Trang

Ung thư tuyến tiền liệt

 
 (25/11/2010)
 

Ung thư tuyến tiền liệt là ung thư hay gặp nhất ở nam giới Mỹ. Cho đến 50 tuổi, cứ 4 nam giới thì 1 có một số tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt. Đến 80 tuổi, tỷ lệ này tăng lên 1/2. Khi bạn về già, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt của bạn tăng lên. Ở Mỹ, tuổi trung bình khi được chẩn đoán là 72.

Ung thư tuyến tiền liệt cũng là nguyên nhân hàng thứ 2 dẫn đến tử vong do ung thư ở nam giới Mỹ. Tuy vậy không giống với các ung thư khác, bạn dễ bị chết cùng với ung thư tuyến tiền liệt hơn là chết vì nó. Trung bình, một nam giới Mỹ có 30% nguy cơ bị mắc ung thư tuyến tiền liệt, nhưng chỉ có khoảng 3% nguy cơ chết vì bệnh này.

Tuyến tiền liệt bao quanh cổ bàng quang phía nam giới và nằm phía sau xương mu và phía trước trực tràng. Chức năng chủ yếu của tuyến tiền liệt là sản sinh hầu hết chất dịch trong tinh dịch, gồm có dịch nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng. Những ống dẫn nhỏ trong tuyến tiền liệt dẫn dịch tới niệu đạo, đường thoát nước tiểu từ bàng quang. Dịch này được giải phóng qua dương vật khi xuất tinh.

Đối với nhiều nam giới chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt đáng sợ không chỉ vì nó đe dọa cuộc sống mà còn vì nó đe dọa đến khả năng tình dục của họ. Trong thực tế, hậu quả có thể có của điều trị - gồm rối loạn điều khiển bàng quang và rối loạn chức năng cương dương (liệt dương) - có thể khiến một số người lo lắng hơn chính bệnh ung thư.

Một tin mừng là nếu ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm - khi nó vẫn còn khu trú ở tuyến tiền liệt - bạn có một cơ hội tốt để điều trị thành công với tác dụng phụ ít và nhất thời. Rất khó điều trị thành công ung thư tuyến tiền liệt đã di căn ra ngoài tuyến. Nhưng các cách điều trị hiện nay có thể giúp kiểm soát được ung thư.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Vấn đề trong phát hiện ung thư tuyến tiền liệt là ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Đó là lý do tại sao nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt không được chẩn đoán cho đến khi đã di căn ra ngoài tuyến.

Khi triệu chứng xảy ra, các triệu chứng có thể gồm:

- Đau âm ỉ ở vùng bụng dưới

- Mót đi tiểu

- Khó bắt đầu đi tiểu

- Đau khi đi tiểu

- Dòng nước tiểu yếu và nhỏ giọt

- Dòng nước tiểu bị gián đoạn

- Cảm giác bàng quang chưa hết nước tiểu

- Đái dắt vào ban đêm

- Có máu trong nước tiểu

- Đau khi xuất tinh

- Đau lưng, hông và phía trên đùi

- Chán ăn và sút cân

- Đau xương dai dẳng

Nguyên nhân

Ung thư là một nhóm tế bào bất thường tăng sinh nhanh hơn tế bào bình thường và không bị chết. Tế bào ung thư cũng có khả năng xâm lấn và làm chết mô bình thường, cả ở nơi bắt đầu có khối u hoặc sau khi di căn đến các phần khác của cơ thể. Các tế bào ung thư vi thể phát triển thành những đám nhỏ và tiếp tục tăng sinh, trở thành khối dày và cứng.

Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm và khu trú trong tuyến, ở đây nó không gây tổn hại nghiêm trọng. Nhưng không phải tất cả các trường hợp ung thư đều như vậy. Một số thể ung thư tuyến tiền liệt tiến triển mạnh và di căn nhanh chóng đến các nơi khác trong cơ thể.

Còn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt và tại sao một số týp lại hành động khác như vậy. Việc nghiên cứu chỉ ra rằng phối hợp các yếu tố có thể có vai trò, gồm tiền sử gia đình, chủng tộc, hormon, chế độ ăn và môi trường.

Các yếu tố nguy cơ

Biết được các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tiền liệt có thể giúp bạn xác định liệu bạn có cần và khi nào bạn cần khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. các yếu tố nguy cơ chính gồm:

- Tuổi. Khi bạn già đi, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt của bạn tăng lên.

- Chủng tộc hoặc dân tộc. Vì những lý do còn chưa được hiểu rõ, người da đen dễ bị ung thư tuyến tiền liệt hơn nam giới thuộc các dân tộc khác ở Mỹ. Mặt khác, người Mỹ gốc Á có tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt thấp nhất. Tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt ở người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ da đỏ là thấp hơn ở người da trắng.

- Tiền sử gia đình. Nếu có người thân trong gia đình - cha hoặc anh bị ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt của bạn lớn hơn so với người Mỹ bình thường.

- Chế độ ăn. Chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu giả thiết là chất béo làm tăng sản sinh hormon testosteron, hormon này thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Khi nào cần đi khám

Nếu bạn bị tiểu khó, hãy đến gặp bác sĩ. Cũng đến bác sĩ nếu bạn bị rối loạn cương dương (liệt dương) kéo dài trên 2 tháng hoặc tái phát. Những tình trạng này không phải luôn báo hiệu ung thư tuyến tiền liệt, nhưng cả hai đều là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt.

Nếu bạn là nam giới trên 50 tuổi, bạn có thể cần đến bác sĩ để bàn về việc bắt đầu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Các chuyên gia tiết niệu khuyên nên xét nghiệm máu hàng năm để kiểm tra kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) bắt đầu từ tuổi 50, trừ khi bạn có nguy cơ cao bị ung thư. Nếu bạn là người da đen hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh này, bạn có thể cần xét nghiệm từ tuổi 40. Các chuyên gia cũng khuyên nam giới phải thăm khám trực tràng bằng tay hàng năm bắt đầu từ tuổi 40.

Sàng lọc và chẩn đoán

Ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh có thể được phát hiện trong khi xét nghiệm sàng lọc thường qui. Các xét nghiệm sàng lọc gồm:

- Thăm trực tràng bằng tay (DRE). Trong khi làm DRE, bác sĩ đưa một ngón tay đeo găng đã bôi dầu trơn vào trực tràng để khám tuyến tiền liệt, nằm sát ngay trực tràng. Nếu bác sĩ thấy bất thường trong kết cấu, hình dạng hoặc kích thước tuyến tiền liệt, bạn cần làm thêm xét nghiệm.

- Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch và được phân tích PSA, một chất do tuyến tiền liệt sản sinh tự nhiên giúp hóa lỏng tinh dịch. Bình thường có một lượng nhỏ PSA trong máu. Tuy nhiên, nếu nồng độ PSA cao hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm, phì đại hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

- Xét nghiệm nước tiểu. Mẫu nước tiểu được phân tích để tìm những bất thường có thể chỉ ra bệnh. Xét nghiệm này không phát hiện được ung thư tuyến tiền liệt, nhưng có thể giúp phát hiện hoặc loại trừ các bệnh khác có thể gây triệu chứng và dấu hiệu tương tự.

- Siêu âm qua trực tràng. Nếu các xét nghiệm khác gây lo ngại, bác sĩ có thể dùng siêu âm qua trực tràng để đánh giá kỹ hơn tuyến tiền liệt của bạn. Một đầu dò nhỏ được đưa vào trực tràng. Đầu dò dùng sóng âm thanh để thu được hình ảnh của tuyến tiền liệt.

Nếu các kết quả xét nghiệm ban đầu gợi ý có ung thư tuyến tiền liệt, bạn có thể được sinh thiết tuyến tiền liệt. Trong sinh thiết, những mẫu mô nhỏ được lấy ra và được phân tích để xác định liệu có tế bào ung thư hay không.

Để sinh thiết, bác sĩ sẽ đưa đầu dò siêu âm vào trong trực tràng. Dưới hướng dẫn của các hình ảnh từ đầu dò, bác sĩ sẽ xác định những vùng nghi ngờ. Sau đó một kim nhỏ rỗng được hướng vào giữa tuyến tiền liệt. Đẩy nhẹ kim vào tuyến và lấy ra một phần mô rất mỏng.

Nếu trên siêu âm qua trực tràng thấy có vùng bất thường, bác sĩ sẽ sinh thiết vùng đó. Nếu không thấy có bất thường, ít nhất có 6 phần mô được lấy từ các vùng khác nhau ở tuyến tiền liệt. Một bác sĩ bệnh học chuyên chẩn đoán ung thư và các bất thường mô khác sẽ đánh giá những mẫu này. Từ đó, bác sĩ bệnh học có thể nói liệu đó có phải là ung thư hay không và dự đoán mức độ ác tính của ung thư.

Khi đã có chẩn đoán ung thư, bạn cần làm thêm các xét nghiệm để giúp xác định ung thư đã di căn chưa hoặc đã di căn đi đâu, bao gồm:

- Chụp xương. Chụp xương thu hình ảnh của bộ xương của bạn để xác định liệu ung thư đã di căn tới xương hay chưa. Ung thư tuyến tiền liệt thường di căn trước tiên tới những vùng gần tuyến tiền liệt, như xương chậu và các đốt sống dưới.

- Siêu âm. Siêu âm không chỉ giúp chỉ ra liệu có ung thư hay không mà còn giúp phát hiện liệu bệnh đã di căn sang mô gần đó hay chưa.

- Chụp X-quang ngực. Phim X-quang cho thấy liệu ung thư đã di căn tới phổi, xương sườn, cột sống hay chưa.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp CT cho các hình ảnh cắt ngang cơ thể. Chụp CT có thể xác định hạch lympho to hoặc bất thường ở cơ quan khác nhưng không thể xác định liệu những vấn đề đó có phải là do ung thư hay không. Bởi vậy, chụp CT là hữu ích nhất khi phối hợp với các xét nghiệm khác.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh cắt ngang chi tiết cơ thể  bằng cách sử dụng sóng vô tuyến và từ trường. Chụp MRI có thể giúp phát hiện bằng chứng của di căn ung thư tới hạch lympho và xương.

- Sinh thiết hạch lympho. Sinh thiết hạch lympho là cách tốt nhất để xác định ung thư đã di căn tới hạch lympho gần đó hay chưa. Trong thủ thuật này, một số hạch gần tuyến tiền liệt của bạn được cắt bỏ và soi dưới kính hiển vi để xác định có tế bào ung thư hay không.

Chia độ

Khi sinh thiết xác nhận có ung thư, bước tiếp theo gọi là chia độ, để xác định liệu ung thư ở dạng phát triển chậm hay nhanh. Các mẫu mô được nghiên cứu, những tế bào ung thư tại thời điểm đó được so sánh với tế bào tuyến tiền liệt khỏe mạnh. Những tế bào ung thư càng khác biệt so với tế bào khỏe mạnh, ung thư càng ác tính và dễ di căn nhanh.

Tế bào ung thư nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Một số tế bào ung thư có thể rất ác tính, trong khi một số khác thì không. Bác sĩ bệnh học sẽ xác định hai loại tế bào ung thư nổi bật nhất khi chia độ.

Thang chia độ ung thư thông thường nhất  là từ 1-5, với 1 là dạng ung thư ít tiến triển nhất. Được gọi là thang điểm Gleason, tên của bác sĩ phát minh ra nó, những con số này có thể giúp xác định cách điều trị tốt nhất cho bạn.

Chia giai đoạn

Sau khi biết mức độ tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt, bước tiếp theo gọi là chia giai đoạn, xác định ung thư đã di căn chưa hoặc di căn tới đâu. Ung thư được chia làm 4 giai đoạn dựa trên khoảng cách di căn.

- Giai đoạn I. Ung thư rất sớm khu trú ở vùng vi thể mà bác sĩ không thể sờ thấy.

- Giai đoạn II. Ung thư đã có thể sờ được, nhưng vẫn khu trú trong tuyến tiền liệt.

- Giai đoạn III. Ung thư vượt ra khỏi tuyến tiền liệt tới túi tinh hoặc các mô khác gần tuyến tiền liệt.

- Giai đoạn IV. Ung thư đã di căn tới hạch lympho, xương, phổi hoặc các cơ quan khác.

Các biến chứng

Biến chứng của ung thư tuyến tiền liệt liên quan đến cả bệnh và điều trị. Một trong những lo ngại lớn nhất của nhiều nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt là việc điều trị có thể làm họ bị liệt dương hoặc tiểu tiện không tự chủ. Thật may là, những tác dụng phụ này không kéo dài vĩnh viễn và các liệu pháp điều trị hiện nay giúp đối phó hoặc điều trị được những tình trạng này.

Các biến chứng điển hình của ung thư tuyến tiền liệt và điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm:

- Ung thư di căn. Ung thư tuyến tiền liệt có thể di căn đến các cơ quan ở gần, xương và có thể đe dọa cuộc sống.

- Đau. Mặc dù ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không đau, nhưng một khi nó đã lan tới xương gần đó thì có thể gây đau dữ dội. Điều trị có thể đi từ sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn tới thuốc giảm đau kê đơn. Xạ trị cũng thường được dùng để điều trị tổn thương gây đau. Thường phối hợp xạ trị và thuốc giảm đau kê đơn.

- Tiểu tiện không tự chủ. Cả ung thư tuyến tiền liệt và điều trị đều có thể gây tiểu tiện không tự chủ. Một số nam giới bị tiểu tiện không tự chủ sau khi điều trị ung thư như xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt. Các khuyến nghị điều trị phụ thuộc vào loại tiểu tiện không tự chủ, mức độ nặng và khả năng cải thiện tự nhiên theo thời gian. Điều trị gồm thay đổi hành vi (như là đi vệ sinh vào những giờ nhất định hơn là chờ đến khi buồn tiểu), tập luyện để làm khỏe cơ đáy chậu (thường được gọi là bài Kegel), thuốc và đặt ống thông. Nếu bị rỉ nước tiểu ít nhất một năm mà không có cải thiện, bác sĩ có thể khuyên làm phẫu thuật. Những thủ thuật này có thể gồm cấy cơ thắt nhân tạo, được đặt xung quanh niệu đạo hoặc gốc bàng quang để kiểm soát dòng nước tiểu, hoặc tiêm các chất chặn vào thành niệu đạo ở gốc bàng quang để giảm rò rỉ.

- Rối loạn cương dương (liệt dương). Giống như tiểu tiện không tự chủ, rối loạn cương dương có thể là hậu quả của ung thư hoặc điều trị ung thư, gồm phẫu thuật và xạ trị. Đã có thuốc và các thiết bị hút giúp gây cương cứng để điều trị rối loạn chức năng cương dương. Các thuốc có thể gồm sildenafil (Viagra) và alprostadil (Caverject, Edex). Nếu các cách điều trị khác thất bại, bạn có thể phải phẫu thuật cấy dương vật giúp gây cương cứng.

- Trầm cảm. Nhiều nam giới bị trầm cảm sau khi được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hoặc sau khi cố gắng đối phó với tác dụng phụ của điều trị. Những cảm giác này có thể chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, chúng có thể đến và đi hoặc chúng có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Trầm cảm kéo dài và cản trở khả năng quản lý cuộc sống cần được điều trị. Điều trị có thể gồm tư vấn, thuốc chống trầm cảm hoặc phối hợp cả hai.

Điều trị

Thường có nhiều cách điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Đối với một số nam giới phối hợp điều trị - như là phẫu thuật, sau đó là xạ trị hoặc xạ trị cùng với liệu pháp hormon - có tác dụng tốt nhất. Việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những yếu tố này gồm tốc độ tăng sinh của ung thư, mức độ di căn, tuổi và sức khỏe của bạn cũng như lợi ích và tác dụng phụ tiềm tàng của điều trị.

Những biện pháp điều trị phổ biến nhất đối với ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:

- Chiếu xạ ngoài. Điều trị chiếu xạ ngoài dùng tia X năng lượng cao để tiêu diệt khối u. Một thiết bị được dùng để phát tia xạ. Tia xạ loại này có hiệu quả phá huỷ các tế bào ung thư, nhưng nó cũng có thể làm tổn thương mô lành lân cận.

Bởi vậy bước đầu tiên trong xạ trị là phải xác định chính xác vùng cơ thể cần chiếu xạ. Chụp ba chiều thường được dùng để xác định chính xác vị trí của tuyến tiền liệt và cấu trúc xung quanh. Phần mềm hình ảnh của máy tính giúp các thầy thuốc chuyên khoa tìm được góc tốt nhất để chiếu chùm tia xạ. Bằng cách dùng kỹ thuật mới này - cho phép tập trung chùm tia xạ chính xác hơn - những liều tia xạ lớn hơn có thể được chiếu vào tuyến tiền liệt mà không gây tổn thương mô xung quanh.

Một người sẽ giúp bạn nằm ở một tư thế nhất định trong mỗi lần điều trị. Bạn cũng sẽ được yêu cầu phải để bàng quang đầy nước tiểu trong khi xạ trị. Điều này sẽ đẩy bàng quang của bạn ra khỏi đường đi của tia xạ. Mực đánh dấu trên da bạn sẽ giúp các thầy thuốc chiếu tia xạ đúng vào mục tiêu mỗi lần. Bộ phận che được thiết kế cho từng người giúp bảo vệ mô bình thường gần đó - như là ruột, hậu môn, trực tràng - không bị ăn tia xạ.

Điều trị thường mất 5 ngày mỗi tuần trong khoảng 7-8 tuần. Mỗi lần chiếu xạ mất 15 phút. Tuy nhiên, phần lớn đây là thời gian chuẩn bị - thời gian chiếu xạ chỉ khoảng 1 phút. Bạn không phải vô cảm khi chiếu xạ ngoài vì việc điều trị này không gây đau.

Hầu hết bệnh nhân có một số tác dụng phụ do cách điều trị này, nhưng đa số tác dụng phụ mất đi theo thời gian. Hầu hết bệnh nhân không có vấn đề gì về cương dương hoặc giao hợp ngay sau xạ trị. Tuy nhiên, xạ trị có thể làm tổn thương dây thần kinh điều kiển sự cương dương và động mạch cung cấp máu cho dương vật. Vì vậy nhiều bệnh nhân sau đó bị rối loạn cương dương. Khoảng một nửa số người có chức năng tình dục bình thường trước khi xạ trị vẫn giữ được khả năng này sau điều trị. Bạn càng trẻ, bạn càng có khả năng giữ được chức năng tình dục bình thường.

Trong quá trình điều trị hầu hết bệnh nhân bị rối loạn tiểu tiện. Dấu hiệu và triệu chứng hay gặp nhất là luôn cảm thấy mót tiểu, rát hoặc đau khi đi tiểu, đái dắt và rỉ nước tiểu. Hầu hết những vấn đề này là tạm thời và mất dần trong một vài tháng sau khi kết thúc việc điều trị. Khoảng 5% bị các triệu chứng nặng.

Các rối loạn trực tràng - gồm ỉa chảy, chảy máu trực tràng, khó chịu khi đi ngoài và mót rặn (cảm giác muốn đi ngoài) - có thể nảy sinh trong khi điều trị. Khi liệu trình điều trị đã hoàn tất, các triệu chứng này thường giảm đi. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân tiếp tục bị các rối loạn trực tràng. Hầu hết các triệu chứng trực tràng kéo dài được kiểm soát bằng thuốc. Trong một số ít trường hợp bạn có thể bị chảy máu nặng hoặc loét trực tràng sau xạ trị. Dưới 1% bệnh nhân xạ trị cần phẫu thuật để điều trị biến chứng ở trực tràng hoặc bàng quang.

- Liệu pháp hormon. Khi bạn bị ung thư tuyến tiền liệt, hormon giới tính nam (androgens) có thể kích thích tế bào ung thư phát triển. Loại androgen chủ yếu là testosteron. Liệu pháp hormon dùng thuốc để ngăn cơ thể sản sinh hormon nam. Nó cũng ngăn không cho hormon đến tế bào ung thư. Đôi lúc các bác sĩ dùng phối hợp thuốc để đạt cả hai mục đích này.

Khoảng 75% nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn chọn cách điều trị này để làm chậm sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Vì cách điều trị này có hiệu quả làm thu nhỏ khối u, nên các bác sĩ dùng liệu pháp hormon trong một số trường hợp ung thư giai đoạn sớm - thường phối hợp với phẫu thuật và xạ trị. Hormon làm thu nhỏ khối u lớn vì vậy phẫu thuật hoặc xạ trị có thể cắt bỏ hoặc phá huỷ dễ dàng hơn. Sau những cách điều trị trên, các thuốc này có thể ức chế sự phát triển của các tế bào còn sót lại ở vị trí khối u.

Một số thuốc được dùng trong liệu pháp hormon làm giảm sản sinh testosteron trong cơ thể. Hormon này có tên là chất chủ vận hormon giải phóng hormon hoàng thể (LHRH) - có thể gây ra tình trạng phong bế hóa chất. Sự phong bế này ngăn tinh hoàn (nơi sản sinh 90% testosteron) nhận được thông điệp sản sinh testosteron. Các thuốc thường được dùng trong loại liệu pháp hormon này gồm leuprolid (Lupron, Viadur) và goserelin (Zoladex). Các thuốc này được tiêm mông 3-4 tháng một lần trong suốt phần đời còn lại của bạn.

Các thuốc khác được dùng trong liệu pháp hormon ức chế khả năng sử dụng testosteron của cơ thể. 5-10% testosteron được sản sinh từ tuyến thượng thận và bị ức chế bởi leuprolid hoặc goserelin. Một số thuốc có tên là kháng androgen -có thể ngăn không cho testosteron đi đến tế bào ung thư. Các thuốc thường được dùng cho loại liệu pháp này gồm flutamid (Eulexin), bicalutamid (Casodex) và nilutamid (Nilandron). Chúng có dạng viên và tuỳ theo nhãn thuốc bạn được kê đơn, được uống từ 1-3 lần một ngày.

Chỉ lấy đi testosteron của ung thư tuyến tiền liệt một cách đơn thuần thường không tiêu diệt được ung thư. Trong vòng 1-3 năm, ung thư thường biết cách phát triển không cần testosteron. Khi điều này xảy ra, các biện pháp để ngăn chặn khối u là hạn chế. Nhằm tránh tình trạng kháng này, bạn có thể dùng liệu pháp hormon cách quãng. Trong loại liệu pháp này, các thuốc hormon được ngừng dùng sau khi nồng độ PSA hạ thấp và duy trì ổn định. Thuốc được dùng lại nếu nồng độ PSA lại tăng lên, thường là trên 10.

Vì hầu hết testosteron được sản sinh ở tinh hoàn, phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn (castration) cũng có thể là cách điều trị có hiệu quả - đặc biệt đối với ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn. Thủ thuật này thường được thực hiện ngoại trú và chỉ cần gây tê tại chỗ.

Tác dụng phụ của liệu pháp hormon có thể gồm to vú, giảm ham muốn tình dục, liệt dương, bốc hỏa, tăng cân và giảm khối cơ và xương. Một số thuốc cũng có thể gây buồn nôn, ỉa chảy, mệt mỏi và tổn thương gan.

- Cắt bỏ tuyến tiền liệt tận gốc. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt có tên là cắt bỏ tuyến tiền liệt tận gốc là một lựa chọn khác để điều trị ung thư khu trú trong tuyến tiền liệt. Trong phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt tận gốc, phẫu thuật viên dùng các kỹ thuật đặc biệt để cắt bỏ hoàn toàn tuyến tiền liệt và các hạch lympho tại chỗ, trong khi cố gắng để lại cơ và dây thần kinh điều khiển tiểu tiện và chức năng tình dục.

Có hai phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt là: sau mu và đáy chậu. Trong phương pháp phẫu thuật sau mu, tuyến tiền liệt được cắt đi thông qua một đường rạch ở vùng dưới bụng đi từ dưới rốn tới cách gốc dương vật 2,5 cm. Đây là cách phổ biến nhất để cắt bỏ tuyến tiền liệt vì 2 lý do: phẫu thuật viên có thể dùng đường rạch này để nạo vét hạch lympho ở khung chậu để xét nghiệm xem ung thư đã di căn chưa. Ngoài ra, thủ thuật này giúp phẫu thuật viên tiếp cận tốt với tuyến tiền liệt, dễ dàng giữ được dây thần kinh điều kiển chức năng bàng quang và cương dương.

Với phương pháp đáy chậu mà các bác sĩ ít dùng hơn, đường rạch được thực hiện giữa hậu môn và bìu. Phẫu thuật đáy chậu này thường ít chảy máu hơn, và thời gian hồi phục ngắn hơn nếu bạn là người to béo. Phương pháp này làm cho phẫu thuật viên khó định vị và giữ bó thần kinh lân cận. Hơn nữa, phẫu thuật viên không thể cắt bỏ các hạch lympho gần đó.

Trong khi mổ , một catheter được đặt qua dương vật vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang trong giai đoạn hồi phục. Catheter này sẽ được đặt trong 1-2 tuần sau phẫu thuật trong khi lành đường tiết niệu.

Sau khi rút catheter, bạn dễ bị một số rối loạn điều kiển bàng quang (tiểu tiện không tự chủ) mà có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng. Khoảng 95% nam giới cuối cùng hồi phục lại sự kiểm soát. Phần lớn trong số 5% còn lại bị tiểu tiện không tự chủ, khi căng thẳng, nghĩa là họ không thể nín tiểu khi bàng quang bị tăng áp lực, như thường xảy ra khi bạn hắt hơi, ho, cười hoặc xách nặng. Ở một số nam giới, rỉ nước tiểu kéo dài và cần mổ lại để điều trị vấn đề này.

Liệt dương là một tác dụng phụ khác của cắt tuyến tiền liệt tận gốc vì các dây thần kinh ở hai bên tuyến tiền liệt giúp kiểm soát cương dương có thể bị tổn thương hoặc bị cắt trong khi phẫu thuật. Từ 60-80% nam giới dưới 50 tuổi được phẫu thuật bảo tồn thần kinh có thể vẫn có chức năng cương dương bình thường sau đó. 20-40% nam giới không thể làm được như vậy. Đối với nam giới ở tuổi 70, khoảng 15-25% vẫn duy trì được chức năng tình dục bình thường. Những người khó đạt hoặc khó duy trì được sự cương cứng trước phẫu thuật có nguy cơ cao hơn bị liệt dương sau phẫu thuật. Có nhiều cách để giúp phục hồi khả năng sau phẫu thuật.

- Cấy hạt phóng xạ. Hạt phóng xạ được tiêm vào tuyến tiền liệt và đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây như một cách điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Những hạt này, còn gọi là liệu pháp gắn phóng xạ, phân phối liều phóng xạ cao hơn chùm tia xạ bên ngoài.

Trong khi thủ thuật cấy - thường kéo dài từ 1-2 giờ và được thực hiện ngoại trú - từ 100-200 hạt phóng xạ cỡ hạt gạo được tiêm vào tuyến tiền liệt bằng kim tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm. Số lượng hạt được tiêm phụ thuộc vào kích thước tuyến tiền liệt. Liệu pháp này nói chung có tác dụng tốt hơn ở tuyến tiền liệt kích cơ trung bình hoặc nhỏ hơn. Những hạt này chứa một số chất đồng vị phóng xạ - gồm iod và paladi - tuỳ theo độ của ung thư. Những hạt này không cần lấy bỏ sau khi ngừng phát xạ.

Các hạt iod và paladi thường chỉ phát xạ trong phạm vi một vài milimét từ vị trí của chúng. Loại phóng xạ này không thể thoát ra khỏi vùng tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên trong một vài tháng đầu bạn nên cách xa trẻ nhỏ và phụ nữ có thai ít nhất 2 mét, đây là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với phóng xạ. Tất cả lượng phóng xạ bên trong thường hết trong vòng 1 năm.

Tác dụng phụ của cấy hạt khác so với tia xạ bên ngoài. Cấy hạt phân phối liều  phóng xạ cao hơn tới niệu đạo, gây ra các triệu chứng tiết niệu ở gần như tất cả các bệnh nhân. Bạn có thể cần thuốc để điều trị những triệu chứng này, và một số người cần tự thông tiểu cách quãng.

Khi cấy hạt, các triệu chứng tiểu tiện có xu hướng nặng và kéo dài hơn so với xạ trị bên ngoài. Tuy nhiên, các triệu chứng trực tràng thường ít xảy ra và ít nguy hiểm hơn. Ngoài ra, từ 30-50% bệnh nhân bị liệt dương.

- Hóa trị liệu. Loại điều trị này dùng các hóa chất phá huỷ nhanh chóng tế bào đang tăng sinh. Mặc dù thường có hiệu quả trong điều trị ung thư ở những nơi khác trong cơ thể, hóa trị liệu không thành công trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Khi các thuốc hóa trị liệu mới được triển khai, các thử nghiệm tiếp tục dùng hóa trị liệu một thuốc, phối hợp đa thuốc hóa trị liệu, và phối hợp hóa trị liệu với liệu pháp hormon. Các kết quả ban đầu là tích cực, nhưng vẫn chưa có kinh nghiệm lâu dài với các thuốc mới. Trong tương lai, liệu pháp gen hoặc liệu pháp miễn dịch có thể thành công hơn trong điều trị các khối u tuyến tiền liệt di căn. Công nghệ hiện nay hạn chế sử dụng các cách điều trị này ở một số cơ sở trên toàn quốc do sự an toàn của bệnh nhân.

- Liệu pháp lạnh. Cách điều trị này phá huỷ các tế bào bằng cách làm đông lạnh mô. Những cố gắng ban đầu để điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng liệu pháp lạnh bao gồm đưa một đầu dò vào tuyến tiền liệt qua da giữa trực tràng và bìu (tầng sinh môn). Dùng một đầu dò vi sóng trong trực tràng để theo dõi thủ thuật, tuyến tiền liệt được làm lạnh để phá huỷ các tế bào ung thư. Kém chính xác trong theo dõi phạm vi làm lạnh thường gây tổn thương mô xung quanh bàng quang và các biến chứng lâu dài như chấn thương trực tràng hoặc các cơ kiểm soát tiểu tiện.

Gần đây, những đầu dò nhỏ hơn và những phương pháp chính xác hơn theo dõi nhiệt độ xung quanh tuyến tiền liệt đã được triển khai. Những tiến bộ này có thể làm giảm các biến chứng liên quan đến liệu pháp lạnh, làm cho liệu pháp lạnh hiệu quả hơn trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Mặc dù quá trình này vẫn tiếp tục, cần có thêm thời gian để xác định mức độ thành công của liệu pháp lạnh trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

- Theo dõi. Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) trong máu có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn rất sớm. Điều này cho phép nhiều nam giới chọn cách theo dõi là một biện pháp điều trị. Trong khi theo dõi (còn được gọi là quan sát, liệu pháp theo dõi hoặc liệu pháp trì hoãn), xét nghiệm máu thường xuyên, thăm trực tràng và sinh thiết có thể được thực hiện để theo dõi bằng chứng của tiến triển ung thư.

Trong thời gian theo dõi không có biện pháp điều trị nào được tiến hành - có nghĩa là không được dùng thuốc, xạ trị và phẫu thuật. Theo dõi có thể được đề nghị nếu ung thư của bạn không có triệu chứng, dự kiến là sẽ phát triển rất chậm, nhỏ và khu trú ở một vùng của tuyến tiền liệt.

Theo dõi có thể đặc biệt thích hợp nếu bạn nhiều tuổi, có sức khỏe kém hoặc cả hai. Nhiều bệnh nhân sẽ có tuổi thọ bình thường mà không cần điều trị và ung thư không di căn ung thư hoặc gây các vấn đề khác. Nhưng theo dõi có thể cũng là một lựa chọn hợp lý đối với bệnh nhân trẻ chừng nào bạn còn biết được thực tế và luôn cảnh giác.

Phòng ngừa

Mặc dù không có bất cứ công thức nào có thể đảm bảo bạn không bị ung thư tuyến tiền liệt, bạn có thể thực hiện các biện pháp để làm giảm nguy cơ hoặc làm chậm tiến triển bệnh. Có 3 bước quan trọng nhất bạn có thể thực hiện để giữ cho tuyến tiền liệt bình thường - và sức khỏe nói chung - là ăn uống tốt, hoạt động thể lực và khám bác sĩ thường xuyên.

Chế độ ăn nhiều chất béo có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. Bởi vậy, hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều chất béo, chú trọng hoa quả, rau và chất xơ có thể giúp bạn giảm nguy cơ. Các loại thực phẩm giàu lycopen, một chất chống oxy hóa, cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Những thực phẩm này gồm cà chua sống hoặc nấu chín, các chế phẩm cà chua, bưởi và dưa hấu. Tỏi và rau họ thập tự như bông cải xanh, cải bruxen, cải bắp và súp lơ cũng giúp chống ung thư. Các sản phẩm đậu tương chứa isoflavon giúp giữ nồng độ testosteron ổn định. Do ung thư tuyến tiền liệt sống bằng testosteron, nên isoflavon có thể làm giảm nguy cơ không tiến triển bệnh. Vitamin E cũng cho thấy có triển vọng làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở người hút thuốc lá. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định đầy đủ mức độ lợi ích của vitamin E.

Người ta đã biết rõ là tập luyện thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa đau tim và các bệnh như tăng huyết áp và cholesteron cao. Đối với ung thư, chưa có đủ dữ liệu nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tập luyện thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư, kể cả ung thư tuyến tiền liệt.

Tập luyện tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tuần hoàn và thúc đẩy tiêu hóa - tất cả đều có vai trò ngăn ngừa ung thư. Tập luyện cũng giúp ngăn ngừa béo phì, một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của một số ung thư.

Tập luyện thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ quá sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH: benign prostatic hyperplasia) hoặc giảm thiểu các triệu chứng. Nam giới có hoạt động thể lực thường có các triệu chứng ít nặng hơn nam giới ít vận động.

Sử dụng thường xuyên aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin, các thuốc khác) và các thuốc chống viêm phi steroid (NSAID) khác có thể bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu thấy nam giới từ 60 tuổi trở lên dùng NSAID hằng ngày có thể giảm tới 60% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và tác dụng có lợi này tăng theo tuổi.

Các kỹ năng ứng phó

Khi bạn được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hoặc được điều trị bệnh này, bạn có thể trải qua hàng loạt cảm xúc - gồm hoài nghi, lo sợ, tức giận, lo âu, trống rỗng và trầm cảm. Bạn có thể không thể thoát khỏi được những cảm xúc khổ sở này. Nhưng bạn có thể tìm được cách tích cực đối phó với chúng sao cho chúng không ngự trị cuộc sống của bạn. Các chiến lược sau đây có thể giúp bạn ứng phó với một số khó khăn của ung thư tuyến tiền liệt:

- Chuẩn bị sẵn sàng. Hỏi bác sĩ về các câu hỏi và đọc về ung thư tuyến tiền liệt và những tác dụng phụ của nó. Càng ít bỡ ngỡ, bạn sẽ càng thích ứng nhanh.

- Duy trì các hoạt động bình thường đến mức có thể. Không để ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị chiếm lĩnh cuộc sống của bạn. Cố gắng duy trì nếp sinh hoạt và lối sống mà bạn có trước khi phát hiện ung thư. Trở lại làm việc, đi du lịch, chơi với con hoặc cháu. Bạn cần những hoạt động cho bạn cảm giác có mục đích, có ích và có nghĩa. Nhưng cần nhận thức được rằng khi bắt đầu, bạn có thể có một số hạn chế. Hãy bắt đầu từ từ và tăng dần khả năng chịu đựng.

- Cố đừng đắm mình vào cảm giác buồn chán. Tìm kiếm trò giải trí và dự kiến có ít nhất một thú vui mỗi ngày. Thú vui này có thể gồm theo đuổi một sở thích, chơi gôn hoặc xem phim. Tạo ra những điều thú vị và trông chờ điều đó.

- Tập luyện  nhiều. Tập luyện giúp chống lại trầm cảm và là cách tốt để làm giảm căng thẳng và kích động.

- Tìm cách bù đắp. Nếu bạn có vấn đề về tiểu tiện không tự chủ, hãy ngồi ở dãy ghế sau trong rạp hoặc phòng họp thay vì ở phía trên. Cách này giúp bạn ít bị chú ý nếu bạn cần đi vệ sinh. Ngồi ở cạnh lối đi trên máy bay hoặc tàu hỏa. Mặc quần lót thấm nước nếu bạn không chắc bạn sẽ ngồi gần phòng vệ sinh. Tránh dùng các sản phẩm có chứa caffein, thường làm tăng nhu cầu tiểu tiện.

- Tâm sự với bạn bè, người thân trong gia đình hoặc nhân viên tư vấn. Ung thư là một gánh  nặng quá sức phải mang một mình. Đôi khi sẽ có ích nếu bạn tâm sự với một ai đó về những cảm xúc âm thầm và sợ hãi của bạn. Trí tuệ và cơ thể bạn không tách rời. Bạn càng có cảm xúc tốt, bạn sẽ càng đối phó tốt với bệnh tật. Một số bệnh nhân gia nhập nhóm hỗ trợ vì việc này có thể cho bạn cảm giác hoà nhập, cho bạn cơ hội tâm sự với những người hiểu được hoàn cảnh của bạn và đem đến cho bạn lời khuyên. Bác sĩ hoặc một người nào đó bị ung thư tuyến tiền liệt có thể giúp bạn tìm nhóm hỗ trợ.

- Tìm kiếm mối liên hệ tình dục. Phản ứng tự nhiên của bạn với liệt dương có thể là tránh tất cả các liên hệ tình dục. Đừng suy sụp vì cảm giác này. Đụng chạm, cầm, nắm, ôm và vuốt ve có thể quan trọng hơn đối với bạn và bạn tình của bạn. Thực tế, sự gần gũi mà bạn tạo ra trong những hành động này có thể mang đến ham muốn tình dục lớn hơn bạn từng có trước đây. Có rất nhiều cách để biểu thị ham muốn tình dục của bạn.

- Tìm kiếm sự tích cực. Ung thư không phải toàn là tiêu cực. Những điều tốt có thể đến từ đó. Đương đầu với ung thư có thể làm bạn phát triển về tình cảm và tinh thần, để xác định điều gì thực sự có ý nghĩa với bạn, để giải quyết những mối bất hòa kéo dài và để dành nhiều thời gian hơn cho những người quan trọng với bạn.

Các thuốc bổ sung và thay thế

Khi mọi người đóng vai trò tích cực hơn trong chăm sóc sức khỏe, nhiều người khám phá ra những cách điều trị khác không nằm trong y học chính thống. Trên thực tế, hàng loạt chất bổ sung dinh dưỡng và thảo dược đem đến những cách mới để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh của tuyến tiền liệt và ung thư nói chung. Câu hỏi là, những liệu pháp này có tác dụng không? Một số tỏ ra có triển vọng và đang dần được chấp nhận trong y học chính thống. Nhưng lợi ích và nguy cơ của nhiều sản phẩm và cách làm vẫn còn chưa được chứng minh bằng phương pháp khoa học.

Các sản phẩm dược thảo được chào bán để làm giảm các triệu chứng tuyến tiền liệt hay gặp, như là đái dắt hoặc dòng nước tiểu yếu gồm:

- Cây mận châu Phi

- Cỏ sao nam Phi (Hypoxis rooperi)

- Bí ngô (Cucurbita pepo)

- Lúa mạch đen (Secale cereale)

- Cây tầm ma (Urtica dioica và Urtica urens)

Dùng với lượng nhỏ đến trung bình, những chế phẩm này có vẻ an toàn. Nhưng chúng chưa được nghiên cứu trong những thử nghiệm lâu dài, qui mô lớn để xác định độ an toàn hoặc chứng minh là chúng có tác dụng.

Một ngoại lệ là cây cọ lùn lá răng cưa (Serenoa repens). Không như các chất bổ sung thảo dược khác, nó đã được thử nghiệm rộng rãi và kết quả tỏ ra có triển vọng.

Cọ lùn lá răng cưa được cho là tác dụng bằng cách ngăn ngừa testosteron giáng hóa thành một dạng khác liên quan đến sự phát triển mô truyến tiền liệt. Năm 1998 các nhà nghiên cứu đã tổng kết hơn 12 nghiên cứu liên quan đến cây cọ lùn lá răng cưa và kết luận là cây này có vẻ có hiệu quả như thuốc finasterid (Proscar) trong việc làm giảm kích thước của tuyến tiền liệt phì đại. Và có ít tác dụng phụ hơn. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị cần nghiên cứu thêm để xác định liều bổ sung hằng ngày thích hợp và hiệu quả lâu dài của nó.

Cây cọ lùn lá răng cưa có tác dụng chậm. Hầu hết bệnh nhân bắt đầu thấy cải thiện các triệu chứng tiểu tiện sau 1-3 tháng. Nếu sau 3 tháng bạn không thấy có lợi ích nào từ sản phẩm này, thì nó có lẽ không có tác dụng với bạn. Có vẻ an toàn khi dùng cây cọ lùn lá răng cưa, nhưng hiệu quả lâu dài còn chưa rõ.

Một nhược điểm của thảo dược này và nhiều sản phẩm thảo dược khác là chúng làm giảm nồng độ PSA trong máu. Tác dụng này có thể cản trở hiệu quả của xét nghiệm PSA. Đó là lý do tại sao nếu bạn dùng cây cọ lùn hoặc các thuốc thảo dược khác, bạn cần nói với bác sĩ của bạn trước khi làm xét nghiệm PSA.

Một số thảo dược và các sản phẩm ăn kiêng được quảng cáo là giúp chữa khỏi hoặc phòng ngừa ung thư. Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy những sản phẩm này có tác dụng và một số có thể nguy hiểm. 3 chế phẩm bổ sung chống ung thư phổ biến là:

- Chaparral. Gọi là creosot hoặc nhựa cây, chaparral (Larra tridentata) được lấy từ một loại cây bụi sa mạc ở tây nam nước Mỹ và Mexico. Nghiên cứu về chaparral cho thấy nó không có hiệu quả điều trị ung thư và có thể dẫn đến suy gan không thể hồi phục.

- PC-SPES. Đây là hỗn hợp thảo dược được chào bán để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Nó chứa 8 loại thảo dược: Da Qing Ye (Isatis indigotica), cam thảo tên (Glycyrrhiza, Glycyrrhiza uralensis), tam thất (Panax pseudogingseng), nấm Reishi (Ganoderma lucidum), cỏ long ba Baikal (Scutellaria baicalensis), hoa cúc (Dendranathema morifolium) Rabdosia rubuscent và cây cọ lùn lá răng cưa. Một nghiên cứu về PC-SPES được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine năm 1998 cho thấy là sản phẩm này có tác dụng giống như bổ sung estrogen. Nó làm giảm nồng độ của testosteron là chất thúc đẩy sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt, và trong một số trường hợp có thể ức chế ung thư, ít nhất là tạm thời. Tuy nhiên, sản phẩm này thường gây liệt dương và cương vú. Nó cũng có thể gây huyết khối ở tĩnh mạch sâu ở chân và nếu dùng lượng lớn, có thể gây độc. Một mối lo ngại khác với sản phẩm này là nó có thể che khuất tiến triển của ung thư. Nó làm giảm nồng độ PSA, ngay cả khi ung thư đang tiến triển. Nếu bác sĩ không biết là bạn đang dùng PC-SPES, kết quả xét nghiệm PSA có thể khiến bác sĩ nghĩ rằng ung thư của bạn đang được kiểm soát, nhưng thực sự không phải vậy. Nhà sản xuất ra sản phẩm này, BotanicLab, đã tạm thời thu hồi chất bổ sung này vào tháng 3/2002 sau khi có nhiều câu hỏi của Cục Y tế California. Cơ quan này cho biết xét nghiệm cho thấy sự có mặt của các thành phần thuốc kê đơn không công bố trong các mẫu PC-SPES. Sau đó BotanicLab đã thực hiện những bước đảm bảo độ tinh khiết của sản phẩm.

- Sụn cá mập. Sụn cá mập chứa một protein có khả năng ức chế hình thành tân mạch trong khối u của cá mập. Điều trị bằng sụn cá mập dựa trên gỉa thuyết là viên nang chứa sụn cá mập sẽ có tác dụng tương tự trên người - làm ngừng và làm thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, những lợi ích này chưa được chứng minh trên người, mặc dù một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành. Vì không thể nói rằng những sản phẩm này là không an toàn, tương tác tiêu cực với các thuốc khác hoặc ảnh hưởng đến điều trị ung thư nói chung, cách tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ chế phẩm dinh dưỡng hoặc thảo dược nào.

Người xử lý:  Phùng Thị Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét