Chưa có cách nào để tăng kích cỡ 'cậu nhỏ'
"Cho tới bây giờ y học chưa tìm ra biện pháp nào để tăng kích thước 'cậu bé', kể cả dùng thuốc hay phẫu thuật. Mà thực ra, kích thước này không ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ", bác sĩ Nguyễn Thành Như, từ Bệnh viện Bình Dân, tư vấn trực tuyến trên VnExpress.net sáng nay.
- Chào bác sĩ. Từ 3 năm trở lại đây tôi thường xuyên thủ dâm, có lúc ngày 2 lần và một tuần 6-7 lần. Nhiều lúc tôi rất kiệt sức và mệt, nhưng dường như nó là cơn nghiện rồi. Nhiều lần tôi quyết tâm từ bỏ, xóa hết những thứ có thể kích thích mình, nhưng rồi lúc khác lại... Tôi cảm thấy vì việc này mà chuyện tình yêu của mình không như mong muốn, vì những cảm xúc và ham muốn với người khác giới, tôi đều tự thỏa mãn. Xin bác sỹ tư vấn giúp tôi cách bỏ bệnh nghiện này. Tôi cũng thường xuyên tập thể dục thể thao. (Lê Văn Luận, 25 tuổi, sinh viên ở Nga)
- Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Như: Thủ dâm là hành vi tự thoả mãn tình dục thường gặp ở người trẻ, theo thời gian thường tự hết. Cách tốt nhất để tránh thủ dâm là đừng suy nghĩ và đừng tự dằn vặt về chuyện thủ dâm.
- Thưa bác sĩ, một số trang web hiện nay có rao bán mấy loại thuốc có thể cải thiện kích thước dương vật, điều đó có thật không và có biện pháp nào làm tăng kích thước dương vật mà không cần phẫu thuật không. Xin chân thành cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Hữu Phúc, 34 tuổi, Bắc Ninh)
- Bác sĩ Như: Cho tới bây giờ thì y học chưa tìm ra biện pháp nào để tăng kích thước dương vật, kể cả dùng thuốc hay phẫu thuật. Thật ra không như nhiều người nghĩ, kích thước dương vật không ảnh hưởng đến chất lượng tình dục. Vì vậy thay vì bận tâm đến chuyện tăng kích thước dương vật thì nên đầu tư cho những chuyện khác giúp làm tăng chất lượng tình dục như: tình yêu thật sự, chất lượng cương dương vật...
Bác sĩ Nguyễn Thành Như sẵn sàng trả lời những câu hỏi về nam khoa của các độc giả Vnexpress.net. Ảnh: Thiên Chương. |
- Tôi năm nay 41 tuổi, vừa mới cưới vợ được 4 tháng. Tôi tự thấy sức khỏe vẫn bình thường, nhưng quan hệ vợ chồng lại không được (trước đây bình thường). Lý do là dương vật không thể cương cứng, hoặc nếu có cứng thì thời gian không lâu (chưa xuất tinh). Tôi không bị stress, công việc cũng không nhiều, và có đi tập thể dục, bác sĩ có cho uống thuốc VARAFIL 10 mg. Khi uống thì dương vật cương cứng, nhưng nếu không uống thì vẫn như cũ! Xin bác sĩ tư vấn. (Le Huynh, 41 tuổi, Quận 8, TP HCM)
- Bác sĩ Như: Thuốc bạn nhắc tới là một trong những thuốc hỗ trợ cương dương vật, không phải là thuốc điều trị bệnh gây ra cương yếu. Do vậy, khi bạn còn dùng thuốc thì chất lượng còn tốt, khi bạn ngưng thuốc thì chất lượng cương sẽ trở lại như ban đầu.
Vì vậy, bạn cần đến bác sĩ để xem nguyên nhân vì sao bạn bị rối loạn cương (RLC). Nếu bạn bị RLC do nguyên nhân tâm lý (chiếm 25% các trường hợp bị RLC), nội tiết (chiếm 3% các trường hợp bị RLC) hay do chấn thương làm hư động mạch dương vật (ít gặp) thì bạn có thể hết bệnh được bằng các biện pháp tâm lý (giảm stress…), dùng nội tiết hỗ trợ đúng cách (dùng sai khá nguy hiểm) hay phẫu thuật nối động mạch.
Nếu bạn bị RLC do các nguyên nhân như bệnh mạch máu toàn thân (kèm theo cao huyết áp), mỡ trong máu cao, tiểu đường…thì việc điều trị nguyên nhân sẽ giúp bạn về “sinh mạng” nhưng không giúp nhiều về “sinh lý”, nếu còn nhu cầu quan hệ vợ chồng thì bạn còn cần uống các thuốc hỗ trợ cương. Nhiều trường hợp không tìm thấy nguyên nhân nào rõ rệt thì có lẽ bạn bị RLC do tuổi tác. 41 tuổi không phải là lớn tuổi (có người 70 tuổi vẫn “chạy tốt”) nhưng theo thống kê, khoảng 40% người ở độ tuổi 40 bị RLC, trong đó có 5% là không “nhúc nhích” gì được, 15% yếu vừa vừa và 20% yếu nhẹ. Khi đó còn thuốc thì còn cương, hết thuốc thì cương cũng yếu dần dần, trở lại như trước khi điều trị.
- Em bị hẹp bao quy đầu từ nhỏ. Vẫn sinh hoạt bình thường. Thời gian gần đây em thấy ngứa ở bên trong. Cho em hỏi có thuốc uống hết ngứa không. Nếu cắt bao quy đầu có phức tạp không, có bất tiện không, bao lâu thì bình phục. (Nguyen Hung, 28 tuổi, Thanh Hóa)
- Bác sĩ Như: Nếu bao quy đầu hẹp, kín không thể tuột xuống được thì bạn nên đi cắt bao quy đầu để phòng ngừa nhiễm trùng sau này và phòng ngừa cả ung thư dương vật. Cắt bao quy đầu là một tiểu phẫu thuật chỉ cần gây tê tại chỗ, kéo dài khoảng 15 phút thì xong. Sau phẫu thuật vẫn đi làm việc bình thường và sau 2 tuần thì quan hệ lại được.
Nếu bao quy đầu có thể tuột xuống được thì bạn có thể điều trị hết ngứa, viêm bao quy đầu, bằng cách rửa sạch quy đầu và bao quy đầu 2 lần mỗi ngày. Nếu sau 5 ngày rửa mà vẫn không hết ngứa thì bạn nên đi bác sĩ khám để được kê các thuốc thoa thích hợp.
- Con trai tôi bị dị tật lỗ tiểu lệch thấp độ 2, mong bác sỹ tư vấn cho biết là cháu nên phẫu thuật vào thời gian nào là tốt nhất. Hiện tại cháu đã một tuổi rưỡi. (Mai Vân Thanh, 30 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Như: Đối với các dị tật lỗ tiểu lệch thấp thì có thể phẫu thuật từ khi cháu được 6 tháng tuổi. Ở Hà Nội thì chị có thể đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung Ương.
- Em năm nay 27 tuổi, lấy vợ được 2 năm. Em hay bị đau nhức ở hai bên tinh hoàn (thỉnh thoảng thôi). Vậy em bị bệnh gì? Em đang chuẩn bị có con, em có nên đi khám không? (Buu Quang, 27 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)
- Bác sĩ Như: Thỉnh thoảng đau nhức 2 bên tinh hoàn thì có thể do bệnh lý trong tinh hoàn như là bệnh giãn tĩnh mạch tinh, viêm tinh hoàn, hoặc là do các thói quen như mặc quần lót quá chật, đi lại nhiều bằng xe máy trên các đoạn đường xóc.
Trước hết, bạn chỉ nên mặc quần lót rộng, nếu không hết đau thì bạn nên đi khám ở các bác sĩ chuyên khoa về tiết niệu nam khoa. Qua thăm khám trực tiếp và làm các xét nghiệm cần thiết như là siêu âm tinh hoàn, các bác sĩ sẽ cho biết bạn bị bệnh gì. Trong đa số trường hợp thì chỉ cần dùng thuốc giảm đau, kháng viêm là khỏi bệnh, phẫu thuật chỉ đặt ra trong các trường hợp nặng.
Về việc có con nếu hai vợ chồng bạn để tự nhiên mà sau 6 tháng vẫn chưa có kết quả thì cả hai nên đi khám tại các khoa hiếm muộn, phụ sản, tiết niệu, nam khoa.
Ảnh: Thiên Chương |
- Chào bác sĩ, mình lấy vợ đã được 2 năm, tuy nhiên một năm gần đây mỗi khi quan hệ với vợ mình cảm thấy rất khó để xuất tinh. Trung bình mỗi lần quan hệ mất gần 1 giờ mình mới xuất tinh được. Điều này gây rất nhiều sự ức chế cho cả bà xã và mình. Bác sĩ có thể tư vấn làm thế nào để khắc phục vấn đề của mình được không? Chân thành cảm ơn bác sĩ (Lê Khánh Toàn, 29 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Như: Những người bị xuất tinh sớm thì mơ ước được chậm xuất tinh nhưng họ không biết rằng khó xuất tinh thì đau khổ hơn là xuất tinh sớm và cũng khó điểu trị hơn.
Xuất tinh chậm hay không xuất tinh làm các hai vợ chồng mệt mỏi, mất hứng thú. Nguyên nhân tâm lý đứng hàng đầu. Trước hết, hai vợ chồng bạn nên “thả lỏng” trước khi quan hệ, có thể đi nghỉ ở đâu đó vài tuần. Nếu tình trạng này không hết bạn nên suy nghĩ xem, hay đến nhờ một chuyên viên tâm lý tình dục, trong quá khứ, trong thời niên thiếu, có điều gì đó làm bạn bị ức chế khi nghĩ tới quan hệ tình dục không. Giải tỏa được những ức chế nếu có sẽ giúp bạn khỏi bệnh. Nếu vẫn thất bại, sau cùng, bạn nên đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu – nam khoa. Đôi khi (khoảng 30%) dùng các thuốc giúp co bóp túi tinh có thể giúp bạn hết bị xuất tinh chậm. Nếu vẫn không khỏi, thì y học hiện tại không giúp được bạn hơn nữa, ngoại trừ, nếu bạn khó có con thì có thể mổ lấy tinh trùng từ tinh hoàn để thụ tinh trong ống nghiệm.
- Tôi đi khám bệnh xuất tinh sớm và uống thuốc nhưng cải thiện rất ít và rất chậm. Xin hỏi bác sĩ đối với bệnh này có thể giải quyết bằng phẫu thuật không ? (Phan Thanh Bình, 33 tuổi, Q8, TP.HCM)
- Bác sĩ Như: Nếu việc xuất tinh xảy ra trong vòng một phút thì gọi là sớm. Điều trị có thể bằng các biện pháp hành vi: thủ thuật bóp quy đầu, thủ thuật giao hợp ngưng - khởi động lại. Bạn nên đến các bác sĩ chuyên khoa về tâm lý tình dục, nam khoa để được hướng dẫn cụ thể về các thủ thuật này.
Về thuốc thì có thuốc uống và thuốc tê, các loại thuốc này thuộc dạng chữa trị không chính thức (off-label) như là các thuốc chống trầm cảm, các thuốc tê thoa quy đầu. Khoảng 90% bệnh nhân đáp ứng với các thuốc này. Tuy nhiên các thuốc này cũng có nhiều tác dụng phụ như là giảm độ cương, giảm ham muốn tình dục, buồn ngủ, mệt mỏi...
Vi phẫu thuật cắt chọn lọc các nhánh thần kinh lưng dương vật được một vài bác sĩ ở Đài Loan, Hàn Quốc thực hiện. Tuy nhiên, thường không cho kết quả tốt hơn.
- Ở đầu dương vật của em hay bị rỉ ra một thứ nước trắng đục như nước gạo. Có lần em đi khám thì bác sĩ bảo đấy là canxi do thận tiết ra. Em muốn hỏi bác sỹ có đúng không? Và nó có ảnh hưởng gì đến vấn đề sức khoẻ và quan hệ tình dục không? Nếu muốn biết chắc chắn để chữa trị thì em nên đi khám ở đâu, và ở khoa nào ạ? Xin chân thành cám ơn bác sĩ! (Nguyễn Thành Chung, 29 tuổi, Thái Nguyên)
- Bác sĩ Như:: Dịch đó là dịch tiết từ trong niệu đạo, có thể do viêm niệu đạo hoặc do cảm xúc cao. Nếu bạn vẫn đi tiểu bình thường không đau rát thì cần tránh sử dụng các chất tăng kích thích như cafê, thuốc lá. Tránh để bị stress, nóng nảy. Còn nếu bạn đi tiểu rát buốt thì đó là dịch của viêm niệu đạo, bạn nên đến bác sĩ khám để được cho dùng các loại kháng sinh thích hợp, trong thời gian điều trị thì tránh quan hệ tình dục để không lây lan cho người khác. Nếu không chữa trị đúng mức thì có thể viêm niệu đạo kéo dài, tắc ống dẫn tinh, đưa đến vô sinh.
Bạn nên đến bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, khám ở các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
- Hiện nay tôi đang bị cao huyết áp phải uống thuốc plendil plus và aprin. Mỗi lần quan hệ dương vật tôi không thể cương lâu được. Như vậy tôi có thể dùng thuốc Viarga hoặc loại thuốc nào đó để hỗ trợ trong quan hệ tình dục được không? (Võ Thanh Tám, 54 tuổi, Phan Thiết, Bình Thuận)
- Bác sĩ Như:: Dương vật cương được hay không là nhờ máu bơm đầy dương vật mỗi khi có nhu cầu quan hệ, do vậy nếu mạch máu dương vật có bệnh lý thì tình trạng cương sẽ giảm. Những người bị cao huyết áp thì thường kèm theo các bệnh lý mạch máu của dương vật nên họ cũng thường bị rối loạn cương. Nếu sau khi dùng các thuốc điều trị cao huyết áp mà tình trạng ổn định thì bệnh nhân có thể dùng các thuốc hỗ trợ cương như Viarga mỗi khi cần quan hệ.
Dùng thuốc Viarga không làm tăng huyết áp mà có thể làm huyết áp giảm nhẹ do vậy nên tránh uống thuốc này chung với các thuốc hạ huyết áp.
- Xin hỏi bác sĩ. Lần đầu tiên quan hệ cháu bị rách dây chằng ở đầu dương vật và không thể quan hệ được vì rất đau. Không biết lần sau cháu có bị nữa không và dây chằng liền sẹo rồi thì có rách nữa không ạ? (Kevin, 22 tuổi, Hà nội)
- Bác sĩ Như: Dây chằng ở đầu dương vật y học gọi là dây thắng, nó dễ bị rách ở những người trẻ mới quan hệ tình dục. Khi bị rách sẽ để lại sẹo gây đau mỗi khi cương. Điều trị có thể bằng các thuốc thoa kháng viêm tại chỗ trong vài tuần hoặc là phẫu thuật cắt bao quy đầu đi kèm với cắt bỏ sẹo. Bạn nên khám ở các bác sĩ chuyên khoa về tiết niệu nam khoa để được hướng dẫn cụ thể như ở Bệnh viện Việt Đức, Phòng khám Tâm Anh ở Hà Nội.
- Vợ chồng em lấy nhau đã 5 năm và có 2 con. Trong những năm đầu cưới nhau, có một giai đoạn khoảng vài tuần, chồng em luôn cứng rồi mềm rất nhanh, chúng em đã định đi khám nhưng rồi sau đó anh ấy lại cứng được trở lại như bình thường. Vì thế, nên em đã nghĩ do thời gian đó có stress nên mới bị như vậy. Gần đây, hiện tượng này thỉnh thoảng lại xảy ra làm chúng em rất khó chịu. Xin bác sỹ cho biết đó là bệnh gì và cách chữa. (Candy Nguyen, 32 tuổi, Ha Noi)
- Bác sĩ Như: Rất có thể trường hợp của chồng chị là do stress gây ra rối loạn cương. Anh ấy nên nghỉ ngơi nhiều hơn để tránh stress, thường thì sau đó tình trạng cương sẽ hồi phục lại. Nếu vẫn không giảm thì anh ấy nên đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu nam khoa khám. Anh ấy có thể dùng các thuốc hỗ trợ cương như là Viarga, thường là sau 2 - 3 tuần dùng thuốc thì tình trạng cương sẽ trở lại bình thường.
- Chồng em đi khám được cho biết là không có tinh trùng trong tinh dịch. Bác sỹ tại Hà Nội đang cho chúng em đơn thuốc uống và tiêm 3 tháng. Em xin hỏi với trường hợp của chồng em thì có những cách điều trị nào ạ? (Nguyễn Thu Thủy, 26 tuổi, Hải Phòng)
- Bác sĩ Như:: Không có tinh trùng trong tinh dịch có thể do tinh hoàn vẫn sinh tinh bình thường nhưng ống dẫn tinh bị tắc nghẽn hoặc tinh hoàn không sinh tinh nữa.
Muốn biết chồng chị thuộc nhóm nào trong hai nhóm trên thì chồng chị cần làm thêm các xét nghiệm máu (đo nồng độ chất FSH), siêu âm tinh hoàn, siêu âm túi tinh, sinh thiết tinh hoàn và mổ thám sát bìu.
Nếu do tắc ống dẫn tinh thì chồng chị có thể điều trị hết bằng phẫu thuật nối ống dẫn tinh (thành công khoảng 80-90%) hay làm thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách lấy tinh trùng từ trong tinh hoàn hay mào tinh của chồng chị để tiêm vào trứng (tỷ lệ có con “ẵm” về nhà là khoảng 20-25%).
Nếu chồng chị thuộc nhóm không có tinh dịch do tinh hoàn không sinh tinh thì vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn (nếu chồng chị có bị giãn tĩnh mạch tinh) có thể giúp chồng chị có lại tinh trùng (tỉ lệ thành công là 20-50%), hoặc vi phẫu thuật tìm những con tinh trùng non còn sót lại trong tinh hoàn (tỉ lệ tìm thấy vào khoảng 30%) để đem làm thụ tinh trong ống nghiệm.
- Một bên dương vật, hai bên bẹn của em có cục gì đó sa xuống, giống như cục thịt. Tình trạng này thỉnh thoảng lại bị, hình như những lúc em tập thể dục, chạy bộ đều đặn, sức khoẻ tốt thì ít thấy xuất hiện. Lấy tay ấn thì nó tụt vào, nằm xuống thì không bị. Khi ấn vào thì cảm thấy hơi đau. Không biết bệnh của em như vậy là bệnh gì. Em rất lo lắng, mong bác sĩ giải đáp giúp em. (Hoàng Anh Tú, 29 tuổi, Yên Bái)
- Bác sĩ Như: Theo như bạn kể thì có lẽ bạn bị bệnh thoát vị bẹn, tức là ruột sẽ sa xuống bìu do thành bụng yếu khi thể dục hay lao động nặng. Bạn nên đến bệnh viện khám, nếu đúng là thoát vị bẹn thì cách điều trị là phẫu thuật khâu lại thành bụng
- Em là Long, năm nay em 24 tuổi, em chưa xây dựng gia đình. Trong mấy tháng gần đây tại gốc dương vật tự nhiên lại xuất hiện nhô lên như cái mào gà ở trên da, không gây đau đớn gì nhưng lại thấy ngứa, khi em nhổ thử một chút nó đi thì bị chảy máu. Không biết em có bị bệnh lý nào không? (Hoàng Văn Long, 24 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Như: Nếu quan hệ tình dục với người bị bệnh mào gà mà bạn không mang bao cao su thì bạn sẽ nổi mào ở bao quy đầu, quy đầu, lỗ tiểu. Còn nếu bạn có mang bao thì mào gà sẽ nằm ở gốc dương vật. Bạn không nên nhổ mà nên đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được điều trị thích hợp bằng thuốc chấm, đốt laser, phẫu thuật. Trong thời gian này bạn không nên quan hệ với ai vì rất dễ lây bệnh.
- Tôi bị ngứa hai bên háng và bộ phận sinh dục sau mỗi lần tắm. Tôi càng gãi thì lại càng ngứa, có khi đến chảy máu mà vẫn không thôi. Theo bác sĩ tôi bị bệnh gì? (Anh Khoa, 29 tuổi, Lâm Đồng)
Cân nhắc trước một câu hỏi khó. Ảnh: Thiên Chương. |
- Bác sĩ Như: Bạn có thể bị nấm bẹn hoặc chứng ngứa bìu. Điều trị nấm bẹn bằng các kem và thuốc chống nấm trong 4-6 tuần. Điều trị chứng ngứa bìu bằng các thuốc bôi kháng viêm trong khoảng 4 tuần. Khi khám bệnh thì các bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn thuộc nhóm nào và hướng dẫn cách điều trị thích hợp.
- Tôi năm nay 30 tuổi, hồi nhỏ tôi thường hay thủ dâm. Tôi mới lấy vợ khoảng 4 tháng nhưng khoảng 2 tháng gần đây tôi thấy sức khoẻ tình dục của mình yếu hẳn, nếu có quan hệ với vợ hôm nay một lần thì phải chừng 2- 3 ngày sau tôi mới có thể quan hệ lại được vì thấy "cậu bé" không thể tiếp tục được mặc dù tôi rất muốn. Tôi cũng không chơi thể thao, có phải vì thế mà ảnh hưởng tới sức khoẻ không? Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi, xin cảm ơn bác sĩ. (Hoang Anh, 30 tuổi, Nha Trang)
- Bác sĩ Như: Giữa 2 lần cương dương vật sẽ có một thời gian nghỉ ngơi. Thời gian này dài hay ngắn tùy tình trạng sức khỏe chung, tuổi tác và cơ địa của mỗi người. Thời gian này không liên quan đến chuyện thủ dâm lúc trẻ.
Muốn rút ngắn thời gian nghỉ ngơi của dương vật thì bạn cần bồi bổ sức khỏe chung bằng cách ăn uống đúng cách, thể thao đều đặn.
- Tôi 28 tuổi, chưa lập gia đình, tôi có chút vấn đề về ham muốn tình dục như sau: ngày nào cũng cảm thấy ham muốn, nên rất hay thủ dâm, không biết điều này có ảnh hưởng đến khả năng bị các chứng bệnh nam giới như: rối loạn cương hay xuất tinh sớm không. Điều nữa là khi thủ dâm lâu (khoảng 30 phút) thì tôi hay cảm thấy đau tinh hoàn, đây có phải là biểu hiện bệnh nào không thưa bác sĩ? (Son Nam, 27 tuổi, Binh Thanh)
- Bác sĩ Như: Ham muốn tình dục nhiều thì không phải là nguyên nhân gây ra rối loạn cương và xuất tinh sớm. Khi quan hệ tình dục không chỉ dương vật cương mà hai tinh hoàn cũng cương tụ máu nên nếu quan hệ lâu thì tinh hoàn có thể bị đau do ứ máu lâu. Ngoài ra tinh hoàn đau khi cương lâu cũng có thể do bạn bị bệnh giãn tĩnh mạch tinh. Nếu ngoài đau tinh hoàn khi cương lâu mà bạn còn thỉnh thoảng bị đau tinh hoàn vào buổi chiều thì rất nhiều khả năng bạn bị giãn tĩnh mạch tinh, trong trường hợp đó bạn nên đến bác sĩ khám để được điều trị thích hợp (bằng thuốc hay phẫu thuật).
- Tôi 32 tuổi, đã có gia đình và 2 con gái. Tôi muốn kế hoạch hóa gia đình bằng cách thắt ống dẫn tinh nhưng bà xã tôi muốn vài năm nữa sinh thêm một cháu (mà tôi thì không muốn). Tôi muốn hỏi bác sĩ khi thắt ống dẫn tinh có biến chứng gì không, và khi muốn có con thì tháo ra được không, có ảnh hưởng gì nhiều tới sinh họat vợ chồng hay không. Cảm ơn bác sĩ. (Mr Phan, 32 tuổi, TPHCM)
- Bác sĩ Như: Thắt ống dẫn tinh là biện pháp triệt sản gần như tuyệt đối, không nên hiểu là khi nào muốn có con thì tháo ra là được. Nối lại ống dẫn tinh là một vi phẫu thuật phức tạp. Vì vậy nếu vợ chồng bạn vẫn muốn có con thì bạn nên áp dụng biện pháp tránh thai khác như là đặt vòng tử cung hay dùng thuốc ngừa thai...
Phẫu thuật thắt ống dẫn tinh là một tiểu phẫu chỉ cần tê tại chỗ kéo dài khoảng 15 phút và hầu như không có biến chứng gì, phẫu thuật thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến chức năng cương cũng như sinh hoạt vợ chồng sau này.
- Xin chào bác sĩ: dương vật em lúc không cương thì bình thường nhưng khi cương cứng thì nó không được thẳng, mà nó bị lệch sang phải một góc 45 độ. Xin hỏi bác sĩ có cách nào làm cho nó bình thường được không? (Nguyễn Văn Hùng, 22 tuổi, Cà Mau)
- Bác sĩ Như: Cong dương vật ở người trẻ là bệnh bẩm sinh chỉ xảy ra khi dương vật cương cứng. Nếu cong trên 30 độ thì việc quan hệ vợ chồng thường khó thực hiện và nếu có thực hiện được thì gây cảm giác khó chịu cho cả 2 vợ chồng. Điều trị cong dương vật chỉ có một biện pháp là phẫu thuật. Phẫu thuật kéo dài khoảng 30 phút dưới gây mê hay gây tê tuỷ sống. Bác sĩ sẽ khâu ghịt lại bên cong để làm dương vật thẳng ra. Phẫu thuật hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự cương dương vật.
- Một lần, sau khi quan hệ em thấy ở dương vật ra máu, tiếp đó, mỗi lần tiểu tiện em lại thấy ra máu tươi, các lần tiểu tiện sau lượng máu ít dần đi. Khoảng 3 ngày sau thì hết hẳn. Em thấy ngại nên không đi khám bác sĩ vì thấy máu đã hết. Sau đó em quan hệ bình thường. Em muốn bác sĩ tư vấn giúp đây là hiện tượng gì? (Nguyễn Văn Nam, 29 tuổi, Quảng Ngãi)
- Bác sĩ Như: Xuất tinh máu là bệnh hiếm gặp, thường là lành tính do viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, viêm túi tinh... gây ra. Bệnh cũng có thể do bể một mạch máu nhỏ trong niệu đạo khi xuất tinh. Rất hiếm trường hợp xuất tinh máu do ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt gây ra. Bình thường xuất tinh máu tự khỏi mà không cần điều trị, nếu xuất tinh máu kéo dài trong vài tuần hoặc tái đi tái lại nhiều lần trong một năm thì bạn nên đến khám ở chuyên khoa tiết niệu, nam khoa. Các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ dương vật, mào tinh, tinh hoàn, tuyến tiền liệt, và làm các xét nghiệm tinh dịch, siêu âm, thử máu để tìm bệnh và điều trị thích hợp (chủ yếu là dùng thuốc).
Như vậy trường hợp của bạn tôi nghĩ chưa cần phải đi khám và bạn cũng không cần phải lo lắng gì nhiều.
- Uống thuốc điều trị rối loạn cương có ảnh hưởng đến khả năng sinh con không? (Hoang Minh, 45 tuổi, Hải pHòng)
- Bác sĩ Như: Với các thuốc thuộc nhóm ức chế men PDE-5 (như Viagra, Levitra, Cialis) thì không ảnh hưởng đến sự sinh tinh hay hình thái của tinh trùng. Trong khi đó, dùng kéo dài các thuốc có chứa testosterone có nguy cơ giảm sinh tinh.
- Vợ chồng tôi cưới nhau được 2 năm, sinh hoạt tình dục bình thường. Thời gian gần đây chồng tôi có thói quen uống Viagra trước khi quan hệ. Theo tìm hiểu tôi biết được Viagra là loại thuốc điều trị rối loạn cương. Sức khoẻ chồng tôi vẫn bình thường liệu rằng lạm dụng thuốc như vậy có ảnh hưởng gì không? (Mai, 30 tuổi, TP HCM)
- Bác sĩ Như: Vợ chồng anh chị có 2 cái không đúng. Một là, Viagra là thuốc điều trị rối loạn cương cho những người có nhu cầu ham muốn tình dục bình thường nhưng dương vật cương không đủ cứng. Vì vậy, không cần và không nên sử dụng Viagra nếu chất lượng cương bình thường.
Hai là, cho dù chồng chị có bị rối loạn cương đi nữa, thì thuốc Viagra không nên tự mua uống, mà cần đến bác sĩ khám và chữa trị đúng bài bản để tránh các tác dụng phụ.
- Em có vợ 3 năm, nhưng không xuất tinh được, bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị (Le V Lam, 31 tuổi, Da Nang)
- Bác sĩ Như: Không xuất tinh nếu không kèm theo khoái cảm thường là do nguyên nhân tâm lý, các bệnh lý thần kinh như là sau phẫu thuật cắt trực tràng, đại tràng do ung thư, sau khi phẫu thuật cắt bỏ bàng quang do ung thư, phẫu thuật nạo hạch bụng trong ung thư tinh hoàn, các phẫu thuật trên cột sống. Nếu không xuất tinh do nguyên nhân tâm lý thì có thể sử dụng các thuốc tăng co bóp túi tinh. Tỷ lệ thành công là khoảng 30% trường hợp. Các trường hợp còn lại thì không điều trị được, muốn có con anh chị phải làm thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách mổ lấy tinh trùng trong tinh hoàn cấy vào trứng của vợ.
Không xuất tinh mà vẫn có khoái cảm thì có thể do bệnh không có túi tinh, ống dẫn tinh bẩm sinh, do tắc ống phóng tinh do lao, hoặc xuất tinh ngược dòng vào bàng quang (bệnh tiểu đường, sau phẫu thuật tuyến tiền liệt). Trường hợp này cũng không điều trị được, nếu muốn có con thì phải làm thụ tinh trong ống nghiệm.
- Thời gian gần đây có thể do áp lực công việc mà tôi “chưa đến chợ đã cạn sạch tiền”. Tôi có nghe người ta mách bảo rằng uống Viagra sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Nhưng nói thật tôi không dám sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ? Xin cho tôi ý kiến. (Đức, 45 tuổi, Bình Dương)
- Bác sĩ Như: Nếu bạn "xuất trước, xìu sau" thì bạn thuộc nhóm xuất tinh sớm nguyên phát, dùng thuốc này không hiệu quả. Nếu bạn "xìu trước, xuất sau" thì bạn thuộc nhóm xuất tinh sớm do rối loạn cương, khi đó, dùng thuốc này sẽ vừa giúp cải thiện sự cương vừa giúp tránh được xuất tinh sớm.
- Khoảng 6 tháng nay, tôi gặp phải tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Tôi đang lo ngại rằng không biết việc điều trị vấn đề này như thế nào, có phải là sẽ phẫu thuật không và nếu dùng thuốc có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không vì tôi bị bệnh về mạch vành đang điều trị bằng thuốc kê toa của bác sĩ? (Minh Duy, 52 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Như: Từ khi có các thuốc uống trị rối loạn cương như sildenafil, phẫu thuật để chữa rối loạn cương (nối động mạch sau chấn thương hay đặt thể hang giả…) là những trường hợp hãn hữu. Tuy nhiên các thuốc uống trị rối loạn cương như sildenafil, có tác động ức chế men PDE-5, không thể dùng chung với các thuốc điều trị hẹp mạch vành có nitrate (như Nitromint...). Do vậy, rất có thể ông không dùng được. Ông cần đến khám bác sĩ tim mạch và nam khoa, nêu rõ tình trạng bệnh của ông để được điều trị thích hợp.
- Em bị chứng xuất tinh sớm khi quan hệ. Chỉ cần giao hợp được một lát là đã xuất tinh rồi. Em có thể khắc phục được vấn đề này không ạ. Mong bác sĩ cho em lời khuyên và những biện pháp có thể khắc phục. Em xin chân thành cảm ơn. (Hoàng Dũng, 29 tuổi, Ha Noi)
- Bác sĩ Như: Xuất tinh sớm được định nghĩa là xuất tinh xảy ra trong vòng một phút. Điều trị xuất tinh sớm có thể bằng các biện pháp hành vi: thủ thuật bóp quy đầu, thủ thuật giao hợp ngưng - khởi động lại. Bạn nên đến khám các bác sĩ chuyên về tâm lý tình dục để được hướng dẫn cụ thể về các thủ thuật này.
Về thuốc thì có thuốc uống và thuốc tê, các loại thuốc này thuộc dạng chữa trị không chính thức (off-label) như là các thuốc chống trầm cảm, các thuốc tê thoa quy đầu. Khoảng 90% bệnh nhân đáp ứng với các thuốc này. Tuy nhiên các thuốc này cũng có nhiều tác dụng phụ như là giảm độ cương, giảm ham muốn tình dục, buồn ngủ, mệt mỏi...
Vi phẫu thuật cắt chọn lọc các nhánh thần kinh lưng dương vật được một vài bác sĩ ở Đài Loan, Hàn Quốc thực hiện. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia về nam khoa đều cho rằng biện pháp phẫu thuật này không hiệu quả.
- Em là sinh viên, khi ngủ, dương vật của em lúc nào cũng cứng đến mức dựng đứng lên, như vậy có phải là rối loạn cương dương? Năm ngoái, em có yêu một cô gái bằng tuổi, chúng em cũng rất "thân mật" nhưng chưa quan hệ bao giờ. Nhưng sau đó khoảng vài tháng, em thấy lúc nào mình cũng mệt mỏi và chuyện thi cử càng ngày càng tệ.. Em cũng đã khám, đã cấy nước tiểu nhưng không thấy vi trùng. Vậy em bị bệnh gì vậy bác sĩ? (Nguyễn Thành Trung, 20 tuổi, Ha Noi)
- Bác sĩ Như: Nhiều người ước được "bệnh" như em. Tình trạng cương dương của em hoàn toàn bình thường, rối loạn cương là dành cho những trường hợp cương không được. Cương dương vật trong lúc ngủ là hoạt động sinh lý bình thường nhằm bảo đảm dương vật cương dương tốt. Hoạt động này thường xảy ra khoảng 4-5 lần trong 1 đêm, càng lớn tuổi thì cương dương trong lúc ngủ càng ít dần đi. Vì vậy có lẽ do không hiểu nên em lo lắng nhiều, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ gây ra mệt mỏi.
Cuối cùng chân thành cảm ơn quý độc giả quan tâm và gửi rất nhiều câu hỏi cho tôi, tuy nhiên do thời gian có hạn xin được giải đáp trong thời gian khác. Riêng khi nói về bệnh nam khoa cũng là bệnh lý như các bệnh khác nên nếu có thắc mắc hay biểu hiện lạ thì quý vị - nhất là các bạn trẻ - nên mạnh dạn đến gặp các bác sĩ chuyên khoa về tiết niệu nam khoa, tình dục, tâm lý để được giải thích thỏa đáng và chữa trị thích hợp.
Đời Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét