Đột tử là chết đột ngột, gặp không chỉ ở người cao tuổi mà ngay cả ở người tuổi chưa cao và phần lớn là những người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn chức năng thần kinh vận động não. Điều đáng lưu ý là đột tử thường xảy ra lúc vừa ngủ dậy. Chúng ta có thể phòng tránh được đột tử nếu như biết sớm và thực hiện được những lời khuyên đơn giản.
NẾP SỐNG DƯỠNG SINH
Nếp sống dưỡng sinh là kế hoạch luyện tập dần dần định hình phong cách sống theo nhịp điệu chu kỳ của cơ thể như: Thức ngủ, làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt, ăn uống, bài tiết…
Tất cả đều tương quan với nhịp điệu của thời gian, không gian và môi trường. Nếp sống cần thiết của một người thường được giới hạn bởi đơn vị thời gian trong một ngày: Gồm 24 giờ, trong đó có 8 giờ lao động, 8 giờ sinh hoạt, nghỉ ngơi, 8 giờ ngủ để lại sức, phù hợp với nhịp điệu chu kỳ sinh lý của cơ thể, song đối với môi trường chung quanh, chúng ta luôn phải tạo điều kiện thích nghi với những biến đổi của môi trường như: Ánh sáng, nhiệt độ, mưa gió, thời tiết, ion không khí, cường độ điện trường, từ trường của trái đất…
Tập thể dục dưỡng sinh có thể giúp phòng tránh được bệnh tật |
- Chủ động cân bằng trạng thái sinh lý cơ thể thích nghi được với môi trường, với hoàn cảnh xã hội để duy trì sức khỏe bản thân.
- Tu dưỡng tinh thần, tăng cường thể chất trong điều kiện làm việc, sinh hoạt, bồi dưỡng đúng mực và điều độ.
- Phòng chống một số bệnh phát sinh.
- Dự phòng tai nạn, tai biến đối với người cao tuổi, đối với bệnh nhân thần kinh, tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp…
NẾP SỐNG DƯỠNG SINH PHÒNG TRÁNH ĐỘT TỬ
Ngay từ khi thức giấc để đón chào buổi sáng ban mai với một niềm hy vọng tốt đẹp trong ngày thì bạn cũng chớ quên rằng những tai biến, bệnh tật vẫn đang rình rập bên ta, chớ quên cảnh giác với những biến cố chỉ vì sự không chú ý của mình mà tác hại đến sức khỏe, dẫn đến đột quỵ, tử vong…
Lý do là: Qua một đêm ngủ ngon giấc hoặc một giấc ngủ trưa khi thức giấc nghĩ đến công việc cần làm hoặc khi nghe tiếng chuông điện thoại, khi buồn đi tiểu, ta thường có thói quen vùng ngay dậy, đứng phắt ngay lên… Động tác đó thường gây nên trạng thái đột ngột đối với não, với hệ thống thần kinh, tim mạch, làm rối loạn các hoạt động sinh lý khác trong cơ thể. Nó chỉ có thể bình thường đối với những người khỏe mạnh nhưng lại nguy hiểm đối với người yếu sức, người có bệnh, người cao tuổi.
Vì trong giấc ngủ, các hoạt động cơ thể đều trong trạng thái nghỉ ngơi, thần kinh tinh thần thư giãn, tim đập chậm lại, lưu thông máu chậm lại, phổi thở chậm lại, các vận động cơ bắp gần như ngừng - quá trình trao đổi chất cũng giảm. Khi thức giấc nếu vùng dậy đột ngột, các hoạt động thần kinh, cơ bắp đang ở trạng thái nghỉ ngơi chuyển sang trạng thái vận động, gây mất thăng bằng thể dịch, làm rối loạn các chức năng thần kinh vận mạch não, tim, phổi dẫn đến choáng váng, nhức đầu, xây sẩm, bàng hoàng, hồi hộp và cũng là khoảnh khắc gây ra những tai biến, bại liệt, tàn tật hoặc tử vong đối với những người đang có bệnh thần kinh, tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp…
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, ngay ở người bình thường khi ngủ dậy cũng phải sau 5 phút đến vài chục phút, trạng thái ức chế trong giấc ngủ mới xóa hết được qua vận động thân thể. Vì vậy, khi thức giấc không nên vùng dậy ngay mà cần có ít phút (tối thiểu là 5 phút đến 10 phút) nằm yên cho tỉnh táo, nếu trời rét hãy mở chăn ra cho cân bằng áp khí, đồng thời thực hiện ngay những động tác khởi động như xoa mặt, xoa gáy, xoa vai cổ, xoa đầu, xoa ngực… Ngồi dậy vuốt ngược 2 cánh tay, vỗ nghiêng nhẹ 2 bàn tay với nhau, xoa vuốt lưng hông, vuốt nắm 2 chân. Giữ tư thế nằm ngửa co 2 chân lại, ưỡn mông lên, hạ mông xuống rồi duỗi chân ra, gấp chân cao 900 ngồi dậy, nằm xuống lặp lại nhiều lần động tác như vậy như thế 10 lần để vận động cả vùng cơ xương, khớp, lưng hông… Sau đó thong thả đứng dậy ra ngoài là vô sự.
Khởi động như vậy có tác dụng làm cho máu huyết lưu thông, cho cơ xương khớp giãn đều, hệ thần kinh, hệ vận động, hệ thực vật và các cơ quan chức năng hưng phấn trở lại, tăng cường khả năng trao đổi chất, xóa đi những vết nhăn trên mặt, hạn chế được sự thoái hóa da… tạo điều kiện thích nghi cho cơ thể chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái vận động mà không để xảy ra một tai biến nào. Cần thực hiện thường xuyên nếp sống dưỡng sinh khi thức giấc (không kể ngủ đêm hay ngủ ngày) để phòng tránh được những tai biến tim, mạch, não và đột tử đối với người cao tuổi và nhất là đối với bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, rối loạn thần kinh vận mạch não, người hay có hội chứng tiền đình, hay đau đầu chóng mặt, rối loạn thần kinh thực vật…
BS. QUÁCH TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét