Trang

Cẩn trọng với ho khan

suckhoegiadinh.com.vn - 5:47 PM | 06/05/2015 - Khỏe +

(SKGĐ) Để ho kéo dài có thể gây ra biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi… không chữa trị sớm sẽ nặng thêm, thậm chí bệnh nhân sẽ tử vong vì khó thở.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo BS. Ngô Thế Phi (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Thủ Đức, TpHCM): "Ho khan là một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Nếu không phát hiện sớm nguyên nhân, thì những cơn ho kéo dài có thể gây ra biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi… không chữa trị sớm sẽ nặng thêm, thậm chí bệnh nhân sẽ tử vong vì khó thở".

BS. Ngô Thế Phi cũng cho biết, hiện có rất nhiều nguyên nhân gây ra ho khan như hít phải khói thuốc, vật lạ, hoặc có thể do họng, phế quản bị kích thích khi cảm lạnh thông thường hoặc là triệu chứng của một bệnh: hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản... Đối với trường hợp ho khan do triệu chứng của một bệnh nào đó, người bệnh cần phải điều trị tìm nguyên nhân. Ví như một số người sử dụng các thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây ho khan, khi ngừng thuốc sẽ hết ho. Còn các trường hợp ho khan không xác định rõ nguyên nhân hoặc điều trị nguyên nhân gây bệnh mà không hết ho thì việc dùng thuốc giảm ho là cần thiết.

Cách hạn chế

Khi bị ho, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để điều trị hoặc đến cửa hàng thuốc hỏi ý kiến dược tá để mua thuốc là không nên một chút nào bởi vì làm như vậy không những bệnh không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm và nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Do vậy, người bệnh cần khám bệnh ở cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây ho (tức là xác định bệnh gì) và phải điều trị đúng bệnh thì vừa khỏi bệnh và vừa hết ho.

Một lưu ý nữa là không phải người bệnh nào bị ho cũng phải dùng kháng sinh. Vì kháng sinh chỉ dùng khi biết chắc chắn là có nhiễm khuẩn. Nếu do virus thì không cần thiết dùng kháng sinh, trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn.

Nên vệ sinh răng, họng, miệng hằng ngày. Nếu có nghiện thuốc lá, thuốc lào nên bỏ đặc biệt là những người bị bệnh hen, bệnh tim, bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, bệnh lao phổi và trong nhà có trẻ em thì việc bỏ thuốc lá, thuốc lào càng sớm càng tốt. Cần vệ sinh môi trường, hoàn cảnh trong từng gia đình, thôn xóm, khu phố, phường. Những vùng nông thôn đang dùng bếp củi, bếp rơm rạ nên sử dụng loại bếp ít khói.

Bài thuốc Đông y chữa ho

- Nếu ho do nguyên nhân cảm lạnh: bạn dùng lá tía tô 20g, lá xương xông 12g, gừng tươi 8g, lá hẹ 12g, kinh giới 8g, đổ 600ml, sắc lấy 200ml. Chia ra uống làm 2 lần.

- Nếu ho kéo dài không rõ nguyên nhân thì dùng:

Rau má 20g; lá chanh, lá tre mỗi vị 12g; vỏ rễ dâu (sao mật) 16g; quả dành dành (sao vàng), cam thảo dây mỗi vị 8g. Đổ 500ml nước, sắc lấy 200ml; người lớn chia ra uống 2 lần.

Tuy nhiên tốt nhất là bạn phải có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe và chống được bệnh.

Quỳnh Anh

Bài viết có sự tư vấn của BS. Ngô Thế Phi

Khoa Nội tiết, Bệnh viện Thủ Đức, TpHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét