Trang

Chọn rau an toàn hay là rau sạch? 10 Tiêu chuẩn VietGap

Rau an toàn có phải là rau sạch?

 
(GDVN) - "Rau an toàn" ,"rau sạch" là những khái niệm gần đây được nhiều người quan tâm. Vậy giữa "rau an toàn" và "rau sạch" có điểm gì khác nhau hay không?

Thế nào là rau an toàn?

Khái niệm về rau an toàn

Những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa quả có chất lượng đúng như đặt tính giống của nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là "rau an toàn".

Các yêu cầu chất lượng của rau an toàn

Chỉ tiêu về nội chất: Chỉ tiêu nội chất được quy định cho rau tươi bao gồm: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hàm lượng nitrat (NO3). Hàm lượng một sốm kim loại nặng chủ yếu: Cu, Pb, Hg, Cd, As,... Mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (E. coli, Samonella ...) và kí sinh trùng đường ruột (trứng giun đũa Ascaris).

Ảnh minh họa.

Tất cả các chi tiêu trong sản phẩm của từng loại rau phải được dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Quốc tế FAO/WHO hoặc của một số nước tiên tiến: Nga, Mỹ ... trong khi chờ Việt Nam chính thức công bố tiêu chuẩn về các lĩnh vực này

Chỉ tiêu về hình thái: Sản phẩm được thu hoạch đúng lúc, đúng yêu cầu từng loại rau (đúng độ già kỹ thuật hay thương phẩm); không dập nát, hư thối, không lẫn tạp chất, sâu bệnh và có bao gói thích hợp.

Điều kiện sản xuất rau an toàn:

Bao gồm 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP

1. Chọn đất trồng

- Đất cao, thoát nước thích hợp với sự sinh trưởng của rau.

- Cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện ít nhất 2 km, với chất thải sinh hoạt thành phố ít nhất 200 m.

- Đất không được có tồn dư hóa chất độc hại.

2. Nguồn nước tưới

- Sử dụng nguồn nước tưới từ sông không bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý.

- Sử dụng nước giếng khoan (đối với rau xà lách và các loại rau gia vị).

- Dùng nước sạch để pha phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

3. Giống

- Phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất giống. Giống nhập nội phải qua kiểm dịch.

- Chỉ gieo trồng các loại giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh.

- Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý hóa chất hoặc nhiệt để diệt nguồn sâu bệnh.

4. Phân bón

- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau.

- Tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới.

- Sử dụng phân hoá học bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau. Cần kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (integrated Pest Management)

- Luân canh cây trồng hợp lý.

- Sử dụng giống tốt, chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh.

- Chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây (tạo cây khỏe).

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng.

- Sử dụng nhân lực bắt giết sâu.

- Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh hợp lý.

- Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh.

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau:

* Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau.

* Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người.

* Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc).

* Tùy theo loại thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian thu hoạch.

6. Sử dụng một số biện pháp khác

- Sử dụng nhà lưới, nhà kính để che chắn: nhà lưới, nhà kính có tác dụng hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, sương giá, nắng hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật.

- Sử dụng màng nilon để phủ đất sẽ hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

7.Thu hoạch

- Thu hoạch rau đúng độ chín, đúng theo yêu cầu của từng loại rau, loại bỏ lá già héo, trái bị sâu bệnh và dị dạng.

- Rửa kỹ rau bằng nước sạch, dùng bao túi sạch để chứa đựng.

8. Sơ chế và kiểm tra: Sau khi thu hoạch, rau sẽ được chuyển vào phòng sơ chế, Ở đây rau sẽ được phân loại, làm sạch. Rửa kỹ rau bằng nước sạch, dùng bao túi sạch để chứa đựng.

9. Vận chuyển: Sau khi đóng gói, rau sẽ được niêm phong và vận chuyển đến cửa hàng hoặc trực tiếp cho người sử dụng trong vòng 2h để đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn.

10. Bảo quản và sử dụng: Rau được bảo quản ở cửa hàng ở nhiệt độ 20oC và thời gian lưu trữ không quá 2 ngày. Rau an toàn có thể sử dụng ngay không cần phải ngâm nước muối hay các chất làm sạch khác.

Rau an toàn khác gì rau sạch?

Vấn đề cơ bản nhất, "rau sạch" được hiểu là loại rau canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên: không bón phân hoá học; không phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học; không sử dụng thuốc trừ sâu; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; phân bón hoàn toàn là phân hữu cơ (bón gốc và bón qua lá); không dùng hóa chất bảo quản.

Từ đó có thể thấy, điểm khác biệt cơ bản là "rau sạch" được canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, còn "rau an toàn" phải đảm bảo một số chất tồn dư không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thì quan điểm sạch ở đây còn rất trừu tượng vì từ "sạch" có thể hiểu theo cách mang rau từ ruộng vườn lên rửa sạch cho hết đất nhưng nước rửa chưa chắc đã sạch. Hội chúng tôi có quan niệm rằng rau thì phải đảm bảo tiêu chí an toàn chứ không phải rau sạch.

Người tiêu dùng cần rau an toàn chứ sạch không phải là đích cuối cùng, bởi sạch ở đây có thể là rau không bẩn không có sâu, có đất nhưng chưa chắc đã an toàn. Với các sản phẩm rau an toàn tôi cho rằng việc sản xuất và kinh doanh đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ theo quy trình khép kín từ việc đánh giá điều kiện trồng, kiểm soát quá trình trồng cho đến khâu chế biến và phân phối.

Làm cách nào để chọn sản phẩm rau an toàn?

Hiện nay rau gọi là rau an toàn cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu, còn lại vẫn phải mua rau có thể chưa được gọi là an toàn. Các cụ ta có câu "cơm không rau như đau không thuốc", thiếu rau thì rất xót ruột nên rau có thể không sạch, không an toàn những đôi lúc người tiêu dùng vẫn phải làm ngơ để ăn. Với chức năng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, chúng tôi khuyến cáo nên chọn những cửa hàng rau quen thuộc, có địa chỉ rõ ràng, tin cậy vì đây là vấn đề sức khỏe của cả gia đình không thể mua bán theo kiểu may rủi.

Trước khi sử dụng nên rửa nhiều lần để thôi bớt hóa chất, đặc biệt rửa dưới vòi nước chảy. Về phía người sản xuất phải coi trọng sức khỏe người tiêu dùng vì đảm bảo an toàn sức khỏe là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng mà Luật Người tiêu dùng đã quy định.

Về lâu dài, chỉ có kiểm soát tốt chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan có trách nhiệm mới bảo đảm rau an toàn lưu thông trên thị trường thật sự an toàn được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét