Trang

8 lỗi phổ biến khi đi bộ trên máy

8 lỗi phổ biến khi đi bộ trên máy

Giữ chặt tay vịn, không vung tay tự nhiên, sải chân quá dài hay không sử dụng cài đặt độ dốc... là những sai lầm phổ biến khi sử dụng máy chạy bộ.

Đi bộ trên máy chạy bộ là cách tốt để tăng sức bền và thể lực tim mạch, đốt cháy calo, giảm cân. Tuy nhiên, huấn luyện viên cá nhân người Mỹ Ellen Thompson cho biết: "Tư thế không đúng có thể dẫn đến chấn thương. Căn chỉnh đúng cách giúp giảm căng thẳng cho các khớp và cơ, do đó, giảm nguy cơ chấn thương. Tư thế đúng giúp cải thiện hơi thở; đứng thẳng giúp phổi nở ra tốt hơn và đảm bảo bạn nhận đủ oxy trong quá trình tập luyện".

Ngoài ra, duy trì hình thức và tư thế thích hợp sẽ kích hoạt các cơ lõi, từ đó ngăn ngừa tình trạng khom lưng. Điều này cũng giúp cải thiện sự ổn định và cân bằng, giảm nguy cơ chấn thương. Thompson chỉ ra 8 sai lầm phổ biến nhất cần tránh khi đi bộ trên máy.

Ảnh: Deposit Photos

Ảnh: Deposit Photos

Giữ chặt tay vịn

Giữ chặt tay vịn máy chạy bộ có vẻ là cách để tạo sự ổn định và cân bằng tốt hơn, tuy nhiên, nó có thể phá hỏng buổi tập tim mạch của bạn. "Giữ chặt tay vịn làm giảm hiệu quả tập luyện vì nó giảm sự tham gia tự nhiên của các cơ (cụ thể là phần thân và chân)", Thompson giải thích.

Không vung tay tự nhiên

Một lỗi phổ biến khác cản trở tiến trình đi trên máy chạy bộ là không vung tay tự nhiên. Khi giữ tay ở hai bên, bạn không sử dụng phần thân trên và biến thời gian chạy trên máy thành bài tập toàn thân.

"Ngoài ra, việc không vung tay tự nhiên có thể làm mất thăng bằng và giảm hiệu quả của bài tập", Thompson nói. "Vung tay tự nhiên sẽ giúp chuyển động đi bộ của bạn mượt mà và cho phép bạn duy trì sự thăng bằng".

Sải chân quá dài

Bước chân quá dài có thể dẫn đến chấn thương hoặc gây áp lực không đáng có lên hông, đầu gối và lưng dưới của bạn. Thompson chỉ ra rằng: "Sải chân quá dài cũng làm gián đoạn kiểu đi bộ tự nhiên, có thể dẫn đến đau ống đồng và các chấn thương tiềm ẩn khác".

Đi bộ quá nhanh hoặc quá chậm

Thompson cho biết: "Đi bộ quá nhanh có thể khiến bạn mất kiểm soát, dẫn đến ngã hoặc căng cơ. Đi quá chậm có thể không mang lại cho bạn những lợi ích mong muốn". Ví dụ, đi bộ với tốc độ rất chậm có thể không đủ thách thức đối với hệ thống tim mạch, dẫn đến đốt cháy ít calo hơn nhiều.

Thompson khuyến khích: "Đừng đi bộ quá nhanh, quá chậm, quá dài hoặc quá ngắn. Sải chân tự nhiên là thoải mái nhất và hiệu quả nhất".

Đổ người về phía trước

Đổ người về phía trước quá nhiều khi đi bộ trên máy có thể làm gián đoạn tư thế của bạn và dẫn đến khó chịu hoặc chấn thương. "Điều này đi ngược lại với tư thế phù hợp và có thể gây áp lực không cần thiết lên lưng dưới", Thompson giải thích.

Hãy đặt mục tiêu đứng thẳng, giữ vai về phía sau và cơ bụng hoạt động lúc bạn đi trên máy chạy bộ vì nó giúp giảm căng thẳng và mang lại cho bạn buổi chạy bộ hiệu quả hơn.

Không sử dụng cài đặt độ dốc

Bạn đang tự làm hại mình khi không sử dụng cài đặt độ dốc của máy chạy bộ. Thompson giải thích: "Đi bộ trên bề mặt phẳng không thử thách cơ bắp của bạn nhiều như đi bộ trên dốc".

Kết hợp độ dốc vào bài tập đi hoặc chạy bộ trên máy sẽ tác động đến nhiều nhóm cơ hơn và tăng cường độ sảng khoái, giúp bạn tiến bộ. Đây là cách tuyệt vời để đưa bài tập của bạn lên một tầm cao mới mà không cần phải điều chỉnh tốc độ quá nhiều.

Nhìn xuống dưới

Có thể phản ứng tự nhiên của bạn là nhìn xuống chân khi đi bộ trên máy, nhưng hãy cố gắng tránh điều này. Khi nhìn xuống, bạn có thể khom lưng, từ đó làm căng cổ. Thompson nói thêm: "Điều này cũng làm mất thăng bằng, khiến bạn dễ bước hụt hơn".

Mang giày không phù hợp

Thompson cho biết: "Đôi giày phù hợp là chìa khóa. Giày không hỗ trợ hoặc đệm phù hợp có thể dẫn đến chấn thương, phồng rộp và các chấn thương liên quan đến bàn chân khác".

Một đôi giày đi bộ phù hợp phải có khả năng hỗ trợ, thoáng khí, bền và vừa vặn.

Hướng Dương (Theo Eat This)


Nguồn 
https://ngoisao.vnexpress.net/8-loi-pho-bien-khi-di-bo-tren-may-4818100.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét