Ông Thái tư vấn, với cà phê ở dạng hạt đã rang, người tiêu dùng có thể quan sát bề mặt của hạt. Nếu hạt rang mộc (không tẩm bơ hay bất cứ phụ gia nào) thì chỉ có một lớp dầu rất mỏng tiết ra từ hạt cà phê chứ không phải do người xay bổ sung vào; hạt cũng dậy mùi thơm đặc trưng của cà phê, không phải mùi khét do cháy. Sau khi xay cà phê thành bột, bột có độ tơi xốp. Có thể thử bằng cách lấy một muỗng cà phê đổ vào một ly nước, nếu bột cà phê nổi bồng bềnh trên mặt nước, chìm rất chậm xuống đáy ly, màu phai ra là màu vàng sáng hoặc nâu cánh gián thì đó là cà phê thật. Bột cà phê làm từ bắp, đậu nành dù cũng nổi trên mặt nước, nhưng chìm nhanh, màu nước đen đậm hơn.
Người tiêu dùng cũng có thể quan sát trong quá trình pha, sau khi bỏ bột cà phê vào phin, chế nước sôi vào, nếu đúng là bột cà phê, ngay lập tức sẽ nở bung và sủi bọt. Bột giả cà phê có xu hướng xẹp xuống đáy phin. Đổ ra ly, đánh đường, cà phê thật sẽ có lớp bọt mỏng trên bề mặt, dễ vỡ, cà phê giả có lớp bọt màu óng ánh dưới ánh sáng và tan lâu hơn. Cho đá vào nước cà phê thật, màu của cà phê thật sẽ bị trôi nhanh; cà phê giả thường lưu giữ trên bề mặt đá khá lâu. Cà phê dùng hóa chất, hương liệu sau khi uống hết vẫn thấy một lớp màu cà phê bám trên thành ly; cà phê thật không để lại lớp này.
Cũng theo ông Thái, để phòng ngừa nguy cơ mua phải cà phê giả, người mua nên chọn những cơ sở rang xay uy tín, biết rõ quy trình chế biến, không uống cà phê tại những quán mà cà phê đựng trong các loại bao bì không nhãn mác, không công bố thành phần.
Theo PNO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét