Con xóm nhỏ Long Hải ở xã Trường Tây, huyện Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) bao đời yên ắng, mấy hôm nay bỗng sục sôi khi nhiều người bức xúc trước khu vườn "ma quái" rộng cả nghìn m2 của ông Phạm Chứng (72 tuổi). Người dân xung quanh bảo rất ám ảnh bởi những tượng mặt người đầy máu me, chết chóc, treo lủng lẳng lời trăn trối ai oán, khóc than... trong khu vườn này nên đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Khu vườn mà ông Chứng cho là nơi trưng bày "tội ác thế gian". Ảnh: Nguyên Vũ. |
Bà Đinh Thị Dậu cho biết, bà nên duyên chồng vợ với ông Chứng qua mai mối từ một người bạn. Sau đó vợ chồng bà hành nghề thợ may tại TP HCM. "Thấy ổng không hút thuốc, uống rượu, chỉ chăm chỉ làm ăn nên tôi đồng ý cưới chứ không có tình yêu. Tuy nhiên, vợ chồng tôi đã từng rất hạnh phúc, gắn bó với nhau suốt 50 năm qua. Chừng ấy thời gian, tôi hiểu chồng hơn ai hết. Ông ấy hiền lắm", bà Dậu nói.
Cũng theo bà Dậu, khoảng 20 năm trước, ông Chứng bị bệnh u não và được gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Nhưng chỉ được ít hôm, ông trốn về nhà và không một lần nào tái khám hay điều trị lại căn bệnh năm xưa. Hiện gia đình cũng không biết là bệnh u não của ông vẫn còn hay tự biến mất. Chỉ biết rằng ông vẫn khỏe mạnh về thân thể, song tinh thần "có biến chuyển khác lạ". Ông Chứng không còn làm nghề may đã gắn bó với ông hàng chục năm. Thay vào đó ông lại mày mò đi học điêu khắc, rồi tự mình làm ra những tượng người với hình thù kì dị.
Cách đây 11 năm, ông Chứng lên Tây Ninh mua mảnh đất rộng hơn 1.000 m2 để lập nhà thờ họ Vũ (mẹ ông Phạm Chứng). Khoảng đất trống còn lại, cứ mỗi lần lên thăm vườn, ông tự tay mua xi măng, cát đá rồi hì hục tạc tượng. "Vợ con ra sức cản, không cho ổng làm những tượng mặt người chết chóc nhưng ông gạt ngay vì cho rằng đó là sở thích riêng, là niềm vui tuổi già", bà Dậu nói giọng ngao ngán.
Một trong những bức tượng ghê rợn nằm đầy khu vườn. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Mỗi tháng được hai người con cho 1,5 triệu đồng chi tiêu, song ông Chứng dành hết vào thực hiện ý tưởng kỳ quái của mình tại khu vườn ở ấp Long Hải. Ông cho rằng đây là nơi trưng bày "tội ác thế gian". "Ổng nói rất tự hào là làm nghĩa địa cho những linh hồn không nhà cửa có nơi ở ổn định trên mảnh đất của mình. Vườn cây có trái, ổng không bán mà dành hết để cúng linh hồn vất vưởng tụ hội về đây", bà Dậu kể.
Không giấu giếm về những điều bất thường ở chồng, bà Dậu bảo, trước khi ăn, ông Chứng lúc nào cũng cúng. Tuy nhiên, khi có dịp cùng vợ đi chùa, ông cương quyết không thắp nhang, hay quỳ lạy Phật. "Không những lập dị trong tín ngưỡng, ông ấy còn làm khổ vợ con. Ai đời, nhà có 2 bộ ván gỗ quý trị giá cả cây vàng, ổng lại mang cho người khác. Suốt hơn chục năm qua, ngoài số tiền 30 cây vàng mua mảnh đất, tính ra chồng tôi đổ vào mấy bức tượng ma quái đấy cả mấy trăm triệu đồng", bà Dậu nói.
Còn những người sống xung quanh khu vườn cho hay, dù khu đất được gia đình ông Chứng mua cách đây 11 năm nhưng rất ít người nói chuyện với gia chủ bởi thi thoảng ông mới ghé về, ở chơi vài ba hôm rồi trở lại Sài Gòn. Thời gian ít ỏi ở vườn, người ta thấy ông Chứng cứ loay hoay thiết kế, tạc tượng mặt người kỳ quái. Ngoài ra, ông còn xây mộ giả thờ cha mẹ, thần thánh đủ loại với những lời than ai oán: "Vũ Thị Gián, hưởng thọ 79 tuổi, mừng con cháu về thăm, bà rơi nước mắt"; "Mẹ ơi, con về ở với mẹ đây, con lạy mẹ đừng khóc nữa"...
Việc làm kỳ quái của ông Chứng được người dân trong ấp hoang mang, sợ hãi. Họ đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu ông Chứng dọn dẹp khu vườn cho bớt cỏ dại hoang vu, đập bỏ tượng hoặc chí ít cũng xây tường rào che chắn để trẻ em khỏi ám ảnh khi nhìn thấy hình ảnh chết chóc trên mấy bức tượng.
"Tôi cũng nói điều này, nhưng ổng không nghe mà bảo đó là sở thích riêng. Còn xây tường rào thì tốn kém chi phí. Ai nói thì kệ họ, hàng tháng ổng vẫn đi đi về về thăm khu vườn ma quái của ổng", bà Dậu nói.
Ông Chứng bên ngôi mộ giả trong khu vườn "ma quái". |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Phong - Công an viên phụ trách ấp Long Hải cho biết, chính quyền đã nhiều lần họp bàn, gặp gỡ, giải thích và vận động ông Chứng không tiếp tục tạc tượng người rùng rợn tại khu vườn. Tuy nhiên, vợ chồng ông này không đến.
Theo ông Phong, những hình ảnh ghê rợn đã gây hoang mang, sợ hãi cho người dân sống xung quanh, nhất là trẻ em. Đã có trường hợp được cho là vì ám ảnh mà buổi tối mấy đứa nhỏ giật mình, khóc la. Khu vườn nhà ông Chứng cũng như đám rừng, cỏ dại mọc đầy là nơi trú ẩn cho muỗi, dịch bệnh. Ông này lại tạc những bức tượng chết chóc, ảnh hưởng tâm lý người dân. "Không thể nói là nhà mình, vì sở thích cá nhân nên muốn làm gì thì làm. Việc này đang gây mất an ninh trật tự khi nhiều người tụ tập vào xem rồi bàn tán mê tín, không tốt cho đời sống khu dân cư", ông Phong nói.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra và ông Chứng không xuất trình được giấy phép chế tác điêu khắc hay làm công trình nghệ thuật trưng bày. Còn nếu cho rằng làm nghĩa địa, theo viên công an, thì phải nằm trong quy hoạch chứ không phải lấy lý do "nhà tôi, tôi làm gì cũng được". Cũng không thể viện vào lý do nói đó là tượng giả, mộ giả.
"Bản thân tôi là công an, ban đêm đi ngang qua khu vườn cũng ớn. Chúng tôi đã trao đổi với ông Chứng, cho thời hạn 2 tháng để ông tháo các bức tượng hình thù rùng rợn xuống. Nếu ông ấy không làm được, lực lượng chức năng sẽ xuống phụ giúp dọn dẹp, trả lại mỹ quan, yên lành nơi đây", ông Phong nhấn mạnh.
Nguyên Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét