Trang

Khác biệt giữa chạy bộ 30 phút buổi sáng và đi bộ 60 phút buổi tối. Chạy tại chỗ 10 phút cũng tốt.

Khác biệt giữa chạy bộ 30 phút buổi sáng và đi bộ 60 phút buổi tối

Chạy bộ 30 phút buổi sáng hỗ trợ giảm cân, tăng sức khỏe tim mạch, tinh thần vui vẻ, trong khi đi bộ 60 phút buổi tối tốt cho tiêu hóa, tăng cường lưu thông máu và giúp ngủ ngon.

Hiện nay, khi việc chăm sóc sức khỏe được chú trọng, nhiều người chọn chạy bộ để nâng cao thể lực, phòng tránh bệnh tật. Chạy bộ có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu khắp cơ thể, loại bỏ chất thải và độc tố khỏi cơ thể, nâng cao khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Hầu hết mọi người đều biết lợi ích của việc chạy bộ, nhưng có sự khác biệt trong việc lựa chọn thời gian. Một số người thích chạy bộ vào buổi sáng, trong khi những người khác lại thích đi bộ vào buổi tối. Vậy sự khác biệt giữa chạy bộ 30 phút vào buổi sáng và đi bộ 60 phút vào buổi tối là gì?

Lợi ích của việc chạy bộ 30 phút vào buổi sáng

Ảnh: Deposit Photos

Ảnh: Deposit Photos

Giảm cân và định hình cơ thể: Chạy bộ vào buổi sáng giúp tiêu hao lượng calo dư thừa trong cơ thể. Nếu biết kiểm soát tổng lượng calo trong chế độ ăn một cách hợp lý, bạn có thể đạt mục tiêu giảm cân.

Tăng cường tim mạch: Nếu dậy sớm và chạy bộ trong thời gian dài, trái tim sẽ được tăng cường sức mạnh do khi chạy, toàn cơ thể tiêu thụ rất nhiều oxy và lượng máu cung cấp cũng sẽ tăng lên. Bằng cách này, cơ tim sẽ được rèn luyện và khả năng bơm máu của tim được cải thiện.

Có thời gian sắp xếp suy nghĩ: Khi chạy bộ vào buổi sáng, bạn có thể sắp xếp suy nghĩ, mường tượng lại trong đầu về những gì đã xảy ra ngày hôm trước và lên kế hoạch những việc cần làm trong ngày.

Có thể thưởng thức bữa sáng tốt, lành mạnh hơn: Những người thường chạy bộ vào buổi sáng luôn sắp xếp dành thời gian để thưởng thức bữa sáng. Duy trì thói quen ăn sáng đầy đủ được chứng minh là tốt cho sức khỏe.

Tinh thần vui vẻ hơn: Sau khi thức dậy vào buổi sáng, việc chạy bộ, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn mặt trời mọc có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Tinh thần vui vẻ là yếu tố thuận lợi để thực hiện công việc và học tập trong ngày.

Lời khuyên khi chạy bộ vào buổi sáng

- Không nên ăn một bữa đầy đủ trước khi chạy, nếu không sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe đường tiêu hóa. Thay vào đó, có thể uống một cốc nước ấm và ăn nhẹ.

- Trước khi chạy, bạn nên thực hiện các bài tập khởi động như ấn chân, lắc tay để tránh bị căng cơ, bong gân.

- Thời gian tốt nhất để chạy bộ buổi sáng tùy theo mùa. Nói chung, tốt nhất là khi mặt trời vừa ló dạng. Vào mùa đông, thường là khoảng 7 giờ.

- Tư thế chạy phải đúng. Khi chạy, mắt nên nhìn thẳng về phía trước, không ngẩng lên cũng không cúi đầu xuống, đồng thời thả lỏng vai và giữ thăng bằng. Giữ khuỷu tay của bạn uốn cong một góc khoảng 90 độ. Bàn chân nên càng thẳng càng tốt.

Lợi ích của việc đi bộ buổi tối 60 phút

Ảnh: iStock

Ảnh: iStock

Thúc đẩy quá trình tiêu hóa: Đi bộ đúng cách vào buổi tối có thể giúp thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa. Sự co bóp của cơ bụng và sự chuyển động lên xuống của cơ hoành trong khi thở có thể giúp tăng cường kích thích nhu động đường tiêu hóa của thành bụng cũng như thúc đẩy lưu thông máu đường tiêu hóa. Điều này giúp tăng tốc độ tiêu hóa và hấp thu.

Tăng cường các chức năng của cơ thể: Đi bộ vào buổi tối là một bài tập toàn thân. Ngoài việc thúc đẩy lưu lượng máu khắp cơ thể, nó còn giúp tăng cường thông khí phổi trong quá trình thở. Đi bộ là bài tập nhẹ nhàng hơn so với chạy bộ, có thể làm giảm kích ứng các cơ quan trong toàn bộ cơ thể, phù hợp hơn với người cao tuổi, giúp tăng cường chức năng tim phổi.

Thư giãn: Đi dạo vào buổi tối có thể giúp thư giãn tâm trí, giảm lo lắng.

Tăng cường lưu thông máu: Đi bộ giống như một bài tập toàn thân, có thể huy động hầu hết các cơ và xương trên cơ thể, từ đó tăng cường hoạt động trao đổi chất, phát triển cơ bắp và làm trơn tru quá trình lưu thông máu, từ đó làm giảm nguy cơ xơ cứng động mạch.

Giúp ngủ ngon: Đi bộ mỗi tối không chỉ là cách rèn luyện cơ thể mà còn giúp bạn ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn.

Lời khuyên khi đi bộ buổi tối

1. Kiểm soát khoảng cách và thời gian đi bộ. Tùy theo thể trạng, hãy kiểm soát khoảng cách và thời gian đi bộ. Việc đi quá dài hoặc quá ngắn sẽ không đạt được hiệu quả tập luyện như mong muốn, cũng không tốt cho sức khỏe của bạn.

2. Việc lựa chọn địa điểm và tuyến đường đi bộ cũng rất quan trọng. Bạn nên đi gần nhà, sau khi làm quen với môi trường xung quanh, hãy chọn tuyến đường an toàn, sạch sẽ, yên tĩnh và dễ chịu làm tuyến đường đi bộ hàng ngày.

3. Không nên đi bộ ngay sau bữa ăn, vì nó không có lợi cho quá trình tiêu hóa của cơ thể. Nhìn chung, đi bộ nửa giờ sau bữa ăn là hợp lý để cải thiện hiệu quả quá trình tiêu hóa của cơ thể, hỗ trợ khả năng hấp thụ.

4. Không nên đi bộ trên đường, vì lượng xe cộ qua lại quá nhiều vào giờ cao điểm sẽ mang theo nhiều khí thải và gây khó chịu cho đường hô hấp trên. Bạn nên chọn những nơi có chất lượng không khí cao để đi bộ.

Hướng Dương (Theo Aboluowang)


Nguồn 

_

Chạy tại chỗ 10 phút mỗi ngày giúp giảm cân, sống thọ

Sức mạnh cơ bắp, tâm trạng, thể trạng... sẽ được cải thiện khi bạn duy trì chạy bộ đều đặn dù chỉ 10 phút mỗi ngày.

Ảnh: Healthlline

Ảnh: Healthlline

Cuộc sống hiện đại tiện nghi, nhịp độ công việc hối hả khiến nhiều người trở nên ít vận động. Nhưng điều này không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch. Để tránh điều đó, bạn cần duy trì lối sống cân bằng. Chỉ chạy tại chỗ 10 phút mỗi ngày, bạn cũng có thể đạt được các lợi ích sức khỏe như giảm cân, sống thọ.

1. Tăng cường sức mạnh cơ bắp

Mặc dù chạy tại chỗ không tiêu tốn nhiều năng lượng như chạy ngoài trời, nếu duy trì tư thế đúng trong 10 phút, bạn cũng sẽ đổ mồ hôi.

Lúc này, cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn và cơ bắp hoạt động trong thời gian dài hơn, giúp tiêu hao mỡ một cách tự nhiên và tăng khối lượng cơ bắp. Điều này rất có lợi cho việc giảm cân, kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa béo phì.

2. Tâm trạng dễ chịu

Chạy tại chỗ ít gặp rủi ro hơn chạy ngoài trời, nhưng cũng có thể khiến bạn tràn đầy năng lượng và cảm thấy thư giãn. Chạy nhanh và nhịp nhàng có thể khiến chúng ta vui vẻ, cải thiện chức năng của hệ thần kinh, ngăn ngừa và điều trị chứng suy nhược thần kinh.

4. Tránh bị cảm lạnh

Chạy bộ có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và hô hấp. Nếu tập thường xuyên, bạn sẽ giảm khả năng bị cảm lạnh, ốm đau rất nhiều.

5. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành ít hơn

Ảnh : Carda Health

Ảnh : Carda Health

Chạy bộ làm tăng tốc độ lưu thông máu trong cơ thể, tăng cường tính đàn hồi của mạch máu và cải thiện quá trình lưu thông máu. Những người chạy bộ trong thời gian dài đã cải thiện đáng kể tình trạng dinh dưỡng của cơ tim. Cơ tim dày lên và khỏe mạnh, chức năng của các cơ quan được cải thiện.

Chạy bộ có vai trò tích cực trong việc duy trì chức năng tim tốt ở người trung niên và người cao tuổi, ngăn chặn sự suy giảm tính đàn hồi của mô phổi, ngăn ngừa teo cơ, ngăn ngừa và điều trị các bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch...

Ngoài ra, chạy bộ còn có thể tăng tốc độ lưu thông máu và giảm đáng kể lượng cholesterol, chất béo trung tính dư thừa trong huyết thanh. Điều này có thể cải thiện tốt quá trình chuyển hóa lipid, ngăn ngừa chứng mỡ máu cao, ngăn ngừa và điều trị chứng xơ cứng động mạch và bệnh tim mạch vành.

6. Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

Khi chạy, cơ thể tiết ra rất nhiều hormone, đổ mồ hôi nhiều cũng giúp đào thải chì, strontium, berili và các chất gây ung thư, chất có hại khác.

Cách chạy bộ tại chỗ

1. Khởi động

Khi bắt đầu chạy, để cánh tay vung tự nhiên ở hai bên cơ thể và đi bộ chậm rãi tại chỗ. Làm nóng trong khoảng một phút, sau đó tăng tần suất vung lên của cánh tay và tốc độ của bàn chân, trở thành kiểu đi bộ nhanh, vung tay trước ngực nhưng không tạo thành nắm đấm trong 4 phút. Lúc này cơ thể bạn cơ bản đã đạt đến trạng thái chạy.

2. Giai đoạn chạy bộ

Hai tay vung vẩy nhịp nhàng theo nhịp độ riêng, cơ thể thả lỏng và phối hợp theo. Để tránh nhàm chán, bạn có thể xem TV hoặc nghe nhạc. Trong suốt quá trình chạy, bạn phải kiên trì thở bằng mũi thay vì miệng để bảo vệ khí quản.

3. Chạy với tốc độ không đổi hoặc tăng tốc

Nếu chạy tại chỗ liên tục trong 30 phút, bạn có thể thay đổi tốc độ. Nếu kiên trì chạy trong thời gian dài, bạn có thể tăng cường sức mạnh và giảm cân.

Những điều cần lưu ý khi chạy tại chỗ

1. Trong quá trình chạy bộ tại chỗ để giảm cân, bạn nên cố gắng kết hợp chạy bộ với kiểm soát ăn uống, điều chỉnh lượng calo.

2. Nếu chạy tại chỗ quá 40 phút, bạn thường sẽ đổ mồ hôi. Lúc này, cơ thể sẽ mất rất nhiều nước và bạn cần bổ sung ngay.

3. Nếu bạn bị chấn thương khớp gối hoặc những người có vấn đề về đầu gối, tốt nhất bạn không nên chạy gắng sức tại chỗ.

4. Một đôi giày chạy bộ phù hợp có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả chạy bộ và giảm cân. Ngược lại, chạy chân trần sẽ tạo lực lớn hơn lên bắp chân và gây tổn thương cho đôi chân. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị một tấm thảm dày để không ảnh hưởng đến người ở tầng dưới

5. Không nên ăn trước khi chạy bộ buổi tối. Nếu thực sự đói, bạn có thể ăn một ít trái cây.

6. Chạy tối đa một giờ mỗi ngày. Nếu ban đầu bạn không thể chạy trong một giờ, đừng cố chấp một cách mù quáng mà hãy thực hiện từ từ.

7. Nếu bạn cảm thấy không khỏe, hãy ngừng chạy ngay lập tức.

>> 8 thay đổi của cơ thể trước khi ung thư tấn công một năm

Hằng Trần (Theo Sina, Sohu)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét