Trang

Các bệnh lý về tim mạch

tuvanungthu.thanhnien.com.vn - Hỏi đáp
 
Các bệnh lý về tim mạch
* Tim của mẹ tôi có các sạn vôi, đồng thời bị hẹp van 2 lá. Đặc biệt huyết áp thường xuyên cao, một phần do bệnh thấp (nhưng nhẹ). Mẹ tôi đã qua khám bệnh tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội và được cấp một số thuốc. Tuy nhiên, do điều kiện chúng tôi không thể mổ ngay. Tôi muốn được hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện cho phù hợp, để giúp mẹ tôi được khỏe mạnh hơn? (Đình Lân, 32 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)
Bác sĩ Sriram Shankar - Bác sĩ phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Gleneagles - Tập đoàn y tế Parkway Health (Singapore): Mẹ bạn nên theo chế độ ăn ít muối và ít chất béo, còn về chế độ tập luyện thì phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc hẹp van và áp lực của phổi. Nếu mức độ hẹp ít thì mẹ bạn có thể chạy bộ chậm, còn mức độ hẹp nghiêm trọng thì chỉ nên đi bộ.
Trường hợp của mẹ bạn do tim bị thấp nên mẹ bạn phải uống thuốc Penicllin dự phòng. Đối với trường hợp mẹ bạn đi chữa răng, thì phải uống thuốc kháng sinh dự phòng.
* Tôi đã từng được mổ nội soi đặt stent (loại không tẩm thuốc) khi bị nhồi máu cơ tim cấp cách đây 1 tháng. Tôi có cảm giác đau lói ở ngực trái khi ho nhưng sau vài giây thì đau giảm dần. Xin bác sĩ cho tôi hỏi liệu có biến chứng nguy hiểm gì sau khi đặt stent không, tôi phải làm gì để tránh những biến chứng đó? Xin cảm ơn bác sĩ. (Vo Cuong, 53 tuổi, TP.HCM)
Bác sĩ Sriram Shankar: Đối với trường hợp của bạn thì tôi cần phải biết thêm một số thông tin:
- Bạn có đang uống thuốc aspIrin hay plavix hay không?
Theo ý tôi, bạn nên giữ thuốc glyceryl trinitrate trong túi. Trong trường hợp các cơn đau ngực xảy ra, bạn cần uống ngay thuốc này. Nếu sau khi uống thuốc mà bạn vẫn bị đau ngực, thì bạn nên đi chụp mạch vành.
* Chào bác sĩ, Cháu của tôi mới sinh được hơn 10 ngày, khám tim có tiếng thổi tâm thu, siêu âm tim thì phát hiện cháu bị hở van 3 lá độ 3 trên 4, động mạch chủ nhỏ. Hiện sức khỏe cháu bình thường, ăn ngủ tốt. chưa có biêu hiện gì. Vậy xin bác sĩ cho hỏi bệnh của cháu có phải phẫu thuật không, khi nào thì phẫu thuật được. Và có phải phẫu thuật lại khi lớn không. Gia đình cần xử lý như thế nào khi có biểu hiện tím tái của cháu. Xin cảm ơn. (Vu Thi Xuan Hanh, 21 tuổi, hanh_vx@yahoo.com)
Bác sĩ Sriram Shankar: Trong trường hợp này bạn cần phải đưa em bé đến bệnh viện gặp bác sĩ Tim mạch nhi để được khám và tư vấn.
* Chữa các bệnh về tim thường khá tốn kém liệu cuộc sống của trẻ sau khi được chữa trị có trở lại bình thường và có thể tham gia các hoạt động thể thao hay không? (Dinh Luat, 35 tuổi, Gò Vấp TP.HCM)
Bác sĩ Sriram Shankar: 80% các bất thường ở tim của trẻ em có thể sửa chữa được, và các bệnh nhân này có thể trở lại với các hoạt động thường ngày nhưng đối với các môn thể thao thi đấu thì cần được cân nhắc tùy vào từng trường hợp cụ thể. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ làm xét nghiệm liệu pháp gắng sức và đánh giá lượng oxy tiêu thụ trước khi đưa ra lời khuyên đối với bệnh nhân.
* Ở VN, nhiều bà mẹ khi đang mang thai phát hiện thai có bất thường ở tim. Theo ông, những dị vật đó có thể sửa chữa được không khi đứa trẻ sinh ra? (Hoang Van Thai, 38 tuổi, Hà Nội)
Bác sĩ Sriram Shankar: Các bất thường về tim được phát hiện trong thời kỳ mang thai có thể đơn lẻ hoặc liên quan tới bất thường về gen nhưng có thể kiểm tra được. Bất thường về gen duy nhất không thể điều trị đó là gen bất thường trên nhiễm sắc thể 13 và nhiễm sắc thể 18. Những bất thường này thường bao gồm vấn đề chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng. Đối với các trường hợp khác, chúng tôi theo dõi sát và đưa các bà mẹ đến phòng chăm sóc đặc biệt để sinh em bé.
* Xin được hỏi: Có phải những vấn đề tim mạch ở trẻ em là bẩm sinh hay không? (Nguyễn Minh, 31 tuổi, Tân Bình TP.HCM)
Bác sĩ Sriram Shankar: Câu trả lời là không. Hầu hết những vấn đề tim mạch bẩm sinh của trẻ em liên quan đến lỗi trong quá trình tạo thành tim hay mạch máu. Một số trường hợp thì liên quan đến nhiễm trùng như bệnh Kawasaki, bệnh nhiễm trùng van tim do vi khuẩn, bệnh thấp tim, đặc biệt là những trẻ em từ 5 - 15 tuổi.
* Xin bác sĩ cho biết những kỹ thuật mới nhất trong điều trị bệnh tim bẩm sinh ở Singapore hiện nay? (Đào Duy Khang, 37 tuổi, Nha Trang)
Bác sĩ Sriram Shankar: Chúng tôi có áp dụng phẫu thuật cho các trường hợp sơ sinh thiếu tháng. Em bé sơ sinh non tháng nhỏ nhất mà chúng tôi đã từng phẫu thuật tim cho cháu khi cân nặng của cháu chỉ đạt 1050 gram và trường hợp trẻ nhỏ nhất phải phẫu thuật tim hở khi cháu chỉ đạt cân nặng 1260 gram được phẫu thuật chuyển gốc động mạch chủ. Chúng tôi cũng sử dụng máy trợ tim phổi (ECMO) cho các cháu bé gặp phải vấn đề tăng áp lực phổi hay hít phải phân su, trẻ bị viêm cơ tim do virus.
* Xin bác sĩ Sriram Shankar - bác sĩ phẫu thuật tim mạch, bệnh viện Gleneagles - Tập đoàn y tế Parkway Health (Singapore) cho biết: Tôi bị cao huyết áp người trẻ đã 4 năm nay, hiện bác sĩ tại VN xác định là Tăng Huyết Áp vô căn nên cho uống thuốc suốt đời. Bác sĩ đang cho uống 3 loại thuốc như sau: Telmisartan(MicardisPlus) 40mg; Lodoz 2,5mg/6,25mg; Atorvastatin Calcium 20mg. Xin bác sĩ cho biết bệnh của tôi có cách nào chữa trị dứt luôn để không phải uống thuốc cả đời như vậy không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Hồng Sơn, 39 tuổi, Gò Vấp TP.HCM)
Bác sĩ Sriram Shankar: Đối với trường hợp bệnh của bạn, cần phải theo dõi huyết áp mỗi ngày, bạn phải uống thuốc điều trị huyết áp suốt đời. Quan trọng nhất là phải thường xuyên kiểm tra cholesterol và chức năng thận.
* Nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nhưng không được phát hiện sớm. Xin bác sĩ cho biết những triệu chứng của căn bệnh này là gì? Nguyên nhân gây ra các dị tật đó? (Tran Duy, 34 tuổi, Đà Nẵng)
Bác sĩ Sriram Shankar: Hầu hết các bất thường về tim được phát hiện trong 3 tháng đầu đời. Tất cả các bé sơ sinh đều được khám trước khi xuất viện hoặc ở lần tim vắc-xin đầu tiên, hoặc trong lần khám sức khỏe trước khi đi học. Các cháu bé xanh xao rất dễ nhận biết. Các bé có lỗ thông ở tim thường ăn uống kém, chậm lớn và thường bị viêm nhiễm phổi tái lại nhiều lần.
* Có bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh nhưng 10-20 năm sau mới phát bệnh. Việc phát hiện muộn như vậy có khó khăn trong điều trị và có thể chữa khỏi được không? (Nguyen Xuan Hoa, 39 tuổi, Nha Trang)
Bác sĩ Sriram Shankar: Đối với bệnh nhân phát hiện muộn, một số trường hợp không thể điều trị và số còn lại phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe và tình trạng của quả tim.
* Tôi có em gái 25 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh đã từng được khám ở bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, Viện tim TP Hồ Chí Minh và được chẩn đoán là: Thiểu sản van ba lá, thiểu sản thất phải, thông liên nhĩ. Các bác sĩ cho biết em tôi chỉ có khả năng phẫu thuật để gia cố tim, không có khả năng chữa khỏi bệnh. Gia đình và em gái tôi không đồng ý mổ tim vì sợ cơ địa của em yếu. Chân tay tím tái. Tuổi càng lớn thì càng phát sinh ra các bệnh khác như ho ra máu, khó thở. Bản thân tôi tin vào khoa học hiện đại sẽ giúp em tôi được phần nào trong việc điều trị bệnh nhưng tôi không thuyết phục được em gái và gia đình. Xin bác sĩ cho biết bệnh của em tôi như vậy có cách nào xử lý tốt hơn không? Nếu tôi đưa em tôi qua Singapore để chữa trị thì kinh phí phải chuẩn bị là bao nhiêu? Trân trọng. (Vũ Anh Thao, 28 tuổi, Vũng Tàu)
Bác sĩ Sriram Shankar: Đối với trường hợp của em gái bạn, để giảm triệu chứng tay chân tím tái, cần đến sự can thiệp của phẫu thuật. Nhưng trước khi làm phẫu thuật cần phải đánh giá lại tình trạng mạch máu phổi.
Còn với triệu chứng em bạn ho ra máu, cần phải đặt ống thông để làm tắc các mạch đang chảy máu.
Về vấn đề kinh phí để chuẩn bị chữa trị thì tôi phải khám trực tiếp cho bệnh nhân, sau đó mới đưa ra được chính xác chi phí là bao nhiêu. Theo tôi, bạn nên đưa em gái bạn đến một bác sĩ nội tim mạch tại Việt Nam trước để có những chẩn đoán ban đầu, sau đó chúng ta mới tính đến các bước tiếp theo.
Nếu cần thêm thông tin bạn có thể liên lạc văn phòng đại diện Tập đoàn y tế Parkway Health (Singapore) tại TP.HCM theo số điện thoại: (84) 838230096
* Xin bác sĩ cho biết những người nào có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh? (Minh Nguyệt, 34 tuổi, TP.HCM)
Bác sĩ Sriram Shankar: Tỉ lệ chung của dị tật tim bẩm sinh là 1/1000 nhưng không phải tất cả các dị tật đều nghiêm trọng. Nếu bố mẹ có tiền sử bệnh tim bẩm sinh thì khả năng con bị bệnh tim bẩm sinh sẽ cao hơn. Đối với những bà mẹ bị nhiễm rubella thai kỳ hoặc cần uống thuốc trong khi mang thai thì khả năng con bị bệnh tim bẩm sinh cũng cao hơn.
* Theo dõi những vấn đề về tim mạch mà bác sĩ giải đáp tôi xin có một thắc mắc: Nguyên nhân nào dẫn đến dị tật tim bẩm sinh? (Thanh Luan, 34 tuổi, Biên Hòa)
Bác sĩ Sriram Shankar: Hầu hết chúng ta đều không rõ nguyên nhân của bệnh tim bẩm sinh bởi nó là hậu quả của nhiều yếu tố. Một số trường hợp là do di truyền như trẻ em có hội chứng down. Trong quá trình hình thành em bé, mạch máu từ não sẽ đi xuống tim để đảm bảo tim có thể hình thành một cách bình thường. Nếu có những dị tật xảy ra với những mạch máu đấy nó sẽ khiến cho cấu trúc của tim hình thành không bình thường.
* Cháu đang có bầu được 17 tuần, cháu mới đi khám, điện tâm đồ và siêu âm tim cho kết quả tim của cháu bị thông liên nhĩ lỗ thứ hai, lỗ thông khá lớn 24mm. Bác sĩ ở Hải Phòng thì bảo cháu theo dõi, đi khám định kỳ và hiện chưa chữa trị gì cho đến khi sinh xong rồi sẽ phẫu thuật vá lại, nhưng có người lại bảo cháu lên viện tim trên Hà Nội để chữa. Hiện tại cháu chưa biết làm như thế nào. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên. (Pham Thi Luu, 26 tuổi, Hải Phòng)
Bác sĩ Sriram Shankar: Đối với trường hợp của bạn, tôi có một số lời khuyên như sau:
- Bạn nên sinh trong bệnh viện.
- Trong quá trình chuyển dạ, bạn cần được theo dõi cẩn thận bởi cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội tim mạch.
- Ngay từ bây giờ bạn cần đi đo áp lực phổi, nếu áp lực phổi bình thường, bạn có thể sinh thường. Nếu áp lực phổi cao, bạn cần đi gặp bác sĩ nội tim mạch ngay để được chữa trị.
* Xin chào chương trình, cho tôi xin được hỏi: Tôi đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn được 9 năm, vừa thay máy mới được gần 2 năm, nhưng thấy sức khỏe vẫn bình thường, chỉ có máy này bị vướng vì cộm lên da hơn. Ăn uống ít thấy ngon miệng, lại bị đau khớp tay, đau lưng, đau vai, đau cổ... Vậy xin hỏi tôi dùng thuốc Glucosamin có được không? Có cần phải thường xuyên dùng thuốc gì? Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cần phải như thế nào? Rất mong được chương trình tư vấn cho tôi. Xin chân thành cảm ơn. (Trần Thị Hương, 54 tuổi, Đà Nẵng)
Bác sĩ Sriram Shankar: Bạn có thể uống Glucosamin. Ngoài ra, bạn nên tập thể dục thường xuyên. Với những triệu chứng về đau xương khớp, lời khuyên của riêng tôi là bạn nên tập yoga.
* Làm thế nào để nhận biết con tôi bị dị tật tim bẩm sinh? (Duc Vinh, 39 tuổi, Hà Nội)
Bác sĩ Sriram Shankar: Nếu trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thì có thể trông như bình thường hoặc tím tái. Nếu trẻ em trông bình thường thì một số triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh có thể là: bé khó ăn, bị viêm phổi, không thể phát triển bình thường.
Nếu bé trông tím tái, thông thường môi hoặc ngón tay của bé sẽ có biểu hiện tím tái. Triệu chứng này có thể nặng hơn sau khi bé khóc hoặc ăn.
* Xin được hỏi người có dị tật tim bẩm sinh có thể sinh hoạt bình thường hay không? (Linh, 37 tuổi, Đà Nẵng)
Bác sĩ Sriram Shankar: Đối với những người có dị tật tim bẩm sinh, nếu nồng độ oxy bình thường và người bệnh trông bình thường thì họ có thể sinh hoạt gần như người bình thường. Còn nếu bệnh nhân bị tím tái hoặc trông không bình thường thì họ sẽ bị hạn chế trong các hoạt động sinh hoạt thông thường.
* Xin bác sĩ cho biết ảnh hưởng của bệnh lý tim bẩm sinh trong cuộc sống? (Minh Cuong, 38 tuổi, TP.HCM)
Bác sĩ Sriram Shankar: Bệnh tim bẩm sinh nếu không được điều trị.
- Đối với những dị tật tim nặng sẽ tử vong sớm lúc nhỏ
- Những trường hợp còn lại có thể sống tới 30-40 tuổi. Tuy nhiên, những bệnh nhân nhóm này phải đến bệnh viện thường xuyên để theo dõi, một số bệnh nhân còn bị giới hạn hoạt động thường ngày, ảnh hưởng đến phương diện kinh tế - xã hội.
Đối với gia đình: Có thể đây là gánh nặng, đối với những gia đình có trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.
- Gia đình dành thời gian và tiền bạc cho quá trình chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Thanh Niên Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét