Trang

Chứng táo bón

Cải thiện chứng táo bón ở người cao tuổi

Ngày 12 tháng 9, 2014 | 08:32

 
SKĐS - Tôi 65 tuổi, hay bị táo bón, có khi cả tuần mới đi ngoài, phân rất khô và cứng. Xin bác sĩ hướng dẫn cách cải thiện chứng táo bón này. Cám ơn bác sĩ.
 
Tôi 65 tuổi, hay bị táo bón, có khi cả tuần mới đi ngoài, phân rất khô và cứng. Xin bác sĩ hướng dẫn cách cải thiện chứng táo bón này.  Cám ơn bác sĩ.                                                                                        

Trương Xuân Thành (Nam Định)

Gọi là táo bón nếu quá 3 ngày chưa đi ngoài hay đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần, phân rắn, khô. Người cao tuổi hay bị táo bón vì bị suy giảm chức năng các cơ quan, uống ít nước, ăn ít chất xơ, ít hoạt động, mắc các bệnh: Parkinson, trầm cảm, sa sút trí tuệ, thoái hóa cột sống..., dùng các loại thuốc chữa bệnh... đều dẫn đến táo bón.

Để cải thiện chứng táo bón, bác cần thực hiện các biện pháp: uống đủ nước hàng ngày (từ 2 lít - 2,5 lít nước/ngày) với các loại nước đun sôi để nguội, nước canh, nước rau, sữa...  Ăn nhiều rau  và trái cây như: rau mồng tơi, rau khoai lang, rau đay, rau dền, chuối, đu đủ... Tập thể dục đều đặn vừa sức. Tập thói quen đi ngoài vào một giờ nhất định hàng ngày, tốt nhất là vào buổi sáng.  Nếu bị táo bón thường xuyên và kéo dài, bác cần đến khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng.

BS. Nguyễn Bằng Việt

 

Các nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi

Ngày 15 tháng 1, 2014 | 09:26

SKĐS-Táo bón là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi với tỷ lệ ước tính vào khoảng 28 - 50% số người từ 60 tuổi trở lên bị mắc. Tại sao người cao tuổi lại hay gặp hiện tượng này?

Táo bón là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi với tỷ lệ ước tính vào khoảng 28 - 50% số người từ 60 tuổi trở lên bị mắc. Tại sao người cao tuổi lại hay gặp hiện tượng này?

9 nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi

Chế độ ăn: Nguyên nhân đầu tiên gây ra chứng táo bón ở người cao tuổi phải kể đến là việc thay đổi chế độ ăn. Người cao tuổi thường có xu hướng ăn ít chất xơ hơn do khả năng nhai nuốt và tiêu hóa kém. Vì lượng chất xơ trong khẩu phần ăn giảm nên dễ dàng bị táo bón.

Các nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi
Người cao tuổi cần những hoạt động thể chất phù hợp với cơ thể để tăng cường trương lực cơ bụng.

Suy giảm các hoạt động thể chất:

ở người cao tuổi, do rất nhiều lý do như tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bị mắc các bệnh mạn tính như thoái hóa, viêm khớp, loãng xương; các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường; các bệnh hô hấp mạn tính như tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do thói quen ít hoạt động hoặc thói quen nhịn đại tiện lâu. Việc giảm hoạt động thể chất dẫn tới giảm nhu động ruột, giảm bài tiết dịch ruột gây táo bón.

Do thuốc đang được sử dụng để điều trị các bệnh mạn tính như thuốc kích thích beta-2 giao cảm. Nhóm thuốc này gây giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón.

Bệnh trĩ: Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Khi nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ giảm phản xạ đại tiện, gây tích trữ phân dẫn đến táo bón. Bệnh nhân càng bị táo bón, đi ngoài càng đau và càng dễ chảy máu, kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện và táo bón ngày càng tiến triển thành vòng luẩn quẩn.

Sau các phẫu thuật ổ bụng: Sự giảm nhu động ruột và cảm giác đau khi rặn dẫn đến bệnh nhân khó đại tiện kèm theo tình trạng phải ăn thức ăn tinh, ít chất xơ, lượng dịch bù không đủ làm phân khô lại, có trường hợp sờ thấy thành chuỗi cứng dọc theo khung đại tràng.

Do uống không đủ lượng nước hàng ngày: Việc này có thể do người cao tuổi bị các bệnh mạn tính như suy tim phải hạn chế nước nhưng cũng có thể do bệnh nhân bị mắc chứng tiểu đêm, bị u xơ tiền liệt tuyến nên hạn chế uống nước để đỡ đi tiểu tiện.

Do nhu động đại tràng giảm, các cơ trực tràng và cơ thành bụng yếu nên khả năng tống phân ra bị suy giảm.

Các khối u, polyp của đại trực tràng.

Do suy tuyến giáp: Các triệu chứng kèm theo thường là mạch chậm và phù niêm, ăn uống khó tiêu tuy không rõ rệt như ở người trẻ.

Các nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi
Giải phẫu hệ tiêu hóa trong ổ bụng.

Nguy cơ của bệnh táo bón ở người cao tuổi

 

Bên cạnh những khó chịu do bệnh táo bón gây ra, ở người cao tuổi còn có nhiều nguy cơ khác có thể nguy hại đến tính mạng nếu bị táo bón. Đây là các trường hợp bệnh nhân bị các bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành nên phải hạn chế gắng sức. Nhiều trường hợp rặn nhiều do bị táo bón dẫn đến đột tử do nhồi máu cơ tim. Gắng sức nhiều khi đại tiện cũng có thể làm vỡ các phế nang (đã giãn to) ở các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây tràn khí màng phổi. Táo bón cũng có thể là yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim...
 

Một số phương pháp phòng chống táo bón

Có nhiều phương pháp đơn giản để dự phòng và điều trị táo bón ở người cao tuổi. Đầu tiên là tập thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng. Những ngày đầu có thể cứ rèn thói quen đi đại tiện dù có muốn đi hay không.
 
Tiếp theo là điều chỉnh chế độ ăn uống. Tạo một chế độ ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo nhiều chất xơ như rau xanh, nguồn vitamin từ rau củ quả tươi, uống đủ lượng nước theo nhu cầu. Vào buổi sáng, khi dạ dày rỗng, nên uống một cốc nước ấm hoặc nước có pha mật ong để kích thích nhu động ruột.
 
Thường xuyên uống nước, không chờ có cảm giác khát mới uống do cảm giác khát ở người cao tuổi có thể bị suy giảm, nên cố gắng tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe để tăng cường trương lực cơ bụng. Hàng ngày, nên tập cơ bụng bằng cách xoa từ hạ sườn phải sang hạ sườn trái xuống hố chậu trái để tăng cường nhu động ruột; Cần điều trị tốt các bệnh mạn tính kèm theo hoặc các bệnh là nguyên nhân gây táo bón như suy giáp. Bên cạnh đó, người cao tuổi nên chú ý tới tác dụng phụ gây táo bón của một số loại thuốc như thuốc giãn phế quản; Luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, vui vẻ, giảm stress.
 
Cuối cùng, có thể dùng các thuốc nhuận tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng hơn như microlax thụt hậu môn, lactulose, sorbitol dùng đường uống. Cá biệt có trường hợp táo bón quá nặng phải dùng phương pháp thụt tháo để tống phân ra ngoài.

BS.Vũ Phương Anh

Phòng bệnh táo bón ở người cao tuổi

Ngày 20 tháng 7, 2014 | 09:15

SKĐS - Tôi năm nay 60 tuổi, trong bữa ăn đều có rau tươi và các loại hoa quả nhưng vẫn thường xuyên bị táo bón. Xin quý báo cho biết cách phòng bệnh hiệu quả và có nên thụt tháo không?

Tôi năm nay 60 tuổi, trong bữa ăn đều có rau tươi và các loại hoa quả nhưng vẫn thường xuyên bị táo bón. Xin quý báo cho biết cách phòng bệnh hiệu quả và có nên thụt tháo không?

Nguyễn Trí (Cao Bằng)

Bệnh táo bón có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người cao tuổi bị táo bón chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Bình thường một người có thể đi ngoài từ 1 - 2 lần trong một ngày hoặc trên 3 lần trong một tuần. Khi quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc đi ngoài dưới 3 lần trong một tuần được gọi là bị táo bón có thể có từng cơn đau quặn bụng, phân rắn, mỗi khi đi ngoài phải rặn mạnh.

Táo bón thường xuyên sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu  do phân và các chất cặn bã, chất độc do các vi sinh vật trong đường ruột bài tiết ra không được tống ra theo phân mà đọng lại thời gian lâu ở đại tràng, trực tràng, cơ thể hấp thu cùng với nước gây độc hại cho cơ thể làm cho người bệnh lúc nào cũng thấy mệt mỏi, lười ăn, chán ăn, thậm chí bỏ bữa.

Để đề phòng táo bón hoặc giảm dần bệnh táo bón nên ăn nhiều rau trong mỗi bữa ăn. Các loại rau phù hợp là rau mồng tơi, rau khoai lang, rau muống, rau dền, rau đay. Nên ăn một số quả như: cam, quýt (nên ăn cả múi), đu đủ chín, dưa chuột, mướp đắng, mướp. Không nên uống rượu, bia; không ăn chất cay, nóng như: ớt, hành, hạt tiêu. Không nên ngồi lâu mỗi lần đi đại tiện. Hàng ngày nên tập thể dục nhẹ nhàng tùy theo sức của mình.

Nếu bị táo bón thường xuyên, ông tới cơ sở y tế và nói rõ về bệnh của mình để có được những lời khuyên, cách thức điều trị cho phù hợp. Đặc biệt không được tự ý thụt, tháo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Long

 

Bài thuốc chữa táo bón

Ngày 4 tháng 10, 2014 | 14:00

SKĐS - Táo bón là chứng bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở mọi mùa trong năm nhưng nhiều nhất là mùa thu...

Táo bón là chứng bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở mọi mùa trong năm nhưng nhiều nhất là mùa thu... Nguyên nhân thường do bản chất âm hư, huyết nhiệt, thiếu máu làm tân dịch khô giảm; hoặc người già yếu, phụ nữ sinh nhiều lần, cơ nhục suy yếu làm bài tiết phân khó khăn; hoặc người vốn dương hư, khí vận hành không thông suốt nên tân dịch không lưu thông hoặc do kiết lỵ mạn tính làm tỳ vị kém vận hóa gây táo bón hoặc lo nghĩ nhiều hại phế khí. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh.

Bài thuốc của Tuệ Tĩnh

Trị táo bón do lo lắng buồn rầu làm hại phế khí hoặc ăn nhiều thức ăn cay nóng: trần bì (bỏ xơ trắng) 10g, tía tô (lấy cành lá non) 10g, chỉ xác (bỏ ruột sao qua) 10g, mộc thông (bỏ mắt) 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc dùng hạt tía tô, hạt vừng đen lượng bằng nhau, giã nhỏ cho vào nước, lọc bỏ bã, cho gạo đã đãi sạch nấu cháo.

Bạch chỉ tán nhỏ uống với nước cơm trị táo bón.

Bạch chỉ tán nhỏ uống với nước cơm trị táo bón.

Trị táo bón, bí kết, bụng trướng đầy: nghệ vàng sao khô, tán nhỏ, mủ cây vú bò cùng giã nhỏ làm viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3 viên.

Trị táo bón, bí đại tiện do trường vị có thấp nhiệt: binh lang (hạt cau) 1 hạt to, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g với 3 củ hành thái mỏng, cùng đồng tiện 1 bát sắc uống. Hoặc dùng binh lang 12g cùng với nửa nước, nửa mật ong đem đun một lúc rồi uống nóng.

Trị đại tiện táo kết không thông, uống nhiều thuốc không khỏi: củ rẻ quạt giã sống 12g hòa với 1 chén nước (200ml), lọc bỏ bã cho uống.

Bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông

Trị táo bón, đại tiện không thông: phèn chua 4g, ba đậu sương 2 hột. Tất cả nghiền chung, bọc giấy ướt nướng cho ăn.

Hoặc đương quy 10g, bạch chỉ 10g, tán nhỏ uống với nước cơm.

Hoặc vừng đen nấu cháo với gạo trắng, gia vị vừa đủ, ăn nóng ngày 2 lần vào sáng, tối.

Hoặc ô mai 10 quả, bỏ hột lấy cơm, quết nhuyễn viên bằng quả táo, nhét vào hậu môn thì thông ngay.

Trị táo bón ở người già: hoàng kỳ 20g, trần bì (bỏ xơ) 20g. Hai vị tán nhỏ, lấy vừng đen 1 vốc nghiền nát, đổ nước nấu sôi cho vào 1 thìa mật ong, đun lại cho sôi rồi hòa với nước trên cho uống khi đói.

Trị táo bón, đại tiện quặn đau, mót rặn: đào nhân 12g, ngô thù du 8g, muối 4g. Cả 3 vị cho vào nồi, đổ nước nấu đến chín thì bỏ hết, chỉ dùng đào nhân. Mỗi lần nhấm 5-7 hột.

Hoặc bồ kết (sao với cám) 100g, chỉ xác (sao) 100g, tán nhỏ, quết với cơm nát làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên với nước cơm.

Ngoài việc dùng thuốc, hằng ngày nên ăn các món sau để hỗ trợ trị bệnh:

Cháo tía tô, vừng đen: hạt tía tô 10g, vừng đen 15g, gạo lức 100g. Hạt tía tô, vừng đen giã nát, cho nước nghiền, lọc lấy nước, cho cùng gạo vào nồi, thêm nước đun to lửa cho sôi, sau nhỏ lửa nấu cháo, chia ăn ngày 2 lần.

Sữa bò mật ong: sữa bò 250g, mật ong 60g đun sôi rồi cho vài giọt nước hành. Mỗi ngày uống 1 lần vào sáng sớm lúc bụng đói.

Nộm rau chân vịt: rau chân vịt 30g, rửa sạch, cắt từng đoạn, nhúng nước sôi, vớt ra trộn với dầu vừng, ăn.

Lương y Nguyễn minh

 

Trẻ táo bón, dùng thuốc gì?

Ngày 20 tháng 7, 2014 | 06:43

SKĐS - Con tôi năm nay 4 tuổi, từ nhỏ cháu đã hay bị táo bón, vài ngày mới đi ngoài một lần. Tôi đã cho cháu uống bổ sung men vi sinh

Con tôi năm nay 4 tuổi, từ nhỏ cháu đã hay bị táo bón, vài ngày mới đi ngoài một lần. Tôi đã cho cháu uống bổ sung men vi sinh, ăn sữa chua hàng ngày, uống thực phẩm chức năng có thành phần là chất xơ mà tình trạng táo bón của cháu không được cải thiện. Xin quý báo tư vấn giúp có thể dùng thuốc gì để chữa táo bón cho con. Xin chân thành cảm ơn quý báo!

Đặng Thị Thắm (Bình Phước)

Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng thường gặp trong thực hành nhi khoa. Ở trẻ em, 90% nguyên nhân gây táo bón là do những rối loạn chức năng có thể điều chỉnh được, không có tổn thương đại tràng. Chỉ có 10% có nguyên nhân tổn thương đại tràng như bệnh phình to đại tràng.

Táo bón là khi đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, phân cứng khô, trẻ phải rặn khó khăn để tống phân ra, đôi khi có trẻ kêu đau và khóc.

Theo chị cho biết từ nhỏ cháu đã hay bị táo bón, vài ngày mới đi ngoài một lần. Chị đã bổ sung men vi sinh, chất xơ... mà tình trạng táo bón không cải thiện mấy. Vì thế, để biết chính xác nguyên nhân gây táo bón của con, chị cần đưa cháu đến chuyên khoa tiêu hóa nhi để làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Nhóm bệnh nhân có rối loạn chức năng, không có tổn thương đại tràng thường gặp các nguyên nhân sau:

Chế độ ăn uống: hàng ngày trẻ ăn ít chất xơ trong rau củ, ít uống nước.

Thói quen đi ngoài: trẻ mải chơi quên đi ngoài hoặc nhịn đi ngoài do trẻ đến lớp sợ cô giáo, hoặc trẻ sợ bẩn do nhà vệ sinh công cộng chưa đảm bảo vệ sinh sạch sẽ...

Lối sống: trẻ ít hoạt động như chạy nhảy, chơi đùa thường ngồi một chỗ.

Vậy nên xử trí thế nào?

Chế độ dinh dưỡng:

Cho trẻ ăn đủ chất xơ hàng ngày bằng các loại rau như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền... và các loại quả như đu đủ chín, chuối tiêu chín...; Cho trẻ uống đủ lượng nước trong ngày. Con chị 4 tuổi phải cung cấp 1.700ml nước một ngày (trong đó nước uống là 1.200ml).

Thói quen đi ngoài:

Khuyến khích trẻ đi ngoài hàng ngày vào khoảng thời gian nhất định; Không hối thúc trẻ. Nhớ cho chân trẻ chạm lên một mặt phẳng khi ngồi đi ngoài; Có thể kết hợp xoa bụng ở trẻ nhỏ từ phải sang trái. Ngoài ra cần cho trẻ tăng cường vận động, chạy nhảy chơi đùa... giúp nhu động ruột hoạt động tốt.

Tốt nhất chị nên đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi khám và tư vấn cụ thể, trong trường hợp chưa tới được cơ sở y tế mà tình trạng táo bón của cháu cần giải quyết ngay chị có thể dùng thuốc thụt cho bé, bơm vào hậu môn bé theo hướng dẫn của sản phẩm. Tuy nhiên chị không nên dùng nhiều thuốc này vì dễ gây chảy máu trực tràng cho trẻ.

BS. Nguyễn Thục Anh

 

Dùng bisacodyl trị táo bón cần lưu ý gì?

suckhoedoisong.vn - Ngày 21 tháng 10, 2014 | 07:35

Táo bón lâu ngày là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh trĩ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng táo bón.

Táo bón lâu ngày là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh trĩ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng táo bón. Trong đó, nguyên nhân táo bón do chức năng chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Đây là nguyên nhân do chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, thuốc uống và bệnh toàn thân. Việc ăn ít chất xơ, ăn ngọt nhiều, uống ít nước, thói quen đi cầu không đúng giờ, ít vận động thể dục… sẽ dễ gây ra táo bón.

Bisacodyl là một trong những thuốc được dùng trong các trường hợp táo bón (vô căn, hoặc do dùng thuốc gây táo bón, hoặc do hội chứng đại tràng kích thích). Thuốc có tác dụng nhuận tràng kích thích dùng để điều trị ngắn ngày tình trạng táo bón. Tác dụng của thuốc là kích thích đám rối thần kinh trong thành ruột chủ yếu ở đại tràng nên tác dụng trực tiếp lên cơ trơn ruột, làm tăng nhu động đại tràng. Thuốc cũng làm tăng chất điện giải và dịch thể trong đại tràng và gây nhuận tràng.

Dùng bisacodyl trị táo bón cần lưu ý gì?
Ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước sẽ hạn chế được táo bón.

Thuốc có nhiều dạng như viên nén, viên bao tan trong ruột (dùng đường uống), viên đạn đặt trực tràng (dùng đường trực tràng) và dạng hỗn dịch dùng cho trẻ em và hỗ dịch để tháo thụt… Cần lưu ý, ngay cả với liều điều trị, bisacodyl uống có thể gây buồn nôn, đau quặn bụng nhẹ. Viên đạn hay hỗn dịch tháo thụt dùng qua đường trực tràng có thể gây kích ứng, cảm giác nóng rát ở niêm mạc đại tràng và gây viêm nhẹ trực tràng. Để giảm kích ứng ở dạ dày và buồn nôn, dùng dạng viên bao bisacodyl tan trong ruột, do đó không được nhai thuốc trước khi uống; các thuốc kháng axit và sữa cũng phải uống cách xa 1 giờ để tránh sự tương tác, làm giảm tác dụng của thuốc điều trị. Dùng thuốc dài ngày có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc, đại tràng mất trương lực, không hoạt động và chứng rối loạn chất điện giải. Vì vậy cần tránh dùng các thuốc nhuận tràng kéo dài quá 1 tuần, trừ khi có hướng dẫn của thầy thuốc. Thông thường, nên tránh dùng các thuốc nhuận tràng kích thích ở trẻ em dưới 6 - 10 tuổi.

Không dùng thuốc trong các trường hợp: Các bệnh cấp ngoại khoa ổ bụng, tắc ruột, viêm ruột thừa, chảy máu trực tràng, bệnh viêm ruột cấp (viêm loét đại - trực tràng, bệnh Crohn), mất nước nặng. Không nên dùng bisacodyl cho phụ nữ mang thai, và rất thận trọng dùng thuốc cho người mẹ đang cho con bú.

Dược sĩ Hoàng Thu Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét