, vẫn còn tình trạng một số người tự ý dùng thuốc, trong đó chủ yếu là kháng sinh, thậm chí có người tiêm vào mắt. Lý do, họ quan niệm kháng sinh là thuốc chữa bách bệnh, đau đâu tiêm đấy. Điều này rất nguy hiểm vì không phải kháng sinh nào cũng tiêm được vào mắt, thậm chí còn làm mắt sưng nề hơn.

Bên cạnh đó, nhiều người tự mua thuốc chứa corticoid về nhỏ mà không biết dùng nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn. Bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đến mức phải dùng corticoid, nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh lây lan dễ dàng do virus có tính kháng cồn, tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế tới 35 ngày. Lây nhiễm có thể trực tiếp từ người bệnh sang người lành, cũng có thể từ người mang virus nhưng chưa biểu hiện bệnh sang người lành, qua trò chuyện hoặc cầm nắm vào các đồ vật trung gian. Có trường hợp bệnh nhân đến viện để chích chắp khi về nhà thì bị đau mắt đỏ.

Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Người bệnh sau khi tự tra thuốc, lau mắt cũng cần chú ý đi rửa tay ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó, người nhà cũng chú ý vệ sinh tay sạch sẽ, chủ động làm sạch mắt bằng nước mắt sinh lý để phòng bệnh lây lan. Chú ý là không dùng chung nhau để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc. Người dân cũng không nên tự pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ muối không phù hợp có thể gây bỏng rát.

Những người đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng hai tháng. Vì thế, có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch. Khi thấy có biểu hiện của bệnh như nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ..., người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.

Nam Phương

Thứ sáu, 5/10/2012 09:00 GMT+7
giadinh.vnexpress.net/ - Giáo sư, bác sĩ Tôn Thị Kim Thanh, Nguyên giám đốc Bệnh viện mắt Trung ương cho hay có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Bệnh này có nguy cơ bùng phát cao vào mùa mưa.
A

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tôn Thị Kim Thanh.

- Thưa giáo sư, vì sao khi mùa mưa đến, bệnh đau mắt đỏ lại xuất hiện nhiều?

- Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, do virus Adeno gây ra. Bệnh này thường xuất hiện và thành dịch vào mùa mưa vì đây là thời điểm cơ thể dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu, tạo điều kiện cho virus tấn công.

- Những triệu chứng của đau mắt đỏ là gì thưa bà?

- Thông thường, thời gian ủ bệnh và phát bệnh rất ngắn. Vào những ngày đầu, người bệnh sẽ thấy mắt hơn cộm, có khi cảm thấy nóng rát, mi mắt sưng nhẹ. Sau 2-3 ngày, mắt bị đỏ (có thể một bên hoặc hai bên), ra rất nhiều ghèn, chảy nước mắt. Nếu lúc đầu ở một bên thì 3-4 ngày sau có thể sang cả hai bên (ở hai mức độ khác nhau).

Một số bệnh nhân có thể có giả mạc bám vào kết mạc mi trên và mi dưới. Vì thế, ghèn và nước mắt ra rất nhiều. Còn những bệnh nhân có tổn thương ở giác mạc như viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sợi thì rất đáng ngại. Khi có biến chứng này, người bệnh có cảm giác như có cát trong mắt, chói khi nhìn ra sáng, thị lực giảm.

A

Người dân đang mua thuốc nhỏ mắt tại một nhà thuốc ở Hà Nội.

Vì bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu nên ngay khi thấy mắt hơi cộm cần dùng các thuốc sát khuẩn để rửa mắt thường xuyên (nhằm loại các chất tiết bám vào mi mắt) hoặc dùng các loại kháng sinh nhỏ mắt phổ rộng, có thể dùng phối hợp thuốc nhỏ có Cortizol tùy từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý sử dụng thuốc bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt chứa Dexamethazol, các thuốc xông... Để phòng ngừa và giảm thiểu khả năng bệnh lây lan, người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt... Với những trường hợp viêm giác mạc hoặc có giả mạc, người bệnh phải đến khám theo hẹn của bác sỹ để điều trị kịp thời.

- Thuốc nhỏ mắt có chất sát khuẩn nhẹ dùng để vệ sinh mắt hằng ngày có tác dụng như thế nào trong việc phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ, thưa giáo sư?

- Sử dụng thuốc sát khuẩn nhẹ để vệ sinh mắt hàng ngày là cần thiết. Thuốc nhỏ mắt có chất sát khuẩn nhẹ để vệ sinh mắt hằng ngày sẽ loại bỏ được bụi bẩn và cân bằng độ ẩm cho mắt, không những giúp tăng khả năng miễn dịch mà còn tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho mắt.

- Giáo sư có thể cho biết thêm môi trường làm việc (máy lạnh, máy tính…) và môi trường sống (không khí ô nhiễm, gió bụi, khói xăng, nắng gắt…) đang tác động đến mắt như thế nào?

- Vốn dĩ mắt đã có cơ chế tự bảo vệ nhưng với tình trạng môi trường như hiện nay, mắt luôn ở trạng thái bị khô do tổn thương lớp phim nước mắt. Thông thường, nước mắt tiết ra có tác dụng làm ẩm bề mặt giác mạc, kết mạc, bôi trơn mi mắt và ngăn không cho chất lạ bám vào mắt, nếu chúng không đủ sẽ gây tổn hại bề mặt nhãn cầu.

A

Sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày giúp cân bằng độ ẩm cho mắt, giúp mắt hết mỏi hết khô và phòng ngừa các bệnh đau mắt.

- Theo giáo sư, chúng ta cần làm gì để chăm sóc mắt khỏe mạnh mỗi ngày?

Đôi mắt là bộ phận nhạy cảm và dễ bị tổn thương trên cơ thể, đồng thời cũng là bộ phận thể hiện rõ về sức khỏe của mỗi người. Do đó, cần quan tâm và chăm sóc mắt mỗi ngày. Để mắt luôn khoẻ mạnh, khi làm việc ở môi truờng máy lạnh, tránh để gió của máy hướng thẳng vào mắt, ngồi máy tính khoảng 30 phút có thể nhắm mắt nghỉ vài phút. Khi ở môi truờng gió bụi nên đeo kính râm, còn khi cảm thấy khô mắt có thể dùng những thuốc sát khuẩn nhẹ để giữ ẩm.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày đối với người bệnh và cả những người khỏe mạnh giúp loại bỏ bụi bẩn và phòng ngừa các bệnh đau mắt hiệu quả.

Xuân Ngọc

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét