Trang

Cô giáo yoga đi kiện vì cắt chân không được hỏi ý kiến

vietnamnet.vnCập nhật: 05:00 | 26/06/2012

- Đang là cô giáo dạy yoga, trang điểm…được nhiều nơi mến mộ thì một thảm họa xảy ra cướp đi sức lực, thần thái của chị. Sau cú giáng bất ngờ của số phận ấy, chị còn phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Cú sốc cuộc đời

Giữa tháng 6, Ban Bạn đọc báo VietNamNet tiếp chị Trần Minh Tú, một bạn đọc đặc biệt. Chị đi bằng chân giả tới tòa soạn, nói mạch lạc về lý do thương tật và những bức xúc trong hành trình đòi công lý cho mình. Chị kể: 4 năm về trước khi tôi là giáo viên dạy yoga ở nhà văn hóa Hai Bà Trưng, trong giờ giải lao ngồi uống nước thì bất ngờ bị một ô tô đâm vào làm dập nát cẳng chân. Ngay sau đó tôi được sơ cứu, đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn và chuyển sang Bệnh viện Việt Đức.

Chị Tú mô tả những biến chứng dẫn đến những cơn đau nhức hiện nay của chị.

Đang là người phụ nữ ưa giao du, đi nước ngoài như đi chợ chị Tú trở thành người phụ nữ bị tật nặng. Sau cú sốc ấy chị đứng lên đi tìm công lý cho mình. "Chỉ sau khi đỡ bệnh ở bệnh viện, lắp chân giả tôi đã thuê xe ôm đi khắp nơi để đòi người gây tai nạn có trách nhiệm với mình…".

Sau nhiều năm kiện tụng người gây ra tai nạn cho chị mới chấp nhận đền bù. Chị được 250 triệu đồng và một cái chân giả cứng quèo.

Sau đó, tưởng rằng hành trình kiện tụng của chị sẽ dừng lại. Ai ngờ biến chứng của chân bị cắt sau phẫu thuật lại đưa đẩy chị vào một hành trình kiện tụng khác, với các cơ quan y tế để đòi quyền lợi cho mình. Chị bảo rằng: Ai cũng nghĩ nếu ở tình thế bệnh tật như tôi thì sẽ chết trong 3 tháng. Thế nhưng chẳng ai tin được rằng cái Tú còn sống, chiến đấu từng ngày với bệnh tật.

Cắt chân cẩu thả, giám định thiếu?

Là phụ nữ đơn thân lại nhọc nhằn đi kiện, chị Tú vất vả muôn phần.

Đơn kiện của chị Tú đề cập đến các nội dung như: Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cắt chân phải mà không hỏi ý kiến chị, trong khi chị vẫn tỉnh táo và nhận thức được. Bệnh viện Việt Đức chỉ định phẫu thuật 1/3 dưới đùi phải từ giữa trở xuống của chị trong khi vẫn có thể bảo tồn được. Bệnh viện phẫu thuật cẩu thả gây biến chứng nặng cho chị. Viện Pháp y Quốc gia tiến hành giám định thương tật cho chị chưa đầy đủ % gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chị

Chị Tú đưa ra lý lẽ, trong tờ Phiếu phẫu thuật của bệnh viện có khi tình trạng của chị lúc nhập viện: Tỉnh và nhợt… Khi ấy chị Tú còn nhớ mình vẫn nhờ người đưa đi vệ sinh. Như vậy khả năng nhận thức và quyết định của chị vẫn còn. Bệnh viện phải hỏi ý kiến chị khi quyết định cắt đi chân chị.

Thêm vào đó khi cắt chân thì có để lại biến chứng sau điều trị ở mỏm cụt (sau cắt). Cụ thể, trong quyết định giải thích kết luận giám định của Viện Pháp Y Quốc Gia đối với việc đau nhức mỏm cụt chân của chị Tú sau cắt có ghi rõ: "Tụ ổ dịch khu trú sát dưới mỏm cụt xương đùi phải, tạo khối viêm mặt trước vùng mỏm cụt xương đùi phải có kích thước 34x16mm, bờ trong mỏm cụt xương đùi có khối cấu trúc dịch đặc kích thước 34x16mm, có hình ảnh thoái hóa dạng loãng xương phần còn lại xương đùi phải. Là những biến chứng có sau chấn thương cắt cụt đùi phải từ 1/3 giữa trở xuống của bà Tú".

Còn tỉ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe do thương tích, chị Tú cho rằng: Tôi đã mất đi chân thuận, chân nghề, ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của bản thân. Thêm vào đó phần chấn thương sau phẫu thuật mỏm cụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức lực của tôi… Do vậy kết luận tỉ lệ thương tật của chị chỉ 61% là thấp và thiếu, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khi chị ra tòa đòi quyền lợi cho mình trước đó. 

Bộ Y tế trả lời

Các văn bản trả lời của Viện Giám định Pháp y quốc gia và Bộ Y tế

Trong khi đó trả lời chị Tú trong quyết định 1465/QĐ-BYT, Bộ Y tế cho rằng: "Bệnh nhân Trần Minh Tú đã được tiếp nhận và cấp cứu kịp thời đúng quy trình".

"Về kĩ thuật mổ: Với tổn thương như vậy việc làm sạch mỏm cụt và phục hồi là chính xác, hợp lý, đúng kĩ thuật. Sau mổ bệnh nhân được điều trị truyền dịch, truyền máu, kháng sinh… đúng quy trình kĩ thuật".

"Về việc phẫu thuật chân cho bà Tú mà không hỏi ý kiến chị Tú, qua Hồ sơ bệnh án cho thấy: Bệnh nhân Tú khi đó đang trong tình trạng sốc, mất máu, nên khi chỉ định phẫu thuật bác sĩ đã giải thích tình trạng bệnh nhân với gia đình, sau khi người nhà và bệnh nhân bàn bạc kĩ, 2 người nhà của bệnh nhân đã kí vào hồ sơ phẫu thuật và gia đình chấp nhận rủi ro xảy ra. Điều này bệnh viện đã thực hiện đúng quy định"

"Hiện tại còn một số triệu chứng như bệnh nhân có cảm giác đau, đôi lúc có cảm giác chi ma và cá tổn thương khác như giãn tĩnh mạch, đau lưng, đau cột sống… là những biến chứng lâu dài thường thấy trong các trường hợp tương tự chứ không phải do những sai sót về chuyên môn khi phẫu thuật. Về ổ dịch tại mỏm cụt đùi phải có thể là phát sinh sau phẫu thuật hoặc sau lắp chi giả chứ không phải là sai sót về chuyên môn".

Quyết định 1465/QĐ-BYT, Bộ Y tế cho rằng: Tỉ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên hiện tại của bà Trần Minh Tú được xếp là 61% là đúng theo điểm C, mục 5, phần I, chương II Di chứng vết thương chi dưới của Bản quy định Tiêu chuẩn thương tật ban hành kèm theo Thông tư số 12/TT-LĐ ngày 26/7/1995 của liên Bộ Y tế và Bộ LĐ TB & XH…

Còn về những thương tổn bà Tú đề cập đến trong đơn khiếu nại mà Viện Pháp y Quốc gia chưa giám định là những biến biến chứng có sau chấn thương cụt đùi từ 1/3 giữa trở xuống, hiện tại chưa có quy định tỉ lệ % tổn hại sức khỏe đối với loại biến chứng này nên không được xếp tỉ lệ (?!)

Cần có câu trả lời thuyết phục!
 
Chị Tú không đồng ý với Quyết định trả lời của Bộ Y tế vì cho rằng, chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là bác sĩ Đỗ Kim Sơn - Nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức nên quyết định trên không khách quan.

Mất sạch những khả năng để thực hiện đam mê sau một tai nạn, chị Tú đòi hỏi một câu trả lời khách quan và công tâm là điều dễ hiểu. Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ có hồi âm hợp lý trong một ngày sớm nhất, đó chính là sự sẻ chia đối với chị!


  • Tĩnh Phan.
 
 
 

Vụ cán nát chân cô giáo dạy Yoga ở Hà Nội:: Gây tai nạn chỉ bị phạt 20 tháng cải tạo không giam giữ?

Là một giáo viên có uy tín trong giảng dạy Yoga, chính vì vậy, chị Trần Thị Minh Tú (ở Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) có hợp đồng giảng dạy tại rất nhiều cơ sở.

Chị Trần Thị Minh Tú sau khi bị tai nạn
Chị Trần Thị Minh Tú sau khi bị tai nạn
Hôm đó như thường lệ, sau khi dạy xong tại Nhà văn hoá quận Hai Bà Trưng, (lúc đó là 20 giờ 30 ngày 15/8/2008), chị Tú đang ngồi uống nước trong sân Nhà văn hóa, bất ngờ bị xe ô tô BKS 32L-5236 do ông Nguyễn Văn Thái, sinh năm 1951, trú tại 337 phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) điều khiển, chồm lên lao thẳng vào chị Tú.

Không dừng lại ở đó, chiếc xe còn tiếp tục đâm vào nhiều xe máy đang dựng ở trong sân Nhà văn hoá gây hư hỏng nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, chân phải của chị Tú bị xe nghiền nát, chỉ còn dính lại phần da, chị Tú phải vào bệnh viện Thanh Nhàn rồi đến Việt Đức để mổ cấp cứu, cắt bỏ phần từ gối trở xuống. Hậu quả, chị Tú cụt chân phải vĩnh viễn. Tổn hại được xác định 61% sức khỏe

Sau tai nạn xảy ra, Công an quận Hai Bà Trưng khởi tố vụ án, khởi tố bcan, VKSND quận Hai Bà Trưng đã truy tố bị can Thái về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ngày 19/12/2008, TAND quận Hai Bà Trưng xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Thái 20 tháng cải tạo không giam giữ; buộc bồi thường cho chị Tú 22 tháng lương cơ bản bằng 37, 8 triệu đồng.

Mặc dù tại phiên tòa, chị Tú có đề nghị Thái phải bồi thường số tiền chị đã lắp chân giả nhưng không được toà chấp nhận. Chị Tú có kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo và nâng mức bồi thường. Ngày 3/4/2009, TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm và giữ nguyên hình phạt chính nhưng nâng mức bồi thường lên 30 tháng lương cơ bản. HĐXX quyết định, việc bồi thường tiền lắp chân giả sẽ xem xét tại một vụ án dân dự khác khi bị hại có đủ căn cứ pháp lý và có yêu cầu.

Không đồng tình với mức án và mức bồi thường toà đã tuyên đối với bị cáo, chị Tú cho rằng, việc xét xử còn thiếu khách quan. Hành vi điều khiển xe bất cẩn, đâm nát chân của người khác dẫn đến mất tới 61% sức khỏe và hư hỏng nhiều xe máy khác của Thái mà chỉ bị xử phạt 20 tháng cải tạo không giam giữ là quá nhẹ.

Khi điều tra, xét xử, các cơ quan tố tụng cũng chưa xác định rõ khi gây tai nạn cho chị Tú, bị cáo Thái có say rượu hay không. Vì nếu một người biết lái xe, trong khi sân Nhà văn hoá rất rộng, mà lại để xe chồm lên đâm thẳng vào chị là điều khó hiểu. Hơn nữa, việc tách yêu cầu bồi thường dân sự ra một vụ án khác là không đúng theo quy định của pháp luật.

Ngày 1/4/2010, VKSNDTC đã có kháng nghị đề nghị TANDTC xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án trên, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Bản kháng nghị của VKSNDTC nhận định, nguyên nhân vụ tai nạn là do bị cáo Thái điều khiển xe ô tô đã không làm chủ tốc độ, xử lý kém, khi gặp chướng ngại vật đã đâm vào chị Tú.

Hành vi do bị cáo Thái gây ra là nghiêm trọng, đã làm chị Tú bị thương với tỷ lệ thương tật là 61%. VKSNDTC nhận định, do không điều tra đầy đủ các tình tiết của vụ án như thiệt hại về tài sản, các chi phí hợp lý có thật của người bị hại, về điều trị và đi lại, không xác định thu thập bị giảm sút của người bị hại sau khi tai nạn, nên việc truy tố, xét xử bị cáo Thái theo khoản 1 Điều 202 BLHS và tuyên phạt bị cáo 20 tháng cải tạo không giam giữ là không phù hợp với tính chất mức độ, hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.

Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định

"Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" như sau:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Hải Hà
Đời sống và Pháp luật
 
Chị Trần Minh Tú với sự mất mát lớn sau vụ TNGT.
08:17:00 05/09/2008 - cand.com.vn

Tối 15/8, vụ tai nạn bất ngờ xảy ra bên trong sân Nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã vĩnh viễn cướp đi chân phải của chị Trần Minh Tú, giáo viên dạy Yoga và trang điểm. Chiếc ôtô chỉ dừng lại sau khi đâm vào nhiều chiếc xe máy, chèn qua chân phải chị Tú và đâm cột trụ bê tông của nhà văn hóa.

Một giây kinh hoàng

Ngôi nhà nhỏ của chị Trần Minh Tú nằm sâu bên trong những khu nhà đẹp, cao tầng trên đường Tây Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Người phụ nữ vừa trải qua cú sốc nặng đang ngồi trên ghế với xung quanh toàn thuốc với bông băng. Nét mệt mỏi, sự sợ hãi vẫn còn nguyên trên nét mặt. Chị vẫn bàng hoàng khi nhắc lại giây phút kinh hoàng vào tối ngày rằm tháng 7 vừa qua.

Chiều 15/8, chị Tú có lịch dạy ở 3 lớp dạy: hai lớp Yoga và một lớp dạy trang điểm ở Nhà văn hoá Thanh niên, Nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng. 20h30', kết thúc ca dạy đầu, chị ra bàn bảo vệ trong sân Nhà văn hóa Hai Bà Trưng "ăn lộc" rằm tháng bảy với hai người bảo vệ. Đang ngồi, bất ngờ  chiếc xe ôtô BKS 32L-5236 lao vào bên trong với tốc độ lớn. Dù hét lên thất thanh, cố chạy ra thật nhanh để tránh nhưng không kịp.

Chỉ một tích tắc, chân chị Tú bị chiếc xe cán nát trước khi nó chồm lên hàng xe máy dựng trong sân. Theo chị Tú, những người chứng kiến vụ tai nạn phải nâng ôtô để đưa chị ra. Nhưng chiếc chân đã bị gẫy nát, chảy máu nhiều.

Mặc dù được đưa đến bệnh viện ngay tức khắc, nhưng các bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức buộc phải cắt bỏ chân phải của chị (lên đến một phần đùi) do "dập nát mất đoạn xương đùi, dập nát gối chỉ còn dính một vạt da mỏng". Các bác sỹ phải mổ cấp cứu tạo hình lại mỏm cụt đùi phải, truyền máu, truyền dịch, chống sốc, giảm đau...

Sau khi vết thương tạm ổn, ngày 21/8, chị Tú xin ra Bệnh viện Việt - Đức và vào Bệnh viện Hòe Nhai tiếp tục điều trị.

Nỗi đau để lại

Trong lá đơn gửi tới Báo CAND, chị Tú cho biết, sau khi gây tai nạn, người lái xe đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Mặc dù gia đình người gây tai nạn đã thanh toán viện phí phẫu thuật ở Bệnh viện Việt - Đức và bồi dưỡng 5 triệu đồng, nhưng sau đó không tích cực giải quyết hậu quả. Ban đầu, chị chỉ muốn hai bên thỏa thuận giải quyết chứ không muốn đưa người lái xe ra xử lý trước pháp luật. Nhưng đến nay, quá trình giải quyết không diễn ra theo thiện chí của chị nên chị đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng yêu cầu xử lý theo đúng pháp luật.

Ngày 3/9, chúng tôi đến Công an phường Thanh Nhàn và được biết, lái xe gây tai nạn là ông Nguyễn Văn Thái, công dân phường Thanh Nhàn. Ông Thái gửi xe ôtô tại Nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng. Vào ngày 15/8, ông cho xe vào gửi trong sân nhà văn hóa trong tình trạng bình thường, không uống rượu bia. Ông Thái có giấy phép lái xe, đăng ký xe chính chủ.

Tại thời điểm xảy ra tai nạn có 3 người ngồi tại bàn bảo vệ, chị Tú ngồi ngoài, 2 bảo vệ ngồi phía trong. Lời khai người làm chứng cho biết, ông Thái lái xe với tốc độ cao. Chị Tú hoảng sợ nhảy sang bên trái tránh. Xe ôtô húc vào cột trụ bê tông, đâm vào chân chị Tú và va vào 6 chiếc xe máy đang dựng tại đó.

Công an phường Thanh Nhàn cho biết, do vụ tai nạn xảy ra trong nhà văn hoá nên CSGT không tiếp nhận giải quyết mà phường phải thụ lý. Vụ việc đã được báo lên Công an quận Hai Bà Trưng và đã tiến hành lập biên bản sơ đồ hiện trường. Khi sức khỏe của chị Tú ổn định, Công an phường sẽ tổ chức giải quyết vụ án.

Chị Tú hiện sống độc thân, hằng ngày làm giáo viên dạy Yoga, trang điểm ở nhiều nơi khác nhau. Mất đi một chân là nỗi đau quá lớn, dù vẫn bị sốc, choáng sau vụ tai nạn và sự mất mát một phần cơ thể nhưng có lẽ do được tập luyện nên tinh thần của chị khá vững. Hằng ngày chị vẫn tiếp tục tập luyện. Chị chuẩn bị tương lai của mình: "Tôi sẽ lắp chân giả, cố gắng tập luyện để tiếp tục đi dạy học". Tất nhiên, trước mắt chị còn vô vàn khó khăn.

Nỗi đau, sự mất mát sau mỗi vụ TNGT là quá lớn. Các nạn nhân phải có nghị lực lớn mới có thể vượt qua. Sự tích cực giải quyết hậu quả của người gây tai nạn cũng sẽ đỡ đi phần nào mất mát đó. Mong rằng các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc một cách thấu tình, đạt lý để bớt đi những nỗi đau, sự mất mát của các nạn nhân như chị Tú


Nhóm PVPL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét