Trang

Giá đỗ: thủ phạm của dịch E.coli?

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 07/06/2011, 07:55 (GMT+7)

Giá đỗ: thủ phạm của dịch E.coli?

TT - Sau khi kết tội oan cho dưa leo Tây Ban Nha, châu Âu nay lại hướng sự nghi ngờ đến giá đỗ được bán từ một trang trại trồng rau ở miền bắc nước Đức như là thủ phạm lây truyền dịch bệnh E.coli, vốn đã làm 22 người chết và khoảng 2.200 người mắc bệnh tính đến ngày 6-6.

Các cơ quan y tế của Đức cho biết giá đỗ trồng ở một nông trại phía bắc nước này có thể là nguồn gốc gây ra dịch E.coli ở Đức và các nước châu Âu trong thời gian qua - Ảnh: AP

Báo Guardian dẫn lời ông Gert Lindemann, bộ trưởng nông nghiệp của bang Hạ Saxony, cho biết giá đỗ có thể là nguồn gốc “thuyết phục nhất” của dịch E.coli O104:H4 hiện nay. Các nhà điều tra đã lần theo dấu vết của dòng vi khuẩn E.coli tới một nông trại trồng rau quả ở quận Uelzen, gần thị trấn Bienenbuettel, cách Hamburg 64,37km về phía nam. Nông trại này đã bị đóng cửa và được lệnh thu hồi sản phẩm trên thị trường sau khi bị phát hiện có dấu vết của khuẩn E.coli.

“Đó là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy giá đỗ là nguồn gốc bùng phát dịch E.coli. Dù các nhà phân tích thí nghiệm vẫn chưa đưa ra kết luận, nhưng các dấu hiệu hiện nay đủ để đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng” - ông Lindemann nói.

Ngoài giá đỗ, các loại thực vật khác như cây củ cải, cỏ linh lăng, trái cây, cà chua, các loại rau và một số loại hoa quả trồng ở nông trại này cũng bị nghi nhiễm E.coli. Ít nhất một công nhân trong nông trại này đã nhiễm vi khuẩn E.coli.

Theo ông Gert Lindemann, nhiều nhà hàng và cơ sở bán thực phẩm, nơi có những ca nhiễm bệnh từ E.coli, được xác nhận là đã nhập những lô hàng lớn giá đỗ và mầm của các loại thực vật khác từ Uelzen để chế biến thức ăn. Ông kêu gọi người Đức không nên ăn giá đỗ cho đến khi có thêm thông tin, cùng lúc ông cũng yêu cầu người Đức tránh ăn cà chua, dưa leo và rau diếp khi cơ quan chức năng chưa tìm ra chắc chắn nguồn gốc gây bệnh.

Các cơ quan chức năng đã lần theo dấu vết của mầm bệnh từ khi dịch bùng phát và lan ra 12 nước. Hơn 600 người trong số nhiễm bệnh E.coli đã mắc chứng tán huyết - tăng urê máu (HUS), một biến chứng nghiêm trọng gây tổn thương thận và có nguy cơ tử vong.

Lúc đầu nguồn gốc dịch bệnh E.coli được cho là xuất phát từ dưa leo Tây Ban Nha, nhưng kết luận này đã bị bác bỏ sau khi các thí nghiệm chứng minh vi khuẩn E.coli đang hoành hành ở Đức và 11 nước khác không có trong dưa leo Tây Ban Nha. Dù vậy, sự kết tội lầm lẫn này cũng đã gây ra những tổn hại “không sao sửa chữa” nổi, làm tê liệt xuất khẩu các loại rau của Tây Ban Nha khiến nước này thiệt hại 200 triệu euro mỗi tuần, và cuối cùng không khỏi làm tổn hại hình ảnh của Tây Ban Nha.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Gert Lindemann, giới chuyên gia cho rằng trong lúc chờ đợi kết quả khoa học từ phòng thí nghiệm thì các loại rau khác cũng nên được chú ý. “Chúng ta cần có chứng cứ của khoa dịch bệnh và cần có sự xác nhận từ phòng thí nghiệm” - tiến sĩ Robert Tauxe, phó giám đốc bộ phận theo dõi các loại bệnh có nguồn gốc từ thực phẩm thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh ở Atlanta, nhấn mạnh..

Các nhà khoa học ở Viện gen Beijing Genomics (cơ quan nghiên cứu gen Trung Quốc - Đức BGI) ở Thâm Quyến cho biết dòng vi khuẩn E.coli được phát hiện ở Đức là dòng O104:H4 có thể kháng các loại kháng sinh chính như sulfonamide, cephalothin, penicillin và streptomycin. Đây chính là nguyên nhân khiến giới y tế châu Âu đang khó tìm ra nguồn gốc của dịch bệnh sau khi có kết luận dịch E.coli không xuất phát từ loài dưa leo của Tây Ban Nha.

Theo trang web an toàn thực phẩm Liên bang Mỹ, năm 1996, giá (mầm) thực vật từng liên quan trong một dịch bệnh làm ít nhất 30 người nhiễm bệnh, khiến chính quyền liên bang phải cảnh báo phụ nữ mang thai, người già và trẻ em có hệ miễn dịch yếu không được ăn giá sống. Cùng năm này, ở Nhật Bản khoảng 10.000 người, trong đó đa số là trẻ em, đã phải nhập viện do nhiễm khuẩn E.coli O157:H7 sau khi ăn mầm củ cải sống.

MỸ LOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét