Trang

Sai lầm chết người khi ăn măng

(Tinmoi.vn) Măng là một trong những loại thực phẩm phổ biến được ưa thích hàng ngày. Tuy nhiên, lượng độc tố trong măng có đủ khả năng để gây tử vong cho con người.

Một số bài thuốc từ măng

- Măng tươi, cá diếc, gừng tươi, hạt tiêu lượng vừa đủ và một chút rượu vang. Cá diếc làm sạch, măng rửa sạch thái miếng, gừng tươi thái chỉ, tất cả cho vào nồi đun chín, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng : chữa sởi, thủy đậu giai đoạn đầu ở trẻ em, táo bón ở người lớn.

- Măng tre 20g, chua me đất 20g, rễ dâu (cạo vỏ, tẩm mật, sao vàng) 10g, gừng tươi 8g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm một chút đường hoặc mật ong, hấp cơm rồi cho uống. Công dụng: chữa ho do phong nhiệt.

                            Hình ảnh Sai lầm chết người khi ăn măng số 1

- Măng tre 40g, ốc sên 2 con (loại có vỏ to, màu vàng nâu, miệng không có vảy); ốc đem đập vỏ, bỏ nội tạng chỉ lấy thịt, sát với phèn chua, rửa sạch cho hết nhớt, nướng vàng, cho vào nồi đun lấy nước đặc ; măng tre giã nát ép lấy nước rồi hòa với nước ốc cho uống, dùng liên tục cho đến khi bệnh ổn định. Công dụng: chữa hen phế quản.

- Măng tươi 60g, luộc chín, thái miếng, đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : chữa chứng táo bón do nhiệt, phân cứng và khó đi.

- Măng tươi mới nhú 60g, luộc chín, thái miếng rồi đem xào với gừng tươi thái chỉ và dầu vừng, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: chữa ho do đàm nhiệt, lồng ngực đầy tức khó chịu.

Nguy cơ ngộ độc từ măng

Nhiều người vẫn nghĩ rằng uống nước măng có thể giúp giải nhiệt cơ thể và chữa bệnh. Tuy nhiên, đây chính là sai lầm gây ngộ độc.

Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã từng cấp cứu một trẻ nguy kịch vì ngộ độc sau khi gia đình cho uống nước từ măng tươi giã nát để hạ sốt. Bệnh nhân là Dương Quang T., 9 tháng tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội. Sau khi uống nước măng chưa đầy 30 phút, trẻ bị nôn, khó thở, co giật, rồi hôn mê. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm độc Cyanide do uống nước măng tươi.

Cyanide là một gốc Acid (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc Acid, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hoá là 1 mg/kg trọng lượng cơ thể. Trong măng tươi có hàm lượng Cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Khi người ăn phải măng có chứa nhiều Cyanide, dưới tác động của các Enzym đường tiêu hóa, Cyanide ngay lập tức biến thành Acid Cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể.

Trong cơ thể, Cyanide tác động lên chuỗi hô hấp tế bào bằng cách làm bất hoạt các Enzym sắt của Cytocromoxydase hoặc Warburgase, là nguyên nhân gây tình trạng thiếu ôxy tế bào và toan chuyển hóa nặng.

Tùy theo hàm lượng Cyanide có trong măng mà người ăn có biểu hiện ngộ độc ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn măng khoảng từ 5 đến 30 phút. Trường hợp nhẹ, biểu hiện sợ hãi, lo lắng, chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp…

Trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, duỗi cứng, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở, tim đập nhanh và không đều, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, là nguyên nhân chính gây tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nếu không may trong quá trình sử dụng bị ngộ độc, cách tốt nhất là hãy đưa bệnh nhân đến cơ sr y tế gần nhất để cấp cứu.

Để phòng ngộ độc măng, hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào cụ thể. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, trước khi ăn, cần luộc kỹ qua nhiều lần thay nước để đảm bảo rằng các độc tố trong măng được đào thải ra ngoài trước khi đưa loại thực phẩm này vào cơ thể.

Thoa Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét