Chủ Nhật, 01/01/2012 - 09:15
dantri.com.vn
Cuộc sống đang diễn tiến khó khăn và được dự báo còn tiếp tục khó khăn. Nhiều người đã và sẽ bị thất nghiệp. Nhiều gia đình đã và sẽ tán gia bại sản. Khi những cú sốc ngày càng trở nên nặng nề, thì nguy cơ tự tử cũng sẽ tăng lên.
Liệu có phòng ngừa được tự tử? Có thể – đó là nhận định của hội Nghiên cứu tự tử Hoa Kỳ từ năm 2006.
Không có chuẩn tiên đoán tự tử...
Mới đây, bệnh nhân Ng. N. T., 46 tuổi ngụ tại TPHCM, nhập viện vì đòi nhảy sông tự tử. Do thua đề số tiền khá lớn cộng với việc chồng mất cách đây một năm, ở bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trầm cảm nặng, đã viết thư tuyệt mệnh rồi nhảy sông tự tử một lần được cứu sống.
Các yếu tố như mất việc làm, mất người thân yêu, ly dị… tác động rất nhiều đến tự tử. Người có gia đình ít tự tử hơn người độc thân, ly dị hay goá bụa; người cô đơn tự tử nhiều hơn người sống gắn bó với người thân, cộng đồng. Tự tử là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên; ý định, mưu toan tự tử ở nữ cao gấp ba lần nam giới.
Không có một “chuẩn” nào để dựa vào đó tiên liệu được khả năng tự tử, mà các bác sĩ chỉ có thể đánh giá nguy cơ tự tử ở những bệnh nhân đã đến với mình. Nhiều nhất là bệnh nhân trầm cảm lo âu, vì một trong các triệu chứng chính ở họ là bận tâm suy nghĩ đến cái chết. Người có từng cơn hưng cảm, cơn trầm cảm cũng dễ tự tử vào thời điểm hoạt động làm việc trở lại và phán xét bệnh tật của mình. Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có nguy cơ tự tử cao vì không kiểm soát được hành vi khi làm theo yêu cầu của các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng. Thanh thiếu niên bị lạm dụng tình dục, lạm dụng ma tuý, người già sa sút tâm thần cô đơn, đều có nguy cơ tự tử cao.
Nhìn chung sự thay đổi về kinh tế và thời điểm biến chuyển đặc biệt làm gia tăng tỷ lệ tự tử.
... Nhưng có biểu hiện bất thường
Người có ý định tự tử thường để lộ ý định sẽ tự gây chết. Thứ hai là có điệu bộ bất thường với các hành vi như khóc lóc kêu gọi giúp đỡ, đánh động chú ý… Dấu hiệu thứ ba là có hành động mạo hiểm hay hành động gây nguy hiểm (có thể hiểu như hành động thách thức): uống thuốc tự tử nhưng tin rằng thân nhân sẽ biết hoặc hiện diện kịp thời. Cuối cùng là người bệnh muốn biết phản ứng của người thân, mình sẽ được chăm sóc ra sao, người thân đã biết lỗi về cách cư xử gây ra ý định và hành vi tự tử chưa... đây được xem là lời kêu gọi, “vòi vĩnh” giúp đỡ gián tiếp.
Những người tự tử đều có dấu hiệu báo động mưu toan tự tử với các bác sĩ, với người thân, với chuyên gia tư vấn, chỉ có điều người thân, bác sĩ, tư vấn viên không phát hiện ra, ngoại trừ bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể phát hiện nguy cơ tự tử với tỷ lệ cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tiến trình tự tử thường diễn ra tương tự, nhưng có thể quá nhanh ở người này và chậm ở người khác. Vấn đề là các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử tương ứng với sự trầm trọng của ý định và mưu toan tự tử.
Hoàn toàn phòng ngừa được
Khi một người nhảy cầu, treo cổ, uống thuốc quá liều, lên rừng ăn lá ngón v.v. chắc chắn trước đó họ đã có các biểu hiện tâm lý, tâm thần bất thường. Nhưng có đến gần 80% người tự tử từng đến khám bác sĩ mà không được phát hiện, đồng thời với sự hờ hững vô tình của thân nhân, của những người trong “tầm thổ lộ” khiến tình trạng khốn quẫn bức bách tăng dần cho đến khi xảy ra hành vi tự tử.
Đoạn tuyệt với cuộc sống là giây phút khó khăn cuối cùng sau khi đưa ra tín hiệu báo động tự tử. Như vậy, vấn đề là những người tự tử đều có dấu hiệu báo động mưu toan tự tử với các bác sĩ, với người thân, với chuyên gia tư vấn, chỉ có điều người thân, bác sĩ, tư vấn viên không phát hiện ra, ngoại trừ bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể phát hiện nguy cơ tự tử với tỷ lệ cao hơn. Khả năng đánh giá đầy đủ nguy cơ tự tử của giới chuyên môn càng cao thì khả năng giành lại cuộc sống cho người bệnh càng nhiều.
Do vậy, vấn đề phòng chống tự tử trước hết phải được đặt ra cho các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các chuyên viên tư vấn tâm lý, các đoàn thể… và cả xã hội. Hầu hết các nước đều có các tổ chức nghiên cứu, phòng chống tự tử hoạt động theo một số quy định chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Đây thật sự là một nhu cầu cấp bách cần sự quan tâm của mọi người.
Theo BS Phạm Văn Trụ
Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét