Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, sả có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, tác dụng bạt mùi hôi thối, trừ tà khí, giải cảm hàn thấp, nóng sốt, trị đau bụng lạnh, nôn mửa.
Cây sả còn được gọi là cỏ sả, hương mao, tên khoa học Cymbopogon citratus (DC.) Stapf., thuộc họ Lúa (Poaceae).
Người ta trồng sả để lấy thân rễ làm gia vị ăn sống, làm dưa, ướp thịt cá. Lá sả dùng nấu nước gội đầu, thường phối hợp với một số cây có tinh dầu khác (bạc hà, kinh giới, lá chanh, ngải cứu, lá buởi…) để nấu nước xông giải cảm.
Sả còn được dùng để cất tinh dầu. Củ sả chứa 1 – 2% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm mùi chanh mà thành phần chủ yếu là citral (65 – 85%), geraniol (40%).
Ngoài công dụng làm gia vị, củ sả, lá sả và tinh dầu sả đều được dùng làm thuốc từ lâu đời.
Một số cách sử dụng sả làm thuốc
- Lá sả tươi 30 – 40g nấu với 1 lít nước, đun sôi khoảng 5 phút, dùng uống giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực.
- Nõn sả muối dưa ăn để phòng ngừa sơn lam chướng khí, sốt rét.
- Củ sả non rửa thật sạch, xắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô, tán bột dùng trong vệ sinh răng miệng, phối hợp với phèn phi chữa hôi nách, phối hợp với mạch nha để tiêu thực, chữa ăn uống không tiêu, đầy bụng. Ngày dùng 10 – 12g.
- Chữa ho do cảm lạnh, cảm cúm: củ sả 40g, gừng tươi 40g. Hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650ml nước, sôi khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào nấu cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.
- Chữa cảm sốt do phong hàn, nhức đầu, không ra mồ hôi: lá sả, lá chanh, lá bưởi, hương nhu, húng chanh, bạc hà, ngải cứu, kinh giới… một lần dùng 4 – 6g mỗi loại nấu nước xông cho ra mồ hôi.
- Chữa đau dạ dày, tiêu chảy do lạnh: củ sả 12g, gừng nướng sém vỏ ngoài 6 – 12g, củ riềng (sao) 12g, hương phụ (sao) 12g, sắc với 750ml nước, còn lại 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Nếu tiêu chảy nhiều, có thể thêm búp ổi hoặc búp sim 12g cùng sắc uống.
Những món ăn – bài thuốc chế biến với sả
Ốc nhồi thịt hấp lá sả:
Thịt ốc bươu (500g) băm kỹ, trộn đều với thịt heo băm nhuyễn (hoặc giò sống) 100g, nấm mèo 30g, tiêu, gia vị vừa ăn.
Làm viên vừa cho vào vỏ ốc, lấy lá sả bọc lại, nhồi vào vỏ ốc, để cho hai mép lá trồi ra ngoài (cho dễ rút ốc ra) rồi đem hấp cách thủy. Dùng ăn nóng, chấm với nước mắm gừng.
Thịt ốc chứa nhiều chất đạm, ít chất béo, có nhiều các chất khoáng vi lượng như calcium, photphore, sắt, các sinh tố B2, PP… Theo Đông y, thịt ốc có vị ngọt, tính hàn. Tác dụng bổ dưỡng, tiêu viêm, lợi tiểu.
Sự kết hợp giữa tính hàn của ốc và tính ấm nóng của sả và gừng, tạo hương vị thơm ngon cho món ăn, cân bằng được tính hàn nhiệt của món ăn, rất có ích cho cơ thể, có tác dụng bổ dưỡng, trợ tiêu hóa, tăng cường khí lực.
Ốc nướng sả:
Ốc (ốc bươu, ốc nhọn, ốc đá…) 1kg, rửa sạch, nấu chín.
Sả rửa sạch, lấy phần củ mập, đập giập, băm nhỏ, hòa với gia vị các loại. Đổ nước trộn sả và gia vị vào miệng ốc, cho lên vĩ, nướng trên bếp lửa than.
Tác dụng: bổ dưỡng, kiện tỳ, ích khí, có ích cho người muốn giảm cân.
Lươn xào sả ớt:
Nguyên liệu: lươn 300g, ớt 50g băm nhuyễn, sả 100g băm nhuyễn, hai thứ trộn đều. Gia vị gồm hành tím băm, tỏi băm, bột nêm, dầu ăn, nước tương.
Cách làm: làm sạch nhớt lươn với chút tro bếp hoặc giấm, rửa sạch lại, lọc bỏ xương, xắt miếng vừa ăn. Làm hỗn hợp gồm nước tương, hành tím, tỏi băm bột nêm, ít dầu ăn, trộn đều. Ướp lươn với hỗn hợp vừa trộn, để khoảng 10 phút cho ngấm đều gia vị.
Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn, cho lươn đã ướp vào xào sơ rồi cho sả, ớt vào, đảo đều cho đến khi lươn chín thơm là được. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.
Phân tích món ăn:
- Trong 100g thịt lươn có chứa: 18,8mg protid; 0,9mg lipid; 38mg Ca; 150mg P; 1,6mg sắt. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng và vitamin A tương đối nhiều, có thể tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng khả năng tính dục, nên ăn lươn có thể "tráng dương sinh tinh". Ngoài ra, còn có các vitamin B1, B2, B6, PP và D.
Theo Đông y, thịt lươn vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt; thích hợp với các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt.
Thịt lươn còn là vị thuốc tốt với người thể trạng nhiệt, người thiếu máu, gầy còm mệt mỏi; trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ sau sinh cơ thể hư nhược, khí huyết không điều hòa.
Y học hiện đại chứng minh rằng lươn vàng còn có thể trị được bệnh đái tháo đường và làm tăng cường trí nhớ, là thức ăn bồi bổ rất tốt cho người có lượng đường trong máu cao và người lao động trí óc.
- Trong ớt chứa nhiều vitamin A, vitamin C gấp 5 – 10 lần so với cà chua và cà rốt, ngoài ra ớt còn có một hàm lượng acid malic, B1, B2, và Ca, sắt… rất cao.
Chất cay trong quả ớt là Capsaicin có tác dụng kích thích não bộ sản xuất ra chất endorphin, một chất morphin nội sinh, có đặc tính như những thuốc giảm đau, đặc biệt có ích cho những bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính và các bệnh ung thư, lại còn có khả năng giảm béo.
Qua nghiên cứu, người ta ghi nhận Capsaicin là một hợp chất hóa học có khả năng giúp làm giãn nở các mạch máu hay thể hang ở dương vật, khiến máu dồn về làm cho cương cứng, giúp tăng cường khả năng hoạt động tình dục của nam giới.
Như vậy, món lươn xào sả ớt là một món ăn ngon miệng, tác dụng bổ dưỡng, bổ thận dương, mạnh gân cốt, tăng cường khả năng cương dương, kiện tỳ ích khí, giảm đau, giảm béo, giúp tinh thần thư thái.
Lương y Đinh Công Bảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét