Trang

Ung thư phổi, bơm thuốc hay xạ trị?

Tuổi Trẻ Online:
Chủ Nhật, 03/07/2011, 10:33 (GMT+7)

TTO - Tôi có người cha năm nay đã 75 tuổi. Vừa qua, ông đi khám bệnh tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, các bác sĩ tại đây kết luận ông bị tràn dịch màng phổi - ung thư phổi.

Tuy nhiên, bác sĩ trực tiếp chữa trị cho ông thì tư vấn với gia đình là "với tình trạng trên thì có hai phương án điều trị (nhưng phương án nào trước sau cũng chết) đó là: một là xạ trị, hai là bơm một loại chất dịch vào để tạm thời ngăn chặn nước tràn dịch không ra nữa rồi về (chờ chết)". Vì sợ ông không chịu nổi nên chúng tôi quyết định chọn phương án 2 (bơm chất dịch).

Tuy nhiên, khi bác sĩ khác cũng trong khoa đó đến thăm khám (khi trực), thì tư vấn rằng nên xạ trị vì thấy ông già vẫn còn khỏe. Ngoài ra, sau khi ông già xuất viện về nhà, nhưng hai ngày sau tại vết thương nơi truớc đây các bác sĩ đặt ống vào để chất dịch chảy ra, lại tiếp tục rỉ nước nhiều nên gia đình đưa lại bệnh viện và chuyển lên khoa ung bướu.

Tại đây, được bác sĩ khoa Ung bướu tư vấn nên xạ trị vì thấy ông già còn tỉnh táo và đi đứng được (mục đích là để cái chết được nhẹ nhàng hơn). Do đó, hiện nay gia đình rất "bối rối" không biết có nên xạ trị không, mặc dù gia đình cũng khó khăn nhưng vì thấy cha còn tỉnh táo mà để như thế thì rất đau lòng. Vì vậy mong bác sĩ của phòng mạch Online cho lời khuyên. Xin chân thành cám ơn!

Xuân Tùng

- Trả lời của Th.s, BS HUỲNH THANH HÒA - phòng mạch online:

Theo thông tin anh cung cấp, thì cha của anh được chẩn đoán là ung thư phổi gây tràn dịch màng phổi.

Hai phương án mà các bác sĩ của bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đưa ra là các phương án điều trị giảm nhẹ, tức là làm giảm các triệu chứng đau ngực và khó thở do ung thư phổi gây ra nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hai phương án trên đều có thể áp dụng cho những người già yếu. Tuy mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu khuyết điểm riêng, các nhà ung thư lâm sàng vẫn ưu tiên chọn lựa phương án xạ trị hơn.

Xạ trị giúp làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư, giảm sự tạo lập dịch màng phổi, giảm triệu chứng đau tốt nếu kỹ thuật xạ tốt.

Nếu có điều kiện về kinh tế, cha của anh/chị vẫn còn một phương án nữa là điều trị nhằm trúng đích với thuốc Tarceva (erlotinib) nếu tế bào ung thư có đột biến gen EGFR (khẳng định qua chẩn đoán giải phẫu bệnh học). Thuốc này có thể dùng trên các bệnh nhân lớn tuổi, tổng trạng kém và cho hiệu quả rất tốt trên nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên cha của anh/chị vẫn cần được xạ trị trước khi dùng thuốc này (nếu có chỉ định của bác sĩ).

Thân ái,

Th.s, BS HUỲNH THANH HÒA
Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét