Trang

Lưu ý khi giải khát với nước nha đam

 
20/09/2004 07:00 (GMT + 7)
TT - Đông y sĩ Dương Thành Phát đã cảnh báo về việc thời gian gần đây nhiều người - kể cả người già, trẻ con - sử dụng nước giải khát nha đam (cây nha đam còn gọi là cây lô hội) quá thoải mái.
Cây lô hội - Ảnh: K.S.
 
Khi sử dụng một dược phẩm tuy thuộc loại thảo dược cũng có những tác dụng phụ không nhiều thì ít vốn có của nó. Tác dụng phụ có thể người bệnh không cảm nhận ngay mà tiềm ẩn lâu dài.

Ông Phát đã gặp trường hợp một bệnh nhân lớn tuổi bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch, để nhuận trường đã uống lá nha đam khoảng một tuần nên dẫn đến rối loạn nhịp tim. Nhiều gia đình mua nước giải khát nha đam để sẵn trong tủ lạnh, trẻ con vốn thích ngọt uống thay cho nước lọc thì rất tai hại, nhất là với những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.

Theo bài viết của DS Bùi Kim Tùng, cây lô hội còn gọi lưỡi hổ (tên khoa học là Aloe vera hay Aloe barbadensis, họ Aloaceae, trước đây thuộc họ Liliaceae). Người ta thường bóc vỏ lấy cùi lá. Nước ép từ nhu mô lá lô hội được xử lý và ổn định bằng một phương pháp riêng. Nước ép này có tính mát và nhuận trường nhẹ nhưng không ngọt và cũng không an toàn bằng sương sâm, thạch... Aloe vera gel bán tràn lan ở các siêu thị và được quảng cáo là thần dược.

Cùi lá ép nước được bôi ngoài da với tính cách làm mềm da, chống viêm và kháng khuẩn. Đã có một số mỹ phẩm dùng nước ép lá lô hội. Có người thấy vậy bèn cắt lá lô hội (không bóc vỏ) để tự làm mỹ phẩm nên da bị phồng đỏ, vì nước ép từ cùi lá có thành phần khác với nước ép toàn lá (có thêm nhựa).

Lô hội có thành phần khác nhau tùy theo loài cây, nơi trồng và cách làm. Nhờ các phương pháp phân tích hiện đại mà người ta phân biệt được nhựa cây Aloe vera với Aloe capensis cũng như những cây Aloe. Một vài chất trong lô hội bị nghi ngờ là tác nhân gây ung thư đại tràng. Ngoài ra nó còn có phản ứng tương tác với một số chất khác. Người bệnh tim tránh dùng vì có nguy cơ gây loạn nhịp tim. Đông y xếp lô hội vào loại thuốc tả hạ, để tẩy xổ và trục thủy, dùng nhiều làm tổn thương tân dịch và chính khí.

Về tác dụng và dược lý, theo quyển Những cây thuốc và vị thuốc VN của GS Đỗ Tất Lợi, lô hội là một vị thuốc bổ (liều nhỏ 0,05-0,10g), giúp sự tiêu hóa vì nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột. Với liều cao, nó là một vị thuốc tẩy mạnh nhưng tác dụng chậm, gây xung huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ở ruột già.

Đối với đơn thuốc có lô hội, viên nhuận trường chứa 0,08g bột lô hội và một số chất khác dùng chữa táo bón, khó tiêu vì thiếu nước mật, vàng da, yếu gan, yếu ruột - tài liệu cũng cho biết trẻ em dưới 15 tuổi không dùng được.

Theo Từ điển Bách khoa dược học, liều dùng cho người lớn: uống 20-50mg bột nhựa khô (tương đương 1-2 lá tươi) để giúp ăn ngon, kiện tì vị, nhuận gan, lợi mật; 50-100mg bột nhựa khô (tương đương 2-5 lá tươi) để nhuận trường, tẩy nhẹ; 300- 500mg nhựa khô (tương đương 10-20 lá tươi) để tẩy mạnh. Nhựa khô lô hội dùng liều cao có thể gây ngộ độc. Và cũng lưu ý là không dùng cho trẻ em.

KIM SƠN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét