Thứ Tư, 18/01/2012 - 08:04
Vô số các loại thực phẩm, bánh kẹo ngọt ngày Tết hấp dẫn trẻ
Chị Thu Lan (Nghệ An) giờ vẫn không quên nổi ngày đầu năm mới năm ngoái phải đưa con vào bệnh viện tỉnh Nghệ An khám vì bỗng nhiên thằng bé 2 tuổi nhà chị đi tiểu rất nhiều, lúc sau lũ lượt kiến ruồi bâu đến.
Trước đó, chị cho con về quê ăn Tết cùng ông bà từ 25 âm lịch. Về nhà, thằng cu nhất định không chịu uống sữa bột mà đòi uống sữa Milo của anh họ. Vị ngọt, thơm của vị sữa này khiến cu cậu rất thích, ngày uống cả 6 gói. Chưa kể, gần Tết nên ông bà đã sắm sửa bánh kẹo, cháu nội về được ông bà cưng chiều cho ăn thoải mái. Đến 30 Tết hai vợ chồng chị mới về đến nhà, cũng chưa nhận thấy sự thay đổi này, chỉ thấy con liên tục đi tè, lại nghĩ chắc con uống quá nhiều nước. Đến sáng mùng một, ăn uống xong, chuẩn bị đưa con đi chúc Tết họ hàng, làng xóm thì cu cậu đòi đi tè và tè luôn ra sân nhà ông bà. Chuẩn bị đồ đạc xong xuôi, cả nhà lên xe đi chúc Tết thì chị thấy bãi nước tiểu của con đã có chi chít kiến, ruồi bâu đến. Quá lo lắng, hai vợ chồng thay vì đi chúc Tết đã chở thẳng con tới viện khám. Xét nghiệm nước tiểu thấy có đường trong nước tiểu, bác sĩ đã bắt bé ở lại viện chờ đến lúc đói lấy máu xét nghiệm, may mắn lượng đường trong máu vẫn ở dưới ngưỡng cho phép.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, hiện tượng có đường trong nước tiểu nhưng xét nghiệm máu lúc đói thì không phát hiện như cháu bé trên không phải là cá biệt mà khá hay gặp trong ngày Tết, không chỉ gặp ở trẻ em, mà cũng xảy ra ở cả người lớn, còn gọi là hiện tượng tiểu đường giả.
Bởi ngày Tết, thực phẩm ngọt đường được rất nhiều người ưa chuộng trong ăn uống. Khi ăn một khối lượng đường rất nhiều trong một thời điểm nhất định thì chuyển hóa đường của cơ thể không đáp ứng nổi, làm tăng đường huyết nhất thời, dẫn đến hiện tượng một số cháu có thể tìm thấy đường trong nước tiếu sau bữa ăn.
“Nếu tìm thấy đường trong nước tiểu sau bữa ăn, điều đó cảnh báo chúng ta rằng chúng ta đã ăn một bữa quá nhiều đường. Nếu cứ duy trì thì không tốt cho cơ thể, lâu dần sẽ khiến từ tiểu đường giả thành tiểu đường thật. Bởi lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao khiến cơ thể, tuyến tụy lập tức tiết ra insulin để kéo lượng đường trong máu xuống. Đó là một sinh lý bất bình thường. Tuyến tụy cùng một lúc phải sản xuất quá nhiều insulin đến lúc nó mệt không sản xuất nổi nữa sẽ khiến thành đái tháo đường thật”, TS Dũng cảnh báo.
TS Dũng đưa ra lời khuyên, nếu thấy có hiện tượng khi đi tiểu mà kiến ruồi bâu vào bãi nước tiểu, tốt nhất nên cho người bệnh đi thử đường huyết lúc đói để xác định là tiểu đường giả hay thật. Nếu xét nghiệm máu khi đói mà lượng đường huyết vẫn cao cho thấy tuyến tụy bắt đầu phản ứng kém, lười sản xuất insulin hơn cần có sự tham vấn của bác sĩ để lựa chọn chế độ ăn phù hợp.
“Ăn quá nhiều đường (gồm bánh kẹo, nước ngọt…) trong ngày Tết rất nguy hiểm vì làm hại tuyến tụy. Vì thế, người lớn cần tự điều chỉnh chế độ ăn sao cho phù hợp, không ăn quá nhiều đồ ngọt. Với con trẻ cũng cần sự nhắc nhở, giám sát, tránh trường hợp đường huyết tăng bất thường vì ăn quá nhiều đồ ngọt. Tái diễn hiện tượng này nhiều lần, nhiều ngày sẽ thực sự khiến tuyến tụy mệt mỏi, không còn tiết insulin thì sẽ rất nguy hiểm, vì khi đó là tiểu đường thực sự”, TS Dũng cảnh báo.
Hồng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét