Trang

Cách điều trị bệnh "nước ăn chân" vào mùa mưa?

Thứ ba, 04/08/2015 15:48

alobacsi.com - Gần đây chân tôi xuất hiện các mụn nước không ngứa đến khi vỡ ra bị bong da và ngứa, cảm giác rất khó chịu, cứ xuất hiện hết đợt này đến đợt khác.

Xin hỏi bác sĩ cách điều trị hiệu quả nhất.

(Nguyễn Thành Trung)

Ảnh minh họa: Internet


Chào bạn,

Bệnh nấm kẽ chân (nước ăn chân) thường bắt đầu từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4. Mới đầu, người bệnh thấy bong vảy và ngứa ở kẽ ngón chân. Dần dần, da kẽ ngón bị mủn, trắng bợt, hoặc loét, chảy nước, có thể bị nứt kẽ, rất đau. Từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4, bệnh có thể lan sang các kẽ ngón chân khác, hoặc lan lên mu bàn chân, rìa bàn chân.

Nếu bệnh nhẹ, các triệu chứng thường rất kín đáo, da kẽ ngón chân chỉ bong vảy ít, hơi ngứa. Bệnh nhân cho là bị "nước ăn chân", nhưng khi làm xét nghiệm thì thấy sợi nấm.

Đối với trường hợp nặng, các kẽ ngón chân và nhiều khi cả rìa và mu bàn chân bị ngứa nhiều, loét, nứt, rất đau, ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt và lao động, nhất là khi chỗ đau bị nhiễm khuẩn thêm, gây biến chứng nhiễm khuẩn thứ phát. Lúc này, các ngón chân (có khi cả một phần mu bàn chân) bị sưng tấy, đỏ, hạch bẹn bị sưng đau. Việc điều trị sẽ phức tạp hơn nhiều (phải điều trị nấm và chống nhiễm khuẩn).

Điều trị

- Nếu có nhiễm khuẩn, phải chống nhiễm khuẩn trước. Người bệnh cần ngâm chân vào nước thuốc tím pha loãng 1/10.000 (1g thuốc tím pha trong 10 lít nước ấm) mỗi ngày 2-3 lần, hoặc nước muối 9 phần nghìn. Sau đó lau khô, bôi các thuốc sát khuẩn như dung dịch milian, thuốc mỡ kháng sinh. Nếu có kèm theo viêm hạch, viêm bạch mạch, cần dùng thêm kháng sinh toàn thân. Sau khi đỡ bội nhiễm, sẽ dùng các thuốc chống nấm.

- Nếu chỉ bị nấm đơn thuần, không có bội nhiễm, có thể bôi các thuốc chống nấm thông thường như dung dịch ASA, cồn BSI, thuốc mỡ whitfield, dung dịch canesten, nitrofungin...

- Trường hợp bị nấm kéo dài, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để bác sĩ giúp bạn điều trị dứt điểm.

Chúc bạn mau khỏi.

Theo D.H.T - VnMedia
 
 

alobacsi.com - Thứ hai, 01/06/2009 17:05

"Nước ăn chân" dùng thuốc gì?

Thời tiết nóng ẩm và những cơn mưa, những trận bão lụt của mùa hè... là môi trường thuận lợi cho bệnh "nước ăn chân" phát triển, đặc biệt ở những người ra mồ hôi chân, đi giầy kín, người thường xuyên phải tiếp xúc với nước hoặc môi trường ẩm ướt: phải lội bùn, làm việc trên ruộng nước, chống lụt bão...

Nước ăn chân, còn gọi là bệnh nấm kẽ chân, thường bắt đầu xuất hiện ở giữa kẽ ngón chân thứ 3 và 4 với biểu hiện bong xước da, có màu hơi vàng, chảy dịch, có thể có các mụn nước ở kẽ chân, sau đó lan sang các kẽ ngón chân khác hay lên mu bàn chân hoặc xuống lòng bàn chân. Người bị mắc bệnh rất ngứa ngáy khó chịu.

Có thể dùng các thuốc sau:

- Dung dịch BSI 2% (còn gọi là cồn hắc lào, thành phần gồm: acid benzoic, acid salicylic, iod và cồn 70 độ), ngày bôi 1 đến 2 lần. Cấm dùng để uống.

- Cồn ASA (thành phần gồm: aspirin, natri salicylat pha trong cồn 70 độ). Dùng bông thấm nước hoặc miếng gạc mỏng thấm cồn ASA, rồi bôi lên vùng có bệnh, ngày bôi 1-2 lần.

- Các loại thuốc mỡ chứa kháng sinh chống nấm như: nizoral, canesten, ketoconazol, ticonazol... Cần lau sạch, làm khô vết thương trước khi bôi thuốc, bôi 3-4 lần /ngày.

Nếu tổn thương nặng có thể kết hợp với uống thuốc chống nấm như: griseofulvin,  nizoral, hoặc sporal...

Ngoài ra, ở nước ta nhiều cây thuốc cũng được sử dụng để điều trị nấm: rễ cây táo rừng, trầu không, kim ngân, chút chít, ké đầu ngựa, lá muồng trâu... Có thể vò nát một trong các thứ trên, xát nhẹ vào chân hoặc nấu thành nước để ngâm chân cũng có kết quả rất tốt.
 
BS. Bùi Duy

Theo Suckhoedoisong

 

alobacsi.com - Thứ sáu, 17/08/2012 21:38

Mẹo hay chữa nước ăn chân

Ngoài một số loại thuốc Tây chữa bệnh ăn chân, ở nước ta có nhiều loại cây thuốc thường được dùng để trị nấm da cho kết quả tốt.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tác nhân chính gây bệnh nấm da còn gọi là nước ăn chân (theo dân gian) hay nấm kẽ chân (trong y học) là các loài vi-rút Trichophyton mentagrophytes, Trichophyton rubrum. Bệnh khởi đầu ở giữa kẽ ngón chân thứ ba và thứ tư với các biểu hiện như: Bong xước, da chuyển màu hơi vàng, chảy dịch, có thể xuất hiện các mụn nước ở kẽ chân; sau đó lan sang các kẽ ngón khác, lên mu bàn chân hoặc lòng bàn chân. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, người bệnh dễ bị nhiễm trùng gây mụn mủ, vảy da, sưng nề bàn chân, sốt, nổi hạch bẹn… gây ngứa ngáy, khó chịu.

Hiện miền Bắc đang vào mùa mưa nênngười dân rất dễ bị nhiễm bệnh nước ăn chân. Do vậy, bác sĩ Mạnh khuyên mọi người sau khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc bùn, phải tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt rửa sạch và kỳ cọ kẽ chân, chú ý các nếp da sau đó phải lau khô bàn chân. Nếu gia đình có người bị nước ăn chân thì cần phải cách ly, không để lây nấm sang người khác, không đi tất, giày, dép chung với người bệnh.

Ngoài một số loại thuốc Tây chữa bệnh ăn chân, ở nước ta có nhiều loại cây thuốc thường được dùng để trị nấm da cho kết quả tốt. Người bệnh có thể tự điều trị bằng cách đắp lá muồng trầu giã nát vào sát kẽ chân hoặc bôi vào kẽ chân bằng nước sắc từ rễ cây táo rừng hoặc trầu, rau răm giã nát.

AloBacsi (theo QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét