Trang

Xử trí khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

doisong.vnexpress.net - Thứ năm, 4/12/2014 | 16:13 GMT+7
Tình trạng của bà Thân nặng sau khi bị rắn cắn được các chuyên gia cho là do bà vận động và không cố định vết thương khiến nọc độc nhanh phát tác. Bà lại không đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.
 
4-12-Anh-1-Ran-luc-duoi-do-can_141768167

Bà Thân đã qua cơn nguy kịch sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ảnh: Trí Tín.

Bà Vương Thị Thân ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu tối 3/12 trong tình trạng toàn thân tím tái, hôn mê bất tỉnh phải hỗ trợ hô hấp thở bình ôxy. Cánh tay bị rắn cắn của người phụ nữ sưng phù.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, nhiều khả năng nọc độc phát tán nhanh khắp cơ thể bà Thân. Lý do là người phụ nữ đã vận động mạnh để tìm diệt con rắn sau khi bị nó cắn, gây rối loạn hệ thống tuần hoàn, tắc nghẽn mạch máu dẫn đến hôn mê bất tỉnh.

Chiều 4/12, bà Thân đã qua cơn nguy kịch dần hồi phục, ổn định sức khỏe. Bà cho biết đã bị con rắn lục đuôi đỏ to bằng ngón chân cái, dài gần bằng sải tay bất ngờ mổ vào mu bàn tay trái trong lúc cắt cỏ cho bò ở vườn.

"Sau khi bị rắn cắn, tôi lấy mảnh vải băng vết thương rồi cùng con trai ra vườn chạy tìm giết con vật. Đến tối thì đôi mắt của tôi bỗng dưng mờ dần, đầu óc choáng váng, bất tỉnh không biết gì nữa", bà Thân nhớ lại.

4-12-Anh-2-Ran-luc-duoi-do-can-8766-1417

Rắn lục đuôi đỏ bị đập chết trong  khu dân cư ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.

Tình trạng của bà Thân nặng sau khi bị rắn cắn được các chuyên gia cho là do bà vận động và không cố định vết thương khiến nọc độc nhanh phát tác. Bà lại không đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Bác sĩ Phan Minh Đan, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tư Nghĩa khuyên, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người bị nạn tuyệt đối không hốt hoảng và đi lại nhiều mà phải cố định, bất động chi hay vị trí bị rắn cắn. Có thể nẹp vết thương bằng miếng gỗ, que, bìa cứng... nhưng không nên buộc garo, chích lể... Sau đó người bị rắn cắn khẩn trương đến cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu. Nguy hiểm nhất là khi quá trình lưu thông máu bị gián đoạn gây xuất huyết, đặc biệt thiếu máu não cục bộ ( xuất huyết não), nếu không cấp cứu kịp thời thì người bị rắn cắn dễ tử vong.

Rắn lục đuôi đỏ hiện nay xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Định... Ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Định cho biết, hai tháng qua đã tiếp nhận cấp cứu 45 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn, trong đó nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn.

"Những ngày gần đây số nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ tăng đột biến, có ngày vào viện đến 6 người. Một số người do chuyển đến cấp cứu muộn bắt đầu có triệu chứng rối loạn tuần hoàn, đông máu nhưng rất may chưa có trường hợp nào tử vong", ông Mỹ nói. 

Thống kê của các tỉnh miền Trung từ Phú Yên trải dài đến Nghệ An, hai tháng qua có ít nhất có hơn 400 người nhập viện cấp cứu do rắn lục đuôi đỏ cắn.

Trí Tín

 

doisong.vnexpress.net - Thứ năm, 4/12/2014 | 10:37 GMT+7
Cần cố định vị trí rắn cắn, không buộc garo, không chích rạch hay hút, giác lở mà phải đưa người gặp nạn đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
 
Bác sĩ Phan Minh Đan, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho biết, gần đây nhiều người dân đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Làm thế nào để xử trí, sơ cứu kịp thời trước khi đưa nạn nhân đến bệnh viện là đặc biệt quan trọng.

Theo bác sĩ Đan, rắn lục đuôi đỏ cắn người thường gây tổn thương tại chỗ làm sưng đau vùng bị cắn, nặng thì có thể hoại tử hoặc rối loạn đông máu (chảy máu hoặc tạo những cục máu đông trong mạch máu).

ran-luc-duoi-do-9333-1417664183.jpg

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: Trí Tín.

Để sơ cứu, trước mắt cần động viên và trấn an để người bệnh đỡ lo lắng hốt hoảng, không để họ tự đi lại. Tháo đồ trang sức ở chi bị cắn như nhẫn, vòng, lắc... để tránh gây chèn ép khi chi đó bị sưng. Bất động chi bị rắn cắn, có thể bằng nẹp, miếng gỗ, que, bìa cứng... Nếu bị cắn ở tay thì cố định bàn tay, cẳng tay, dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ người bệnh. Trường hợp bị cắn ở chân thì cố định bàn chân, cẳng chân, đùi. Có thể dùng dây vải hoặc băng vải cố định 2 chân lại với nhau. Khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu.

Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Điều đáng ngại là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ cho đến 90 phút sau khi chết. Đây là loài duy nhất trong họ nhà rắn lục có thể đẻ con. Rắn mẹ lúc mang thai rất hung dữ và độc lực của nọc thời điểm này rất mạnh.

Bác sĩ Đan khuyến cáo không được băng ép, không garot, không chích rạch, giác hút, đắp lá... lên vết rắn cắn. Các nghiên cứu khoa học chứng minh cho thấy những kiểu xử lý vết thương do rắn cắn như thế này không có lợi mà còn có thể làm nặng thêm các tổn thương tại chỗ như hoại tử, chảy máu, nhiễm trùng...

Các chuyên gia nhận định, rắn lục đuôi đỏ (hay còn gọi là rắn lục mép trắng, rắn lục tre) có vùng phân bố khá rộng, xuất hiện ở hầu hết các vùng rừng trong cả nước. Loài này sống chủ yếu trên cây, hoạt động vào ban đêm, ăn chuột, thằn lằn, ếch, nhái…

4-12-Anh-3-Ran-luc-duoi-do-can-9149-1417

Người phụ nữ này bị rắn lục đuôi đỏ cắn sưng tay. Ảnh: Trí Tín.

Theo Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, rắn lục đuôi đỏ sinh sản khá nhiều. Chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ từ 4 đến 14 con. Các loài thiên địch của chúng trong môi trường như cầy, cáo, chim bìm bịp bị săn bắt nhiều cũng làm gia tăng số lượng rắn. Mặt khác loài rắn này thịt hôi, không có giá trị kinh tế nên không được sử dụng làm thức ăn hay ngâm rượu thuốc, do đó chúng càng có cơ hội phát triển nhanh.

Giáo sư Huỳnh khuyến cáo, rắn lục đuôi đỏ không độc như hổ mang hay cạp nong, cạp nia, nhưng rất khó phát hiện. Chúng thường sống trong bụi cây, hang hốc và có màu xanh. Người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, khi đi ra ngoài vào ban đêm nên dùng đèn pin, đi ủng. Ngoài ra, có thể trồng sả, trồng nén hoặc nuôi chó, mèo quanh nhà để hạn chế rắn xuất hiện.

Thống kê của bệnh viện đa khoa các tỉnh miền Trung, hai tháng qua có ít nhất hơn 400 người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện cấp cứu. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã  yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tập trung cấp cứu, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn không để xảy ra tử vong. Trường hợp cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do rắn độc cắn, có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) theo đường dây nóng.

Viện Văcxin và Sinh phẩm y tế Nha Trang cũng đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ. Hiện ngành y tế các địa phương đang tập huấn, đào tạo lại về việc sơ cứu, cấp cứu, hồi sức, chống độc, chăm sóc người bị rắn độc cắn cho bác sĩ, điều dưỡng.

Theo các chuyên gia, loài rắn độc khi cắn người đều để lại hai dấu vết răng nanh. Tuy nhiên vết cắn của rắn lục đuôi đỏ gây bầm nhanh, sưng phù nề, nọc độc gây rối loạn hệ tuần hoàn, có thể gây hoại tử da thịt. Nếu không biết cách sơ cứu kịp thời dễ có nguy cơ ngưng tim, ngưng thở dẫn đến tử vong. Còn các loại rắn độc khác cắn người ít gây bầm vết thương, nọc độc tác động trực tiếp đến hệ thần kinh khiến tử vong nhanh.   

                      Trí Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét