Ảnh minh họa: Internet Ảnh minh họa: Internet

Cây quý cũng có độc

- Khi dùng dừa cạn làm thuốc nên chọn loại hoa trắng vì hoạt chất của chúng cao hơn cây hoa đỏ, hồng.

- Thành phần vincristin có tác dụng với bệnh nhân ung nhưng chúng lại là thành phần gây hại cho thai nhi, ức chế hệ thần kinh. Vì vậy dừa cạn là cây dược liệu có độc, tránh dùng cho phụ nữ có thai, người huyết áp thấp.

- Bạn có thể lấy toàn thân cây phơi khô, nấu nước hoặc hãm thành trà để trị cao huyết áp. Tuy nhiên không nên dùng quá 50g mỗi ngày.

 

Cây dại thành dược liệu

Dừa cạn chỉ cần cắm xuống đất là nhanh chóng sinh sôi, nên vẫn bị coi là loại cây dại "cứng đầu". Chúng chịu được khô hạn và tình trạng thiếu dinh dưỡng, ra hoa quanh năm nên được một số người dân Việt Nam mang về làm cây cảnh "rẻ tiền".

Tuy nhiên, theo Đông y và kinh nghiệm dân gian, dừa cạn có tính có tính mát, vị đắng, tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, trị viêm, hạ huyết áp. Vì vậy chúng được phơi hãm trà để điều trị chứng huyết áp cao, bệnh mạch vành.

Còn với khoa học hiện đại, từ năm 1952, y học đã phát hiện ra dược tính của dừa cạn. Xuất phát từ việc bác sĩ Clark Noble ở Canada đã nhận được một gói chuyển phát nhanh loại cây này do một người dân gửi tới với lời giới thiệu "dân địa phương đã dùng chúng trị bệnh tiểu đường" nên ông đã đưa vào phân tích. Kết quả khá bất ngờ, thay vì tác dụng hạ đường huyết trong máu, ông lại phát hiện ra hoạt tính trị bệnh ung thư bạch cầu của loại cây này. Dừa cạn đã được đưa vào bệnh viện thử nghiệm và trở thành cây dược liệu chính thức theo y khoa hiện đại.

Dừa cạn được xem là đặc sản của vùng đất Madagascar với giá trị dược tính cao nhất thế giới. Hiện nay hàng năm người dân Madagascar xuất khẩu đến ngàn tấn dừa cạn phơi khô ra nước ngoài để làm dược liệu. Công ty Dược liệu Trung ương Việt Nam II cũng đã xuất khẩu cây này từ thập niên 1990. Thị trường dược phẩm Mỹ, Pháp, Nhật, Việt Nam… có nhiều loại thuốc được bào chế từ dừa cạn như thuốc trị cao huyết áp, ung thư (máu, tinh hoàn, dạ con)…

Ngày càng quý

Kết quả phân tích của bác sĩ Clark, chiết xuất dừa cạn giàu alkaloid (gồm các loại: vinblastin, vincristin, tetrahydroalstonin, pirinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin….).

Trong đó thành phần vincristin, vinblastin khi tách chiết thành dạng thuốc tiêm sẽ có tác dụng lớn trong ức chế tế bào hoặc sự phân bào. Cho nên chúng hạn chế được việc hình thành bạch cầu thừa ở bệnh nhân ung thư máu.

Đặc biệt đến nay, y khoa vẫn chưa tìm ra phương pháp gì điều trị bệnh bạch cầu tốt hơn nên chiết xuất dừa cạn càng trở nên quý với bệnh nhân ung thư máu.

Tuy nhiên không phải cứ dùng trà dừa cạn thì chữa được ung thư, bởi một liều tiêm vincristin, vinblastin có hàm lượng rất cao, việc dùng các thành phần này cũng dễ bị ngộ độc nên cần có sự hướng dẫn của bác sỹ điều trị.

Hoạt chất trong dừa cạn phụ thuộc vào nơi trồng và thu hái. Giống trồng ở Việt Nam được đánh giá là thảo được tốt tương đương dừa cạn ở Madagascar, chứa khoảng 0,1-0,2% alkaloid toàn phần. Tỷ lệ alkaloid trong rễ (0,7-2,4%) cao hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%). Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… cũng đang ra sức bào chế thuốc từ loại cây này

SKGD