Không chỉ có công dụng bồi bổ sức khỏe, măng tươi còn là loại thực phẩm giúp giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, măng tươi lại có tính độc và không phải ai cũng biết cách khử độc khi dùng làm thực phẩm.
Lợi ích của măng tươi
Măng tươi là món ăn rất được ưa thích, sử dụng để xào, nấu canh, ăn kèm với bún, phở… Ở nhiều nước phương Đông, măng là một trong những loại thực phẩm thông dụng trong khẩu phần ăn hàng ngày và là thực phẩm tốt giúp giảm cân cho người béo phì mà ít ai biết. Trong măng có chứa ít lipid, đường, chất béo nhưng lại chứa nhiều chất xơ – loại chất dinh dưỡng giúp giảm cân hiệu quả.
Ngoài ra, măng tre còn có nhiều tác dụng khác như trị táo bón, giúp tiêu hóa dễ dàng, làm giảm cholesterol trong máu... Cùng với đặc tính chống viêm, măng tre còn giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Trong măng tre có chứa kali, giúp kiểm soát việc tăng huyết áp thường xuyên...
Măng tươi rất giàu các loại vitamin A, B1, B2, C. Ở các phần mô mềm gần sát đầu búp măng thường có hàm lượng protein cao, chất xơ ít hơn. Tabashin hay Banslochan là một chất Siliedioxyt có trong măng tre, chất này được xem là một dược liệu quý và là một chất cường dương có hiệu quả cao.
Tính độc và cách khử độc cho măng tươi
Tuy được sử dụng phổ biến như một loại rau xanh nhưng măng lại có tính độc do chứa nhiều chất glycocid, là chất có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric gây độc hại cho cơ thể khi sử dụng. Những người ăn phải măng độc thường có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp, khó thở…
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng măng tươi, chúng ta có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:
Cách 1:
Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi tùy theo từng loại măng độc nhiều hay ít, măng thường hay măng đắng mà có cách xử lý khác nhau. Có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
Cách 2:
Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên trong ngày 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng cũng đi hết, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
Cách 3:
Măng hái về bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, nhấc xuống chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.
Cách 4:
Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch. Măng sẽ không còn vị đắng, bạn có thể đem chế biến món ăn.
Cách 5:
Với các loại măng độc, măng đắng nên ngâm bằng nước vôi trong; luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến. Trong khi luộc, nấu nên mở vung cho chất độc bay hơi.
Cách 6:
Trước khi sấy hoặc phơi măng khô nên ngâm qua nước muối, lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt. Muối măng chua cũng là một biện pháp là giảm tính độc của măng.
Lưu ý: Không cho người bệnh sốt rét, những người suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể ăn măng vì măng độc làm bệnh tăng thêm. Không nên lạm dụng ăn nhiều măng và cần chú ý chế biến kỹ trước khi ăn.
(Theo Viet Q)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét