Trang

Thói quen cần tránh khi bảo quản thức ăn vào mùa hè

3 thói quen cần tránh khi bảo quản thức ăn vào mùa hè

Bảo quản thức ăn sai cách sẽ làm tăng rủi ro ngộ độc thực phẩm. Vào những tháng mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm trở nên đặc biệt cao. Nhiệt độ nóng ẩm là điều kiện hoàn hảo để vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh.

Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo nên tránh để thực phẩm đã nấu chín trong điều kiện nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Nếu không biết thực phẩm liệu có còn an toàn để ăn hay không thì cách tốt nhất là hãy vứt chúng đi, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

3 thói quen cần tránh khi bảo quản thức ăn vào mùa hè- Ảnh 1.

Rau nên được bảo quản trong các hộp kín để tránh tiếp xúc với không khí ẩm vì sẽ dễ bị hỏng

Vào mùa hè, các loại thực phẩm như thức ăn thừa, trái cây, rau quả hay thực phẩm đóng gói cho các buổi dã ngoại cần được bảo quản đúng cách. Mọi người cần tránh những sai lầm sau:

Không chú ý đến nhiệt độ

Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi đi siêu thị là mua thực phẩm đông lạnh trước, mua những món khác sau. Việc mua các sản phẩm đông lạnh trước sẽ khiến chúng sớm rã đông, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Vì vậy, cách tốt là hãy mua các loại thực phẩm đóng gói, rau củ trước. Các loại thịt, cá đông lạnh nên mua cuối cùng. Sau khi về nhà, thực phẩm đông lạnh này nên được cho ngay vào ngăn mát hay ngăn đông tủ lạnh nếu chưa dùng.

Không chú ý đến độ ẩm

Rau củ và trái cây là phần không thể thiếu trong chế độ ăn hằng ngày. Vào mùa hè, nhiệt độ oi bức và độ ẩm cao sẽ khiến rau củ, trái cây dễ bị hỏng hơn. Do đó, điều đầu tiên mọi người cần lưu ý là không mua quá nhiều.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần có cách bảo quản phù hợp với từng loại trái cây, rau củ. Chẳng hạn, cà chua, đào, mận, các loại dưa, đu đủ và xoài cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 20 đến 22 độ C. Khi chúng mềm, chúng ta có thể mang ra thưởng thức mà hương vị không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các loại trái cây như chuối, khoai tây và thơm có thể được bảo quản tốt ở nhiệt độ phòng.

Khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, mọi người nên hạn chế để không khí ẩm tiếp xúc với rau tươi. Cách tốt là hãy dùng khăn giấy bao bọc bên ngoài rau để hút ẩm, sau đó cho vào bịch hay hộp kín.

Bảo quản thực phẩm dã ngoại không đúng cách

Vào mùa hè, nhiều người sẽ có những chuyến đi du lịch xa. Họ thường mang theo thực phẩm để thưởng thức. Với các thực phẩm tươi sống, khi mang ra khỏi ngăn đông tủ lạnh thì cần ngay lập tức lưu trữ trong những thùng lạnh có nước đá. Trong quá trình di chuyển, không được mở thường xuyên để quan sát vì như vậy sẽ khiến hơi lạnh thoát ra ngoài, khiến đồ tươi sống dễ hỏng, theo Medical News Today.


Nguồn 

_

Bảo quản thức ăn và hâm nóng đúng cách như thế nào?

Không ít người đang bảo quản và hâm nóng thức ăn sai cách. Chính những sai lầm này đang đặt họ và gia đình trước nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Nếu thức ăn không được bảo quan và hâm nóng đúng cách thì vi khuẩn gây hại có thể phát triển và gây ngộ độc thực phẩm, theo tạp chí uy tín Good Housekeeping Institute (GHI) của Anh.
GHI đã đưa ra hàng loạt các khuyến cáo cho người dân cách bảo quản và hâm nóng thức ăn đúng cách, nhất là những món phổ biến như sữa, gà, cơm. Đặc biệt, hầu hết các món ăn đều không nên để quá 3 ngày, theo Daily Mail.
Cơm
Để cơm quá lâu ngoài không khí và bảo quản không đúng cách sẽ khiến vi khuẩn Bacillus cereus có thể sống sót và phát triển, đặc biệt là ở nhiệt độ phòng.
Cách bảo quản tốt nhất với cơm là để cơm nguội ngoài không khí không quá 1 giờ. Sau đó cất vào tủ lạnh không quá một ngày. Khi mang ra ăn thì nên hâm nóng lại. Ăn không hết thì nên bỏ vì chỉ nên hâm nóng cơm lại 1 lần, theo GHI.
Thịt gà
Với các món chế biến từ thịt gà, cần để món ăn nguội lại bằng với nhiệt độ không khí trước khi để vào tủ lạnh. Thời gian bảo quản trong tủ lạnh không được quá 3 ngày. Sau khi lấy ra hâm nóng cần đảm bảo thịt luôn ở 75 độ C cho đến khi ăn.
Thịt đỏ
Các loại thịt đỏ như thịt bò sau khi chế biến có thể để trong tủ lạnh vài ngày. Khi hâm lại ăn, để nhiệt độ quá cao có thể làm thịt nát. Với những món như thịt chiên thì có thể hâm lại bằng cách chiên mỗi mặt của miếng thịt khoảng 60 giây trên chảo nóng.
Khoai tây
Khoai tây sau khi nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh tối đa là 3 ngày, bất kể hình thức chế biến là gì. Với khoai tây chiên, để giữ được hương vị thì chỉ nên làm nóng khoai bằng cách chiên lại trong chảo nóng thay vì hâm trong lò vi sóng, theo GHI.
Rau xanh
Các loại rau củ sau khi chế biến cần để cho nguội đến khi nhiệt độ bằng nhiệt độ không khí rồi mới để vào tủ lạnh. Thời gian tối đa để trong tủ lạnh của rau củ là 3 ngày.
Sữa và các món làm từ sữa
Những món như sữa, sữa chua, kem nếu ăn không hết thì cứ để nguyên trong hộp và cất vào tủ lạnh càng nhanh càng tốt. Nhưng nếu đã đổ ra ly, chén thì không cần cho lại vào hộp đựng ban đầu. Thay vào đó, hãy đậy nắp kỹ rồi bỏ vào tủ lạnh.
Đồ hộp
Những món như đậu, súp đóng hộp khi ăn không hết thì đừng để nguyên trong hộp rồi bỏ vào tủ lạnh. Vì như vậy sẽ làm hương vị thực phẩm bị ảnh hưởng do mùi kim loại. Hãy đổ thức ăn còn thừa trong hộp ra tô, lấy nắp đậy lại rồi bỏ vào tủ lạnh. Thời gian bảo quản tối đa trong tủ lạnh cũng là 3 ngày, theo GHI.


_

5 loại thực phẩm không nên hâm lại để ăn

Việc chế biến thực phẩm, trữ lại đồ ăn còn thừa và hâm nóng lại khi muốn ăn. Một chiếc lò vi sóng là tất cả những gì bạn cần để hâm đồ ăn vì nó dễ dàng và tiện lợi.

Tuy nhiên, việc hâm lại một số loại thực phẩm có thể khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn khi dùng. Sau đây là danh sách những loại thực phẩm bạn chớ nên hâm lại, theo trang tin India.
Trứng
Trứng là kho protein và nên được ăn ngay khi được chế biến. Việc hâm lại một quả trứng đã luộc hoặc khuấy có thể khiến nó trở nên độc hại. Đó có thể là tin xấu cho bụng của bạn.
Khoai tây
Khoai tây cũng nên được ăn sau khi chế biến. Cũng vậy, bạn cần đưa khoai tây chưa dùng đến vào tủ lạnh vì nhiệt độ phòng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của các vi sinh vật. Điều này có thể khiến khoai tây nhiễm độc mà một lần hâm nóng nhanh trong lò vi sóng không thể giúp khắc phục.
Nấm
Nấm cũng là loại thực phẩm bạn nên ăn sau khi chế biến. Việc hâm lại sẽ làm cho các protein trong nấm trở nên tồi tệ đi và có thể tác động đến hệ tiêu hóa của bạn.
Cải bó xôi
Chứa nhiều chất sắt, nitrate và những chất dinh dưỡng khác, cải bó xôi cũng nên được ăn sau khi chế biến. Việc hâm lại có thể biến các nitrate thành nitrite. Nitrite có thể kết hợp với các amin các để hình thành hợp chất sinh ung thư.
Thịt gà
Thành phần protein trong thịt gà trên thực tế có thể thay đổi khi thịt gà cất trong tủ đông hay tủ lạnh được hâm lại lần hai. Điều này có thể gây ra những vấn đề về tiêu hóa. Vì thế, bạn nên nấu chín hoàn toàn thịt gà nếu muốn dùng lại.


_

Những điều cần phải biết khi bảo quản thịt trong tủ lạnh

Cho dù là thịt tươi hay thịt đã chế biến thành thức ăn thì đều cần được bảo quản đúng cách. Thiếu hiểu biết trong cách bảo quản có thể làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm .

Không ít người thường mua thịt với số lượng nhiều. Cách này rất thuận tiện cho những gia đình có nhiều người, hoặc quá bận không có thời gian đi chợ. Mua số lượng nhiều cũng có thể tiết kiệm tiền hơn.
Thịt thường được bảo quản bằng cách cho vào ngăn đá tủ lạnh. Không nên để một tảng thịt lớn vào trong ngăn đá. Nên chia thịt ra thành nhiều miếng nhỏ hơn, theo Health24.
Ngoài ra, cần phải dùng bịch để gói lại trước khi để vào ngăn đá. Vì nếu không, thịt rất dễ bị hiện tượng cháy lạnh. Hiện tượng này xảy ra khi thực phẩm bị mất nước trong quá trình bảo quản ở ngăn lạnh. Thịt bị cháy lạnh thường có màu xám hoặc thâm. Tuy nhiên, nêu gói lại thì cũng không nên bọc nhiều hơn 4 lớp.
Một sai lầm mà nhiều người dễ mắc, đó là bỏ thịt vào ngăn đá khi thịt còn ấm, đặc biệt là với gia cầm vừa giết mổ. Không bao giờ nên làm như thế. Cần phải rửa sạch thịt để làm giảm nhiệt độ của thịt rồi mới bỏ vào tủ lạnh.
Nếu đã cho thịt vào ngăn đá và đóng băng thì khi rã băng không nên tiếp tục bỏ vào ngăn đá nữa. Vì cách này có thể dễ gây ngộ độc thực phẩm. Nếu muốn tiếp tục bảo quản thịt thì hãy nấu, chế biến thịt rồi mới tiếp tục để vào ngăn đá trở lại, các chuyên gia cho biết.
Khi muốn rã đông, mọi người có thể chuyển thịt từ ngăn đá xuống ngăn lạnh và để qua đêm. Nếu làm cách này vào buổi tối thì thịt có thể rã đông vào sáng hôm sau. Một cách khác là mang ra để bên ngoài không khí. Tuy nhiên, vào những tháng mùa hè nắng nóng, cách này có thể khiến thịt dễ bị hư khi để ngoài không khí quá lâu.
Các chuyên gia cũng lưu ý nếu muốn bỏ vào ngăn đá để bảo quản thực phẩm đã nấu chín thì cần phải để nguội thực phẩm trước khi bỏ vào ngăn đá. Cách này có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.
Cho dù là bất kỳ loại thịt nào thì thời gian đông lạnh tối đa cũng là 6 tháng. Vì nếu để quá lâu, mỡ sẽ xuất hiện mùi hôi. Những loại nội tạng như gan, thận không được đông lạnh quá 3 tháng, theo Health24.

Nguồn https://thanhnien.vn/nhung-dieu-can-phai-biet-khi-bao-quan-thit-trong-tu-lanh-185747892.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét