Trang

cấp cứu bỏng sai cách dẫn đến nguy hiểm

TPHCM: Chàng trai phải đi cấp cứu sau tai nạn bất ngờ trong lúc nấu mì tôm

(Dân trí) - Bị bỏng nước sôi bất ngờ khi nấu mì tôm, chàng trai tự bôi kem đánh răng lên vết thương, khiến 3 giờ đồng hồ sau phải nhập viện cấp cứu.

Thông tin với phóng viên Dân trí ngày 11/5, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Phương Đông, khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bị bỏng vì tai nạn sinh hoạt. Đáng chú ý, bệnh nhân đã tự sơ cứu bỏng sai cách, khiến tình trạng vết thương có nguy cơ diễn tiến nặng hơn.

TPHCM: Chàng trai phải đi cấp cứu sau tai nạn bất ngờ trong lúc nấu mì tôm - 1

Khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh nhân là chàng trai tên VV.(29 tuổi, quê Bình Định), đang sống tại quận Tân Phú (TPHCM), nhập viện ngày 5/5 vì bỏng một số vùng trên cơ thể. Khai thác bệnh sử, trước đó anh V. dùng bình siêu tốc để nấu mì tôm ăn bữa tối. Trong lúc đang đun nước, chàng trai bất cẩn quơ tay trúng bình, khiến nước sôi ở trên bàn đổ xuống người.

Sau tai nạn, V. tự lấy kem đánh răng bôi lên các vết bỏng. Tuy nhiên sau đó, cảm giác đau rát không cải thiện nên chỉ 3 giờ sau bôi kem, bệnh nhân phải vào viện cấp cứu.

Tại khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng nước sôi diện tích 8% độ 2-3 vùng lưng, bụng, cánh tay phải. Thời điểm nhập viện, nhiều vị trí bỏng của bệnh nhân bị "phủ xanh" bởi màu kem đánh răng bôi lên.

TPHCM: Chàng trai phải đi cấp cứu sau tai nạn bất ngờ trong lúc nấu mì tôm - 2

Thời điểm nhập viện, nhiều vị trí da bỏng của bệnh nhân được bôi kem đánh răng (Ảnh: BS).

Bệnh nhân được xử trí thay băng, đắp nhũ tương trị bỏng da, dùng kháng sinh, giảm đau và theo dõi tích cực. Đến nay, tình trạng của chàng trai đã cải thiện.

Các bác sĩ cho biết, nguyên tắc sơ cứu khi bị bỏng là dùng nước làm sạch và hạ nhiệt vết bỏng.

Khi sơ cứu ban đầu sai cách (như làm nạn nhân quá lạnh khi ngâm rửa vết bỏng vào nước, đắp vết bỏng bằng nước đá, nước ấm, đắp các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, nước tương, lá cây, kem đánh răng hoặc bất kỳ chất gì vào vùng bỏng, làm trợt loét vết bỏng…), bệnh nhân có nguy cơ gây bội nhiễm, bỏng sâu hơn, tổn thương da nặng.

Có những trường hợp bỏng xăng không sơ cứu đúng bằng nước sạch sớm mà chỉ lấy mền trùm lại, khiến khi đến bệnh viện nạn nhân đã bị hoại tử da nặng, thậm chí nguy cơ ảnh hưởng tính mạng do sốc bỏng, nhiễm trùng. Kể cả khi được cứu sống, bệnh nhân cũng dễ để lại di chứng sẹo bỏng co rút về sau.

TPHCM: Chàng trai phải đi cấp cứu sau tai nạn bất ngờ trong lúc nấu mì tôm - 3

Nam thanh niên bị bỏng nước sôi khi nấu mì tôm được chăm sóc tích cực tại bệnh viện (Ảnh: Hoàng Lê).

Cách sơ cứu bỏng đúng:

Bác sĩ Đông chia sẻ, có 5 bước sơ cứu bỏng nhiệt cơ bản. Thứ nhất, loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt (cấp cứu hô hấp tuần hoàn/đa chấn thương, cởi bỏ quần áo, tháo các vật dụng).

Thứ hai, nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch (trừ bỏng do hóa chất dạng bột, khi đó cần phủi bỏ hóa chất gây bỏng).

Thứ ba, che phủ tạm thời vết bỏng. Thứ tư, bù nước điện giải và giảm đau sau bỏng (bằng cách uống oresol, trà đường, cháo loãng…). Cuối cùng, chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

"Để sơ cứu trường hợp bỏng nước sôi nêu trên, bệnh nhân cần được ngâm rửa bằng nước mát, sạch càng sớm càng tốt (khoảng 30 phút tới khi hết đau rát), chú ý không làm vỡ trợt các nốt phồng, sau đó che phủ vết bỏng bằng quần áo sạch, băng sạch và chuyển tới bệnh viện", bác sĩ Đông khuyến cáo.


Nguồn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-chang-trai-phai-di-cap-cuu-sau-tai-nan-bat-ngo-trong-luc-nau-mi-tom-20240510205147940.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét