Trang

Viêm xương khớp

Đi lại bằng cầu thang bộ sẽ giúp phát hiện viêm khớp, tổn thương ở đầu gối

afamily.vn - 16-02-2015 14:03:06

Sử dụng cầu thang bộ sẽ giúp phát hiện viêm khớp, tổn thương ở đầu gối sớm nhất, sau đó là đi bộ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Leeds (Anh) đã thực hiện nghiên cứu về bệnh viêm xương khớp trong vòng hơn 7 năm với gần 5.000 người tham gia. Kết quả cho thấy những người bị đau đầu gối khi đi thang bộ đều có dấu hiệu của bệnh viêm khớp.
 
Phát hiện này rất quan trọng vì viêm xương khớp thường không dễ phát hiện cho đến khi nó chuyển sang giai đoạn muộn. Nếu các khớp bị tổn thương nặng thì phải phẫu thuật là lựa chọn duy nhất.
 
Các nhà nghiên cứu Đại học Leeds cho biết rằng nước Anh đang đối mặt với bệnh viêm xương khớp ở những người già và chẩn đoán sớm là điều quan trọng để điều trị hiệu quả.
 
Nếu các bệnh viêm khớp được phát hiện sớm thì việc đơn giản nhất để làm giảm sự tiến triển của bệnh là giảm cân (trong trường hợp người bệnh bị thừa cân).
 
Các hình thức phổ biến nhất của viêm khớp, viêm xương khớp là do hao mòn sụn khiến khớp gặp khó khăn trong việc uốn, nâng chân và quỳ gối.
 
Đi lại bằng cầu thang bộ sẽ giúp phát hiện viêm khớp, tổn thương ở đầu gối 1
Sử dụng cầu thang bộ sẽ giúp phát hiện viêm khớp, tổn thương ở đầu gối sớm nhất, sau đó là đi bộ. Ảnh minh họa
 
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu hàng năm trên 4.673 người đàn ông và phụ nữ về việc đầu gối của họ bị tổn thương như thế nào trong quá trình hoạt động khác nhau. Hầu hết những người tham gia được coi là có nguy cơ cao phát triển bệnh viêm xương khớp.
 
Kết quả cho thấy rằng việc sử dụng cầu thang bộ sẽ giúp phát hiện tổn thương ở đầu gối sớm nhất, sau đó là đi bộ. Còn nếu bạn cảm thấy đau đầu gối ngay cả khi nằm trên giường thì lúc đó bệnh đã trầm trọng. Đó là bởi vì trong quá trình vận động đi cầu thang bộ, các khớp chân phải co lên nhiều hơn nên nếu khớp gối bị viêm thì các dấu hiệu sẽ xuất hiện sớm.
 
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Philip Conaghan cho biết: "Nghiên cứu này là quan trọng để giúp nhận biết các triệu chứng sớm của bệnh viêm xương khớp đầu gối. Biết được điều này sẽ giúp chúng ta can thiệp sớm để đạt hiệu quả tốt hơn".
 
Hiện tại không có loại thuốc tái tạo lại phần sụn bị mất nên tập thể dục được coi là có thể giúp giữ cho bệnh không tăng nặng.
 
Giáo sư Conaghan khuyên những người thấy đau đầu gối nên thử một số bài tập nhẹ nhàng với huấn luyện viên để đảm bảo an toàn. Điều này sẽ giúp họ giảm cân và tăng cường cơ bắp đùi mạnh mẽ - cả hai đều có lợi cho đầu gối.
 
Nếu cơn đau không giảm sau một vài tuần hoặc nặng hơn, nên tham khảo tư vấn của bác sĩ về việc thực hiện vật lý trị liệu.
Một số bài tập được coi là có tác dụng trong việc giảm đau và phòng ngừa biến chứng của bệnh viêm khớp bao gồm bơi lội, đi bộ, đi xe đạp và chạy.
 
(Nguồn: DailyMail)
 
 

Viêm xương khớp: Các yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh

afamily.vn - 07-05-2014 07:03:06

Viêm xương khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất do sự lão hóa và tổn thương sụn khớp. Để phòng ngừa bệnh này, bạn cần nắm được cả các nguy cơ gây bệnh.

Viêm xương khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất do sự lão hóa và tổn thương sụn khớp. Sụn là mô trơn bao bọc các đầu xương của khớp và cho phép các xương trượt qua nhau. Khi sụn bị vỡ và mòn đi, các xương dưới sụn cọ sát vào nhau gây đau, sưng và cứng khớp, hình thành viêm xương khớp.
 
1. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới viêm xương khớp
 
- Tiền sử gia đình.
- Thừa cân tăng nguy cơ viêm ở các khớp hông, gối, mắt cá chân và bàn chân vì thừa cân khiến sụn khớp bị hao mòn nhiều hơn.
- Gãy xương hoặc các tổn thương khớp khác như chấn thương sụn và dây chằng trong khớp có thể dẫn tới viêm xương khớp sau này.
- Tập luyện nặng như nhảy, chạy bộ.
 
Viêm xương khớp: Các yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh 1
Viêm xương khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất do sự lão hóa và tổn thương sụn khớp. Ảnh minh họa
 
2. Làm gì để chống viêm xương khớp?
 
- Duy trì lối sống tích cực: Duy trì tập luyện tích cực giúp duy trì cử động cơ thể nói chung và khớp nói riêng. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ tập luyện tại nhà thích hợp. Tập luyện dưới nước như bơi hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước là đặc biệt có lời.
 
- Giảm cân: Thừa cân sẽ tăng tải trọng lên các khớp. Người béo phì tăng gấp đôi trọng lượng cơ thể lên lưng, gối và hông với mỗi bước di chuyển. Nguy cơ phát triển bệnh xương khớp là cao hơn gấp 4 lần ở người béo phì. Vì vậy, giảm cân nặng dư thừa chính là một cách để phòng ngừa bệnh viêm xương khớp.
 
- Massage: Liệu pháp mát-xa có thể giúp giảm đau tạm thời. Nhưng phải đảm bảo rằng bạn được mát-xa bởi người có kinh nghiệm để biết cách chữa trị với khu vực gối nhạy cảm.
 
- Bổ sung thực phẩm: Mặc dù chưa được chứng minh nhưng việc bổ sung glucosamine dường như không giúp ích trong việc kiểm soát viêm xương khớp.
 
Dữ liệu thực nghiệm đã cho thấy sự thiếu hụt vitamin B6 là một nguyên nhân dẫn tới tổn thương xương khớp. Do vậy bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin B6 như thịt gà, chuối, bột yến mạch, hạt hướng dương, đậu nành.
 
Người bị viêm xương khớp cũng cần tránh thiếu hụt kẽm , selen và axit folic cải thiện viêm xương khớp. Lượng kẽm được khuyến nghị dùng mỗi ngày là 15 mg. Các nguồn giàu kẽm là con hàu, các loại hạt. Các nguồn giàu selen là tỏi, quế, ngũ cốc nguyên cám.
 
Hãy đảm bảo rằng bạn bổ sung đủ thực phẩm giàu vitamin-C trong chế độ ăn vì những người bị viêm xương khớp được cho là bị thiếu vitamin C. Dứa tươi cũng rất tốt vì loại enzyme bromelain có trong dứa giúp giảm sưng và viêm do viêm xương khớp và viêm xương khớp dạng thấp.
 
 

Những điều cần biết về bệnh viêm đa khớp dạng thấp

afamily.vn - 03-09-2013 11:02:51

Viêm đa khớp dạng thấp gây nhiều biến chứng cho bệnh nhân, thường gặp ở nữ giới. Đây là bệnh tự miễn gây viêm màng bao khớp, sau đó phá hủy mặt sụn khớp, gây tàn phế cho bệnh nhân rất nhanh.

Bản thân các phương pháp điều trị bệnh này tiềm ẩn nhiều biến chứng do chính thuốc điều trị gây ra như viêm loét dạ dày, tổn thương gan và thận, hội chứng cushing do dùng thuốc corticoide (bệnh nhân bị teo cơ, tụ mỡ ở mặt và lưng, mỏng da, loãng xương, lệ thuộc vào thuốc corticoide, suy tuyến thượng thận...). Sau đây là các câu hỏi người bệnh thường đặt ra cho chúng tôi khi đi khám bệnh.

* Tôi hiện nay bị đau nhiều khớp, mỗi khi sáng dậy hay bị cứng các khớp, nhất là ngón tay. Không biết tôi có bị viêm đa khớp dạng thấp hay không?

- Đặc trưng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp là tình trạng viêm màng bao khớp, do đó các khớp bị viêm phải sưng lên, có thể gặp ở bất kỳ khớp nào nhưng các khớp bàn ngón tay, cổ tay, gối hay bị tổn thương, thường là đối xứng hai bên. Tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài hơn so với tình trạng thoái hóa khớp. Khi bị đau nhiều khớp không nhất thiết phải là viêm đa khớp dạng thấp mà có thể bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên nếu chỉ bị viêm một khớp cũng không thể loại trừ viêm đa khớp dạng thấp.

* Nếu bác sĩ chẩn đoán bị viêm đa khớp dạng thấp, tôi có cần làm xét nghiệm máu hay không?

- Để chẩn đoán viêm đa khớp dạng thấp, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm hai nhóm xét nghiệm. Nhóm thứ nhất để chứng minh bệnh nhân có tình trạng viêm bao gồm tốc độ máu lắng và CRP. Thông thường ở bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp các chỉ số này sẽ tăng rất cao. Nhóm xét nghiệm thứ hai để chẩn đoán bệnh, bao gồm yếu tố thấp RF và anti-CCP. Xét nghiệm dương tính cộng thêm với tình trạng lâm sàng sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Những điều cần biết về bệnh viêm đa khớp dạng thấp 1
Một ca viêm đa khớp dạng thấp cổ tay - Ảnh: T.H.N.A


* Tôi được chẩn đoán bị viêm đa khớp dạng thấp và được cho uống thuốc nhưng bệnh cứ tái đi tái lại. Xin hỏi có phương thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh này không?

- Cho đến nay việc điều trị dứt điểm bệnh này là không thể. Để giúp bệnh nhân bớt đau, giảm triệu chứng sưng đau của khớp, bác sĩ có thể kê dùng các thuốc kháng viêm giảm đau có hay không có chất corticoide.

Tuy nhiên các thuốc này không thể làm giảm tiến triển của bệnh. Tình trạng sưng màng bao khớp nhiều lần sẽ gây phá hủy sụn khớp và làm hư khớp. Những thuốc điều trị cổ điển có thể làm chậm diễn tiến bệnh bao gồm nhiều chất nhưng phổ biến nhất là methotrexate. Thuốc này phải dùng lâu dài song lại có nguy cơ gây hư gan, thận, cũng như làm viêm dạ dày và nhiều khi không có tác dụng. Đây là vấn đề lớn của bệnh này.

Gần đây có nhiều thuốc điều trị sinh học ra đời giúp điều trị bệnh này và có nhiều kết quả tốt nhưng giá thành rất cao, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán nên rất ít bệnh nhân có thể tiếp cận được loại thuốc này. Các loại thuốc này tấn công trực tiếp vào các yếu tố viêm như interleukine 1, interleukine 6, hoặc trực tiếp vào tế bào B nhằm làm giảm tiến trình viêm. Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm truyền hay chích dưới da và cần bảo đảm loại trừ nguy cơ mắc bệnh lao tiềm ẩn trước khi dùng thuốc.

* Tôi bị viêm đa khớp dạng thấp và các khớp của tôi bị đau khi cử động, mặc dù uống thuốc điều trị nhưng vẫn không bớt. Xin hỏi ngoài cách dùng thuốc có cách nào để giảm bớt đau khớp và giúp sử dụng lại khớp được không?

- Một khi khớp đã bị hư hại và biến dạng thì việc dùng thuốc không có tác dụng. Phẫu thuật tái tạo khớp giúp bệnh nhân có thể sử dụng khớp của mình không đau đớn. Đối với khớp gối và khớp háng, có thể dùng biện pháp thay khớp nhân tạo. Với các khớp khác như cổ tay, cổ chân, có thể hàn cứng khớp giúp bệnh nhân giảm đau đớn, đi lại hay làm nặng được.

Các phẫu thuật này được bảo hiểm y tế chi trả. Nội soi cắt màng bao khớp khi mặt sụn khớp còn tốt hoặc ở một số khớp không chịu lực như khuỷu, vai, cổ tay cũng giúp giảm đau và cải thiện tầm vận động của khớp. Tùy diễn tiến bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi cần thiết.
 
Theo Tuoitre
 
 
Chia sẻ bí quyết:

Tự rèn luyện để giảm hẳn những cơn đau khớp dai dẳng

afamily.vn - 01-01-2013 07:01:07

Ban đầu đối diện với những cơn đau khớp dai dẳng, chị Huệ xoa bóp vào những chỗ khớp bị sưng, nhưng càng xoa bóp, cơn đau càng dữ dội hơn.

    Đau khớp: một chứng bệnh không thể chủ quan
Vốn bị bệnh đau khớp nhưng từ sau khi sinh con, bệnh khớp của chị Hồng Huệ (25 tuổi, Hà Nội) có vẻ càng nặng hơn. Đặc biệt, vào những ngày lạnh, cơn đau khớp càng làm chị thấy khổ sở. Không khí lạnh gây ra hiện tượng co mạch, làm máu lưu thông kém và khiến các khớp của chị Huệ bị đau, tê cứng…
 
Nhiều hôm không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà chị còn bị nhức mỏi, đau nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp bị viêm còn sưng lên, nóng, đỏ, đau, khó cử động. Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ.
 
Ban đầu đối diện với những cơn đau dai dẳng này, chị thường xoa bóp vào những chỗ khớp bị sưng, nhưng càng xoa bóp, cơn đau càng hoành hành dữ dội hơn.
 
Gia đình và bạn bè động viên mãi, Huệ mới chịu đi khám. Tại phòng khám, bác sĩ bảo khi thấy đau khớp có nhiều người cũng tìm tới cách "cổ truyền" là xoa bóp, điều đó sẽ rất có hại và làm cho khớp các đau thêm.
 
Nguyên nhân thông thường gây nên tình trạng viêm đau khớp bao gồm: tổn hại gân, dây chằng; rách cơ; tư thế ngồi, đi, đứng không đúng hoặc không rèn luyện thể thao. Chị Huệ chia sẻ: :"Có lẽ từ ngày sinh con rồi chế độ nghỉ ngơi chưa tốt, lại thêm phần mình quá tham công tiếc việc, sau 4 tháng nghỉ ngơi chăm con đã trở lại với công việc văn phòng, suốt ngày ngồi lỳ trước máy tính, chẳng vận động... nên bệnh khớp ngày càng nặng hơn".
 
Tự rèn luyện để giảm hẳn những cơn đau khớp dai dẳng 1
Chị Huệ không còn lo lắng về những cơn đau khớp trong những ngày lạnh nữa.
 
Rèn luyện thể thao đúng cách
 
Nhiều người cho rằng khi bị viêm khớp thì tốt nhất nên "ngồi một chỗ", nói không với thể thao. Họ đưa ra khá nhiều lý lẽ nào là tập thể dục sẽ "đau càng thêm đau" và rất dễ bị chấn thương, bệnh sẽ nặng thêm. Tuy nhiên, Hồng Huệ lại cho rằng tình trạng lười vận động, cộng thêm bệnh viêm khớp, có thể dẫn đến hàng loạt nguy cơ có hại cho sức khỏe hơn cả.
 
Huệ cố gắng biến việc rèn luyện thân thể trở thành hoạt động hàng ngày vì chị thấy nó có lợi cho sức khỏe của người bị viêm khớp như chị.
 
Sáng sớm, trước khi đi làm, chị lại dành ra một khoảng thời gian nhất định để tập thể dục nhẹ nhàng, đặc biệt là những động tác "uốn dẻo". Đây chính là bài tập giản đơn cực tốt cho những ai bị viêm khớp.
 
Động tác "uốn dẻo" này như sau: ban đầu đứng thẳng, co chân phải lên ra phía sau, đồng thời tay phải nắm cổ chân phải, từ từ nâng gối lên và duỗi chân hết sức ra phía sau, cánh tay phải thẳng cộng với chân và eo tạo thành một đường vòng cung. Tay trái chị đưa thẳng về phía trước để cân bằng với chân ở phía sau, giữ vững tư thế, hít thở chậm bằng mũi, sau đó đổi bên chân.
 
Sau một thời gian chị thấy thoải mái vô cùng và cảm giác đau nhức khớp dường như xuất hiện ít hơn với mức độ nhẹ hơn. Phương pháp này giúp chị duy trì, cải thiện sự linh hoạt của các khớp xương bị ảnh hưởng và giúp chị điều chỉnh tư thế (đứng, ngồi, đi) được tốt hơn.
 
Việc luyện tập có thể diễn ra ở trên cạn hay dưới nước đều có tác dụng tốt. Hồng Huệ nói rằng, cứ cuối tuần chị lại cùng cả nhà đi bơi kể cả ngày lạnh: "Mình thường bơi bể bơi gần nhà, tại đây nước sạch và mua đông thì rất ấm. Điều này không những vừa giúp cả gia đình gần gũi bên nhau hơn mà còn khiến cho sức khỏe của mình thêm khỏe. Bơi lội giúp mình kéo căng các cơ bắp xung quanh các khớp, giảm đau vô cùng hiệu quả".
 
Lựa chọn những thực phẩm giàu vitamin D
 
Vì bị bệnh khớp lâu nên chị Huệ rất chịu khó tìm hiểu những thông tin liên quan đến bệnh. Theo chị biết thì hàm lượng vitamin D trong máu ở mức thấp sẽ khiến cho các khớp đau và có nguy cơ làm tăng viêm khớp mãn tính. Vì vậy, nếu không có chế độ bổ sung hợp lý thì những ngày lạnh này "đau phải biết".
 
Do đó chị lên một lịch ăn uống rất khoa học bổ sung vitamin D trong chế độ ăn hàng ngày. Chị ăn nhiều cá hơn thịt, đặc biệt là cá hồi vì cá hồi có chứa rất nhiều vitamin D và tốt cho sức khỏe.
 
Trong cá hồi còn chứa axit omega 3, một loại chất đặc biệt tốt cho sức khỏe con người. Cá hồi giúp duy trì sự minh mẫn cho bộ óc, cải thiện sức khỏe của đôi mắt, hạn chế huyết áp cao, ngăn ngừa bệnh tim, đau khớp…
 
Chị Huệ cũng rất tích cực bổ sung sữa, sữa chua và sữa đậu nành là các loại thực phẩm từ sữa vì các loại thực phẩm này có lượng vitamin D rất dồi dào.
 
Một điều mà chị Huệ không thể bỏ qua trong thực đơn của mình là hạn chế ăn quá nhiều muối vì muối gây tích nước và phù nề, làm tăng áp lực lên khớp gối và dẫn đến đau nhức.
 
 

"Đau khớp gối ở dân văn phòng"

afamily.vn - 23-11-2012 10:40:45

Nếu phát hiện hiện tượng "đau khớp gối văn phòng" thì cần chữa trị ngay và nên áp dụng các biện pháp giảm béo.

Sau khi khảo sát 1.600 nhân viên văn phòng tuổi từ 16 đến 65, các nhà khoa học Anh thuộc Tổ chức chăm sóc sức khỏe Nuffield Health đã phát hiện hơn ¼ bị đau khớp gối triền miên.

Càng lớn tuổi, hiện tượng này - tên thường gọi là "đau khớp gối văn phòng" - càng phổ biến. Cụ thể, trong 10 người trên 55 tuổi có 1 người than phiền bị đau khớp gối kinh niên.

Theo các nhà phẫu thuật cơ xương và vật lý trị liệu, nguyên nhân do ngày càng có nhiều người mắc bệnh béo phì, bởi ngồi nhiều, thường xuyên làm việc trên máy tính. Cách đây 20 năm, hiện tượng này khá hiếm.

Bác sĩ Sammy Margo, người phát ngôn Hiệp hội Vật lý trị liệu Anh Quốc , chia sẻ: "Đó là những người ngồi văn phòng quá nhiều và quá lâu, từ 10 đến 20 năm. Tôi thấy phần lớn sống thụ động, nên ngày càng nhiều người bị đau khớp gối. Tôi làm nghề vật lý trị liệu 25 năm rồi cho nên có thể khẳng định rằng máy tính là một yếu tố gây bệnh".

Trong khi đó, bác sĩ giải phẫu cơ xương Ronan Banim nhận xét rằng, chứng béo phì ngày càng nhiều trong giới văn phòng cũng là một yếu tố quan trọng vì đầu gối bị sức nặng cơ thể hành hạ ghê gớm, tạo điều kiện phát bệnh viêm khớp xương mãn tính. Ông cảnh báo: "Tuy đau khớp gối không đe dọa tính mạng, nhưng để lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Thậm chí nguy cơ thay khớp gối là rất lớn nếu không ngăn chặn được bệnh béo phì".

Bác sĩ Banim cũng khuyên bệnh nhân nên chữa trị ngay nếu phát hiện hiện tượng "đau khớp gối văn phòng" và nên áp dụng các biện pháp giảm béo.

Làm thế nào để tránh bệnh "đau khớp gối văn phòng"? Theo bác sĩ Banim, việc kiểm soát trọng lượng cơ thể, vận động thường xuyên và ăn uống lành mạnh là cực kỳ quan trọng.

Nhưng tập luyện cũng phái có phương pháp thích hợp đối với những người lớn tuổi. Không nên tập chạy marathon là môn thể thao dành cho những người khỏe mạnh. Những khớp gối đã yếu do tuổi cao cần phải được chuẩn bị kỹ trước khi tập luyện. Việc khởi động làm nóng cơ thể trước khi tập và nghỉ ngơi sau khi tập là rất quan trọng. Ngoài ra cần chú ý mang giày có chất lượng và "nâng niu" đầu gối trong khi tập.

Theo PNO

Những thực phẩm chị em nên ăn để giảm đau do viêm khớp

afamily.vn - 19-04-2014 07:03:06

Viêm khớp là căn bệnh rất phổ biến ở phụ nữ. Dưới đây là 6 loại thực phẩm giúp giảm đau do viêm khớp.

Bệnh viêm khớp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, các khớp có thể bị đau từ trung bình đến đau dữ dội và thậm chí khớp có thể bị biến dạng. Muốn giảm các triệu chứng đau khớp không chỉ nhờ vào tập luyện và thuốc men, mà còn phải chú trọng chế độ ăn giúp xoa dịu các khớp bị chứng viêm hành hạ. Dưới đây là 6 loại thực phẩm giúp giảm đau do viêm khớp.
 
1. Nước ép lựu
 
Nếu bạn bị đau đầu gối, cánh tay, hông hãy thử loại hoa quả có nguồn gốc Ba Tư có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa này. Nó có thể bảo vệ sụn của bạn.
 
Các nhà nghiên cứu ở ĐH Case Western Reserve ở Cleveland, Mỹ đã cho chiết xuất lựu lên các mẫu mô của sụn bị tổn thương do viêm xương khớp mạn tính. Kết quả cho thấy loại nước này làm giảm hàm lượng các chất hóa học gây viêm liên quan tới sự quá phát của loại enzyme nào đó. Với số lượng bình thường, loại enzyme này là cần thiết cho thay thế sụn nhưng khi nó sản sinh quá nhiều – như trong bệnh viêm xương khớp – sẽ làm cho sụn bị mòn đi.
 
Những thực phẩm chị em nên ăn để giảm đau do viêm khớp 1
Chọn đúng thực phẩm để ăn sẽ giúp bạn giảm được cơn đau do viêm khớp gây ra. Ảnh minh họa
 
2. Thực phẩm giàu acid béo omega-3
 
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người bị viêm khớp ăn nhiều cá có dầu dường như ít bị viêm và đau hơn so với những người không ăn nhiều.
 
Một nghiên cứu cho thấy cũng giống như aspirin, các acid béo omega-3 giúp tăng cường sản sinh resolvins, vốn có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào viêm. Đây là tin vui cho những người bị viêm khớp xương mạn tính đặc biệt là những người bị viêm khớp dạng thấp.
 
3. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
 
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã từng nghi ngờ các gốc tự do, mà các phân tử không ổn định của chúng tấn công các tế bào khỏe mạnh, là tác nhân gây viêm khớp. Một nghiên cứu của Nhật Bản mới đây chỉ ra rằng chính các gốc tự do phá hoại khả năng duy trì và tái tạo của sụn. Những người bị viêm khớp có xu hướng có nhiều phân tử gốc tự do hơn và do vậy, họ cần phải dung nạp nhiều hơn các chất chống oxy, đặc biệt là vitamin C và beta-carotene từ thực phẩm.
 
Vitamin C trong trái cây như cam và quả kiwi và zeaxanthin, một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong các loại rau lá xanh cũng làm giảm nguy cơ này. Những loại rau lá xanh (như rau bina, lá củ cải) cũng chứa nhiều vitamin E và một số nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung lượng lớn loại vitamin này cũng giúp giảm đau do viêm khớp xương, đặc biệt là khi kết hợp với vitamin C (250 tới 500 miligram/ngày)
 
3. Quả dứa
 
Bromelain, loại enzyme tiêu hóa protein có trong loại trái cây nhiệt đới này có tác dụng giảm viêm. Nó có tác dụng giảm đau do viêm xương khớp giống một số loại thuốc chống viêm như ibuprofen, ít nhất là khi nó được dùng dưới dạng bổ sung. Một số nghiên cứu về bổ sung bromelain cho thấy nó cũng có thể giảm đau do viêm khớp dạng thấp.
 
Ăn dứa giữa các bữa chứ không ăn cùng bữa ăn, loại enzyme này còn giúp bạn tăng cường tiêu hóa thức ăn. Hãy chọn dứa tươi hoặc để lạnh, không nên ăn dứa đóng hộp hoặc nước ép dứa.
 
Những thực phẩm chị em nên ăn để giảm đau do viêm khớp 2
Viêm khớp là căn bệnh rất phổ biến ở phụ nữ. Ảnh minh họa
 
4. Đồ gia vị chống viêm
 
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều loại gia vị có tác dụng chống viêm. Gừng và nghệ chứa hợp chất curcumin có tác dụng ức chế các enzyme và protein thúc đẩy viêm. Một số nghiên cứu cho thấy gừng và nghệ đặc biệt giúp giảm đau và sưng ở những người bị viêm khớp.
 
Đinh hương chứa hóa chất chống viêm eugenol. Trong các nghiên cứu trên động vật gần đây, eugenol có tác dụng ức chế COX-2, loại protein thúc đẩy viêm. Đinh hương, nghệ và gừng cũng chứa các chất chống oxy hóa có vai trò làm chậm sự phá hủy sụn và xương do viêm khớp.
 
5. Trà xanh và các loại cam quít
 
Nhóm thực phẩm này cùng chứa quercetin. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật đều chỉ ra rằng loại hợp chất hóa học này đóng vai trò là chất chống viêm và chống oxy hóa đầy quyền năng.
 
Nghiên cứu trước đây trên động vật cho thấy trà xanh giúp dự phòng hoặc giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Và theo nghiên cứu về Sức khỏe phụ nữ Iowa, những người uống hơn 3 cốc trà mỗi ngày giảm 60% khả năng bị viêm khớp dạng thấp so với những người không uống.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét