Rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo các mảng xơ vữa, bong ra hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do sự hình thành cục máu đông bên trong lòng mạch máu làm tắc mạch vành này. Trong khi đó, đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp xơ vữa động mạch.
Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là hai bệnh lý cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ngay nếu không can thiệp kịp thời trong thời gian vàng. Hai thủ phạm phổ biến nhất dẫn hai căn bệnh này, làm tăng sự xuất hiện các mảng xơ vữa là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bên cạnh các nguyên nhân khác như đái tháo đường, hút thuốc lá, thừa cân béo phì...
Trong đó, rối loạn mỡ máu là tình trạng nồng độ chất béo trong máu quá cao hay quá thấp so với mức bình thường, ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng này sẽ gây nên xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới. Tại Việt Nam, gần 50% người trưởng thành tại các đô thị bị rối loạn mỡ máu, theo thống kê từ Tổng hội Y học.
Tương tự, tăng huyết áp lâu ngày không kiểm soát tốt sẽ làm cho mạch máu bị xơ vữa, có thể biến chứng ở tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim. Đây cũng là thủ phạm hàng đầu gây đột quỵ. Ngoài ra, tăng huyết áp còn dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ, giảm thị lực, mù lòa, xơ vữa mạch máu dẫn đến đau chân khi đi lại, thậm chí loét, hoại tử phải đoạn chi gây tàn phế...
"Điều nguy hiểm là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu thường không biểu hiện triệu chứng điển hình nên nhiều người chủ quan, không quan tâm kiểm soát", phó giáo sư Tân nói. Do đó, đây được xem là những "kẻ giết người thầm lặng". Bệnh đang dần có dấu hiệu trẻ hóa, xuất hiện ở những bệnh nhân 20-30 tuổi, thay vì thường xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên như trước.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết không ít người nhập viện vì các biến cố đột quỵ, nhồi máu cơ tim mới biết bản thân bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, do không kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đáng tiếc hơn, nhiều trường hợp biết bệnh, song chủ quan không uống thuốc hoặc chỉ uống một thời gian rồi ngưng, vì cảm thấy khỏe mạnh, sợ rằng uống thuốc lâu dài có hại cho sức khỏe.
"Đây là những quan niệm sai lầm, việc kiểm soát chặt các bệnh nền như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường chính là chiếc chìa khóa vàng trong phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim", bác sĩ nói. Trở ngại lớn nhất là hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng trước khi gây ra hậu quả, nên việc thuyết phục khám định kỳ rất khó khăn. Trong khi đó, những bệnh này đòi hỏi phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... cần kiểm soát và điều trị tốt. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn, không tự mua thuốc theo đơn cũ.
Xây dựng lối sống tích cực, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. Ăn uống điều độ, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ. Tập luyện thể dục hàng ngày. Tránh căng thẳng quá mức và kéo dài...
"Cần lưu ý kiểm soát cân nặng, duy trì trọng lượng hợp lý, bởi thừa cân béo phì là yếu tố thuận lợi gây tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường", phó giáo sư Tân nói.
Khi có các biểu hiện bất thường, cần đến viện để được xử trí kịp thời. Trong đó, biểu hiện thường gặp là đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp... Một số dấu hiệu nhận biết đột quỵ là đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể, nói khó, giảm thị lực, đau đầu, chóng mặt.
Lê Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét