Ở quê, mảnh vườn, bờ ao, bờ sông hay bờ kênh nào cũng dễ dàng tìm được những cây vối xanh um bởi chúng thường mọc tự nhiên và cũng dễ trồng. Cây vối có hai loại, một loại lá nhỏ hơn bàn tay, giống lá cây doi, màu vàng xanh thường gọi là "vối kê" hay "vối nếp". Loại thứ hai lá to hơn, hình thoi màu xanh thẫm gọi là "vối tẻ". Hoa vối nở từng chùm, các nụ hình trụ tròn đan cài dày đặc vào nhau. Thường cứ đầu tháng năm, tháng sáu là lúc trẩy những nụ vối để pha uống giải nhiệt trong mùa hè, nếu để quá lứa nụ vối sẽ nở thành hoa trắng rồi kết thành quả màu đỏ thẫm.

 Nụ vối sau khi ủ được phơi khô rồi cất đi dùng dần.
Nụ vối sau khi ủ được phơi khô rồi cất đi dùng dần.

Cây vối có thể sử dụng cả nụ và lá để uống, thứ nước được hãm có màu vàng nâu, hơi chan chát nhưng khi nước vối đọng lại ở cổ lại có vị ngọt rất dễ chịu. Nụ và lá vối được coi là đồ uống hàng ngày như trà, có thể hãm tươi hay hãm khô. Nhưng lâu nay, ông bà ta có thói quen hãm khô, vì vừa giữ được vị ngon lại để được lâu mùa này sang mùa khác. 

Công đoạn từ khi trẩy vối mang về đến khi có vối để hãm uống cũng trải qua nhiều bước. Các bà, các mẹ ở quê cũng rất khéo léo trong việc ủ vối. Theo quan niệm dân gian, việc ủ vối chỉ được làm bởi tay một người, nhiều người làm vối ủ sẽ dễ bị thối và mốc, không giữ được màu và mất độ giòn và ngon. 

Nụ vối và lá vối được nhặt loại bỏ những cuống già, lá úa rồi rửa sạch cho vào chum, vại hay thùng, ủ kèm lá chuối khô hoặc rơm. Trong quá trình ủ phải sấp nước đều cho vối, rồi úp sấp chum xuống mặt đất, để nơi khô thoáng. Quá trình ủ này sẽ làm cho nụ và lá vối mất chất ngái do nhựa và chất diệp lục bị phá hủy làm cho nước vối ngon, đậm đà hơn. Ủ chừng vài ngày rồi lấy nụ và lá vối ra phơi khô dưới nắng, càng hứng được  nhiều nắng, nụ và lá sẽ giòn và thơm lâu. Lúc này, cành vối rụng rời khỏi nụ vối, có màu nâu xám, lá vối săn cong queo lại mang màu xanh nâu trông rất ngộ. Lúc này, các bà, các mẹ dùng sàng để phân loại nụ riêng, cọng riêng, lá riêng cất đi dùng dần.

Nước vối dân dã chan chát khiến nhiều người
Nước vối dân dã chan chát khiến nhiều người "nghiện" bởi tác dụng "thần dược" của nó.

Cách thưởng thức nước vối cũng khá đặc biệt. Nước vối không hãm vào ấm chuyên giống như hãm trà mà phải hãm vào ấm tích giữ nhiệt lâu, vối càng hãm lâu càng tiết ra chất chát tinh túy bên trong, thứ nước cốt này đặc sánh, màu vàng nâu, thậm chí đặc màu nâu đen. Nước vối phải thưởng thức khi còn nóng mới hít hà được vị thơm ngai ngái giản dị, thanh khiết. Nước vối chát chát ngọt thanh đọng lại dư vị trong miệng rất thú vị.

Nước vối dân dã chan chát mà khiến nhiều người "nghiện" bởi tác dụng "thần dược" của nó. Ngoài công hiệu giải khát trong những ngày hè nóng nực, nước vối còn có thể sử dụng quanh năm mà không hề bị mất ngủ như nước chè, lại có tác dụng làm mát và lợi tiểu, đào thải rất tốt các chất độc, cặn bã trong cơ thể. Ngoài ra, theo Đông y chất đắng trong nước vối có tác dụng kích thích giúp tiêu hóa tốt, hỗ trợ phòng và điều trị bênh tiểu đường…

Ngày nay, vối được bán rất đắt hàng ở chợ hay các siêu thị, nụ vối đắt hơn cọng và lá vối, thức uống này được nhiều người lựa chọn vừa để giải khát và để phòng bệnh rất hiệu quả.

Thu Hường