Trang

200.000 ca ung thư mỗi năm do sử dụng nguồn nước ô nhiễm

baolamdong.vn - Cập nhật lúc 08:31, Thứ Năm, 14/05/2015 (GMT+7)
 
Trung bình mỗi năm cả nước có tới 9000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà nguyên nhân bởi sử dụng nước bị ô nhiễm.
 
Đó là công bố của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường tại hội thảo "Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước" vừa tổ chức tại Hà Nội.
 
Theo đó, nguồn nước ô nhiễm có nguy cơ không kiểm soát được. Tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe của người dân, làm tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh, dẫn đến suy giảm nòi giống.
 
Đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết thêm, nhiều trạm cấp nước nông thôn, một số nhà máy nước đô thị không đạt các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và vệ sinh ngoại cảnh. Theo đó một số chỉ tiêu thường gặp như clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép, nhiễm E.coli; Coliform; chỉ tiêu Asen không đạt tiêu chuẩn cho phép…
 
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tại hội thảo đã có nhiều ý kiến đề xuất được đưa ra, trong đó có 2 phương án, thứ nhất là xây dựng luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nước với ưu điểm toàn diện, thống nhất; thứ hai là điều chỉnh các quy định của pháp luật hiện có thông qua hai hệ thống văn bản chủ lực là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước.
 
 Sử dụng nguồn nước ô nhiễm dễ mắc bệnh ung thư. Ảnh minh họa.
Sử dụng nguồn nước ô nhiễm dễ mắc bệnh ung thư. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân ô nhiễm
 
-  Ô nhiễm nước  có nguồn gốc tự nhiên: Do mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt đưa vào môi trường nước chất thải bẩn, các sinh vật và vi sinh vật có hại kể cả xác chết của chúng.
 
-  Ô nhiễm nước có nguồn gốc nhân tạo: Quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới dạng lỏng như các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vào môi trường nước. Trong đó, s ản xuất công nghiệp là nguyên nhân chính khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn kim loại nặng.
 
Ảnh hưởng đến sức khỏe
 
Các kim loại nặng: Các kim loại nặng có trong nước là cần thiết cho sinh vật và con người vì chúng là những nguyên tố vi lượng mà sinh vật cần tuy nhiên với hàm lượng cao nó lại là nguyên nhân gây độc cho con người, gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột biến. Đặc biệt đau lòng hơn là nó là nguyên nhân gây nên những làng ung thư. Các kim loại nặng trong nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người là Ag, Hg, Pb, Asen, Zn…
 
Các hợp chất vô cơ: Các hợp chất  hữu cơ tổng hợp bao gồm các chất nhiên liệu,chất màu, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, các phụ gia trong dược phẩm thực phẩm. Các chất này thường độc và có độ bền sinh học khá cao, đặc biệt là các hidrocacbnon thơm gây ô nhiễm môi trường mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Đây chính là nguyên nhân  gây nhiễm độc mãn tính và các bệnh hiểm nghèo như ung thư bàng quang, ung thư phổi …
 
Vi khuẩn trong nước thải:Vi khuẩn có hại trong nước có nguồn gốc từ chất thải sinh hoạt của con người và động vật như virut gây nên bệnh tả, thương hàn và bại liệt. Nó chính là nguyên nhân gây nên các vụ dịch, lây lan các bệnh nguy hiểm, làm cho bệnh dịch ngày càng lan rộng.
 
10 "làng ung thư" có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất
 
Dưới đây là danh sách 10 "làng ung thư" có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất theo khảo sát của dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số "làng ung thư" của VN" công bố:
 
1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP Hà Nội.
2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội.
3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
 
(Theo VnMedia)
 
 
vovgiaothong.vn - Chủ nhật, 1/2/2015

Công bố danh sách "làng ung thư" có nguồn nước ô nhiễm nặng

Theo dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số "làng ung thư" của VN", có 37 "làng ung thư" đều ô nhiễm nặng.
Theo dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số "làng ung thư" của VN", các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 "làng ung thư" đều ô nhiễm nặng.

Dự án trên do Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) triển khai thực hiện và đã kết thúc giai đoạn 1, đang chờ cấp trên xem xét giai đoạn 2.

1.136 người chết

Theo kỹ sư Nguyễn Lưu - liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) miền Trung, đóng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) - dự án không có kết luận gì về nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư mà chỉ điều tra, đánh giá về hiện trạng nguồn nước người dân đang sử dụng để tìm kiếm nguồn nước sạch cung cấp cho dân...

TS Hồ Minh Thọ - phó liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Trung, chủ nhiệm dự án - cho biết 37 "làng ung thư" được điều tra, khảo sát có phạm vi trải rộng nhiều nơi thuộc 22 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Người dân làng Thống Nhất (Hà Nội) sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu từ nguồn giếng khoan, tuy nhiên nguồn nước không được đảm bảo do nước sông Nhuệ chạy quanh làng bị nhiễm asen rất cao (Ảnh: Nguyễn Khánh)

Kết quả điều tra, khảo sát tại các xã của 37 "làng ung thư" đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây, theo TS Thọ, và đó là số liệu do các cơ quan y tế địa phương cung cấp.

Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết.

"Nỗi đau ung thư" đã đổ xuống hàng ngàn gia đình. Có hộ ở làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khi điều tra có tới năm người bị ung thư và ba người trong đó đã chết.

Dân chờ nước sạch

TS Hồ Minh Thọ cho biết: "Qua điều tra, khảo sát của dự án thì điểm chung nhất là các nguồn nước bà con đang sử dụng ở các làng ấy đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước của VN".

Trong giai đoạn 1 các nhà điều tra, khảo sát đã thu thập, phân tích 814 mẫu nước lấy từ nguồn nước sông, suối, giếng... mà người dân đang sử dụng tại 37 "làng ung thư".

Các mẫu nước này đều có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Cụ thể, hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh vượt TCCP, hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn vượt TCCP, hơn 30% số mẫu có tổng hàm lượng sắt  vượt TCCP.

Về thành phần trong nước, theo kết quả phân tích toàn diện và vi lượng thì có 50 mẫu nước thu thập có chứa nhôm, cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt TCCP.

Số mẫu có các chỉ tiêu vi lượng cao hơn TCCP tập trung ở các "làng ung thư": Thạch Khê, Khu 8/11, Đồng Mai, Thống Nhất, Yên Lão, Yên Phong, Kim Thành, An Lộc, An Thổ, Xuyên Tây, Đại An, Phước Thiện, An Hòa, Nhơn Lộc 2, Xuân Vinh, Sơn Nghiệp, Văn Đăng, Đắk Mar, Thôn 4, Trung Hiệp, Nhơn Hậu 1 và Kênh Tư Gà.

Theo TS Hồ Minh Thọ, muốn tìm ra nguồn nước sạch để thay thế cho các nguồn nước ô nhiễm tại các "làng ung thư" ấy thì phải tiến hành giai đoạn 2 của dự án.

TS Thọ nói: "Chúng tôi đã xác định và kiến nghị trước mắt cần thiết phải tiếp tục điều tra, cấp nước sinh hoạt ở giai đoạn tiếp theo cho 10 "làng ung thư" có nguồn nước hiện tại bị ô nhiễm nặng nhất". Nếu có kinh phí thì các làng còn lại cũng cần đầu tư tìm nguồn nước sạch - TS Thọ cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc tìm nguồn nước sạch cho cư dân các "làng ung thư" đến nay vẫn còn nằm trong báo cáo của dự án đã trình lên cấp trên, chưa có phản hồi.

THEO: PHAN SÔNG NGÂN (TUOITRE.VN)
 

Thôn Thống Nhất (huyện Ứng Hòa, Hà Nội): Cả làng sống cùng nguồn nước ô nhiễm

Thứ Ba, 12/05/2015, 16:49 (GMT+7)

(TN&MT) - Hàng chục năm nay, người dân thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng vì nguồn nước nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Sống chung với ô nhiễm

Người dân thôn Thống Nhất tỏ ra vô cùng bức xúc trước tình trạng nguồn nước đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của người dân nơi đây. Điều làm người dân sợ hãi hơn nữa là làng lọt vào "top 10 làng có tỉ lệ ung thư cao nhất cả nước".

Theo khảo sát của PV, làng Thống Nhất là một trong năm thôn của xã Đông Lỗ có vị trí khá xa trung tâm. Bao bọc bốn bề là 3 nhánh của dòng sông Nhuệ hiện đã bị ô nhiễm nặng nề. Đi qua cây cầu xây tạm bắc qua sông để vào làng dễ dàng nhận thấy một màu nước đen ngòm cùng với các loại rác thải ở hai bên bờ sông với mùi hôi thối nồng nặc. Được biết, đây vẫn là nguồn nước chính mà người dân nơi đây bơm trực tiếp vào cánh đồng làng để canh tác nông nghiệp nhiều năm nay.

Mương dẫn nước vào nội đồng sủi bọt trắng xóa
Mương dẫn nước vào nội đồng sủi bọt trắng xóa

Trao đổi với PV Báo TN&MT, Ông Nguyễn Trí Thức, trưởng thôn Thống Nhất cho biết, thông tin người dân nơi đây mắc bệnh và chết vì các bệnh ung thư là có thật. Năm 2014, cả thôn có 347 hộ( 1.200 khẩu) nhưng có tới 11 người chết trong đó có 5 người chết vì ung thư, đa phần dưới 50 tuổi. Thế nhưng địa phương cũng chưa biết nguyên nhân do đâu mà chỉ nhận định đó là do dòng sông Nhuệ chảy qua địa bàn thôn bị nhiễm Asen quá nặng.

Vẫn theo ông Thức, thôn cũng nhiều lần làm đơn phản ánh lên các cơ quan chính quyền và cũng đã có nhiều đoàn về khảo sát, kiểm tra tìm nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác khiến người dân thôn Thống  Nhất luôn sống trong nỗi hoang mang, sợ hãi.

Nước bị ô nhiễm nặng khi thử với nước chè
Nguồn nước tại thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ bị ô nhiễm nặng

Chị Nguyễn Thị Nga sống ở số nhà 28, thôn Thống Nhất sống ở ngay đối diện con mương dẫn nước từ sông Nhuệ chảy vào, hàng chục năm nay ngày nào nhà chị cũng phải chịu đựng mùi hôi thối từ con mương bốc lên, nước ở đây có màu đen đặc sánh, ai đi qua cũng phải bịt mũi nhất là những ngày nắng nóng mùi nồng từ  con sông bay vào trong làng không thể ngửi được.

Trạm bơm Mạnh Tân số 3 đang bơm nước từ sông Nhuệ vào phục vụ canh tác nông nghiệp
Trạm bơm Mạnh Tân số 3 đang bơm nước từ sông Nhuệ vào phục vụ canh tác nông nghiệp

Một người dân khác cũng sống ở làng chia sẻ, nước ở đây đã bị ô nhiễm kinh khủng lắm rồi, đến gà, vịt cũng không dám thả ra mương. Vì xã chưa có nước máy nên nguồn nước dùng ăn uống, sinh hoạt chủ yếu là nước mưa. Số còn lại dùng nước giếng khoan nhưng mức độ ô nhiễm cũng tương đối cao. Chỉ có tưới tiêu ruộng đồng là vẫn phải dùng nước bơm từ nhánh sông Nhuệ lên, biết là ô nhiễm nhưng không có cách nào khác.

Được biết, toàn xã Đông Lỗ có khoảng 500ha đất sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước để phục vụ canh tác chủ yếu lấy từ sông Nhuệ. Mỗi lần đổ ải vào đồng ruộng nguồn nước ô nhiễm nổi bọt trắng xóa đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và sức khỏe của người dân. 

Chính quyền bó tay?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Tuyên– Đại diện cán bộ địa chính xã Đông Lỗ cho biết, vấn đề nguồn nước ô nhiễm đã có từ rất lâu, đến nay thì xã cũng nhiều lần đề nghị phản ánh lên trên xây dựng nhà máy nước sạch cho dân dùng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Giải pháp trước mắt là lãnh đạo xã phát động phong trào tuyên truyền cho dân xây bể lọc, bể chứa nước để sinh hoạt chứ không được dùng trực tiếp nguồn nước từ giếng khoan.

Còn theo Ông Đinh Quang San – Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ, nguồn nước tại thôn Thống Nhất đang bị ô nhiễm nặng, tuy nhiên không riêng gì thôn này mà dọc trục sông Nhuệ cũng có rất nhiều thôn làng khác trong tình trạng tương tự. Xã cũng nhiều lần đón các đoàn về lấy mẫu nước để làm xét nghiệm, nghe nói nước bị nhiễm asen nặng nhưng chúng tôi chưa có biện pháp nào để giúp bà con khắc phục tình trạng này ngoài tuyên truyên bà con sử dụng bể chứa nước mưa, bể lọc nước.

Cũng theo ông San, hiện nay, trên địa bàn xã có 250/1715 hộ (14,5%) là có thiết bị lọc nước, số hộ mua nước bình lọc ăn uống là 120/1715 hộ (6,9%), số hộ sử dụng nước giếng khoan, nước mưa đạt 100% - Ông San nói.

Thúy Dung

 

Nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn Hà Nội: Nguồn ô nhiễm đang lan rộng

Thứ Tư 06:24 04/02/2015
(HNM) - Nước sạch rất cần thiết cho đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, nguồn nước ở khu vực nông thôn đang ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng lưu ý là ngay cả nơi có công trình cấp nước sạch tập trung, người dân vẫn chưa thể yên tâm với chất lượng nước.

Qua phân tích chất lượng nước 73 trạm cấp nước tập trung và 2.400 mẫu nước ở các công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình tại các huyện cho thấy, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn đang lan rộng ở nhiều nơi. Tại huyện Phúc Thọ, qua lấy mẫu ở 3 trạm cấp nước tập trung thì cả 3 trạm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/ BYT và các chỉ số như hàm lượng amoni, clo dư, pecmanganat đều vượt ngưỡng nhiều lần cho phép. Còn qua phân tích 160 mẫu nước công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình tại 10 xã của huyện, có tới 56 mẫu không đạt; trong đó 5 mẫu có độ đục, 4 mẫu có màu sắc, 4 mẫu có chỉ số PH, 4 mẫu có hàm lượng sắt, 19 mẫu có hàm lượng amoni, 24 mẫu có chỉ số pecmanganat, 42 mẫu có vi sinh vật vượt quy chuẩn. Tương tự, qua lấy mẫu phân tích chất lượng nước tại 9 trạm cấp nước tập trung, 212 mẫu nước tại các công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình tại 16 xã của huyện Ứng Hòa, thì 100% mẫu nước tại trạm cấp nước và 94 mẫu công trình cấp nước nhỏ lẻ không đạt quy chuẩn, chiếm 44,3%. Nhiều công trình cấp nước nhỏ lẻ trên địa bàn huyện, bằng mắt thường cũng có thể phát hiện nguồn nước bị vẩn đục, vi sinh vật và có mùi khó chịu, đóng cặn ở đáy xoong, nồi…
 
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Đỗ Quý Hùng, về cơ bản, các chỉ số có tác động lớn đến sức khỏe con người như asen, coliforms, ecoli... đã xử lý đạt chuẩn. Đối với các chỉ số pecmanganat, amoni, clo dư... ở các trạm cấp nước đều vượt quy chuẩn do dây chuyền công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ. Trong khi đó, công tác quản lý, khai thác bộc lộ nhiều bất cập như: Trình độ công nhân quản lý, vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố nghèo nàn. Một số công trình cấp nước tập trung không được bảo dưỡng theo đúng định kỳ, dẫn đến hệ thống công trình đầu mối, mạng lưới đường ống dẫn nước xuống cấp. Còn các công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, hệ thống lọc chưa được xây dựng đúng kỹ thuật hoặc không thường xuyên được vệ sinh, bảo dưỡng…

Một vấn đề nổi cộm tại các trạm cấp nước tập trung là chất thải trong quá trình lọc nước có chứa rất nhiều tạp chất kim loại nặng như sắt, asen… độc hại đang được xả thẳng ra môi trường. Qua kiểm tra 78 trạm cấp nước tập trung đang hoạt động, có tới 77 trạm không có hệ thống xử lý chất thải. Mặt khác, vấn đề xử lý chất thải lâu nay chưa được quan tâm dẫn đến trạm cấp nước không có hệ thống xử lý chất thải.

Ông Đỗ Quý Hùng cho rằng, cần phải có những giải pháp can thiệp hiệu quả để thúc đẩy tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Cụ thể là tập trung đầu tư cấp nước an toàn để người dân không bị xâm hại tới sức khỏe. Trong khi chờ các chương trình, dự án đầu tư của thành phố, người dân nên lựa chọn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh như nước mưa, nước chứa trong bình. Để nâng cao nhận thức trong khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cơ quan chuyên môn cần công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng bộ chỉ số lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích chất lượng nước, đồng thời có kế hoạch cấp nước an toàn, kiểm soát được mối nguy có thể xảy ra đối với sức khỏe con người.
 
Ông Nguyễn Huy Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý chất lượng nước (Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội):

Mức độ nguồn nước nhiễm bẩn nhiều nhất là vùng gần lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, cụm công nghiệp, làng nghề, thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Trì… Nguyên nhân, do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp cuốn theo chất thải rắn, chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, phân bón chưa được xử lý triệt để ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng, bảo vệ nguồn nước ngầm của một bộ phận không nhỏ người dân còn kém, sử dụng tùy tiện, lãng phí.
 
 
Nước sạch nông thôn: Mòn mỏi đến bao giờ?

Bài 1: Những người sống trong sợ hãi...

Thứ Năm 06:25 12/03/2015
LTS: Mới đây, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN-MT) công bố kết quả điều tra 37 "làng ung thư" trên toàn quốc, trong đó cảnh báo riêng nông thôn Hà Nội có 2 trong số 10 "làng ung thư" có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất. Đó là làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) và Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ), gây lo ngại trong dư luận. Đáng quan tâm là trong khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng như vậy nhưng tại khu vực ngoại thành, nhiều làng có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng hoặc khan hiếm, phải dùng nước bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Bài 1: Những người sống trong sợ hãi...

Đã hơn 10 năm nay, người dân thôn Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ ) và thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) dù biết rõ nguồn nước độc hại nhưng vẫn phải sử dụng. Cũng từ đó, căn bệnh ung thư quái ác cũng như các loại bệnh khác ám ảnh từng nhà, gây tâm lý lo sợ cho nhiều người dân.
 
Hệ thống lọc nước giếng khoan của nhà bà Bùi Thị Hạnh, xã Đông Lỗ.
Hệ thống lọc nước giếng khoan của nhà bà Bùi Thị Hạnh, xã Đông Lỗ.

"Ốc đảo"… ô nhiễm

Một ngày sinh hoạt ở nhà bà Bùi Thị Hạnh tại thôn Thống Nhất được quy định rành mạch là nước ăn, uống chỉ được sử dụng từ bể nước mưa, còn nước tắm, giặt... sử dụng từ bể lọc nguồn nước giếng khoan. Vì phải dùng 2 nguồn nước cho sinh hoạt hằng ngày nên nhà bà Hạnh phải đầu tư đường ống riêng cho 2 bể nước khá tốn kém. Đối với bể chứa nước mưa có dung tích khoảng 6m3, đến đầu mùa mưa sẽ được thau rửa sạch cho cả năm sử dụng. Còn với bể lọc nước giếng khoan thì cứ 1 đến 2 lần bơm để lắng là phải thau rửa một lần. Việc thau bể cũng tốn nhiều công sức vì bể chứa nước thô có dung tích khoảng 3m3 phải đặt ở vị trí cao nhất mới đủ áp lực đẩy vào ngăn lọc và bể chứa.

Quan sát bể lắng của nhà bà Hạnh, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nước trong bể mới bơm từ đầu giờ buổi sáng nhưng đến gần trưa đã nổi một lớp váng màu vàng khá dày, nước bên dưới đục như nước ao, có mùi tanh rất khó chịu. Bà Hạnh nói: "Nước ngầm bơm lên sẽ để ở bể lắng khoảng 4 đến 5 ngày. Đến khi tháo nước qua ngăn lọc, bể lắng còn lại một lớp bùn dày khoảng 5cm màu gạch cua, trông rất sợ! Mỗi lần như vậy chúng tôi đều phải thau rửa sạch sẽ trước khi bơm đợt nước mới vào". Hệ thống lọc là một ngăn có diện tích khoảng gần 1m2, được bà Hạnh nhồi một lớp cát đen, một lớp cát vàng và than, nước thô được đưa vào theo chiều ngang, đẩy từ dưới đáy ngăn lọc, rồi chảy sang bể chứa. Dù đã được xử lý khá kỹ nhưng nước sau khi lọc ở bể chứa vẫn nổi một lớp váng màu trắng đục. Bà Hạnh nói giọng lo lắng: "Nước này chỉ dùng vào tắm, giặt thôi nhưng chúng tôi rất ngại khi vẫn phải sử dụng hằng ngày. Ai biết được khi tắm giặt nước không bảo đảm vệ sinh này sẽ không gây nên bệnh cho con người!".

Ở nhà bà Nguyễn Thị Rình cùng thôn Thống Nhất, mô hình sử dụng nước giống như nhà bà Hạnh. Bà Rình cũng phải xây một bể nước mưa dung tích lớn cùng một hệ thống lọc nước ngầm quy mô để sử dụng vào các nhu cầu ngoài ăn, uống. Bà Rình cho biết, "chỉ những gia đình kinh tế khá giả mới mua được máy lọc nước hiện đại, còn đại đa số phải dùng nước ăn, uống trực tiếp từ nước mưa". Gia đình bà Rình có 6 người nên bể nước mưa chứa được khoảng 5m3 phải sử dụng tiết kiệm, đặc biệt là trong những tháng mùa khô thì mọi người trong gia đình luôn phải nhắc nhở nhau sử dụng nước tiết kiệm.

Thôn Thống Nhất được ví như một "ốc đảo" bởi nằm cách biệt với các thôn khác của xã Đông Lỗ. Muốn sang địa phận thôn, từ trung tâm xã phải đi qua một cây cầu bắc qua sông Nhuệ. Thôn được bao bọc bởi con sông Nhuệ có tiếng là ô nhiễm nặng, dòng nước luôn đen kịt và bốc mùi hôi thối. Theo người dân trong làng, từ nhiều năm trước, người dân vẫn "vô tư" sử dụng nguồn nước ngầm cho sinh hoạt hằng ngày. Vào khoảng năm 2008, sau khi có kết quả xét nghiệm hơn 100 mẫu nước từ các giếng khoan trong làng của Sở Khoa học công nghệ Hà Tây (cũ) người dân mới kinh hoàng biết bấy lâu nay họ phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen rất cao, một trong những căn nguyên có thể gây nên căn bệnh ung thư. Trước thông tin này, người dân trong xã đã bảo nhau xây dựng bể chứa nước mưa để sử dụng vào việc ăn uống hằng ngày. Theo Bí thư Chi bộ thôn Thống Nhất Nguyễn Trung Dũng, hiện nay 100% số hộ dân trong thôn có bể chứa nước mưa dùng để ăn uống và bể lọc nước giếng khoan dùng tắm, giặt... Vẫn theo ông Dũng, trước đây cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho hơn 70 hộ dân (trên tổng số 347 hộ dân trong thôn) thuộc diện chính sách, hộ nghèo bình lọc nước inox và xây dựng bể lọc nước, tuy nhiên, đến nay những bình lọc nước này không thể sử dụng vì bị tắc, người dân đành quay lại bể lọc thủ công như cũ.

Tương tự, tại thôn Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, cùng Trưởng thôn Phạm Ngọc Kiên trực tiếp "mục sở thị" một số giếng khoan tại thôn Lũng Vỵ và tiếp xúc với người dân nơi đây, chúng tôi phần nào hình dung về tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã và đang ở mức "báo động đỏ". Theo ông Kiên, thôn Lũng Vỵ hiện chưa có nước sạch, người dân chủ yếu dùng nước giếng khơi (nước bề mặt) để sinh hoạt. Nhưng nguồn nước dần cạn kiệt nên mỗi năm cả thôn có tới 4-5 tháng thiếu nước. Để khắc phục, người dân phải chủ động xây bể chứa nước mưa để lấy nước sinh hoạt, riêng nước uống hầu hết các gia đình chọn giải pháp mua nước đóng chai, rất tốn kém. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguồn nước mưa cũng dồi dào nên bà con vẫn phải tận dụng nguồn nước gạn vàng khè, đục ngầu từ giếng lên dùng tạm. Có nơi 8-10 nhà dùng chung một miệng giếng.

Tại giếng khoan "công cộng" nằm giữa thôn, chúng tôi đếm được hơn chục ống hút máy bơm. Giếng khoan có độ sâu chừng 6-7m, cạn trơ đáy, lộ ra không biết cơ man nào vỏ chai, lọ... Nước dưới giếng chỉ còn chừng gang tay, có màu vàng khè và nổi váng sắt. Bà Đỗ Thị Hoa (46 tuổi) một hộ dân sống đối diện khu vực giếng khoan cho biết, gia đình bà và con trai với hơn chục miệng ăn đều sống nhờ cái giếng này. Nhìn bằng mắt thường cũng biết nước bẩn nhưng cũng chỉ biết xây bể lọc cho cặn bẩn lắng xuống rồi sử dụng. "Chỉ trong mấy năm gần đây mà người trong thôn chết bệnh nhiều quá, hầu hết là bệnh ung thư. Rồi thấy các đoàn kiểm tra nói nước nhiễm nhiều chất kim loại độc hại cho sức khỏe nên hằng ngày gia đình phải mua bình nước lọc cho trẻ con uống, còn người lớn thì vẫn sử dụng nước giếng. Vừa dùng nước vừa lo, không biết rồi đây tương lai sẽ thế nào..." - bà Hoa bức xúc. Theo bà Hoa, "nếu các cơ quan chức năng và chính quyền không sớm có cách gì cải thiện nguồn nước cho dân thì chúng tôi rất lo ngại...".

Bệnh ung thư "gõ cửa"

Khoảnh đất của đại gia đình bà Nguyễn Thị Tuất (70 tuổi) nằm khuất trong con ngõ nhỏ ngay giữa làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Vừa bước vào cổng, một không khí lạnh lẽo, u ám đã bao trùm. Trên khoảng sân trước ngôi nhà cấp 4 nằm xiêu vẹo, chị Bùi Thị Nương, con dâu thứ của bà Tuất đang lặng lẽ ngồi chẻ nan. Dáng người mảnh mai, xiêu vẹo như chính ngôi nhà của chị. Trong ngôi nhà trống hoác, không có một vật dụng gì đáng giá, chị Nương lặng lẽ lau nước mắt: "Gia đình chồng tôi có 5 anh em trai, sau khi lập gia đình, 4 người lần lượt được bố mẹ cắt đất, xây nhà sống quây quần trên cùng khu đất. Công việc đồng áng tuy vất vả, cuộc sống gia đình tuy không dư dật nhưng ai cũng đủ ăn, không khí gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm. Ai ngờ, chỉ sau mấy năm, cuộc sống bây giờ chỉ toàn nước mắt, không biết tương lai rồi sẽ ra sao?..". Tai họa bắt đầu ập xuống gia đình cụ Tuất liên tiếp trong vài năm, năm nào cũng hứng chịu đại tang, bất lực nhìn những người đàn ông trong gia đình lần lượt đau đớn đi vào cõi chết. Năm 2011, con trai út của cụ Tuất, anh Đỗ Văn Tám, một thanh niên khỏe mạnh, đang ở độ tuổi sung sức bỗng nhiên lên cơn đau ngực, ho ra máu. Ngay lập tức, anh Tám được gia đình đưa đến bệnh viện khám, nhưng đã quá muộn. Căn bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn cuối. Dù được gia đình tận tình chăm sóc, anh Tám chỉ cầm cự được vài tháng rồi ra đi ở tuổi 28. Nỗi đau chưa kịp lắng thì đến lượt anh Đỗ Văn Luyện - chồng chị Nương, sinh năm 1970 cũng mắc bệnh ung thư phổi. Kinh tế gia đình vốn không dư dả, từ khi anh Luyện ốm, của nả trong nhà cứ lần lượt "đội nón ra đi". Nhưng mất của vẫn không cứu được người, anh Luyện mất cuối năm 2012. Nỗi đau tiếp tục giáng xuống ngôi nhà của cụ Tuất khi năm 2013 anh Đỗ Văn Ba, sinh năm 1972 mất vì bệnh ung thư gan, năm 2014 bệnh ung thư tụy lại cướp đi mạng sống của anh Đỗ Văn Huấn, sinh năm 1966, con trai cả trong gia đình.

Khi chúng tôi đến thăm, cụ Tuất chỉ ngơ ngác cười, không nói được thành câu. Dường như nỗi đau quá lớn của phận người, khi "Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời...", khiến cụ mất đi cảm giác. Chị Nương sụt sùi lau nước mắt: "Từ lâu nay, năm nào làng này cũng có người mất vì ung thư, vì bệnh hiểm nghèo, nhưng gia đình tôi là đau đớn nhất. Hiện nay chú Đỗ Văn Hoạch (sinh năm 1974) cũng đang bị bệnh viêm gan B rất nặng. Cả gia đình tôi bây giờ chỉ còn biết cầu trời khấn Phật?". Sau cái chết của anh Đỗ Văn Tám, vợ anh do quá buồn khổ cũng bỏ đi xa làm ăn, để lại đứa con mới 7 tuổi cho cụ Tuất nuôi dưỡng. Không có lương hưu, không có thu nhập, hai bà cháu sống nhờ vào sự trợ giúp của các cô, các bác và số tiền ít ỏi từ nghề chẻ lạt của cụ để rau cháo qua ngày. "Không hiểu sao gia cảnh của gia đình tôi đã bi đát đến thế này mà năm lần, bảy lượt xin được hưởng trợ cấp hộ nghèo cho mẹ tôi, xã vẫn chưa đồng ý!?" - chị Nương nức nở.

Ông Phạm Ngọc Kiên, Trưởng thôn Lũng Vỵ cho biết, cả thôn có hơn 400 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu, theo sổ ghi chép của ông thì năm 2014 thôn Lũng Vỵ có 12 người tử vong, trong đó đa số ở độ tuổi dưới 60, người trẻ nhất chưa đầy 30 tuổi. "Tôi mới được bầu làm trưởng thôn nên không nắm rõ số người tử vong từ các năm trước đó. Người dân đau ốm, đi bệnh viện tôi cũng không nắm hết được. Chỉ khi gia đình có người thân tử vong, phải tổ chức đám tang thì tôi mới biết để ghi chép trong sổ tử" - ông Kiên phân trần.

Tiếp xúc với PV Báo Hànộimới, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên tỏ ra rất e dè trong việc cung cấp thông tin, bởi theo ông: "Xã chúng tôi không thích biệt danh "làng ung thư" được gán cho Đông Phương Yên như cách báo chí nói". Tuy nhiên, chính ông Tiến thừa nhận số người tử vong năm 2014 ở thôn Lũng Vỵ không phải con số 12 người, mà thực chất phải lên tới 18-19 người. "Hiện xã chưa có con số chính xác, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu Trạm trưởng Trạm Y tế xã thống kê con số chính xác" - ông Tiến nói. Khi được hỏi về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và tỷ lệ tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo tăng vọt ở làng Lũng Vỵ thời gian qua, ông Tiến cho biết: "Về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước thì chúng tôi không rõ. Mấy năm trước có nghe dân phản ánh về tình trạng ngứa ngáy, dị ứng chân tay mỗi khi ra đồng làm ruộng. Nhưng kể từ khi một số nhà máy chuyển đi khỏi địa phương thì hiện tượng này không còn tái diễn nữa. Vài năm trở lại đây có nghe người dân kêu ca về việc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Thi thoảng xã cũng đón các đoàn về lấy mẫu nước để làm xét nghiệm, nghe nói nước bị nhiễm kim loại, ô nhiễm khá nặng, nhưng chúng tôi cũng chưa có biện pháp nào để giúp bà con khắc phục tình trạng này" (!?). Bất ngờ hơn, liên hệ với ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ để tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Lũng Vỵ, ông Ngọc cho biết chưa từng nghe thông tin nào về "làng ung thư" ở Đông Phương Yên nên không thể trả lời PV, sau đó ông dập máy.

Tại thôn Thống Nhất, trao đổi về thông tin trong những năm qua ở thôn có nhiều người chết bởi căn bệnh ung thư, ông Đinh Quang San, Chủ tịch xã Đông Lỗ cho biết, trong 10 năm trở lại đây có 23 trường hợp tử vong bởi nhiều loại bệnh khác nhau. Ông San cho rằng, cái "danh" "làng ung thư" mà thôn Thống Nhất bị gán thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong thôn. Ông San thừa nhận: "Nguồn nước tại thôn Thống Nhất đang bị ô nhiễm nặng, tuy nhiên không riêng gì thôn này mà dọc trục sông Nhuệ cũng có rất nhiều thôn làng khác trong tình trạng tương tự, thậm chí một số khu vực tỷ lệ nhiễm asen còn cao hơn". Ông San còn đưa ra một nguy cơ khác là trong sinh hoạt ăn uống, người dân thôn Thống Nhất thường có thói quen uống rượu vào buổi sáng, đây cũng có thể là một trong những căn nguyên ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
 
 
Nước sạch nông thôn: Mòn mỏi đến bao giờ?

Bài 2: Nguồn nước ô nhiễm nặng

Thứ Sáu 06:41 13/03/2015
(HNM) - Nguồn nước ô nhiễm nặng trong khi chưa biết đến bao giờ người dân mới được sử dụng nước sạch để bảo đảm sức khỏe là tình trạng chung ở nhiều thôn làng vùng ngoại thành Hà Nội. Để tự bảo vệ mình trước nguy cơ nhiễm bệnh từ nguồn nước, người dân ở đây đã sử dụng nhiều biện pháp như xây dựng bể chứa nước mưa, mua máy lọc nước hoặc mua nước đóng chai về uống.

Thực trạng đáng lo ngại

Theo kết quả phân tích chất lượng nước năm 2014 tại xã Đông Lỗ của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (NSH&VSMTNT) cho thấy, khi lấy mẫu ngẫu nhiên tại gia đình các ông, bà: Nguyễn Công Chức (thôn Thống Nhất); Dương Văn Mạnh, Tạ Thị Vân (thôn Ngọc Trục); Đào Văn Vui (thôn Mạnh Tân); Nguyễn Thị Thúy (thôn Nhân Trai); Phùng Ngọc Sơn (thôn Đào Xá); Trần Thị Hạnh, Nguyễn Hồng Tuyên (thôn Viên Đình), đều không đạt theo tiêu chuẩn QCVN 02/2009-BYT (mức độ II). Mở rộng trên địa bàn huyện Ứng Hòa, theo khảo sát ở 9 trạm cấp nước và 212 mẫu nước ở 16 xã đã cho kết quả đáng báo động. Tại 9 trạm nước, chất lượng nước không đạt quy chuẩn ở các chỉ số như màu sắc, hàm lượng amoni, clo dư, chỉ số pec manganat...; ở 212 mẫu nước thì có đến 94 mẫu không đạt quy chuẩn, chiếm 44,3%.
 
Nguồn nước ở thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa không đạt tiêu chuẩn mức độ II. Ảnh: Đức Nghiêm
Nguồn nước ở thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa không đạt tiêu chuẩn mức độ II. Ảnh: Đức Nghiêm

Phó Giám đốc Trung tâm NSH& VSMTNT Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết, sau 2 đợt lấy mẫu năm 2014, trung tâm đã thông báo với huyện Chương Mỹ cảnh báo các trạm cấp nước sạch có chất lượng nước không đạt quy chuẩn Việt Nam 02/2009/BYT ở các chỉ số như hàm lượng amoni (NH4), hàm lượng clo dư và chỉ số pecmanganat… đều vượt mức cho phép. Kết quả tại các bể chứa nước hộ gia đình lấy mẫu ở 180 hộ đại diện tại 15 xã có 73/180 mẫu không đạt QCVN 02/2009/ BYT, chiếm tỷ lệ 40,6% trong đó nhiều chỉ số vượt cao như chỉ số pH, hàm lượng sắt, vi sinh vật tổng số (coliforms), NH4… Tại xã Đông Phương Yên, theo kết quả phân tích của Trung tâm NSH& VSMTNT ở 12 hộ thì có 6 hộ không đạt theo quy chuẩn. Đáng lo ngại hơn là nước dùng tại Trạm Y tế và Trường Mầm non của xã Đông Phương Yên đều không đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội cho biết, hằng năm, Trung tâm NSH& VSMTNT Hà Nội đều tiến hành 2 đợt lấy mẫu và phân tích mẫu nước tại các trạm cấp nước tập trung nông thôn và tại các bể chứa nước nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Mới đây nhất năm 2014, trung tâm đã tiến hành 2 đợt lấy mẫu vào tháng 4 và tháng 9 tại 73/78 trạm cấp nước tập trung và 2.400 mẫu tại các bể chứa nước nhỏ lẻ tại các hộ dân. Kết quả 2 đợt lấy mẫu, mỗi đợt đều lấy 73 mẫu và phân tích mẫu nước theo quy chuẩn Việt Nam 02/2009/BYTcho thấy cả 2 đợt tổng số 73 mẫu đều không đạt quy chuẩn. Các trạm cấp nước về cơ bản mới xử lý được các chỉ số như asen, coliforms, ecoli... còn lại hầu hết các chỉ số như pecmanganat, amoni... đều vượt quy chuẩn do hầu hết các trạm đã xây dựng từ lâu, dây chuyền công nghệ lạc hậu. Qua kết quả phân tích mẫu tại các trạm cấp nước tập trung cho thấy hiện nay vấn đề ô nhiễm nguồn nước, nhiễm bẩn về amoni, nồng độ amoni tại nhiều trạm cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Đối với các bể chứa nước nhỏ lẻ tại hộ gia đình trong số 2.400 mẫu trên địa bàn 16 huyện cho thấy có tới 956 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Kết quả phân tích tại các mẫu nước trong khu vực này cho thấy tỷ lệ các mẫu bị nhiễm bẩn vi sinh, nhiễm bẩn hữu cơ, nhiễm bẩn amoni hoặc hàm lượng sắt tổng vượt tiêu chuẩn cho phép.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho rằng, hiện tại nhận thức của một bộ phận người dân về Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chưa cao, nhiều nơi đã có trạm cấp nước nhưng không sử dụng. Do thói quen tập quán sử dụng nước giếng khoan và bể nước mưa nên nhiều địa phương sau khi xây dựng trạm cấp nước, việc vận động người dân sử dụng nước máy rất vất vả. Họ ngại đóng tiền nước, không muốn bỏ tiền mua ống đấu nối nước vào nhà, không mua công tơ dẫn đến nhiều trạm hoạt động không được một nửa công suất nên nguồn thu không đủ hạch toán trang trải cho bộ máy quản lý và kinh phí để sửa chữa đường ống khi hư hỏng. Bên cạnh đó có một nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng nước sạch của các trạm cấp nước chưa cao là do chất lượng nước của các trạm cấp nước còn thấp chưa đạt tiêu chuẩn QCVN 02/2009/BYT của Bộ Y tế.

Thực trạng khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội đang rất thiếu và nghèo nguồn nước khiến nhiều vùng vào mùa khô không có nước hoặc trữ lượng nước thấp. Đã thiếu nguồn nước lại không bảo đảm vệ sinh bởi nhiều con sông đang bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm, không đáp ứng yêu cầu cho đời sống sinh hoạt. Đến thời điểm này Hà Nội mới có 106 trạm cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 78 trạm hoạt động ổn định đang cấp nước cho khoảng 286.000 người. Mặc dù số lượng trạm cấp nước còn ít nhưng hiệu suất hoạt động của các trạm không cao, chỉ có 17,95% số trạm hoạt động hết và vượt công suất còn lại đa số các trạm chỉ hoạt động ở mức thấp, nhiều trạm hoạt động cầm chừng theo mùa chỉ đạt 30-60% công suất. Nguyên nhân của việc các trạm chưa hoạt động hết công suất chủ yếu là do nhu cầu dùng nước của các hộ dân chưa cao, trong điều kiện đời sống kinh tế còn thấp, phần đông các hộ xây bể chứa nước mưa để ăn uống chỉ dùng nước máy cho tắm giặt.

Người dân tự đầu độc chính mình?

Thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) và thôn Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) chỉ là 2 trong số 37 thôn (thuộc 22 tỉnh, thành phố) nằm trong dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số "làng ung thư" của Việt Nam" do Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Trung tâm TNN) - thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2012. Đặc điểm chung tại các làng này là nguồn nước hầu như đều bị ô nhiễm hoặc khan hiếm, số người tử vong do ung thư và các bệnh hiểm nghèo cao bất thường. Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm TNN cho biết, danh sách "làng ung thư" không phải do trung tâm lập ra mà được tham khảo từ các nguồn thông tin do Bộ Y tế cung cấp để lấy căn cứ tiến hành khảo sát về chất lượng nguồn nước. Trong quá trình khảo sát và đi thực địa, các cán bộ tiến hành lập danh sách người tử vong do ung thư và các bệnh hiểm nghèo tại các thôn trong khoảng thời gian khá dài, từ 5 năm đến 20 năm. Số liệu điều tra của trung tâm cũng cho thấy, hầu hết các làng nằm trong danh sách đều có mẫu nước bị ô nhiễm coliforms, ecoli (gây tiêu chảy), nhiễm kim loại nặng (nhôm, sắt, asen, mangan…), đặc biệt, nhiều mẫu nước nhiễm thuốc sâu, thuốc diệt cỏ (benzen, bentazone)...

Theo ông Bạch Ngọc Quang, Trưởng ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất thuộc Trung tâm TNN: "Tại mỗi thôn chúng tôi chỉ lấy 6 mẫu nước. Nơi lấy mẫu là các địa điểm dự kiến ô nhiễm nặng như: Giếng ăn gần cống rãnh, ao chứa nước thải, gần gia đình có người tử vong vì ung thư… nên tỷ lệ mẫu nước bị ô nhiễm lớn". Đáng lưu ý, theo ông Quang, hầu hết 37 làng trong danh sách nghiên cứu đều có làng nghề, tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc chế biến lương thực thực phẩm. Đây rất có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt bừa bãi, mất vệ sinh của người dân cũng khiến họ trở thành nạn nhân của chính mình. "Thông thường các giếng khơi, giếng khoan chỉ có độ sâu từ vài mét đến vài chục mét, do đó về bản chất người dân đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt được thẩm thấu từ bề mặt. Thói quen, phong tục tập quán của người dân khiến họ tự làm nhiễm độc nguồn nước rồi lại tái sử dụng. Vô hình trung, họ đang tự đầu độc chính mình" - ông Quang nhận định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét